Gõ những dòng này khi chuyến bay đưa chúng mình từ sân bay Edmonton về lại, quá cảnh tại sân bay Vancouver năm tiếng đồng hồ trước khi bay trở về lại Việt Nam. Một hành trình AN Canada quá đáng nhớ, khi vỏn vẹn nửa tháng, chúng mình đã kịp có cùng nhau rất nhiều những sự gắn bó đáng nhớ.
HÀNH TRÌNH TU TẬP CÙNG NHAU, TRẢI DỌC DÀI ĐƯỜNG ĐI:
Năm ngày đầu tiên của chặng hành trình, chúng mình được đi tham quan, vãng cảnh cùng viếng thăm và lễ Phật tại một số những ngôi chùa trang nghiêm nổi tiếng tại các địa phương. Bên cạnh một bữa tiệc tuyết rơi đẹp đến nao lòng mà chúng mình đã từng có bài và ảnh chia sẻ ngay với nhà mình, tụi mình còn được thưởng thức một số những cảnh đẹp địa phương, mà ở trong đó, đẹp nhất, diễm lệ mà cũng kéo dài nhất, chính là dọc dài cung đường từ Vancouver chạy dọc về đến Calgary. Cuối đông, Canada chiêu đãi chúng mình bằng một quang cảnh trắng xoá tuyệt vời. Tuyết dọc hai bên đường phủ kín trên những rặng cây dài. Tuyết bám trên những cành khô tạo thành những khung cây tuyết ngẫu nhiên tuyệt đẹp. Tuyết bám trên các mỏm núi, khiến chúng mình không khỏi liên tưởng đến cảnh dọc đường đi trên Tây Tạng… Có thể nói, không nói đến thắng cảnh, chỉ thả lỏng mà ngắm nhìn cảnh vật hai bên đường dọc dài những ngày đi, đã là một loại thiền tập thư giãn và vô cùng hưởng thụ rồi.
Mỗi ngày, chúng mình đều ghé một ngôi chùa có cảnh đẹp và thanh tịnh của từng địa phương chúng mình đi ngang qua, để đảnh lễ Phật, rồi cùng có một thời kinh kệ chung cùng nhau. Bản kinh chúng mình thống nhất chọn đọc đều đặn mỗi ngày là bản Khấn nguyện trợ duyên quen thuộc. Khi những thời kinh trang nghiêm mà vẫn vô cùng gần gũi được vang lên tại chánh điện Chùa Quan Âm ở Vancouver, hay Chùa Tây Trúc ở Kelowna…, chúng mình nghe trong lòng dâng lên nỗi xúc động. Những ngày không có duyên để viếng chùa, chúng mình đảm bảo đọc Khấn nguyện trợ duyên trên xe. Mà cũng ngộ, và cũng thật thương, là toàn bộ thành viên trong chuyến đi đều vô cùng hợp tác với các hoạt động đọc kinh, tu tập. Từ những cô chú anh chị có thể đã là các Phật tử thuần thành, đến các anh chị ‘mới tinh’ với Phật pháp, mà mong muốn ban đầu đơn thuần chỉ là một chuyến đi du ngoạn…, sau những ngày cùng tu tập bên nhau, họ đã có nhiều chuyển biến.
Ngoài Khấn nguyện trợ duyên, những bản kinh dài hơi hơn được chúng mình chọn đưa vào đọc xuyên suốt hành trình là hai bộ sám pháp vô cùng quen thuộc, cũng do mức độ hiệu quả trong thanh tịnh nghiệp thức của các bản sám pháp này. Từ Bi Thuỷ Sám ngắn gọn hơn, chỉ ba quyển Thượng – Trung – Hạ, đã được đoàn chúng mình trì đọc trong ba ngày chính rong ruổi trên đường. Quyển Hạ Từ Bi Thuỷ Sám còn được hân hạnh vang lên trong ngôi Chùa Hoa Nghiêm ở Kalgary, một nơi được xem như đi ra từ Chùa Vạn Phật Thánh Thành của Hoà thượng Tuyên Hoá tại San Francisco. Những câu từ, nhắc nhở khổ khắc trong Từ Bi Thuỷ Sám được vang vang trong gian chánh điện, nghe sao mà xúc động và thiêng liêng vô cùng.
