Trở lại Bhutan – xứ sở hạnh phúc lần này sau chuyến khảo sát vào năm 2019, thật sự đã cho mình quá nhiều cảm xúc đẹp và nhiều mối duyên lành tại nơi đây, cùng với 30 thành viên khác trong đoàn.
Chúng mình đã có những ngày thật sự trọn vẹn trong những trải nghiệm, bình yên bên nhau trong từng địa điểm đến, và hòa mình tận hưởng từng phút giây mà khí hậu, cảnh quang, con người nơi đây dành tặng cho chúng mình. Để rồi, khi ngồi viết những dòng này, hồi nhớ lại từng khoảnh khắc đã qua, từng nụ cười, từng sự gắn kết,… lại thấy lòng dạt dào vô vàn sự biết ơn, về những mối duyên lành mà chúng mình có được, trên xứ sở hạnh phúc – Bhutan.
TƯỢNG PHẬT LỚN BUDDHA DORDENMA STATUE
Theo kế hoạch, buổi sớm ngày thứ hai tại Bhutan, tụi mình sẽ có thời thiền đón mặt trời cùng nhau tại Ngôi tượng Phật lớn Buddha Dordenma Statue ở Thimphu. Trời vẫn mưa lất phất từ đêm qua, nhiệt độ xuống còn 1•C. Tụi mình chốt luôn phương án B: xin vào bên trong ngôi đền dưới tượng Phật và có thời cộng hưởng tại đây.
Tương truyền, trong kinh sách để lại của Thượng sư Liên Hoa Sinh được tìm thấy, ngài nói tại vùng Dordenma sẽ có một pho tượng Phật ngoài trời khổng lồ, mặt Ngài sẽ quay về hướng Nam để hàng phục ma quỷ vì người Bhutan tin rằng ma quỷ sẽ đến từ phương Nam, đồng thời để ban phước cho hòa bình và hạnh phúc cho thế giới.
Pho tượng Phật Dordenma là pho tượng Phật ngoài trời với dáng ngồi tương tự lớn nhất thế giới. Pho tượng cao 51,5m và chứa hơn 125.000 pho tượng đồng mạ vàng nhỏ. Số lượng tượng Phật này thay đổi theo thời gian vì khách hành hương hay người dân đến viếng có thể thỉnh một tượng Phật nhỏ này, ghi tên mình bên dưới pho tượng và đặt lên kệ để cầu an cho mình và gia đình. Vì vậy mà số lượng tượng Phật nhỏ này còn lớn hơn tổng dân số của Thimphu ngày nay.
Sáng sớm, khi trời còn mờ sương tụi mình lên xe đi viếng ngôi tượng Phật nổi tiếng này. Đến nơi cổng vào còn chưa mở. Tụi mình liên hệ một vị sư ra mở cửa cho cả đoàn. Vì trời vẫn còn mưa, nên vị nói đoàn có thể chạy xe thẳng vào bên trong. Lúc đó, Gimbo – bạn hướng dẫn viên (HDV) cười nói, đoàn mình được hưởng chế độ đặc biệt quá, bởi vì từ lúc bạn làm HDV đến nay chưa bao giờ bạn thấy có xe đoàn nào được chạy thẳng vào bên trong cả. Nhưng tụi mình còn chưa biết, điều đặc biệt còn chờ tụi mình phía trước nữa.
Khi cả đoàn đi vào trong chánh điện, Jigmi Chencho vị sư chính (koenyer) của ngôi đền này đã đợi đón đoàn. Sau khi đảnh lễ và chào thầy xong mình ngỏ ý “Thưa Thầy, hữu duyên hôm nay đoàn chúng con đến viếng nơi này và gặp Thầy. Thầy có thể ban cho tụi con một bài pháp ngắn được không ạ?”. Thầy đồng ý và gọi mấy sư sắp xếp đệm cho cả đoàn ngồi. Vậy là sáng hôm đó, tụi mình được ngồi bên trong ngôi chánh điện tràn đầy năng lượng linh thiêng vô cùng ấm áp này, được thầy giảng cho bài pháp ngắn vô cùng quý báu, và sau cùng thầy hướng dẫn cho mọi người thực hành pháp thiền Shamatha.
Shamatha có nghĩa là “an trú” hay “yên tĩnh”. Còn được gọi là thiền chánh niệm hay thiền tập trung, Shamatha là một thực hành nhập môn quan trọng dẫn đến thực hành Vipashyana, hay thiền minh sát.
