Search
Close this search box.

ẤN ĐỘ: THIÊNG LIÊNG QUẦN THỂ HANG ĐỘNG AJANTA

MC Quỳnh Hương đến thăm quần thể hang động Ajanta trong chuyến khảo sát cho hành trình An trên Đất Ấn

[Ký sự hành trình khảo sát An trên Đất Ấn]

Bài 4: THIÊNG LIÊNG QUẦN THỂ AJANTA CAVES

Góp phần không nhỏ cho cảm xúc đong đầy ở hành trình chiêm ngưỡng và viếng bái khu thạch động Ellora là một anh hướng dẫn viên địa phương uyên bác, có giọng nói tiếng Anh từ tốn, và đặc biệt, là dễ hiểu (mình thú nhận: không phải ở nơi nào, các hướng dẫn viên địa phương cũng có giọng phát âm tiếng Anh dễ hiểu, ví dụ gần nhất là anh hướng dẫn viên khu Kanheri, huhu, mặc dù anh ấy là một tiến sĩ sinh học của Ấn). Thấy tụi mình cứ gọi là ‘mê mệt’ với khu hang động Ellora, anh nói, khu này đúng thật là tuyệt vời thật đấy, nhưng cũng cùng với thời gian, trong quá trình chìm nổi suốt gần mười thế kỷ cùng với sự nổi trôi của đạo Phật ngay chính tại quê hương sinh ra mình, quần thể Ellora sau khi được phát hiện trở lại đã chịu nhiều tổn thất. Khá nhiều kẻ đã tìm đến, lén đục đi hầu hết các bức bích họa đặc sắc trên các bức tường. Vì thế, anh kết luận, cùng mang giá trị lịch sử của một thời Phật giáo hưng thịnh như nhau, thế nhưng để mãn nhãn cảm nhận giá trị mỹ thuật của các quần thể hang động khắc đá này, các bạn phải tìm đến quần thể hang động Ajanta nhé!

Ajanta! Ba âm tiết này lại âm âm vang trong đầu mình, như một lời hẹn cho điều khởi thủy niềm hứng thú tìm đến khảo sát những nơi này của chúng mình. Lưu luyến tạm biệt Ellora, chúng mình lên xe, đi tiếp vài tiếng đồng hồ nữa là đến thạch khu Ajanta, cũng tạm coi như ‘Hoa hậu của các hoa hậu’ trong làng thạch động cắt đá miền Nam Ấn Độ, mà chúng mình đã được dẫn đến viếng thăm. Và giờ đây, chúng mình mới hiểu dụng ý của phía đối tác, khi cố tình sắp xếp cho chúng mình viếng thăm lần lượt khu Kanheri trước, rồi tới Ellora, rồi cuối cùng, là mới tới quần thể hang động Ajanta. Cảm xúc cứ mỗi lần như được thêm vỡ òa, cứ tưởng vào đó là đã chạm mốc rồi, đã trải nghiệm được những khoảnh khắc tuyệt vời rồi, ai ngờ qua một quần thể tiếp theo, lại thấy cảm nhận của mình như được khuếch rộng ra, sâu thẳm thêm một chút. Và, cũng tới thời điểm này, mình mới tận thấu hiểu cái nhìn đầy hàm ý cùng nụ cười của anh bạn đối tác, khi cứ tại mỗi điểm, mình lại đòi “Ở lại đây trọn nguyên ngày”, và anh lại cứ kiểu “Bạn cứ đi tiếp đi, rồi chúng ta bàn kế hoạch chi tiết sau nhé!”

Bởi vì, thạch khu Ajanta đẹp thiệt là đẹp! Đẹp quá đẹp, so với cả vẻ đẹp của hai thạch khu trước mà chúng mình đã được bái ngưỡng.

