[Chuyến An trên đất Ấn 2023]
Ngày 2: NHỮNG CƠN MƯA LỘC
Khi mình gõ những dòng tựa đề này cho ngày thứ hai của chuyến hành trình AN trên đất Ấn của nhà MayQ Go, tự nhiên nhận ra tựa đề trên, Những cơn mưa lộc, mang đến hai ý nghĩa: Một là những cơn mưa to hiếm hoi và quý giá với đất Ấn Độ trong thời gian này quả thật đã đổ xuống khu vực Ajanta trong ngày hôm nay, như lộc Trời ban cho chúng mình khi đủ duyên đến đất này; và hai là, cùng với những cơn mưa ‘lộc’ đó, đoàn chúng mình hôm nay đã nhận được biết bao nhiêu lộc thương lộc quý, mà vùng đất này và quần thể thạch khu Ajanta đã dành cho đoàn chúng mình!
Còn nhớ khi quyết định lịch mở chuyến An trên đất Ấn sẽ vào dịp lễ 30/4, khá nhiều khách nhà MayQ bày tỏ quan ngại, rằng mùa này đất Ấn nắng nóng đổ lửa, không chịu nổi đâu, nên quyết chí… không chịu đi. Thậm chí, có một chị khách thiệt là thân thuộc với MayQ, đã đăng ký thanh toán hoàn chỉnh, sau một đoạn thời gian, nghe bạn bè bàn ra bàn vào, cũng muốn thối tâm, muốn yêu cầu huỷ tour, làm tụi mình phải thuyết phục rằng chuyện đi đến một vùng đất linh không phải việc nói đi là đi muốn huỷ là huỷ, mà cần kiên định với quyết định của mình, vì chắc chắn không phải tự nhiên mà ta được thôi thúc đến với chuyến đi đó, đến với vùng đất đó. Cũng may, chị hành khách ấy đã nghe lời thuyết phục mà cũng quảy giỏ lên đường cùng chúng mình.
Để rồi, nếu như ở thạch khu Kanheri, chỉ là một cơn mưa siêu nhẹ với những hạt mưa lắc rắc, dạng Welcome Rain như thể hiện niệm lành ban xuống cho chúng mình, thì sang ngày thứ hai, hai cơn mưa lớn trút xuống thật sự đã như hai nguồn phước lộc lớn, làm giảm hẳn cái nắng nóng oi bức lẽ ra phải có ở vùng này thời gian này. Làm cho trọn vẹn nguyên buổi chiều hôm nay, buổi thăm viếng thạch khu Ajanta Caves trở nên đẹp như mơ!
Cơn mưa thứ nhất trải xuống ngay lúc tụi mình vừa an vị tại nhà hàng ven đường, gần khu thạch động. Dòng nước trút xuống làm cả đoàn ngẩn ngơ. Cơn mưa sao mà quý giá quá vậy, làm những lời đồn hay lời dự đoán về cái nắng nóng kinh người đe doạ chuyến tham quan buổi chiều ở Ajanta Caves trở nên xa xôi. Thậm chí, lời dặn dò cẩn trọng từ phía bạn TL địa phương về việc chuẩn bị sẵn dép hay vớ để phòng khi bị bỏng chân do đá chiều quá nóng, đã hoàn toàn không cần thiết. Cơn mưa cũng làm cho dòng thác từ đỉnh núi đổ xuống trở nên rào rạt. Rất nhiều dòng nước nhỏ cũng róc rách rải rác ven đường chúng mình leo bộ dọc lên khu thạch động. Nước làm cho cây cối xung quanh xanh mát và tươi tỉnh hơn, hẻm núi uốn cong hình móng ngựa xuất hiện trong con mắt tụi mình hoàn toàn thi vị, nên thơ và đẹp mắt với dòng thác đổ, dòng suối xuôi róc rách, cỏ cây hoa lá đan chen nhiều vệt màu sắc, thảm sinh vật hoà cùng hơi thở tự nhiên của quần thể đá, kết hợp với dòng năng lượng dạt dào từ quần thể ‘chùa hang’ độc đáo… Tất thảy như đưa chúng mình về đúng y chang như trong những dòng mô tả đầy chất thi văn của cô Tôn Thư Vân từ cuốn Muôn dặm không mây, cuốn sách đầu tiên gợi duyên cho mình muốn tìm đến khu Ajanta. Hoặc giả, đây hoàn toàn có thể từng là khung cảnh mà ngài Tam Tạng Pháp Sư Trần Huyền Trang đã chiêm ngưỡng được, ngày ngài lặn lội tìm đến đây, vào cuối thế kỷ thứ sáu!