Thầy bảo, tâm trí và cơ thể phụ thuộc lẫn nhau. Bởi vì trạng thái của một người ảnh hưởng đến trạng thái của người kia, nên tư thế ngồi đúng được nhấn mạnh trong thiền định. Tư thế bảy điểm, được các thiền giả giàu kinh nghiệm sử dụng trong nhiều thế kỷ, được khuyên dùng là cách tốt nhất để giúp đạt được trạng thái tâm trí bình tĩnh, sáng suốt. Tư thế bảy điểm này dẫn đến sự quán chiếu rõ ràng, không bị ngăn ngại nhất. Chúng ta có thể cảm thấy khó khăn lúc ban đầu, nhưng ta nên xem qua từng điểm khi bắt đầu buổi tập và cố gắng duy trì tư thế đúng trong vài phút. Với sự quen thuộc, ta sẽ cảm thấy tự nhiên hơn và sẽ bắt đầu nhận thấy lợi ích của nó.
Việc thực hành Hatha Yoga hoặc các môn thể chất khác có thể giúp ích rất nhiều trong việc nới lỏng các cơ và khớp bị căng, từ đó giúp ta ngồi thoải mái hơn. Tuy nhiên, nếu không thể thích nghi với việc ngồi bắt chéo chân, ta cũng có thể dung hòa giữa tư thế hoàn hảo và trạng thái thư giãn. Nói cách khác, hãy giữ cho cơ thể và tâm trí ta luôn vui vẻ, thoải mái và không bị căng thẳng. Bảy điểm cần lưu ý khi thực hành thiền định mà ta cần lưu ý như sau:
1. Chân
Nếu có thể, hãy ngồi bắt chéo hai chân trong tư thế vajra, hay kiết già, trong tư thế mỗi bàn chân đặt, lòng bàn chân hướng lên trên, trên đùi của chân đối diện. Tư thế này khó duy trì nhưng bằng cách luyện tập mỗi ngày, bạn sẽ thấy cơ thể thích nghi dần dần và bạn có thể ngồi theo cách này trong thời gian ngày càng dài hơn. Tư thế kim cương mang lại sự hỗ trợ tốt nhất cho cơ thể, nhưng không cần thiết. Một tư thế thay thế là tư thế bán già, bàn chân trái đặt trên sàn dưới chân phải và bàn chân phải đặt trên đùi trái. Bạn cũng có thể ngồi trong tư thế bắt chéo chân đơn giản với cả hai chân đặt trên sàn. Một chiếc đệm chắc chắn dưới mông sẽ giúp bạn giữ thẳng lưng và ngồi lâu hơn mà không bị tê nhức ở chân và bàn chân. Nếu bạn không thể ngồi trên sàn trong bất kỳ tư thế nào trong số này, bạn có thể thiền trên ghế hoặc trên một chiếc ghế dài nghiêng, thấp. Điều quan trọng là phải thoải mái.
2. Cánh tay
Giữ hai tay thoải mái trên đùi, cách rốn khoảng 2 inch, tay phải đặt trên tay trái, lòng bàn tay hướng lên trên, các ngón tay thẳng hàng. Hai bàn tay hơi khum lại sao cho hai đầu ngón cái chạm nhau tạo thành hình tam giác. Vai và cánh tay phải được thư giãn. Cánh tay của bạn không nên ép vào cơ thể mà giữ cách xa vài inch để không khí lưu thông: điều này giúp ngăn ngừa cơn buồn ngủ.
3. Lưng
Lưng của bạn là quan trọng nhất. Nó phải thẳng, được giữ thoải mái và hơi thẳng đứng, như thể đốt sống là một đống đồng xu. Việc này có thể khó khăn lúc ban đầu, nhưng theo thời gian nó sẽ trở nên tự nhiên và bạn sẽ nhận thấy những lợi ích: năng lượng của bạn sẽ chảy tự do hơn, bạn sẽ không cảm thấy uể oải và bạn sẽ có thể ngồi thiền thoải mái trong thời gian ngày càng dài hơn.
4. Mắt
Những người mới tập thiền thường thấy dễ tập trung hơn khi nhắm mắt hoàn toàn. Điều này khá chấp nhận được. Tuy nhiên, bạn nên để mắt hơi mở để đón một chút ánh sáng và hướng ánh nhìn xuống dưới. Nhắm mắt lại có thể là lời mời gọi bạn đến trạng thái uể oải, buồn ngủ hoặc những hình ảnh giống như giấc mơ, tất cả đều cản trở việc thiền định.
5. Hàm
Hàm của bạn phải được thư giãn và răng hơi tách ra, không nghiến chặt. Miệng của bạn cũng phải được thư giãn, môi khép nhẹ
6. Lưỡi
Đầu lưỡi của bạn phải chạm vào vòm miệng ngay phía sau răng hàm trên. Điều này làm giảm lượng nước bọt tiết ra và do đó làm giảm nhu cầu nuốt, cả hai đều là trở ngại khi khả năng tập trung của bạn tăng lên và bạn ngồi thiền trong thời gian dài hơn.
7. Đầu
Cổ của bạn phải nghiêng về phía trước một chút để ánh mắt hướng tự nhiên xuống sàn trước mặt. Nếu đầu bạn được giữ quá cao, bạn có thể gặp vấn đề về tâm trí lang thang và kích động, và nếu cúi quá thấp, bạn có thể cảm thấy tinh thần nặng nề hoặc buồn ngủ.