Chúng mình phải được trung chuyển bằng một dạng xe bus nội bộ, sau đó, được đi qua một cánh cổng, dẫn vào một quần thể cảnh vật bao la bát ngát. Ấn Độ thời tiết cực đoan, mưa rất dữ, nhưng lại chỉ tập trung vào hai đến ba tháng một năm, còn lại phần lớn đều là mùa khô. Ngay cả dưới cái nắng nóng của đầu giờ chiều, thảm thực vật ở Ajanta vẫn ánh lên nét sinh khí. Một vòm núi cong hình móng ngựa được điểm trang bởi rừng cây ở giữa, một dòng sông nho nhỏ chảy xuôi… Chiếc ‘móng ngựa’ bằng đá hùng vĩ này như được tô điểm những chiếc ‘răng’ khổng lồ, cao thấp nhấp nhô. Nhìn kỹ, đó chính là những ô vuông hõm nhiều tầng, được đẽo khắc sâu vào đá núi, chính là những không gian thờ phượng và tu tập, làm nên giá trị vượt thời gian của quần thể này.

Vả lại, so với quần thể Ellora là nơi tụ hội nhiều tôn giáo cùng song song hội hợp, quần thể hang động Ajanta chỉ thuần túy dành cho Phật giáo. Vì lý do này, nó còn được gọi bằng cái tên nghe giản dị, gần gũi: “Quần thể chùa hang Ajanta”. Trải qua dòng chảy thời gian, nó cũng đã trở thành một trong những di sản lớn nhất về đạo Phật còn lưu giữ được đến ngày nay. Là một quần thể các hang động cắt đá Phật giáo có lịch sử từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên đến năm 480 sau Công nguyên, đây thực sự là di tích quý giá đại diện cho thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo tại Ấn Độ. Cũng như Ellora, quần thể hang động Ajanta đã được tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Theo tài liệu khảo cứu, di tích hang động Ajanta có tất cả 30 hang, bao gồm Thánh đường Phật giáo và các khu phụ cận. Các nhà khảo cổ đã đánh dấu các hang theo số thứ tự. Quần thể hang động Ajanta không được tạo dựng trong một thời kỳ liên tục, nên các nhà nghiên cứu phân chia các hang động theo từng thời kỳ xây dựng. Cụm hang được tạo dựng vào giai đoạn đầu thế kỷ thứ 2 trước công nguyên gồm hang số 8,9,10,12,13,15 mang nhiều màu sắc của Phật giáo Nguyên thủy. Cụm hang sau được xây dựng vào thế kỷ thứ năm sau công nguyên, mang màu sắc Phật giáo mới (Phật giáo phát triển, hay còn gọi là Phật giáo Đại thừa). Một số hang vẫn đang dang dở chưa được hoàn tất. Mặc dù còn nhiều chỗ chưa hoàn thiện, nhưng chùa hang vẫn là một trong những công trình lớn được tạo ra do bàn tay sùng đạo đầy lòng thành kính của con người. Một trong những điểm đặc biệt của quần thể hang động này chính là một số lượng khổng lồ những bức tượng điêu khắc về đạo Phật. Đây được coi là những tác phẩm hội họa đẹp nhất của nghệ thuật Phật giáo ở Ấn Độ.

Các hang thờ Phật ở Ajanta có kích thước khác nhau, trong đó hang lớn nhất có diện tích khoảng 16m, được đục khoét một cách vuông vức. Việc xây dựng các chùa hang này cũng có sự khác nhau rất lớn, có những chùa được xây dựng một cách đơn giản nhưng cũng có những chùa được xây dựng khá công phu và tinh xảo. Một vài chùa được tạo mái vòm nhưng cũng có chùa không có. Nhưng phần thiết yếu mà một ngôi chùa phải có, đó là nơi thờ Phật. Các nơi thờ Phật thường được xây dựng dựa lưng vào vách đá phía sau ở trung tâm của ngôi chùa, và trên mỗi nơi thờ tự thường đặt một bức tượng Phật ngồi bằng đá.

