Search
Close this search box.

BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG: MỘT NGUỒN NĂNG LƯỢNG ĐẸP NHẤT ẤN ĐỘ

Đoàn MayQ Go tại Tháp Đại Giác, Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ trong hành trình Tứ Động Tâm

BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG – MỘT TRONG NHỮNG NƠI CÓ NGUỒN NĂNG LƯỢNG ĐẸP NHẤT TẠI ẤN ĐỘ 

Nhớ lần đầu tiên bỡ ngỡ đặt chân sang đất Gaya, lúc ấy thật tình ngơ ngác lắm. Trời đầu tháng ba, đã nóng oi oi. Quá xế trưa, vẫn thật đông người ngồi xếp thành từng nhóm có hàng có lối, đoàn này nối đoàn khác. Nhiều đoàn tụng kinh bằng vô số thứ tiếng khác nhau, bằng đủ kiểu ngữ điệu khác nhau, du dương trầm bổng. Nhiều người quỳ sụp lạy hướng về Tháp Đại Giác, là ngôi tháp chính, nằm giữa trung tâm Bồ Đề Đạo Tràng. Rất nhiều người khác chỉ ngồi bất động, mắt nhắm nghiền. Dường như thế giới xung quanh không có điều gì có thể làm ảnh hưởng đến họ. Nhiều người còn quây sẵn cả một cái ‘mùng’ trắng nhỏ, phòng côn trùng quấy nhiễu. Chắc là họ ngồi ở đó nhiều giờ đồng hồ…

Cho tới bây giờ, mình đã đặt chân đến Bồ Đề Đạo Tràng chắc được gần chục lần. Cái cảm giác thân thương dấy lên từ lúc bước chân qua khỏi ngõ kiểm soát an ninh. Bước dài trên lối dẫn vào thênh thang, sạch sẽ tinh tươm…, cái cảm giác vô cùng khác so với những gì xộc xệch nhếch nhác có thể bắt gặp đâu đó, trong suốt những hành trình dọc dài các tỉnh nghèo Ấn Độ.

Bồ Đề Đạo Tràng, thực sự như một thế giới độc lập, hoàn toàn khác.

Không có sự hào nhoáng, hoặc lộng lẫy như trông thấy trong một số kiến trúc chùa dát vàng trên mái ta có thể thấy đâu đó ở một số nước Đông Nam Á. Tài sản lớn nhất của Bồ Đề Đạo Tràng chính là… cội bồ đề già hàng trăm tuổi, cùng Tháp Đại Giác uy nghi, sừng sững thu hút mọi người bất kể ngày đêm.

Tháp Đại Giác là một công trình bằng gạch cổ, tạo tác với hàng ngàn những pho tượng nhỏ tinh xảo và những câu chuyện khác nhau mô phỏng cuộc đời hành đạo của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dọc dài từ chân lên đỉnh tháp cao 55 mét… Chỉ cần đi một vòng thật chậm quanh tháp, bạn sẽ có thể ngắm từng đường nét, từng pho tượng nhỏ khắc trên thân tháp thật sống động. Dưới ánh mặt trời, toàn tòa tháp như có khả năng phát ra ánh sáng, rạng rỡ. Dưới bầu trời đêm, tháp sâu thẳm, huyền bí, như mang theo những thăng trầm của lịch sử. Tháp chuyên chở cái hồn thiêng của nơi thánh tích thiêng liêng nhất trong bốn cụm đại thánh tích của Phật giáo trên thế giới. Nơi này từng chứng kiến những ngày tháng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi tĩnh tâm dưới cội bồ đề…, để rồi sau đó, Ngài đắc đạo, để lại cho hậu thế một kho tàng những giá trị và triết lý sống tuyệt vời.

Tháp Đại Giác là một công trình do Vua A Dục (Ashoukan) tạo dựng nên khoảng hơn 200 năm sau khi Đức Phật tạ thế, để ghi nhận công lao của Ngài. Nhìn những dòng người nườm nượp ngược xuôi kéo nhau vào hành lễ ở tháp hay đi kinh hành quanh tháp, bạn sẽ cảm thấy thật khó tin khi biết rằng chỉ cách đây non một thế kỷ rưỡi, tháp này từng nằm trong vô định, và thậm chí…, ngay trên Đất Phật, người ta cũng không nhớ Đức Phật là ai! Tất cả là một câu chuyện nghe vừa xót xa vừa thương cảm cho số phận thăng trầm của Phật giáo ngay chính trên mảnh đất khởi thủy ra nó, lại vừa đong đầy cảm phục đối với những người không có gốc gác gì với xứ Ấn, đã bằng tấm lòng và cả sự kiên trì, nhẫn nại của mình, khôi phục lại cả một lịch sử tưởng chừng bị lãng quên.

