NON THIÊNG HIEIZAN & KOYASAN: HAI NGỌN NÚI THIÊNG Ở NHẬT BẢN
Nhìn lại hành trình của MayQ Go, đi qua nhiều nơi chốn, nhiều địa điểm, mình nhận thấy tụi mình thật có duyên với những ngọn núi. Ở trong nước, các hành trình Đại cộng hưởng đã đưa mọi người tới lui rất nhiều những ngọn núi nổi tiếng như Núi Bà Đen (Tây Ninh), núi Yên Tử (Quảng Ninh); chuyến AN từng đưa mọi người lên núi Bạch Mã (Huế), nhánh lớp học từng đủ duyên cùng nhau ghé Núi Nưa (Thanh Hóa)… Mở rộng ra với những chuyến đi nước ngoài, các đỉnh núi để lại những niềm thương đậm sâu trong lòng các thành viên, không thể không nhắc đến đỉnh núi Linh Thứu (Ấn Độ), đỉnh núi Kailash (Tây Tạng), đỉnh Doi Suthep (Chiang Mai),… Và gần đây nhất, trong tháng 9 vừa qua, trong hành trình AN lần đầu tiên tại Nhật Bản, chúng mình đã đưa cả đoàn đến với hai ngọn núi thiêng tại nơi đây: Ngọn núi Hieizan thanh lành, tĩnh mặc; và Ngọn núi Koyasan đậm chất linh thiêng. Hai ngọn núi này là nơi phát tích, là trung tâm tinh hoa của hai tông phái lớn của Phật giáo Nhật Bản: phái Thiên Thai Tông trên núi Hiei (Hieizan) và phái Chân Ngôn Tông trên núi Koya (Koyasan). Hai ngọn núi này cũng là nơi gắn liền với thanh danh hai trong số những vị đại sư có tầm quan trọng vào bậc nhất tại Nhật bản: Truyền giáo Đại sư Tối Trừng, và Hoằng pháp Đại sư Không Hải.
HIEIZAN – THANH LÀNH, TĨNH MẶC CÙNG NHỮNG THỜI CỘNG HƯỞNG THẬT ĐẶC BIỆT
Một trong những nơi chốn để lại trong lòng chúng mình vô cùng nhiều cảm xúc rung động sâu sắc chính là quần thể chùa Enryaku-ji (Diên Vĩ Tự) trên Núi Hiei (Hieizan – Tỉ Duệ Sơn), nơi được xem là thánh địa phái Huê Nghiêm Tông – Thiên Thai Tông Nhật Bản, do Tổ sư Tối Trừng (Sancho) sáng lập cũng từ thế kỷ thứ 9. Vào thời kỳ này, tại Nhật Bản bắt đầu hình thành và phát triển hai trường phái đạo Phật vô cùng mạnh mẽ, từ hai ngọn núi này. Phái Huê Nghiêm tông của Tổ sư Tối Trừng thiên về Hiển tông. Trải qua bao nhiêu năm tháng, nơi này vẫn được các đệ tử của Ngài qua bao nhiêu thế hệ gìn giữ với sự nghiêm cung tôn kính hết mực, nên tất cả đều toát lên được sự chỉn chu, nề nếp và bài bản. Toàn bộ quần thể chùa Enryaku-ji (Diên Vĩ Tự) ở núi Hiei được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới.
Quần thể chùa Enryaku-ji thanh lành và tĩnh mặc, từng cành cây ngọn cỏ, từng giọt sương hay làn gió đều mang đến cho người thưởng ngoạn những cảm giác vô cùng thơ thới. Thổn thức về sự chỉn chu, tinh tế, thanh lành và tĩnh mặc, đó là cảm giác chung của đoàn chúng mình khi đặt chân đến ngọn núi Hieizan. Ngày tụi mình đi khảo sát, trời âm u và nhiều mây mù nhưng vẫn giữ lại cho nơi đây một nét trầm mặc, thanh lành, không hề ảm đạm hay u buồn. Ngày tụi mình đưa đoàn đến nơi đây, là một ngày đẹp trời, Hieizan được ‘sống’ với đúng vẻ đẹp non xanh, tươi mát, an lành, khiến rất nhiều thành viên trong đoàn tụi mình phải liên tục thốt lên những câu cảm thán: “Thật sự thích nguồn năng lượng dạt dào tại nơi đây!” hay như: “Lần tới, có cách nào mình có thể đưa đoàn ở lại nơi này lâu hơn, để mọi người có thời gian tu tập nhiều hơn!”. Nhìn sự vui, hạnh phúc của mọi người, tụi mình cũng ấm áp lây. Thì phải có sự đặc biệt, có năng lượng đẹp như vậy, nhà MayQ chúng mình mới đưa vào lịch trình trong chuyến đi chứ, hihi.