Không chỉ có các hang động, Ajanta đặc biệt nổi danh với những bức bích họa trên vách đá và trần hang. Tổng cộng ở Ajanta có đến 500 bức. Màu sắc tranh được làm từ các chất khoáng và các chất có nguồn gốc thực vật, nên chúng vừa hài hòa, vừa tương phản, mà vẫn được sắc tươi nguyên qua mấy ngàn năm. Toàn bộ các bức tranh đều tập trung thể hiện cuộc đời đức Phật và thể hiện các câu chuyện tiền thân của Ngài (trong đó có nhiều kiếp là các con vật, nhiều kiếp là những con người có xuất thân khiêm tốn). Vì thế , tuy đều gắn với đề tài Phật giáo, nhưng các bức tranh không chỉ giới hạn trong cuộc sống tăng viện, mà bao trùm hiện thực rộng lớn hơn: cả cuộc sống cung đình, cuộc sống của bao người bình dị nơi thị thành thôn xóm, thế giới chim thú, cỏ hoa và cả thế giới của các tiên nữ, các tạo vật thần linh trên thiên giới nữa. Một cuộc sống sôi nổi, hưng phấn và đầy đam mê. Những thiếu nữ trong tranh Ajanta được thể hiện rất quyến rũ với những đường cong mềm mại, thần thái sinh động trong từng ánh mắt, từng nét môi say đắm và e lệ. Các nghệ nhân còn khéo lợi dụng sự phân bố ánh sáng để người xem khi chuyển dịch vị trí có thể thấy nhân vật trong tranh như chớp mắt, hé cười, hết sức sống động. Có thể nói, nghệ thuật Phật giáo đã sử dụng vẻ đẹp của thế giới vật chất như một phương tiện để hướng đạo khát vọng các tín đồ với vẻ đẹp tâm linh của sự giác ngộ.

Đến đây, lại nhớ đến những dòng cô Tôn Thư Vân tán thán trong phần viết về quần thể hang động Ajanta trong quyển Muôn dặm không mây, khi cô lần theo dấu chân Tam Tạng Pháp sư Trần Huyền Trang tìm đến nơi này vào cuối thế kỷ thứ 6, đầu thế kỷ thứ 7: “…Ngài Huyền Trang không hề nhắc đến, nhưng sự thật những bức họa điêu khắc Ajanta vô cùng huy hoàng xán lạn. Khi nhìn thấy chúng, tôi đã hiểu vì sao. Điêu khắc nơi đây có một vẻ uy nghiêm khiến bạn phải khởi lòng kính ngưỡng lễ bái. Bích họa tại Ajanta diễm lệ, sinh động và gần gũi. Nó là quyển sách dài về cuộc sống Ấn Độ cổ đại hoàn mỹ. Thạch khu nơi đây có từ thế kỷ thứ 2, các bức họa phần nhiều xuất hiện vào thế kỷ thứ 5-6 – trước khi ngài Huyền Trang đến 100 năm. Cung điện nguy nga trên bích họa có phải là cung điện của vua Giới Nhật thống trị Ấn Độ mà ngài Huyền Trang từng bái kiến? Những ngôi tự viện cao vút nguy nga có phải được mô tả trong quyển Đại Đường Tây Vực Ký. Và đây là những khu chợ với nhiều người buôn bán, những nông dân cực khổ ngoài đồng, đương nhiên không thể thiếu được những người tế tự trong xã hội Ấn, cũng như những nhà tu khổ hạnh, những biểu hiện sinh động của chọ cho tôi một cảm giác chưa từng có.” Cô Tôn cũng cho rằng, lần theo dấu vết ngài Trần Huyền Trang đến Ấn Độ, tuy khắp nơi phát hiện nhiều di tích, truyền thuyết và cũng bị chúng tác động, nhưng cô đều cảm thấy như là xem trăng dưới nước. Mà chỉ tại Ajanta, cô đã tìm thấy được xã hội Ấn Độ mà chính mắt ngài Huyền Trang chứng kiến và mô tả chân thật như vậy!

Cũng theo cô Tôn, bích họa đẹp nhất tại các hang động Ajanta là hai bức hình Bồ tát trong động số 1, đặc biệt là tượng Bồ tát bán thân, tay cầm hoa sen xanh. “Ajanta là nơi nổi tiếng về nghệ thuật hội họa và điêu khắc của Ấn Độ cổ đại, bức họa này là tác phẩm độc đáo. Đầu tượng hơi nghiên, khuôn mặt hiền hòa, bình thản, dường như đang lắng nghe bạn, cùng chia sớt nỗi lo của bạn. Nhìn ngài, bạn sẽ không thấy cô đơn, cặp mắt đầy tình thương, miệng hé mở không biết đã phát ra bao lời an ủi. Đứng trước tượng tôi không muốn rời, có thể tôi biết rằng từ đây về sau, sẽ không có cặp mắt nào quan tâm tới tôi như vậy.”