Quyển Lương Hoàng Sám dài hơi hơn, bao gồm đến mười quyển, tụi mình chia đều ra để nghiêm túc trì đọc và ngẫm ngộ trong suốt bảy ngày lưu lại tu tập tại tu viện Tây Thiên Westlock của Thầy Thích Pháp Hòa. Bản sám pháp dài và gần như phủ trùm 360 độ đời sống cũng như các cõi, lực tẩy tịnh không thể nghĩ bàn, trước đây nhà MayQ tụi mình cũng chỉ dám triển khai dạng đường dài trong các chuyến Đại cộng hưởng, mỗi tháng một quyển, đi trọn vẹn hết cả cuốn Lương Hoàng Sám thường phải mất tầm mười tháng. Đây là lần đầu tiên chúng mình dốc lòng quyết tâm dồn vào, tập trung miên mật vừa đọc, vừa nghiêm túc ngẫm ngộ và chia sẻ ý nghĩa cùng nhau, dồn lại trong vòng một tuần lễ. Mỗi ngày trung bình chúng mình đi cho bằng được hai quyển, kết hợp với Khấn nguyện trợ duyên và lạy sám hối và khai tâm mỗi ngày, thật sự, bảy ngày ở Tây Thiên Westlock là bảy ngày tu tập miên mật, và thật cảm động thay, hầu như tất cả những thời khoá dày và kín trong một ngày đều được tất cả thành viên tôn trọng, tham gia một cách hết lòng. Thương vô cùng.
CHUYẾN ĐI CỦA NHỮNG CON NGƯỜI DỄ THƯƠNG
Nói thật lòng, so với những chuyến AN Canada trước đây, chuyến đi lần này hội tụ đại đa số những gương mặt mới, làm chúng mình ban đầu có hơi ‘rén nhẹ’ vì nghĩ sẽ phải cực hơn trong việc chia sẻ và truyền cho những thành viên mới hiểu được tinh thần và thông điệp của dạng chuyến đi đặc thù như thế này. Tuy nhiên, sự thật lại diễn ra hết sức tuyệt vời: hầu như tất cả các thành viên đều vô cùng hợp tác, đồng lòng, nhất tâm, và quan trọng là, đều vô cùng dễ thương!
_ Năm cặp đôi ‘tình ơi là tình, thương ơi là thương’:
Vốn đã quen với những tình trạng ‘trong ít ấm, ngoài ít êm’ mà chúng mình nghe trong những chia sẻ của không ít các bạn thành viên các Series Chia sẻ về Quản trị cuộc sống với Nhân số học, điều đầu tiên tụi mình ghi nhận ở chuyến đi lần này, là có đến năm cặp vợ chồng chọn đi cùng nhau. Và trong lúc bên nhau trong dọc dài chuyến đi, họ đã cho chúng mình hưởng lây độ ấm áp trong tình thương đằm thắm mà họ dành cho nhau. Đủ để chúng mình vững chắc tin rằng, tình thương hoàn toàn có thể tồn tại rất lâu dài giữa các cặp đôi vợ chồng, trong đời sống thực.
Có cặp đôi cô chú đều đã trên dưới bảy mươi tuổi, người chất phác, ăn nói thật thà. Trong các thời chia sẻ, cô chú nói mấy mươi năm bên nhau, họ luôn bên nhau, và “Chú không quen ngủ riêng mà không có cô”, nên thời gian vào ở trong các phòng tập thể chia riêng nam – nữ, phải mất nhiều nỗ lực cô mới ‘vừa dỗ, vừa dụ’ chú… chịu ở riêng với những chú nam giới khác. Đêm thiền trà buổi tối cuối cùng được bên nhau, và cùng Thầy Pháp Hòa, chú xung phong hát tặng mọi người một bài tân cổ gieo duyên về nghĩa tình chồng vợ. Cô ngắt ngắt chú: “Trong khóa tu mà hát cái gì vậy?” Làm Thầy và chúng mình đều cười ngất trước sự ‘siêu dễ thương’ của cặp đôi vợ chồng này. Bài tân cổ chú cũng tự biên soạn, dựa trên tình cảm thật của vợ chồng chú trải qua mấy mươi năm, đi từ nghèo khó để cùng sát cánh bên nhau gầy dựng gia đình, để bây giờ, tuổi già an ổn bên nhau, thật là một loại hạnh phúc bình dị mà chắc ai cũng ước ao.
