Bảy ngày ở Tây Tạng qua nhanh như một giấc mơ, và vì phải lo cho cả đoàn nên mãi đến khi ngồi trên máy bay quay về Trùng Khánh để nối chuyến về Sài Gòn, mình mới có thời gian để gõ tiếp những dòng chữ này, ghi lại những nơi chốn linh thiêng đẹp đẽ, những cảnh quang hùng vĩ, những con người đáng yêu,… mà chúng mình đã gặp, đã chiêm ngưỡng và đã tiếp xúc trong những ngày qua.
Lần này chúng mình đến viếng Potala vào buổi chiều. Cung điện Potala hiện ra sừng sững oai nghi giữa vùng trời xanh ngắt làm cả đoàn xuýt xoa. Thế nhưng cái nóng của những ngày tháng Tám làm một số thành viên trong đoàn chùn bước khi biết sẽ lêo lên 11 tầng của cung điện. Chúng mình động viên nhau, cuối cùng chỉ một số ít người do chân đau không leo lên được ở lại, còn những thành viên khác cùng dắt tay nhau đi lên.
Nếu Jokhang Temple được coi là điểm đến tâm linh Phật giáo thì Potala lại là viện bảo tàng sống động nhất cho văn hoá Tây Tạng. Công trình mang biểu tượng quyền lực gắn liền với các đời Tạng Vương và Đạt Lai Lạt Ma. Potala Palace hay Bố Đạt La cung được xây dựng bởi vua Tùng Tán Cán Bố (Songtsen Gampo) vào thế thứ 7 nhưng lúc đó chỉ là một hành cung nhỏ. Đến đời Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 Losang Gyatso thì Potala mới chính thức được chọn làm cung điện của Hoàng Mạo Giáo (phái Mũ Vàng), nơi đây được kiến thiết lại với quy mô cực lớn.
Để vào bên trong cung điện, chúng mình đi ngang qua khuôn viên rực rỡ phía sau với những loại hoa nhiều màu sắc, xen lẫn đâu đó là hoa Anh túc đỏ thắm lạ lẫm với rất nhiều thành viên đoàn chúng mình, bởi Anh túc cũng chính là cây thuốc phiện mà không phải ai cũng được tận mắt nhìn thấy nó. Vậy mà tại nơi này, loài hoa bị rất nhiều quốc gia khác trên thế giới cấm trồng lại được trồng chính thức, những cánh hoa đỏ nở rực rỡ dưới nắng vàng. Khu vực này được gọi là khu Hạ, là nơi các công nhân và gia đình họ sinh sống vào thời Potala đang được xây dựng.
Potala được coi là cung điện mùa Đông của các ngài Đạt Lai Lạt Ma. Cao 117m bao gồm 13 tầng, Potala được xây dựng như một pháo đài và có nhiều gian phòng bên trong. Cung điện chiếm diện tích khoảng 130.000 mét vuông với 1.500 gian phòng, chứa hơn 10.000 Phật điện, 20.000 tượng điêu khắc lăng mộ của 8 vị Đạt Lai Lạt Ma cùng rất nhiều bức tranh quý. Toàn bộ kiến trúc cung điện đều làm bằng đá và gỗ. Trên những vách của lâu đài đều có các bức tranh với những màu sắc rực rỡ, nghệ thuật phong phú nhiều chủng loại rất đặc trưng của văn hoá Tây Tạng.
Phần chính của Potala gồm 2 khu. Khu màu trắng được gọi là Bạch cung và khu màu đỏ ở giữa gọi là Hồng cung. Bạch cung là trung tâm hành chính và chính trị, cũng là nơi làm việc của các đời Đạt Lai Lạt Ma. Hồng cung là nơi lưu giữ linh tháp, được xem là nơi linh thiêng nhất Potala, là nơi lưu giữ linh tháp đời đời của các ngài Đạt Lai Lạt Ma.
Potala nghĩa là Phổ Đà Lạt Ca, hoặc Bố Đạt La. Vì đức Đạt Lai Lạt Ma được xem là hoá thân của Bồ tát Quán Thế Âm nên Ngài ở cung điện này và đặt là Potala tức là Đạo tràng của Ngài Quán Thế Âm.