Rõ ràng, mỗi người có một dạng ‘điểm chạm’, và mình thực tâm tin rằng, không phải ngẫu nhiên cô Tôn lại có ‘điểm chạm’ mạnh mẽ với bích họa Bồ tát cầm hoa sen xanh, hay mình cực kỳ trân quý khoảnh khắc được chạm đầu vào thạch trụ ở động Kailash. Mai này có hữu duyên cùng nhà MayQ theo chân tour An trên đất Ấn đến với cụm hang động Ajanta, bạn hãy thử xem bạn có cảm giác mãnh liệt như của cô Tôn Thư Vân không nhé.

Sau phần chia sẻ cảm nhận mãnh liệt tại quần thể hang động Ajanta, nơi ngài Trần Huyền Trang đích thân vượt đường xá xa xôi tìm đến đây, đích thân chiêm bái và đã có những dòng ghi chép vào quyển sách quan trọng của ngài, Đại Đường Tây Vực Ký, cũng trong quyển Muôn dặm không mây, cô Tôn Thư Vân cho biết, “Ngài Trần Huyền Trang rời nơi này không lâu, do sửa đường gần Ajanta, hoạt động đục thạch khu bị ngưng. Và, theo sự mai một của Phật giáo, Ajanta bị che khuất trong rừng rậm nhiệt đới, mất hút trong lịch sử cũng như trong ký ức mọi người. Mãi đến năm 1819, một viên quan người Anh đi săn, nhìn thấy một con hổ vào rừng sâu xuyên qua động, liền dần theo dấu vết. Phát hiện trước mắt khiến ông kinh ngạc. Nền văn minh thất lạc lại tái thế. Khi các nhà khảo cổ học người Anh đi kiểm chứng lịch sử Ajanta, họ phát hiện, ghi chép duy nhất liên quan đến thánh địa nghệ thuật Phật giáo này là từ một vị tăng Trung Quốc, chính là ngài Trần Huyền Trang vậy!

Cái cảm giác được đứng trên cùng một nền đất, một không gian với ngài Trần Huyền Trang xuyên qua lịch sử hàng 15-16 thế kỷ, ngót ngét 1.600 năm, khiến cho mình có chút nổi da gà… Cảm thấy, có những khi chúng ta thật sự quá bé nhỏ với khoảng thời không rộng lớn này. Và trong đó, hang động số 26, hang động đã được ngài ghi chép tỉ mỉ trong quyển ký sự của ngài, quả thật cũng chính là hang động làm mình ‘động tâm’ nhất trong số toàn bộ quần thể.

Hang động cao mười mấy mét, sâu hơn 30 mét, ngoài cùng là Phật tháp cao tận đỉnh, có nhiều cây cột đá giả gỗ to lớn. Những thạch nhũ điêu khắc bên trong động từng lưu lại ấn tượng sâu sắc cho ngài Huyền Trang, xuyên qua gần hai ngàn năm, đến tận thời bây giờ vẫn làm chúng tôi kinh ngạc và xao xuyến. Tượng Phật nhập Niết Bàn dài hơn 20 mét, dáng nằm nghiêng, mắt nhắm hờ, trong vô cùng chân thật và sống động. Phía dưới chân ngài là một nhân dạng vô cùng quen thuộc trong tư thế u sầu, đầu ngả sang một bên, tay chạm má. Mình kinh ngạc, hỏi anh hướng dẫn viên địa phương: Đây là nhân vật nào, liệu có phải là ngài A Nam? Anh hướng dẫn viên cũng kinh ngạc nhìn lại mình: “Đúng, là ngài A Nan vị thị giả của Đức Phật. Sao bạn nhìn mà biết hay vậy?”

Làm sao chỉ nhìn qua mà biết…? Mình lại có một loại cảm động muốn khóc. Con đường mình dần được dẫn dắt và gắn bó ngày càng sâu hơn với Phật giáo, từ những ngày đầu có duyên lành không nhỏ gắn với ngài A Nan. Ngày đó, với sự mơ hồ kiến thức về lịch sử Phật giáo, mình nào có biết ngài A Nan đặc biệt đến thế nào, chỉ biết phiên phiến ngài là một trong những người em họ của Đức Phật Thích Ca, theo Đức Phật làm thị giả, và đã có những đóng góp không nhỏ trong việc lưu giữ ghi chép lại các kinh văn mà bây giờ chúng ta vẫn đang trì đọc mỗi ngày. Tuy vậy, ngày đo, trên núi Linh Thứu, chúng mình đã nhận được một tín hiệu từ ngài A Nam, mới phát hiện ra, các bậc chứng đắc A la hán, đã thành quả thánh, thì họ đâu còn chuyện sinh tử. Thì đâu đó, những ai hữu duyên và đủ duyên, có thể đâu đó, nhận được những thông điệp của các ngài…