Có hai cặp vợ chồng đi trong một nhóm bạn đăng ký chung bốn người. Họ chơi chung nhau trong hội Yoga, rồi bắt cầu qua sinh hoạt cùng nhau, thật ăn ý. Cái cách họ chăm chút và quan tâm cho nhau, và tình thân giữa hai anh chồng và hai chị vợ thật sự làm mọi người thấy quý họ. Kiểu vợ chồng sống lâu cùng nhau mấy mươi năm, bình bình đạm đạm mà ăn ý, lo lắng chăm sóc cho nhau, nó thấy thương gì đâu.
Hai cặp vợ chồng khác thì lại ‘chinh phục’ mọi người bằng cái tình chứa chan trong mỗi cử chỉ hành động họ dành cho nhau, dẫu họ chẳng cố ý để ‘show’ ra điều đó. Một đôi vợ chồng đã từng có mặt trong vài chuyến đi ngắn ngày của nhà MayQ Go trong nước, nay quyết tâm cùng nhau đi chuyến đi đường dài. Sức khoẻ của chị đang không tốt lắm, mấy năm nay chị đang đối mặt với một dạng căn bệnh khá lạ lùng về máu mà y bác sĩ Tây y cũng chưa thực sự dò ra được bệnh tình. Anh chồng luôn kề cận một bên, săn sóc, cưng chiều, động viên, dỗ dành từng chút một. Một cặp đôi khác vốn là thành viên các khóa chia sẻ về Quản trị cuộc sống với Nhân số học của nhà MayQ, họ chăm sóc nhau trên sự hiểu và thương nhau từ những biến cố trước đây xảy ra với họ. Anh chồng tự nhận, trước đây anh sống “khá vô minh” do khá thành đạt trên thương trường. Rồi một ngày trong dịch Covid, anh bị kẹt lại tại Thái Lan, bị nhốt cách ly vào một căn phòng bé hẹp trong suốt 14 ngày, thân thì bệnh, vợ con anh ở quê nhà cũng bệnh… Khủng hoảng tận cùng đưa đẩy anh đến tìm sự che chở nơi Phật pháp, và cũng chính Phật pháp đã cứu anh và gia đình đi qua những ngày tháng ngặt nghèo đó. Kể từ đó, một người đàn ông ‘duy ý chí’ như anh đã miệt mài kinh kệ, lạy sám hối hàng ngày. Và cũng từ đó, hai vợ chồng càng gắn bó với nhau sâu sắc hơn thông qua một sợi dây đức tin bền chặt mà họ cùng nhau chạm được thông qua biến cố.
Sự gắn bó, yêu thương và san sẻ của năm đôi vợ chồng góp mặt trong chuyến đi đã trở thành những ‘gương sáng’ rất trực quan sinh động cho không ít những anh chị khác, vốn cũng có một gia đình an ổn nhưng chưa đủ duyên đưa được người bạn đời đi cùng mình qua chuyến đi này. Các anh chị thừa nhận sự ‘truyền cảm hứng’ này theo nhiều cách thức khác nhau, có anh gọi điện về kể cho bà xã ở nhà nghe về những điều đẹp đẽ anh đã thu nhận được qua chuyến đi, và thuyết phục bà xã đăng ký vào trong chuyến đi của năm sau. Một số chị thì rất biết ơn anh xã và các con đã hết lòng ủng hộ cho các chị có mặt trong chuyến đi, nhưng cũng tỏ lời nguyện lần sau có trở lại sẽ có mặt các anh xã đi cùng các chị…
_ Những ‘Bà Ngoại U70’ ‘siêu kiên cường’:
Trong đoàn có gần chục cô tuổi trên dưới bảy mươi, nhưng luận về sắc vóc lẫn năng lượng yêu đời thì vẫn cứ như tuổi thanh xuân. Các cô đi từ sự đăng ký của các con gái, nhiều cô còn đi cùng với con gái. Và cũng không phụ sự tin yêu của các con, các cô đi không bỏ sót một hành trình nào, có mặt trong hầu như tất cả các thời khoá tu tập hàng ngày, vốn bắt đầu từ sáng sớm, có khi diễn ra đến tối muộn. Các cô cũng rất năng nổ chủ động đi thiền hành, lạy Phật, kết nối với với mọi người trong tình thân một cách đậm đà. Tất cả làm bọn ‘thế hệ trẻ hơn’ trong đoàn hết sức ngưỡng mộ, mong cố gắng hết sức, bằng tuổi các cô mà cũng được như các cô thì đáng quý bao nhiêu.