Đó là người sĩ quan người Anh, Alexander Cunningham, người đã được điều sang Ấn Độ và đã đem lòng yêu những giá trị cổ xưa nơi đây. Để rồi từ những vết tích hoang vu ban đầu vào nửa sau thế kỷ 19, ông đã dùng những năm tháng dài của phần sau cuộc đời mình cùng các đồng sự khơi dậy, ráp nối với những gì đã được ngài Trần Huyền Trang ghi chép thật tỉ mỉ trong quyển Đại Đường Tây Vực Ký của mình…, rồi từ đó mà khai quật lại từ từ, phục hồi dần từ trong đống đổ nát…

Đó là ngài Trần Huyền Trang, bằng lòng kính ngưỡng Đức Phật vô biên và lòng trân trọng với Phật pháp, cả với đức tính cẩn trọng, hay ghi chép của người Trung Hoa, ngài đã để lại cho đất nước Ấn Độ một di sản vô giá bằng những bài ký của ngài…, mà nếu không, có thể lịch sử cổ đại Ấn Độ chỉ là một khoảng không đầy huyền thoại, bởi người Ấn không có thói quen ghi chép!

Đó là Vua A Dục, vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Ấn Độ, cũng là người có công lớn trong việc dựng nên những vết tích cụ thể để hậu thế có cái để chứng minh rằng ‘Đức Phật’ là một con người có thật trong lịch sử, chứ không phải là nhân vật huyền bí, do tín ngưỡng dựng nên; và con đường Ngài đi để tìm ra ánh sáng Phật pháp cũng là một con đường đầy gian khó và thử thách cùng hy sinh, mà bất cứ ai cũng phải nghiêng mình ngưỡng mộ!

Cũng Vua A Dục là người có công lưu giữ những nhánh bồ đề từ cội bồ đề gốc nơi Đức Phật từng ngồi thiền định, cho các con trai con gái mang sang Sri Lanka để trồng, nhờ đó mà khi cội gốc bị đốn hạ bởi sự tàn phá của các thế lực đối lập, ông đã cho con mang nhánh trở về, trồng trở lại trên chính mảnh đất ấy… Để rồi hàng trăm năm sau, hậu thế như chúng ta – hàng triệu người trên thế giới tìm về, chỉ để có những ước muốn thật giản đơn: được lễ lạy pho tượng Phật cổ có từ thế kỷ thứ 2 bên trong gian Tháp Đại Giác, và được ngồi tĩnh tâm dưới cội bồ đề già…

Đã đến nhiều lần, nên mình có cơ hội được ngắm toàn thể Bồ Đề Đạo Tràng trong những góc nhìn tỉ mỉ, chi tiết hơn hẳn. Một không gian rộng thênh thang với rất nhiều những cụm tháp lớn nhỏ, đều được chạm khắc tinh tế, tỉ mỉ. Và rất nhiều cây xanh, chủ yếu là bồ đề. Nghe rằng cây bồ đề trước đây không phải mang tên… “cây bồ đề” như bây giờ. Nhưng do đặc tính của loài cây này là xanh quanh năm, lại luôn thải ra được khí oxy bất kể ngày đêm rất có lợi cho người thiền, nên sau khi Đức Phật thành đạo, khởi bồ đề tâm, cây ấy cũng đã hân hạnh được khoác lên mình tên gọi mới. Người ta bảo rằng lá bồ đề ở cội ‘bồ đề gốc’ (là con cháu của cây gốc) quý giá lắm, nếu bạn đến mà nó vô tình rơi một chiếc lá xuống đâu đó gần bạn hoặc trên người bạn, hãy biết chiếc lá đó dành cho mình, cho ước mơ nào mình đang thiết tha nghĩ đến ngay lúc đó, là một dạng ‘tín hiệu’ để báo rằng lời nguyện cầu của mình sẽ đạt thành.