Ngày đó, trên núi Linh Thứu, mình sau khi trải qua trải nghiệm quá vi diệu nhắm mắt thấy cảnh vật huyền diệu, đã hăng hái mua hết toàn bộ các chuỗi hạt gỗ từ một người bán hàng rong, rồi từ đó, ôm lặc lè xuống núi. Anh bán hàng rong đi theo, tự nhiên gọi giật mình lại, “Madame, bên trái là hang động của ngài A Nan đó, bà có muốn vào đảnh lễ ngài không?”

Ngày đó, mình đã thực sự ghé vào, đã thành tâm cầu nguyện để hồi hướng năng lượng từ những chuỗi vòng mình thỉnh, sẽ được truyền đến những ai bị bệnh nan y, bị hiếm muộn, bị thương tâm vì mất người thân đột ngột… Và sau đó, rất nhiều sự nhiệm màu đã đến, khi trong 555 chiếc vòng gỗ núi Linh Thứu gieo duyên, có đến hàng trăm trường hợp gửi về báo cáo chiếc vòng niềm tin đã thực sự tạo ra những hiệu quả màu nhiệm không thể giải thích.

Để rồi từ đó, đi đó đi đây, miễn ở đâu có bức tượng người ngồi chống tay một bên má, nghoẹo đầu muộn phiền, là mình sẽ cố gắng thỉnh về. Vì mình từng được nói cho biết, đây chính là khắc họa hình ảnh ngài A Nan, ngày đó Đức Phật qua đời, ngài lúc đó chưa chứng được quả vị thánh, nên bị ngài Maha Ca Diếp chặn lại, không cho dự đại hội kiết tập kinh tạng. (Cũng nhờ cú sốc này, ngài đã nhập thất, tập trung miên mật thiền định, để chỉ sau vài ngày, ngày cuối cùng cũng đã chứng đắc quả thánh). Cái hình dáng đó, cái tư thế đến là quen thuộc đó…, hóa ra, chúng được mô phỏng từ bản đầu tiên, chính là tượng điêu khắc nhân dạng ngài A Nan ngồi buồn dưới chân Phật nhập Niết Bàn, trong hang động cổ này đây, và sau đó, mới được nhân rộng ra khắp ti tỉ phiên bản tượng lớn nhỏ khác trên toàn thế giới!

Mình có một chút chấn động. Một cảm giác vừa mừng rỡ, vừa thương, vừa có cái gì đó như vô tình gặp lại người thân ở một phiên bản gốc nhất, khiến mình muốn nổi da gà. Mình đảnh lễ Phật xong, đã đành, thời gian còn lại, cứ mãi lưu luyến quanh khu vực tượng điêu khắc ngài A Nan ấy. Cho đến khi anh hướng dẫn viên địa phương tiến đến gần, kéo mình qua khu tượng thờ chính phía đối diện, cười cười hỏi mình: “Đố bạn tìm ra được trên đây, vị Phật có hình dáng tí hon nhất?” Mắt mình đập vào ngay hình ảnh một vị Phật nhỏ xíu, nằm ngay trên mũ miện của một vị Bồ tát. Mình chỉ: “Đây có phải không?” Anh chàng trố mắt: “Làm sao bạn biết?” Mình cười cười. “Có gì đâu mà khó. Trên mũ miện của Đức Bồ tát Quan m luôn có Đức A Di Đà, biểu thị Đức A Di Đà luôn là Thầy của Ngài. Vị Phật tí hon bạn nói là Đức A Di Đà, vậy, vị Bồ tát cầm hoa sen này, chính là đức Quán Thế Âm rồi!” Anh chàng lại mở to mắt, nói, “Sao tui chưa kịp giới thiệu bạn đã biết, hay vậy!”