_ Những gương mặt trẻ:
Trong đoàn, đáng ngạc nhiên có sự có mặt của một số các gương mặt đầu tuổi hai mươi. Ở lứa tuổi gần như chưa trải qua biến động gì quá nặng nề, các bạn vẫn chọn lựa trải qua những ngày tu tập miên mật nơi một nơi thanh tĩnh như Tây Thiên Westlock. Và những chia sẻ của các bạn mới làm cho mọi người cảm động. Các bạn nói, cám ơn chuyến đi và những ngày lưu lại Tây Thiên Westlock đã làm cho các bạn nhận ra rằng việc tu tập, lễ Phật, lắng tâm hay sửa mình mỗi ngày thêm một chút là điều không phải quá xa vời hay khó thể làm được. Và với những nụ cười rạng rỡ ấy, niềm tin yêu rạng ngời trên những đôi mắt trẻ ấy, chúng mình tin rằng, từ bước khởi đầu của chuyến đi này, các bạn sẽ có những bước vững chãi để phát triển bản thân trên con đường dài về phía trước.
_ Những người quay trở lại Tây Thiên lần hai, lần ba…
Trong đoàn có gần mười người đã quay trở lại chuyến AN Canada lần thứ hai. Đây là các chị đã từng có mặt trong chuyến AN Canada năm ngoái, đã xác định đây như một chốn Nhà để trở về hàng năm mỗi khi có thể, để có thể được tĩnh tâm, được kết nối, được chia sẻ, được tu tập, và được gặp lại Thầy của mình. Và lần này trở lại, những ước nguyện của họ được thoả mãn trọn vẹn. Trong không gian thanh tĩnh đến trong vắt của Tây Thiên Westlock những ngày cuối đông đầu xuân, họ đã có bảy ngày được đắm mình trọn vẹn trong không gian của những hoạt động tu tập miên mật, được đón mặt trời lên và chào mặt trời lặn xuống, được dạo bước kinh hành trên những lối nhỏ lạo xạo tuyết trắng cuối mùa, được hoà mình vào những thời thiền tĩnh tâm, thiền quán tưởng, được cùng nhau có những cái nắm tay đậm tính kết nối, những cái ôm ấm áp tình thân… Và trên tất cả, họ được thật sự gặp lại Thầy, được quay về với sự ấm áp thân gần đầy thương yêu của Thầy của mình trong suốt bảy ngày. Hạnh phúc này, cái gì có thể đo đếm được.
NHỮNG SỰ CHUYỂN HOÁ, VÀ BUÔNG XẢ
Đi trong đoàn có một anh tuổi ngoài sáu mươi, gương mặt trầm trầm tuy bên ngoài vẫn có những sự thân gần dễ mến. Đi cùng anh dọc dài mười mấy ngày, nghe biết sơ sơ anh hiện đang sống một mình, đã từng phải trải qua một số ‘biến cố kép’ cách đây vài năm khi gần như trong cùng một quãng thời gian, lần lượt người thân thương trong anh em ruột trong nhà, rồi đến người bạn đời đầu ấp tay gối của anh, đã tặng cho anh những quả đắng thiết tha, khiến anh đang từ một con người sống an ổn, hạnh phúc phát hiện ra mình trắng tay hoàn toàn. Cùng đường, tuyệt vọng, nhiều lần anh có nghĩ đến cách kết thúc cuộc sống đắng cay ấy. Tuy nhiên, cũng trong chốn cùng đường, tuyệt cảnh ấy, anh tìm đến với Phật pháp, tìm đến với những triết lý nhân sinh Đức Phật dạy, và anh dần vượt qua. Cho đến nay, khi đã tìm đến chuyến đi này, anh mong chạm đến sự bình an trọn vẹn.