Phát hiện này mang đến cho chúng mình một chút thổn thức. Mang theo nỗi thổn thức đó, chúng mình đã cùng nhau có được mười phút thiền tĩnh tâm quý báu bên trong hang động số 4; đã được cùng vào nghe anh hướng dẫn địa phương chia sẻ những nét đặc sắc và độc đáo của kỹ thuật vẽ bích hoạ Phật giáo tại hang động số 1 & số 2; đã được ngồi đọc Khấn nguyện trợ duyên tại hang động số 10, vốn là hang động cổ xưa nhất, được xây tạo từ tận thế kỷ thứ hai trước công nguyên, và cũng là hang động đầu tiên được khai quật vào cuối thế kỷ 18 để từ đó cả một quần thề hang động được tìm thấy. Chúng mình cũng đã được đưa tới hang động số 26, nơi có tượng Phật nhập Niết Bàn to chạy dài một bên cánh trái hanh, nơi có khắc hoạ ngài A Nan dưới chân Phật mà chúng mình đã nhận ra và xiết bao cảm kích từ lần đến trước đây khảo sát. Đây cũng chính là hang động được cô Tôn Thư Vân mô tả dạt dào cảm xúc nhất trong quyển sách Muôn dặm không mây của cô, và cũng chính là nơi Ngài Huyền Trang từng đến viếng như hành trình cuối cùng của ngài tại đất Phật. Tại đây, ai ai cũng xúc động. Sau phần tìm hiểu và đảnh lễ tại đây, bước ra khỏi hang, nhiều thành viên bày tỏ ý nghĩa về duyên và phước lành khi được cùng nhau đi qua buổi chiêm bái khu thạch động Ajanta Caves. Mình đang cùng đứng phỏng vấn nhanh vài thành viên này, thì đột nhiên, mưa lại đột ngột trút xuống!
Cơn mưa thứ hai này làm cho tất cả chúng mình phải dội ngược trở vào hang động 26. Và ngồi bên nhau trong hang chờ mưa tạnh, chúng mình rủ nhau trì một thời Chú Lăng Nghiêm. Tiếng cùng nhau trì Lăng Nghiêm Chú từ 30 con người nhất tâm đồng lòng vang vang trong nội gian chánh điện hang động số 26. Nhìn qua, chúng mình vừa hay đang tập trung ngay dưới chân phù điêu khắc hoạ ngài A Nan! Và ngay lập tức, mình ‘bắt’ được dự kết nối vi diệu giữa ngài A Nan và Chú Lăng Nghiêm, khi ngày xa xưa, ngài A Nan từng được Đức Phật dùng chú này cứu khỏi nạn phạm giới từ người nữ Ma Đăng Già, và sâu xa hơn, Đức Phật đã từng lấy ngài A Nan để làm đối tượng dạy dỗ chính qua bộ Kinh Thủ Lăng Nghiêm, một bộ kinh quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Phút giây ấy, mình xúc động vô cùng.
Đọc xong bài Chú Lăng Nghiêm thì trận mưa ban nãy cũng đã vừa hay tạnh ráo, nắng lại ửng lên vàng ươm trong chiều muộn. Mọi người ồ lên, nói thật vi diệu! Phải chăng cơn mưa thứ hai này đổ xuống vừa vặn làm một ‘cú ép’ khiến cả đoàn phải dội ngược vào trong hang động số 26, để chúng mình phải đọc cho được một thời Chú Lăng Nghiêm tại đây; mà đồng thời, cơn mưa cũng là một duyên lành, khiến chúng mình có cơ hội, nhờ trú mưa mới được an trú trong chánh điện hang động quan trọng bậc nhất tại toàn thể thạch khu Ajanta này mà đọc kinh trì chú, vì theo lệ thường, với hang động quan trọng nhiều người lũ lượt ra vào viếng thăm như hang 26, mọi hoạt động tập trung ngồi lâu sẽ không được cho phép!
Tới đây thì thành viên nào trong đoàn cũng quá chừng xúc động rồi. Đường trở ra cũng dài và xa, mà chân ai cũng như nở hoa, từng bước vui vẻ hoan ca trong không gian thênh thang mênh mang đẹp như tranh vẽ của thiên nhiên hoà cùng khu thạch động hình móng ngựa cong cong, cho đến khi ra tận xe bus về lại nghỉ đêm ở thành phố Aurangabad.
Ngày hôm nay tuy đã rất muộn rồi, và mình cũng thấm mệt. Tuy vậy, vẫn muốn cố gắng gõ nhanh những dòng này, để kịp lưu giữ những lộc duyên quá sức vi diệu của tiếp tục ngày thứ hai này, trong khi chúng vẫn còn nóng hổi. Để rồi sáng ngày mai, chúng mình lại tiếp tục hành trình đến với khu thạch động thứ ba nằm trong hành trình An trên đất Ấn lần này: khu thạch động Ellora, hứa hẹn thêm nhiều trải nghiệm đẹp đẽ khác nữa.
Gửi niệm lành cho tất cả,
(30.4.2023 – QH & MayQ Team)