Mình mỉm cười không thôi. Những gì tồn tại bên trong lòng thạch động quan trọng nhất toàn bộ khu hang động Ajanta đã minh chứng một điều, ngay trên đất Ấn, từ những thế kỷ xa xưa đã có dấu vết và minh chứng rõ nét của những vị Phật và Bồ tát vốn chỉ tồn tại trong Phật giáo Đại thừa. Điều này phủ nhận giả thiết, Phật giáo gốc vốn chỉ công nhận một mình Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có thật trong lịch sử và cho rằng chư Phật mười phương hay chư Bồ tát nhiều như số cát sông Hằng trong các kinh điển Đại thừa vốn chỉ là các sản phẩm tự phát triển do các Tổ qua các thời kỳ, chứ không phải do Phật thuyết. Và ngắm cấu trúc sắp xếp của toàn bộ quần thể chùa hang Ajanta, thấy rõ có sự hòa hợp giữa Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Đại thừa (Phật giáo phát triển), Phật giáo Mật tông… mình ấm áp trong lòng. Bản chất Phật giáo hay tôn giáo nói chung vốn không có sự chia rẽ hay phân biệt. Nếu ai cũng nhận thức được như vậy, thế gian này thiên hạ thái bình dài lâu!

Tới đây rồi, mình mới cười cười, nhìn anh bạn đối tác, nói giờ chúng tui đã có thể ngồi bàn chi tiết phần đi thăm các quần thể hang động với anh chưa? Anh cười to, cái cười có chút cảm giác tự hào của người sinh ra trong ‘gia đình có của’. Thì phải rồi, đất nước Ấn Độ của anh, đúng là quá sức giàu có về những giá trị văn hóa và tâm linh, khám phá hoài mãi chưa hết!

Chúng mình thống nhất với nhau, sẽ chọn đúng lộ trình mà chúng mình được đưa tới khảo sát với cụm hang động đá. Mỗi quần thể đều có những nét đẹp đi dần theo mức độ được bảo trì sau khi được phát hiện, tuy nhiên, năng lượng thanh lành và dòng thở thời gian chảy len lỏi trong từng nếp đá được người xưa dụng tâm khéo léo đục cắt, chạm khắc, đã tạo nên những giá trị vô cùng độc đáo. Chúng ta sẽ khép lại hành trình với quần thể hang động tại đây, ngay tại hang động số 26 này, để rồi ở đó, mỗi người được tự do chiêm nghiệm, viếng bái, cảm nhận theo tần số rung động riêng của mình. Trước đó luôn sẽ có những thời thiền cộng hưởng trong một số động đã được đích thân mình trải nghiệm qua năng lượng và chọn lựa cẩn thận. Cũng sẽ có những thời kinh trì chung, ngay tại những ngôi tự viện cổ hàng ngàn năm tuổi. Hồn đá thấm đẫm hồn thời gian, cộng hưởng với hồn linh thiêng của vô vàn tăng nhân tu tập và đắc đạo tại đây qua hàng ngàn năm, chắc chắn sẽ làm lợi lạc sự tinh tấn tâm linh cho mỗi thành viên tham dự!

Chúng mình vui vẻ đi qua cây cầu dây văng bắc ngang qua con sông trước động số 8 để qua bờ bên kia, lội ngược dốc, về lại điểm tập kết để lên xe bus, trở ra ngoài. Dọc đường đi cây cối um tùm, thi thoảng lại có một số người dân địa phương bày hàng ngay dưới đất, bán các loại trái cây địa phương. Chúng mình tạt vào, mua một túi ổi và một trái thơm. Thơm nhiều nước, khá ngon, và ổi, ôi, ổi xứ Ajanta, nó giòn tan, chua chua ngọt ngọt, ngon thôi rồi! Mình và em Phong hớn hở cắn ổi trong đôi mắt ngạc nhiên của các anh đối tác đi cùng. Aha, chắc các anh ấy không ‘gắn’ được, mấy con người từng vô cùng nghiêm trang, kính cẩn hành lễ trong các buổi cộng hưởng ở hành trình Tứ Động Tâm Phật tích, ở đây khi ‘xả’ ra, cũng có thể… thoải mái tự nhiên như vậy. Tụi mình cười, các bạn chưa ‘khám phá’ hết về chúng tui đâu nà!

Ukie, we are fine! :)))

(10.2.2023 – QH & MayQ Team)

Chia sẻ:

Bài Viết Liên Quan