Hàng ngày cùng đi với nhau, cùng có những thời kinh kệ, bái sám cùng nhau, anh dần như ngộ ra thêm, cảm ra thêm. Đến khi thật sự bập sâu vào từng quyển Lương Hoàng Sám mỗi ngày, anh dường như chợt tỉnh. Anh hiểu, người với người đến với cuộc đời này là để báo ân trả oán cho nhau, mà nếu ai không ngộ ra được sự thật này, sẽ dễ dàng bị những tổn thương sâu đậm người mang đến cho mình mà sinh tâm sân hận, rồi từ đó tự tạo thêm ác duyên mới, để rồi oán thù đời đời kiếp kiếp qua lại lẫn nhau không khi nào cởi xuống được. Từ ngộ đến quyết tâm ‘lấy buông xả đối oán thù’, anh sốt sắt, nhọc lòng thiết tha lạy sám hối mỗi ngày cùng cả đoàn. Ngày lại ngày trôi, những dòng kinh sám, những cái lạy dần như rửa trôi oán thù của anh tận trong tiềm thức.
Đời sống bảy ngày ở tu viện Tây Thiên Westlock là đời sống tập thể, giường tầng. Ở cùng với anh có một số người anh em là bạn cùng tham gia trong chuyến đi. Một anh ở cùng phòng với anh kể lại, những đêm đầu ngủ cùng anh, họ hầu như khó ngủ được trọn giấc, vì anh bị ‘nói mớ’ rất dữ. Và trong những cơn ‘nằm mơ, nói mớ’ đó, toàn là những lời uất hận, đòi g.i.ế.t, đòi đánh người… Vậy mà, ròng rã cùng đi qua tới ngày thứ ba cùng đọc và ngẫm ngộ Lương Hoàng Sám, đến được hết quyển 5 và quyển 6, giải thích và sám hối cho những mối oan kết hiềm hận giữa người và người, tối đó về, các bạn cùng phòng không còn nghe anh nói mớ những lời ghét hận, đòi đánh đòi g.i.ế.t ai nữa. Thay vào đó, những lời nói mớ của anh chuyển thành… những lời đọc trong Lương Hoàng Sám. Tụi mình nghe chia sẻ lại mà thấy rưng rưng mừng cho anh. Bởi, trong mơ là lúc con người ta thành thật nhất với chính bản thân mình, và những gì còn vương lại trong những giấc mơ là những phản ánh chân thật của những gì con đọng lại trong tiềm thức. Khi anh thực sự không còn mơ thấy những cảnh ‘đòi nợ mạng’, muốn đánh hay g.i.ế.t ai, mà thay vào đó, là những lời kinh, câu sám để ngẫm ngộ sâu về lẽ buông xả tâm oán giận, đó thật sự là những tín hiệu của tâm anh được giải thoát. Đem điều này chia sẻ lại với Thầy Pháp Hòa trong đêm thiền trà cùng nhau, Thầy cũng hoan hỉ cùng anh, và Thầy cho biết, đó là một dạng ‘…. Sinh tử’. Con người ta, một khi đã có sinh ra hẳn sẽ có một ngày chạm đến ‘Nhất thiết sinh tử’, là cái chết trọn vẹn, ngưng thở, hồn lìa khỏi xác. Tuy nhiên, một khi con người ta nhiều năm phải sống trong tâm trạng buồn giận, uất hận, nay nhờ một cái duyên sâu mà cởi bỏ được oán thù, chuyển hoá được nội tâm, điều đó có nghĩa là con người cũ trong anh đã ‘chết’ đi rồi, thay vào đó là một con người mới, biết sống bao dung hơn, tích cực hơn và hiểu chuyện hơn… Đây, xét cho cùng, là ‘cái chết tốt’ mà ai cũng nên cần có một vài lần trong đời. Nghe mà càng mừng thay cho anh.
Trong đoàn có một bạn nữ tuổi ngoài ba mươi, tính sôi nổi dễ thương. Em cho biết cuộc sống của em hiện tại không gặp vấn đề gì. Tuy nhiên, khi vào những thời kinh sớm cùng Thầy, được Thầy dắt về nẻo ý của an trú trong hiện tại, “Quá khứ đã qua, tương lai chưa đến, đừng tìm về quá khứ, đừng tưởng đến tương lai, đó là sự hạnh phúc của người biết trân trọng phút giây hiện tại.” Đâu phải đây là lần đầu tiên em được nghe về những điều này. Vậy mà, phải tới tại đây, trong không gian tĩnh lặng của Tây Thiên Westlock sớm ban mai tĩnh lặng ấy, hoà nhập trọn vẹn trong những lời dạy của Thầy, em chạm được vào sự ngộ, và em rơi nước mắt. Hoá ra, thẳm sâu trong lòng em vẫn là những ký ức về những gì rất đau buồn đã diễn ra cách đây hàng mấy chục năm, mà em vẫn không buông xuống được. Phải đến thời điểm ấy, phút giây ấy, sau khi lần giở từng lớp từng lớp một tâm tư qua những thời khóa tu tập và kết nối hàng ngày, em mới thật sự buông xả xuống được cái gánh nặng vô hình làm trĩu lòng em mấy chục năm nay. Và em nói, em biết ơn chuyến đi này biết bao.
