📍Nhớ hồi đó được dịp sang Ấn Độ, mới được biết rõ ràng hơn về con đường thành đạo của thái tử xứ Ca Tỳ La Vệ, Tất Đạt Đa, để sau này Ngài trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, người đặt nền móng và sáng lập ra Phật giáo. Thời điểm đó cách đây gần 2.600 năm. Lại cảm thấy, những gì mình cảm nhận từ Phật giáo thời Đức Phật Thích Ca tại thế lại có vẻ… không hoàn toàn giống với Phật giáo đang phổ biến ở Việt Nam, lại càng khác rất xa so với hệ thống tranh tượng của Phật giáo mà mình đã được chiêm ngắm hồi đi Tây Tạng. Thế là từ từ tìm hiểu, mới ngộ ra, à, thì ra trong Phật giáo lại có nhiều nhánh nhiều pháp môn khác nhau như vậy.
Qua đó, Phật giáo thời Đức Phật Thích Ca có thể được xem là mang tính ‘cách mạng’ mãnh liệt thời bấy giờ, bởi vì Đức Thích Ca Mâu Ni đã dùng lý luận và trải nghiệm của chính mình để chống lại tư tưởng của đạo Bà la môn đang chiếm ngự gần như toàn lãnh thổ Ấn Độ cổ đại biết bao lâu trước đó. Theo đạo Bà la môn, mỗi người sinh ra đều có số phận, nên khuyên mọi người hãy cam chịu số phận của mình và lắng nghe theo sự sai khiến của các vị thần. Đức Phật khởi dậy một tinh thần mới, với quan điểm “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” (Trên trời dưới đất chỉ có con người là quyết định). Quan điểm này khẳng định không có những thế lực siêu nhiên nào, mà do chính con người tự chịu trách nhiệm những hệ quả do chính mình gây tạo ra từ vô lượng kiếp, vận hành theo ba quy luật: Vô thường (không có gì là mãi mãi), Vô ngã (vạn vật vận hành không theo ý muốn chủ quan của con người) và Nhân duyên (phải hội đủ duyên thì Quả mới kết từ Nhân).
Khoảng năm trăm sau khi Đức Phật qua đời, tại Ấn Độ bắt đầu có sự phân nhánh trong Phật giáo. Phái vẫn muốn giữ vẹn nguyên những giáo lý chính thống từ thời Đức Phật tại thế được gọi là Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) hay Tiểu thừa (Hinayana – Bánh xe nhỏ). Đây là trường phái chủ yếu hướng đến sự giác ngộ dẫn đến giải thoát cho bản thân. Phái thứ hai là Đại thừa (Mahayana – Bánh xe lớn) hướng đến sự giúp đỡ, giác ngộ thêm cho chúng sanh quanh mình bên cạnh việc giác ngộ, giải thoát cho bản thân.
Hai phái này song song tồn tại được nhiều trăm năm. Sau đó, do đặc thù thiên nhiên vùng Ấn Độ quá khắc nghiệt, tự thân nhiều người không thể chống chọi nổi những thử thách do thiên nhiên mang đến. Con người ta lại bắt đầu có khuynh hướng ngả về nương nhờ sự trợ giúp của các lực lượng siêu nhiên như các vị thần, Phật. Giai đoạn sau của Phật giáo Đại thừa, Mật giáo – hay còn gọi là Mật tông thành hình, là sự kết hợp giữa một nhánh Đại thừa Ấn Độ với Bà-la-môn giáo, Ấn Độ giáo từ sau thế kỷ thứ 7 sau công nguyên, và có đặc trưng là có sự tổ chức hóa cao độ các chú thuật, nghi thức, tín ngưỡng dân gian.
Ngoài tên gọi Mật tông/Mật giáo (Esoteric Buddhism), trường phái này còn có khi được gọi là Chân ngôn thừa (Mantra-yana), Trì minh thừa (Vydia-dhara-yana), Mật thừa (Esoteric-yana), Quả thừa (Phala-yana), Kim cang thừa (Vajra-yana)… Vì sao có tên Mật tông hay Chân ngôn tông? Vì Mật tông tự xưng là được truyền thụ giáo chỉ uyên thâm của Pháp thân Phật Tì-lô-giá-na (Maha-vairocana, Đại Nhật Như Lai).
