Cái tin Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy sáng nay làm mình bần thần. Lần đến được với nơi ấy là năm 2011. Lúc đó Tin mới chín tuổi. Lần đầu tiên cả nhà đến với châu Âu, mà bên cạnh kiến trúc đẹp ngỡ ngàng trong một không gian hài hòa của châu Âu nói chung, ấn tượng còn là mênh mang những ngôi giáo đường đẹp như trong những giấc mơ nào đó của thời quá khứ…
Mình vốn gần đạo Phật hơn, do từ nhỏ đến lớn trong nhà mình có truyền thống thờ cúng ông bà và bà ngoại rồi mấy mẹ con cũng thi thoảng đưa nhau đi chùa… Thế nhưng tụi mình không vì thế mà tự cách mình xa khỏi những phần đẹp đẽ còn lại của các tôn giáo khác. Ba thành viên trong gia đình nhỏ của mình, hữu duyên sẽ lại tìm dịp để đến với những ngôi giáo đường cổ kính, để ngắm ngợi những đường nét hoa văn đẫm màu thời gian và thắm đượm những năng lượng tinh và lành mà có lẽ, hàng triệu tín đồ thuần thành đã mang theo trái tim thuần khiết khi họ tìm đến những nơi ấy… Để rồi, mình thấy mình thực sự cảm thụ được trường năng lượng đặc biệt nhẹ nhàng ở những nơi đó, và những giây phút mình ngồi yên, tĩnh tại tại đó cũng là một trong những thời khắc mình yêu và mong mỏi nhất.
Vậy thì trong bản thân đạo Phật, mình và gia đình cũng không thấy mình phân biệt gì giữa các nhánh các phái khác nhau trong bản thân Phật giáo. Từ chỗ rất mơ hồ, theo duyên mở ra, mỗi ngày mình càng có dịp tìm hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa Phật giáo Nguyên Thủy, Phật giáo Đại Thừa, rồi Phật giáo Mật Tông…, ba nhánh lớn của Phật giáo. Rồi mình thấy mình thương được mỗi nhánh đó hết, mỗi nhánh đều có chỗ hay cho mình tham khảo và học hỏi. Và vì thế, mình sẵn sàng đọc các bài Chú Đại Bi hay Chú Lăng Nghiêm, Chú Vãn Sanh, Chú Dược Sư, Bát Nhã Tâm Kinh… của phái Đại Thừa; mình cũng vô cùng yêu bài Kinh Từ Ái và câu niệm “Araham…” của phái Nguyên Thủy… Cho nên, bạn cũng đừng ngạc nhiên, khi có dịp đến với đất Tây Tạng lần đầu tiên cách đây ba năm, mình cũng yêu luôn những giá trị mà Mật Tông mang đến, yêu câu Lục tự Đại ngôn Minh chú “Om Mani Padme Hum” của Mật tông cùng những bản Mantra hay những vật phẩm hỗ trợ năng lượng đặc trưng của Mật Tông. Có thể nói, với mình, mỗi một nhánh của một tôn giáo đều hoàn toàn là những cánh hoa đẹp, làm nên một bông hoa chung là những điều tốt đẹp giúp con người ta vượt qua những muộn phiền ắt có của đời sống nơi cõi trần, để đạt được sự bình an tương đối trong tâm hồn mà bình tĩnh vượt qua chương đời này… Có thể đứng từ quan điểm của nhánh phái này nhìn sang những nhánh khác sẽ cảm thấy những điều dị biệt, thậm chí bất hợp lý… Nhưng khi giữ ta đứng ở ngoài ngắm vào, hoặc từ tận trong cái nhụy mà nhìn ra, phải chăng ta sẽ thấy cái gì không phù hợp ta chỉ đơn giản bỏ qua. Tội tình chi phải giữ cái ‘chấp’ mình đúng người sai để khăng khăng chỉ cảm thụ cái gì đẹp ‘của riêng nhà mình’, phải không nè… 😊
Và giữ tâm thế hồn nhiên cảm thụ đó, thực sự mình đã ‘mắt tròn mắt dẹt’ khi được tiếp cận với Phật giáo Mật Tông Tây Tạng. Thực sự rất nhiều cái lạ mắt lạ tai, lạ cả cảm giác khi tiếp xúc, từ hệ thống tranh tượng đến cấu trúc đền chùa, rồi các ‘nhân vật’ được thờ cúng… Quá nhiều thứ để cảm nhận cùng cảm nghiệm. Lần đầu tiên đi, chưa hiểu được nhiều. Nhưng đó là những tiền đề để về mình sinh hứng thú, tìm hiểu thêm… Lần thứ hai trở lại, cảm nhận được thêm nhiều. Và tháng 3 vừa rồi, đủ duyên để đến đất nước Bhutan, mình thú vị nhận ra, à, hóa ra Mật Tông không chỉ là ‘đặc sản’ của riêng vùng Tây Tạng. Mà dường như nó đã là một nét văn hóa – tín ngưỡng đặc sắc của nhiều quốc gia và vùng đất dọc dài theo dãy Himalaya bao gồm cả vùng Tây Tạng, Bhutan, một số vùng ở Ấn Độ như Sikkim… với nhiều nét tương đồng đầy thú vị, mà mình sẽ chia sẻ trong một số bài viết sắp tới đây. Hy vọng cũng giúp được ít nhiều cho những ai yêu mến tìm hiểu về các nhánh của Phật giáo và muốn khám phá những điều hay trong Mật tông vùng Himalaya nói riêng.
Sau chuyến đưa khách sang Tây Tạng vào dịp lễ 30/4 tới đây, đầu tháng 6, nhà MayQ Go sẽ tiếp tục mở một đợt thứ hai đưa khách đến với trục đường thủ phủ Lhasa – Shigatse – Gyantse… và thánh hồ Namtso đặc biệt linh thiêng trong lòng tụi mình. Cùng lúc đó, vào 5-9/6 tới, MayQ Go cũng mở một tour đầu tiên ‘theo đặc thù kiểu nhà MayQ Go’ để đưa khách đến Bhutan. Chuyến này thì bạn Quỳnh Hương đích thân đưa đoàn đi, nên bạn nào muốn cùng khám phá tính thiêng liêng trong tín ngưỡng Mật Tông Tây Tạng có thể cân nhắc chọn tham gia một trong hai tour này của nhà MayQ Go nhen! Cũng thật là đáng để trải nghiệm một lần đó!
Hẹn gặp lại các bạn các ngày tới trong bài viết Phần 2 của Mật Tông vùng Himalaya, mà bạn QH sẽ viết chi tiết hơn về lịch sử phát triển Mật Tông của vùng Himalaya. Nếu không có gì thay đổi, Phần 3 mình sẽ viết về Đức Liên Hoa Sinh – một nhân vật có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Mật Tông; và phần tiếp theo nữa, mình sẽ thử so sánh giản lược giữa hai vùng đất: Tây Tạng và Bhutan, cho những ai quan tâm khám phá những vùng đất này có cơ sở để cân nhắc thêm nhé!
-QH-