Trong đoàn có một anh mặt mũi hiền lành dễ thương, cũng là lãnh đạo của một doanh nghiệp. Đọc xong Lương Hoàng Sám quyển 3 quyển 4, ngồi dùng bữa sáng cùng chị Diễm Hương, anh tâm sự vì gia đình anh nhỏ sống ở quê, cuộc đời anh đã gi.ế.t không biết bao nhiêu con gà con vịt, lại đánh đập đòn roi không biết bao nhiêu con trâu con bò, do hồi nhỏ đi chăn trâu suốt. Ngộ ra những điều thuộc về luật nhân quả được đề cập trong Lương Hoàng Sám, anh hốt biết kinh sợ, và những ngày tu tập, anh thật lòng sám hối về những điều đã làm. Ngoài những thời kinh chung với cả đoàn, sáng nào anh cũng tự thức dậy từ rất sớm, tập đọc kinh riêng. Người đàn ông tuổi năm mươi, giờ đây võ vẽ tập đọc những dòng kinh, câu sám, bài chú như những trẻ em mới đến trường lần đầu. Nghe mà thấy thương làm sao đâu.
Cặp đôi vợ chồng gắn bó với nhau mấy chục năm son sắt mà tụi mình có kể ở trên, trong buổi thiền trà với Thầy trong đêm lưu lại cuối cùng, thành thật chia sẻ, đọc Lương Hoàng Sám, ngẫm về những hậu quả khủng khiếp của những gì mình có thể đang gây ra cho những chúng sinh khác mà không tự biết, cô chia sẻ, chú hứa quay trở về nhà sau chuyến đi, chú sẽ thả hết những chú chim chú đang nhốt trong lồng. Và đồng thời chú cũng muốn ‘phóng thích’ hết mấy hũ rượu ngâm trăn, ngâm rắn mà những người thân trước giờ đi đây đó mang về tặng chú, mặc dù trước giờ chú cũng không uống, nhưng nay thấy thả mấy ‘chú trăn, chú rắn’ ấy đi, cũng như một hình thức ‘thả đi’ những oán khí con đọng lại trong những hũ rượu ngâm ấy, coi như cũng thấy nhẹ lòng phần nào…
⭐️ VÀ TRÊN TẤT CẢ, ĐƯỢC GẶP THẦY, Ở BÊN THẦY
Một trong những niềm hạnh phúc lớn lao mà mỗi thành viên trong đoàn đều cảm nhận được trong từng ngày trôi qua nơi đây, đó chính là được ở cạnh bên Thầy Pháp Hòa trong những hoạt động thường ngày trong suốt bảy ngày quý giá.
Thầy vừa trở về sau một chuyến hoằng pháp dài. Nên, thời gian Thầy tĩnh dưỡng sau chuyến đi hoá ra lại trở thành thời gian quý báu cả đoàn được lưu lại bên Thầy. Trân quý từng đoạn phút giây này, bởi thật ra bản thân chúng mình có thể tự tu tập cùng nhau được, và những thời khóa tu tập dày kín mỗi ngày, phần lớn là chúng mình tự tu tập với nhau. Tuy nhiên, ngẫu nhiên thời điểm này Thầy lưu lại được Tây Thiên hầu như mỗi ngày, và vì thế, cả đoàn nhờ được phước ân này mà hưởng được hầu như mỗi thời kinh sáng cùng Thầy, được Thầy hướng dẫn cách thiền tĩnh tâm, đi kinh hành, đọc Nhật tụng thiền môn, lạy Phật và chư Bồ tát, Thánh Hiền Tăng… Những bài pháp giảng và pháp đàm cho riêng đoàn trong những buổi tối Thầy rảnh lịch, thời thiền trà là thời gian quý giá để các thầy trò lắng nghe nhau, chia sẻ cùng nhau, và cùng nhau ca hát những bài thiền ca tốt đạo đẹp đời… Với nhiều thành viên trong đoàn, buổi lễ quy y đầy trang trọng, nghi thức ‘nhấp tóc gieo duyên’ thiêng liêng được diễn ra ngay trên chánh điện Tây Thiên Westlock là một cột mốc khó phai mờ đối với họ trong bước đường quay về biết tu tập, sửa mình, và hướng về sự giải thoát bản thân khỏi khổ đau, phiền não, bệnh tật, trần lao, nghiệp chướng…, và dài hơn, khỏi sinh tử luân hồi.