Ngẫm nghĩ, a…, có khi nào chính ba chiếc lá rụng này là ‘tín hiệu’ để dẫn dắt mình và team MayQ Go… sau đó mở hẳn được những chuyến bay thẳng đến Đất Phật này không? Cho đến nay đã dần hình thành được chuyến thứ chín, thứ mười rồi? ^^ :))) Chớ hồi đó ngồi đó, kính cẩn ép mấy chiếc lá vào trong quyển kinh chú trợ duyên… được người ta tặng, trong lòng như tờ giấy trắng, hoan hỉ cảm nhận “lá rơi vì mình” chứ chưa bao giờ nghĩ… trọng trách vô cùng to lớn cũng sẽ… rơi vô người mình như vậy ^^ ^^ ^^

Ở Bồ Đề Đạo Tràng, bạn luôn cảm nhận được một trường năng lượng thật thanh lành, an yên. Cảm giác thanh lành, an yên này thật khó mô tả chính xác nó được lảy ra từ đâu… Có lẽ là từ chính những chỏm tháp lớn và nhỏ, những cội cây già, rất nhiều hoa sen hoa súng, hoa hồng hoa nhài hoa vạn thọ… mà muôn phương vẫn đang trang trí bằng tấm lòng lên hầu như mọi chi tiết trong khuôn viên đạo tràng. Có lẽ từ chính những gương mặt hiền lành, từ ái của rất nhiều chư tăng ni và quý Phật tử trong nhiều sắc trang phục khác nhau, nhiều dáng người khác nhau. An yên trong cả từng làn gió, từng giọt không khí đang lan tỏa xung quanh…, mà ta không thể nhìn bằng mắt thường, chỉ có thể cảm nhận bằng tất cả giác quan!

Những chú chó cũng là những ‘đối tượng’ được đặc biệt để ý và yêu mến tại Bồ Đề Đạo Tràng. Chó ở đây rất dạn người, thường xuyên len vào nằm dụi sát vào người khách thập phương đến viếng để tìm hơi ấm. Tới đây, bạn có thể yên tâm vỗ về, thậm chí ủ các bévào lòng trong một thời khắc, để mang đến cho các bé những cảm giác về sự ủi an… Anh bạn cùng đi chuyến vừa rồi với mình kể lại, cả đêm hôm đó anh hy sinh những phút giây ngồi tĩnh thiền, do có một chú chó quá đáng yêu cứ đến ngồi cạnh và nhìn anh với cặp mắt rất… ‘thay lời muốn nói’. Và thế là anh… cầm lòng không đậu, anh kéo chú chó đó đến trước gian thờ bên dưới cội bồ đề, anh… cầu nguyện cho nó sớm thoát kiếp chó mà đời sau lên được làm người.

Đến Bồ Đề Đạo Tràng, bạn sẽ cảm nhận được sự tấp nập của một xã hội thu nhỏ. Rất nhiều hoạt động diễn ra song song, vừa náo nhiệt, lại vừa mang qui củ một cách kỳ lạ. Nếu bạn có thời gian, hãy đi thiền hành một trong ba vòng Tiểu – Trung – Đại xung quanh đạo tràng. Vòng Tiểu là vòng xung quanh Tháp Đại Giác, là vòng mà nhiều người chọn đi nhất. Vòng Trung lớn hơn một chút, là vòng bao quanh cả cội bồ đề cùng một số kiến trúc phụ xung quanh. Vòng Đại là vòng ôm sát vòng rào bằng cây lá nhỏ, nơi bạn không cần phải bỏ dép ra, cứ thế mà hòa mình vào dòng người đang kinh hành hối hả theo chiều kim đồng hồ bên trên. Bạn sẽ nhận ra sự khác biệt của một số pháp môn trong nội bộ Phật giáo, ngay tại vỏn vẹn nơi này. Nét khác biệt thể hiện ngay trong cách đi, cách đứng, cách ngồi tụng niệm và cả cách lạy nữa…

Ở phía sau khu cây bồ đề ‘gốc’, có rất nhiều tấm phảng gỗ để đệ tử phái Mật Tông về lạy Phật. Mà cách lạy của họ cũng thật bỏ nhiều công sức, phải nằm bò sát người dưới phảng, chỏ – vai, mặt, thân, hai gối cần tiếp sát đất. Đây là kiểu lạy từng làm mình sửng sốt khi chứng kiến người dân lạy quanh đền Jokhang ở Tây Tạng. Và dường như, để chính thức được công nhận là một đệ tử Mật tông và được truyền thừa những giá trị nhất định, các đệ tử cần phải lạy đủ số bao nhiêu ngàn lần quỳ lạy như vậy… Nhưng nhìn cách họ mướt mồ hôi trong thời tiết giá lạnh, tự nhiên thấy vừa thương vừa nể phục hết sức.