📍 PHÂN BIỆT HIỂN TÔNG – MẬT TÔNG:
Nói là Mật – nghĩa là Kín, bí mật, có nghĩa là hẳn sẽ có một trường phái đối lập là Hiển (rõ ràng, công khai). Theo cuốn Mật tông Phật giáo (NXB Tôn Giáo), tùy theo tính chất của hoạt động và mục đích, tôn chỉ, Phật giáo được chia thành hai dạng chính: Hiển tông và Mật tông. Sau đây là một số điểm khác biệt căn bản giữa hai dạng này:
🔺Hiển tông là tất cả các kinh điển mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (ứng thân Phật) thuyết giảng; trong khi Mật tông là đại pháp bí mật mà Đức Phật Đại Nhật Như Lai (pháp thân Phật) trực tiếp truyền.
🔺 Hiển tông chủ trương công khai truyền đạo, hoằng pháp, dạy người tọa thiền, ngộ đạo, “tu thân gần Phật”; còn Mật tông chú trọng truyền thừa, chân ngôn, mật chú để “tức thân thành Phật” – tức là có thể thành Phật ngay trong đời này với thân này.
🔺Điển tịch của Hiển tông chủ yếu là Kinh, Luật, Luận; còn Mật tông thì ngoài những điều đó ra, còn có Tụng, Tán, Pháp, Chú, Nghi quỹ, Du-già, Khế ấn…
🔺 Học Hiển tông thì “Nếu có thể dùng Bát-nhã chân chính để quán chiếu, thì trong một sát-na, vọng niệm đều diệt. Nếu biết tự tánh, thì vừa ngộ là đến ngay Phật địa” (Đàn kinh). Học Mật tông thì phải được đạo sư trực tiếp truyền thụ, tuân thủ nghiêm ngặt các nghi quỹ, toàn bộ quá trình đều có trình tự tu tập nhất đinh, không thể vượt cấp tùy ý.
📍 CÁC THỜI KỲ PHÁT TRIỂN CỦA MẬT TÔNG:
Toàn bộ quá trình từ khi ra đời đến khi chiếm vị thế chủ đạo của Mật giáo Ấn Độ có thể chia làm 03 thời kỳ:
1️⃣ Giai đoạn sơ kỳ, là thời kỳ Cổ Mật giáo, còn gọi là Tạp bộ Mật giáo:
Giai đoạn Cổ Mật giáo, về đại thể tương đương với thời kỳ Phật giáo nguyên thủy vãn kỳ và thời kỳ Phật giáo bộ phái. Và cũng ngay trong thời kỳ này đã manh nha xuất hiện những hình thái đầu tiên của Mật tông sau này.
Chú thuật vốn là một loại tín ngưỡng nguyên thủy cổ xưa lưu truyền phổ biến trong dân gian Ấn Độ. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi sáng lập Phật giáo đã có thái độ phản đối, bài xích các loại chú thuật, mật pháp này. Thế nhưng về sau, quy mô giáo đoàn Phật giáo ngày càng lớn dần, không ít tín đồ Bà la môn giáo cũng gia nhập Phật giáo, tạo ảnh hưởng đến Phật giáo. Trong Kinh Tạp A-hàm của thời kỳ Phật giáo bộ phái có ghi lại, một số chú thuật đã được Phật giáo sử dụng như Trị độc chú để trị rắn cắn, Trị xỉ thống chú để trị đau răng, Phòng hộ chú để bảo vệ bản thân… Nhưng vào thời đó, các loại ‘Mât pháp ác chú’ đã gây cản trở các tín đồ Phật tu hành, được liệt vào phạm vi nghiêm cấm của Phật giáo. Nhưng cuối cùng, chú thuật cũng đã mở ra cánh cửa lớn cho Mật giáo. Sau đó, kinh điển Phật giáo hấp thu Tán ca Veda được phổ biến trong dân gian, làm thành ‘thần chú’ cho Phật giáo tại Ấn Độ thời kỳ này. Sau này lại mô phỏng Tán ca để chế thành minh chú Phật giáo, soạn ra Minh Chú Tạng. Đây là tạng “Chân ngôn mật chú” được biên soạn ngoài ba tạng Kinh, Luật, Luận.
Kế tiếp theo Minh Chú Tạng, trong Phật giáo lại xuất hiện Phòng Hộ Tạng, xuất hiện đầu tiên trong Phật giáo tại phương Nam xứ Ấn cổ. Họ đã hấp thu quỷ thần chư thiên của tín ngưỡng dân gian, biến thành các ‘thần Bảo hộ’ của Phật giáo, dùng “Phòng hộ chú” làm mật pháp để liên lạc với quỷ thần để trừ họa cầu phúc. Phật giáo thời kỳ này nhuốm đậm sắc thái mật pháp, tuy nhiên mật pháp lúc này mới chỉ là phương pháp hỗ trợ tu hành của một số tín đồ Phật giáo, chưa được hình thành thành một hệ thống giáo nghĩa riêng tương đối độc lập.