Đạt Lai Lạt Ma là các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo của Tây Tạng. Vào thế kỷ thứ 14, có vị tăng sĩ khi chứng được thiền định nhiều đời nhiều kiếp có duyên với vua Mông Cổ nên đã đến thuyết pháp và độ cho nhà vua. Vì vị này có quá nhiều thần thông và trí tuệ nên nhà vua quy phục, phong tặng danh hiệu Đạt Lai Lạt Ma cho vị tăng sĩ đặt biệt này, tôn làm thầy và phong chức Quốc sư. Đạt Lai nghĩa là to lớn giống như biển, Lạt Ma là vị thầy có trí tuệ. Đạt Lai Lạt Ma nghĩa là Người Thầy Có Trí Tuệ To Lớn Như Biển. Khi vua Mông Cổ phong danh hiệu Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên, vị Quốc sư này xin nhận mình là Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 3. Vị này truy phong Thầy của mình là Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 2 và vị hiệu trưởng tu viện nơi thầy mình ở là vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ nhất. Cho đến bây giờ đã có 14 vị Đạt Lai Lạt Ma lãnh đạo Tây Tạng.
Potala gắn với chính quyền đời Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5, cũng là vị được coi là người lỗi lạc, có tài lãnh đạo và ngoại giao xuất sắc nhất qua các đời. Lúc bấy giờ Mông Cổ rất hùng mạnh và nắm quyền kiểm soát Tây Tạng. Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5 một mặt giữ tốt mối quan hệ với người Mông Cổ để giữ được danh hiệu, giữ vững được vùng biên cương giáp giữa Tây Tạng và Mông Cổ. Mặt khác, ngài cũng tạo mối quan hệ ngoại giao với Trung Hoa. Được sự hậu thuẫn của vua Thuận Trị, sau đó ngài về Tây Tạng và cho xây dựng lại Potala. Công trình được xây dựng trong vòng 55 năm, toàn bộ bằng thủ công, gạch đá vật liệu được chuyển về từ các nơi khác. Khi đã xây dựng được 35 năm, ngài biết sức khoẻ mình không tốt và có thể qua đời nên dặn dò người phụ tá của ngài không công bố cho bên ngoài biết về cái chết của ngài, bởi nếu công bố triều đình Mãn Thanh sẽ chi phối chính quyền Tây Tạng và ắt có nổi loạn. Ngài kêu phụ tá đóng giả mình trong suốt 15 năm còn lại, đến khi công trình hoàn thành, việc ngài mất 15 năm trước mới được người phụ tá công bố ra ngoài.
Đường đi lên là những bậc thang gấp khúc nhuốm màu năm tháng. Nằm ở phía Đông của cung điện là Bạch cung , là nơi Đạt Lai Lạt Ma thực hiện các hoạt động tôn giáo, chính trị quan trọng.Trong Bạch Cung có cả điện thờ Phật, thư viện cất giữ các bộ Kinh quan trọng và cả phòng in Kinh sách. Các thiết kế ở nơi đây rất lộng lẫy và uy nghiêm.
Bên phía Tây là Hồng cung, được coi là nơi linh thiêng nhất cung điện bởi đây là nơi lưu giữ vĩnh viễn Linh tháp các đời Đạt Lai Lạt Ma. Kiến trúc chủ thể của Hồng cung là điện Linh Tháp của Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5 được dát 3.000 kí vàng và Linh tháp của Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 12. Thân tháp dát vàng lộng lẫy. Linh tháp của Đạt Lai đời thứ 13 cao 21 m, dùng bạc ròng chế thành, bên trên nạm khảm bảo thạch. Trên nóc cung điện có 8 tháp Vàng biểu tượng cho mỗi Lạt Ma. Trong, ngoài điện và nóc điện có nhiều tháp, tượng phật, tượng linh vật, chuông cổ quý báu nạm vàng.
Sau khi đi hết 11 tầng lầu của cung điện, đoàn tụi mình vô cùng hữu duyên khi được các thầy nơi đây cho phép ngồi thiền tại khu vực khá riêng biệt. Việc này khiến cho chúng mình vô cùng hoan hỉ bởi hoạt động tụ tập nơi chốn đông người là hoạt động không được khuyến khích tại Tây Tạng, một số nơi còn bị cho là cấm tụ tập. Vậy mà tại nơi cung điện linh thiêng này, mấy chục người đoàn mình đã được hưởng một buổi thiền ngắn an lành như thế.
Rời khỏi Potala, tụi mình cảm nhận được sự bình yên, ấm áp lan tỏa trong không gian mùa Xuân ở bảo tàng văn hóa đặc sắc nhất Tây Tạng.
Ngồi ghi lại các dòng này mà mình nhớ Tây Tạng và các anh chị em của đoàn mình quá. Mấy ngày cùng nhau thong dong đi qua các vùng đất linh thiêng này, khi về chúng mình đều đã rất khác!
Thương lắm!
Lhasa, 21/08/2023
(Lê Đỗ Yến Hương)