Ở Bồ Đề Đạo Tràng, bạn còn tìm thấy một am nhỏ, nơi duy nhất trên toàn Ấn Độ thờ cả gia đình bao gồm bố mẹ Đức Thích Ca Mâu Ni, bao gồm vua cha Tịnh Phạn, mẹ ruột: hoàng hậu Maya, người nuôi dưỡng Ngài sau khi mẹ ruột Ngài qua đời: bà Kiều Đàm Di Mẫu… Chiếc am nhỏ này nằm ngay bên trái đường cầu thang chính dẫn xuống tháp Đại Giác, không phải ai cũng chú ý, bạn nhớ ghé qua nha!

Phía bên trái của đạo tràng có một Vườn Thiền rất thanh tịnh và rất đẹp, trong đó có nhiều hoa, và đặc biệt có hai chiếc Đại hồng chung, một từ Tây Tạng, một từ Việt Nam ta cúng dường sang. Buổi sáng, chiếc Đại hồng chung ngân nga, như lan tỏa thanh âm khắp bốn phương…, càng làm tâm hồn ta thanh tịnh.

Đến Bồ Đề Đạo Tràng, bạn sẽ nhìn thấy những bản nhỏ ghi rõ những nơi Đức Phật từng trải qua trong suốt bảy tuần thành đạo. Nghe lời mình, chịu khó lắng nghe và ngắm kỹ những nơi này, bạn sẽ cảm nhận những gì Đức Phật thu hái được qua hành trình bảy tuần ngẫm ngợi thực sự thuận tự nhiên, thực sự khoa học và rất ‘đời’, rất thực tế, rất thuyết phục!

Và đến Bồ Đề Đạo Tràng, hãy dành thời gian khám phá từng ngóc ngách nhỏ từ nhiều góc khác nhau của khuôn viên thênh thang, bạn sẽ thấy đầy thú vị với rất nhiều bất ngờ nho nhỏ!

Bồ Đề Đạo Tràng, từ lần đầu tiên bỡ ngỡ cho đến gần chục lần mình quay tới lui nơi này, xác định vẫn là một trong những nơi có trường năng lượng đẹp nhất trong toàn bộ bốn cụm đại thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ – Nepal.

Bồ Đề Đạo Tràng – có lẽ không phải với chỉ riêng mình mà còn với hàng triệu người dân khác nữa trên toàn thế giới, là một chỗ thân thương, nơi người ta thực sự muốn tìm đến, và sau lần đầu tiên đi đủ nơi làm đủ nghi thức, những lần sau, người ta chỉ có nhu cầu đến đó, ngồi im, hít thở nhẹ – rồi về…

Có lẽ khuôn khổ một bài viết – cho dẫu nó đã gần 3.000 chữ rồi, vẫn không thể nào lột tả được hết cái thần thái và cảm xúc, cùng trường năng lượng đặc biệt ở Bồ Đề Đạo Tràng. Thôi thì, ai hữu duyên hãy một lần đến, và cảm nhận.

(QH)


ĐẠI CỘNG HƯỞNG ẤN ĐỘ – NEPAL THÁNG 11/2023

HÀNH TRÌNH TỨ ĐỘNG TÂM: THEO DẤU CHÂN PHẬT 

Thời gian: 28/11/2023 – 03/12/2023 (06 ngày 05 đêm)

Phương tiện: Máy bay

Địa điểm: Ấn Độ – Nepal

Chi phí: 39.990.000 VND/khách (ĐÃ BAO GỒM PHÍ VISA ẤN ĐỘ – NEPAL)

Hạn cuối đăng ký: 15/05/2023

Hạn cuối đăng ký có thể kết thúc sớm hơn ngay khi MayQ Go nhận đủ số lượng khách.

Bạn nào có nhu cầu tham gia, vui lòng liên lạc trực tiếp với team MayQ Go tại các phương án liên lạc sau đây nhen:

LIÊN HỆ: MayQ GO hoặc Hotline/Zalo/Viber: Mr. Nam – 0947 538 008

 

Chia sẻ:

Bài Viết Liên Quan