Như một ‘đặc sản cộng thêm’ đầy thú vị cho những ngày được ở bên Thầy, cả đoàn có những khi được cùng ngồi dùng bữa với Thầy, được Thầy hướng dẫn cách biết ơn thức ăn và quán tưởng trước khi thọ thức ăn, được trải nghiệm ăn trong chánh niệm, và cả những phút giây cùng vui đùa bên nhau thật thân, thật thương với lối đùa tỉnh queo nhưng vô cùng hài hước của Thầy. Hơn thế nữa, hầu như ai cũng tự mình lảy ra một góc cạnh nào đó, trong cách Thầy đang sống, đang hướng đến tất cả mọi người với những chân tình, những sự quan tâm không phân biệt. Để rồi, buổi trưa cuối cùng rời Tây Thiên Westlock, trời đang nắng trong suốt bảy ngày trước đó bỗng dưng trở lạnh buốt. Thầy phong phanh áo vải, ra tận xe để tiễn đoàn về. Phút giây ấy thân thương không tả xiết. Nhiều bạn ‘mít ướt’, những giọt nước mắt tự nhiên rơi, không phải vì buồn.
✨ VÀ BAO ĐIỀU ĐỌNG LẠI KHÁC NỮA…
Cũng trong bảy ngày khó quên này, mỗi thành viên trong đoàn được trải nghiệm đời sống tập thể, tự dọn dẹp phòng ở, dọn toilet riêng ở phòng và toilet công cộng, phân công ba nhóm rửa chén bát sau mỗi bữa ăn, lau dọn chánh điện, pháp xá, các không gian sinh hoạt chung, đi lượm rác ở các khuôn viên xung quanh… Có những người có thể là ‘cục cưng’ trong các gia đình của họ, hoặc lãnh đạo doanh nghiệp, bảy ngày này bình đẳng như ai, xắn tay áo lao động miệt mài như ai. Niềm vui của sự lao động tự nguyện như càng làm thắm thêm tình thân, tiếng nói cười rộn rã từng khu, nghe thân thương và ấm áp những ngày lạnh giá.
Bên cạnh đó, sự có mặt xuyên suốt và đầy tận tâm của chị Thuỷ, anh Phước Trí, sư cô Trung Huệ…, những gương mặt thân thương của ‘Team Tây Thiên’, cùng với sự lặn lội từ xa về góp làm công quả của mấy anh chị em tình nguyện viên, thực sự đã làm cho khoá huân tu bảy ngày của chúng mình tại Tây Thiên Westlock thập phần đầy đặn. Ở tập thể, nhưng từng tấm trải giường, chiếc gối, tấm mề dạ phẳng phiu, thơm tho mùi giặt sấy. Từng bữa ăn chay siêu ngon lành, đa dạng, nóng sốt, mà ai ai cũng công nhận thuộc loại ‘ngon nhất quả đất’, khiến cho ai nấy bụng no căng, nói vui chuyến này ai về nhảy lên cân chắc cũng phải tăng thêm vài kí lô. Trong suốt bảy ngày, thật sự có thể nói, mỗi người ai ai cũng dường như đặt được những muộn phiền, lo toan ra ngoài cửa tâm, chỉ chuyên tâm mỗi ngày dậy sớm, tu tập, quay về thưởng thức bữa ăn, nghỉ ngơi, dậy tu tiếp, xong được ăn tiếp, rồi nghỉ ngơi, tu tiếp, rồi ăn tiếp… Hầu như ai nấy đều được trở lại với thời học sinh vô lo thuần khiết, chỉ học rồi ăn, ăn rồi học. Có điều, ngày đó thời học sinh là học chữ, học kiến thức, còn giờ đây, ở một giai đoạn trưởng thành giữa đời người hoặc hơn thế nữa, chúng mình đây đang được học để từng bước gỡ bỏ phiền nào, quay trở về với đời sống an vui, quay về được với bản tánh chân thật, sáng trong luôn có sẵn trong tâm của mỗi con người… Làm sao mà không trân quý quãng thời gian này được chứ.