Sau buổi thực hành thiền định Shamatha với Thầy, tụi mình tiếp tục đảnh lễ bên trong chánh điện. Tại đây, ngay trung tâm được an vị một pho tượng Phật bốn mặt, đây là pho tượng Phật Vairocana (Nampar Nangzay với bốn mặt). Khác với motif các pho tượng Phật thường được đặt ở nơi mọi người dễ dàng nhìn thấy và đảnh lễ, pho tượng Vairocana ở đây được bao bọc xung quanh là tám vị bồ tát. Các vị bồ tát này tượng trưng cho tám con đường chánh (eight fold paths – Bát chánh đạo) bao gồm tám pháp thực hành: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh. Và Phật bốn mặt tượng trưng cho 4 chân lý cao quý, rằng chúng ta phải tuân theo để chấm dứt đau khổ. Bốn chân lý cao quý đó chính là Tứ diệu đế (Four noble truths) – bài pháp đầu tiên mà Đức Phật đã dạy.
Thật không thể tả được cảm giác hân hoan của tụi mình khi tạm biệt Thầy ra về. Khi tụi mình đi ra phía trước pho tượng Phật lớn để chụp hình chung cả đoàn, cũng vừa hay ánh mặt trời từ từ hiện lên sau đám mây mù, cũng vừa lúc trời tạm ngừng mưa. Vậy là tụi mình được phóng tầm mắt ra thật xa, ngắm thung lũng Thimphu, các rặng núi xa xa cùng mây trắng bay hững hờ. Mối duyên lành đầu tiên của tụi mình trên đất nước hạnh phúc này diễn ra như thế.
TRẢI NGHIỆM HAI MÙA TẠI ĐÈO DOCHULA PASS
Rời ngôi đền có pho tượng Phật lớn Dordema, tụi mình đi về Punaka – cố đô của Bhutan. Trên đường đi, đoàn đi qua đèo Dochula – đoạn đèo xinh đẹp kéo dài 20km nối giữa Thimphu và Punaka.
Nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ và yên bình, tại đèo Dochula, tụi mình có dịp ngắm toàn cảnh 360 độ tuyệt đẹp của dãy núi Himalaya hùng vĩ.
Dừng chân ở quán cà phê trên đèo, nơi đây cũng là nơi có 108 bảo tháp (chortens) Bhutan được xây dựng vào năm 2003 bởi thái hậu để vinh danh những người lính Bhutan dũng cảm đã hy sinh khi chiến đấu với quân nổi dậy Assam từ Ấn Độ. Được biết, các bảo tháp được thiết kế thành 3 vòng tròn đồng tâm trên đèo Dochula gồm: lớp thấp nhất đầu tiên có 45 chortens, lớp thứ hai có 36 và lớp trên cùng có 27.
Và cả đoàn đã vỡ oà hạnh phúc khi từng đợt tuyết dày rơi xuống như chào mừng tụi mình khi đến viếng nơi này. Thật khó tin được, vào mùa Xuân Bhutan, chúng mình lại được hưởng một đợt tuyết rơi đẹp đến như thế. Tất cả mọi người vui mừng hớn hở, dang tay đón lấy từng bông tuyết đang rơi rơi. Và mình, dù đã đón tuyết rơi không biết bao nhiêu lần khắp nơi trên thế giới, vẫn dâng đầy cảm xúc khi được trải nghiệm đợt tuyết rơi lần đầu tiên trên đất Bhutan này.
Cũng chính nơi này, tại đoạn có 108 bảo tháp của đèo Dochula, ngày quay về Paro từ Punaka, tụi mình lại được hưởng một ngày Xuân trời trong nắng đẹp. Khi đó, tụi mình lại được ngắm nhìn 360 độ toàn cảnh bao la của dãy núi Himalaya, được phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh ngoạn mục của 10 ngọn cao nhất của dãy Himalaya ngăn cách Trung Quốc và Bhutan.
KỊP GẶP NHAU KHI MÙA HOA NỞ
Tháng 3, Bhutan hạnh phúc đón chúng mình bằng mùa hoa anh đào nở bung rực rỡ. Những cánh hoa đẹp đẽ, tựa nương vào nhau tràn đầy sức sống. Và thế là, cả đoàn đã có được những tấm hình thiệt xinh, bên sắc hoa này. Ngắm nhìn lại những tấm hình, mà thấy lòng thiệt tươi mới, rực rỡ tựa mùa hoa.
Chỉ trong vòng hai ngày ngắn ngủi, tụi mình đã được trải nghiệm cùng lúc cả hai mùa Đông và Xuân. Trải nghiệm này hẳn sẽ khắc ghi trong tim tụi mình về một chuyến viếng thăm quốc gia hạnh phúc thật sâu đậm.
(26.03.2024, Lê Đỗ Yến Hương & MayQ Team)