2️⃣ Giai đoạn trung kỳ, là thời kỳ Thuần túy du-già Mật Giáo, hay còn gọi là Chính thuần Mật giáo:
Từ sau thế kỷ thứ 6-7 sau CN, Phật giáo đại thừa bắt đầu Mật giáo hóa, cũng có nghĩa là Một giáo đã bước vào con đường phát triển độc lập, tồn tại như một hệ tư tưởng độc lập. Lý do là vì trước đó, vào khoảng thế kỷ thứ 4-5, vương triều Gupta tại Ấn Độ đã xuất hiện Ấn Độ giáo. Ấn Độ giáo mang lợi thế rất lớn là có gốc rễ từ Bà la môn giáo, lại hấp thu thêm một số điều hay lẽ phải từ Phật giáo, hệ thống giảng dạy luân lý đơn giản rõ ràng, lại kết hợp với những quan niệm tôn giáo truyền thống nên được xã hội tiếp nhận rộng rãi. Trong khi đó, Phật giáo Đại thừa thời kỳ này có hệ thống giáo nghĩa uyên thâm, khó tiếp cận, nên dần dần bị mất dần đi sự tín ngưỡng của quần chúng. Tình thế này khiến cho Phật giáo Đại thừa phải mở rộng cánh cửa, hấp thu một số giáo nghĩa mà trước đây từng quy kết là “ngoại đạo”. Bên cạnh đó, Phật giáo Đại thừa tiến hành chỉnh sửa giáo nghĩa, nhấn mạnh ‘từ bi chúng sinh’, sáng tạo ra khái niệm Bồ tát, chỉ những người đạt đến Niết Bàn mà vẫn chọn ở lại thế gian để giúp đỡ tất cả chúng sinh đang khổ nạn. Chính nhờ điều này mà Phật giáo Đại thừa mang nền giáo nghĩa mới giản dị hơn, được nhiều người tiếp nhận hơn.
Nhờ vào khái niệm Bồ tát, người ta có thể nhờ vào tín ngưỡng đơn thuần, hướng đến Bồ tát, niệm kinh và cầu phúc sẽ được phúc. Tăng sĩ từ chỗ là người thuyết giảng giáo nghĩa phức tạp, trở thành những người trung gian kết thông giữa con người và Bồ tát, mang tính chất của những thuật sĩ hoặc vu thần. Hơn nữa, Bồ tát tiếp cận con người có tính chất ‘nhiễm’. Những điều này là những nhân tố quan trọng làm cho Phật giáo Đại thừa thời kỳ này tại Ấn Độ dần dần đi theo hứng Mật giáo hóa, tạo nên Chính thuần Mật giáo, chính là thời kỳ thứ hai. Lúc này, chân ngôn mật pháp đã trở thành yếu tố đặc sắc, độc đáo và là ‘chân tủy’ của Phật giáo Đại thừa tại Ấn Độ. Đầu thế kỷ thứ 7, Mật tông đã hưng thịnh trong xã hội Ấn Độ, nhiều Mật điển, Mật pháp đã xuất hiện.
3️⃣ Giai đoạn vãn kỳ, là thời kỳ Mật giáo phân hóa thành Kim cang thừa, Thời luân giáo:
Chính thuần Mật giáo tiếp tục phát triển rồi phân hóa thành Kim Cang thừa/Kim Cương thừa và Thời luân giáo, còn gọi là Tả đạo Mật giáo của Mật giáo vãn kỳ. Đầu thế kỷ thứ 8, Mật tông được truyền đến các nước lấy Nam Ấn làm trung tâm, đạt đến thời kỳ phát triển cao độ. Thời này, Mật tông đã có toàn bộ giáo nghĩa Phật giáo Đại thừa, đồng thời hấp thu các đặc điểm chư thần tín ngưỡng dân gian, hình thành tổ chức mạn-đà-la (mandala). Nửa cuối thế kỷ thứ 8, Mật tông truyền đến Đông Ấn, lúc này đã phân hóa và hình thành Kim cang thừa, có liên hệ mật thiết với Tính lực phái của Ấn Độ giáo. Sau đó, Mật tông thể hệ hóa Kim Cang thừa vốn đã thế tục hóa, đại chúng hóa, từ đó hình thành Thời luân giáo. Đến lúc này, toàn bộ hình thái của Mật tông đã được hình thành.
(22.4.2019 – QH tổng hợp dựa trên tư liệu Mật Tông Phật giáo, tủ sách Bách khoa Phật giáo, NXB Tôn giáo, 2008).