Những dòng cuối cùng, không thể không nhắc tới những nhân vật đặc biệt, làm một dấu dặm thêm những niềm vui không nhỏ những ngày lưu lại Tây Thiên Westlock. Đó là sự có mặt của chú chó Samoy, một giống chó rất to, lông dày sống ở xứ lạnh. Mình quay lại Tây Thiên Westlock lần thứ tư, mới được gặp cậu ấy lần đầu. Các anh chị trong chùa cho biết, cậu không phải là cư dân mới của chùa, mà vốn là con của một hộ gia đình kế cận. (Mang tiếng là ‘kế cận’, mà từ hộ gia đình chính của cậu ta, chạy được sang đây cũng phải mất một vài ki lô mét). Kể từ mùa hè năm ngoái, không biết ‘kết’ được cái gì vui hay bên chùa bên này, mà cậu mỗi ngày đều chăm chỉ chạy sang bên này, quấn quýt vui đùa với mọi người ở nơi đây, nhiều khi tối không thèm về, nằm ngủ luôn trước sân chùa. Lâu lâu cậu lại rủ thêm một người bạn khác, cùng giống Samoy với cậu mà nhỏ hơn một chút, hai đứa chạy qua vui đùa bên này. Ngày chúng mình tới Tây Thiên Westlock, một trong những nhân vật đầu tiên chạy hớn hở ra đón chúng mình, chính là cậu. Cậu không cần biết thân sơ, mới quen đã giơ bộ dạng ‘chú bé khổng lồ’ lên mà chào đón mọi người. Kỳ lạ, là cậu to như vậy, to hơn cả thân hình của chúng mình, nhưng bộ dạng hiền lành vô hại của cậu khiến cho hầu như không ai cảm thấy sợ hãi. Và thế là, xuyên suốt bảy ngày, ngoài chuyện tu tập, sinh hoạt chính thức, ai ai cũng có những phút giây thật sự thư giãn và đầy yêu thương của chuyện… bầu bạn với cậu, chơi đùa với cậu, đút cho cậu ăn, được cậu làm nũng và quào chân lên áo, kéo tay, nhảy lên ôm vai… Ta nói, đi về rồi, một trong những nhân vật ‘gây thương nhớ’ nhất, chính là cậu nha, cậu Samoy!
Tạm biệt nhé, Tây Thiên Westlock với muôn vàn thương yêu và nhớ nhung, hẹn sớm ngày gặp lại!
Và cũng trong sự cảm nhận những giá trị đặc biệt mà những chuyến đi dài ngày như thế này đến Canada và Tây Thiên Westlock có thể mang đến cho những thành viên thông qua các chuyến đi đã qua, nhà MayQ Go quyết định tăng tần suất mở các chuyến AN Canada hàng năm. Theo kế hoạch mới, mỗi năm chúng mình dự định mở hai chuyến, một chuyến mùa thu dự kiến diễn ra vào cuối tháng Chín (23/9 – 5/10/2024), và một chuyến cuối đông đầu xuân như lịch đã thành quen, diễn ra trung tuần tháng Ba năm sau. Lịch AN Canada mùa thu sẽ diễn ra theo cung đường có lá phong đẹp nhất Canada, là vùng Montreal, Toronto, dọc dài về Tây Thiên Westlock. Chuyến AN Canada cuối đông vẫn sẽ là món quà tuyệt vời cho những ai muốn trải nghiệm ‘đường xa tuyết trắng’, đẹp và lạnh, mà vẫn vô cùng tuyệt vời!
Chúng mình sẽ cho mở đăng ký cả hai chuyến đi này cùng lúc ngay từ bây giờ, để kịp chuẩn bị làm visa, tối ưu khả năng các bạn muốn được tham gia kịp có mặt trong các đoán. Ai có nhu cầu đăng ký đi hoặc đăng ký cho người thân, xin hãy liên lạc với trang MayQ Go để được hướng dẫn chi tiết nhé.
Gửi niệm lành cho tất cả,
(27.3.2024 – QH & MayQ Team)