Đến quần thể chùa Enryaku-ji (Diên Vĩ Tự) cũng đã giờ trưa. Nơi đây đón chúng mình trong một bữa ăn chay thật chỉn chu, tinh tế, vô cùng ngon miệng cùng với chiếc view thật ‘xịn sò’. Khoảnh khắc này, thật sự biết ơn anh chị em đối tác, đã xin được cho chúng mình có một không gian để cùng về đây, quây quần trong một bữa cơm ấm cúng như thế này, bởi để xin một ngôi chùa để cho cả đoàn lớn cùng lưu trú và có được những bữa ăn chay vô cùng tinh tế, ngon lành như vậy, là điều vô cùng khó. Vì thế, có được những trải nghiệm này, tụi mình vô cùng biết ơn những nhân duyên thuận lành, đã mở duyên cho tụi mình.
Mọi người chưa kịp hết ‘Woww’ về bữa ăn, thì đến không gian nơi khách xá, lại tiếp tục làm mọi người vỡ òa, vui sướng về không gian rất tinh tươm đẹp đẽ, dành cho khách lưu trú. Như vậy, vừa mới gặp nhau, nhưng Hieizan đã để lại quá chừng nhiều ‘điểm cộng’ trong lòng người rồi!
Thú thật, từng giây phút ở Hieizan, tụi mình như muốn chậm lại, để có thể hít thở từng luồng không khí nơi đây, để cho bản thân từ từ hòa mình vào nhịp sống, hòa mình vào nguồn năng lượng đầy thiêng liêng và dạt dào này. Chỉ cần bước đến đây, dường như mọi hỗn tạp suy nghĩ, mọi buồn lo, mọi người đều để lại phía sau, để là mình một cách trọn vẹn nhất trong từng giây phút. Ấy là cảm giác thấy lòng mình thật nhẹ nhàng, thư thái, bình an thật nhiều.
Nghỉ ngơi ngắn một chút, khoảng ba giờ chiều, đoàn chúng mình bắt đầu di chuyển lên gian Đại Giảng Đường, có thể được xem như nơi thờ phượng quan trọng nhất tại quần thể Chùa Enryaku-ji. Nhớ lại, hồi hữu duyên đến khảo sát lần đầu tiên, trong sự ngạc nhiên của mình, gian đại điện thờ này… rất khác, khác lắm so với đại đa số tất cả các ngôi chùa khác ở Nhật mà mình đã được đến viếng. Vì ở Nhật không hay cho người đến viếng nhìn thấy tôn tượng các vị mà chùa đang thờ đâu, nhiều khi chỉ đủ duyên đảnh lễ tấm hoành phi che lại tôn tượng chính, do một số quan niệm về bảo tồn năng lượng nơi các tượng. Tuy vậy, trong Đại Giảng Đường có rất nhiều chân dung sống động các vị được khắc họa rất gần với hình tướng con người thật, và nhìn vào có thể nhìn ra nét đặc trưng nơi mỗi vị. Anh hướng dẫn đi cùng tận tình giải thích cho cả đoàn về tôn tượng các vị nơi đây, mình mới ngỡ ngàng. Chao ơi, từ hồi bén duyên với Kinh Pháp Hoa, mình được nghe Thầy Trí Quảng nhắc bao nhiêu lần đến các vị thánh tăng được xem như chư tổ của phái Thiên Thai Tông ở Trung Hoa. Đó là ngài Trí Giả Đại Sư, người đã đi sâu vào định nhiều ngày liền và đắc ngộ, sau khi trở lại, ngài đã xuống núi và giảng ba tháng xoay quanh mỗi chữ Diệu trong Diệu Pháp Liên Hoa, mình quá ấn tượng rồi! Thì ở đây, mình đã được ngắm chân dung tôn tượng ngài, cảm giác thật sự gần gũi và thân thương quá đi!
Và hơn thế nữa, vì ngài Tối Trừng từ Nhật Bản sang học đạo với ngài Trí Giả Đại Sư, lĩnh hội được giáo nghĩa của kinh Hoa/Huê Nghiêm, nên đã về nước, lập nên phái Huê Nghiêm Tông. Rồi từ đó, mới đi xuống dần các tổ khác, trong đó có ngài Nhật Liên Thánh Nhân – Nichiren Shonin, cũng là một đại nhân vật mà mình vô cùng kính ngưỡng qua lời nhắc của Thầy Trí Quảng. Ngài Nhật Liên đã nhìn vào mặt trời mà thấy đóa hoa sen nở, rồi qua đó mà đắc ngộ. Rồi từ đó ngài đã có nhiều cống hiến cho đất nước Nhật Bản, với sự cổ xúy kinh Diệu Pháp Liên Hoa… Rồi một tổ nữa, là ngài Pháp Nhiên (Honen), Tổ sáng lập phái Tịnh Độ tông Nhật Bản…
Tất cả dường như quá sống động, cũng quá sâu đậm, khiến cho chúng mình xúc động mãnh liệt. Dập đầu đảnh lễ chào các vị, tự nhiên cảm thấy giống như mình được đưa về thăm một ngôi nhà tổ, nơi có rất nhiều chư tổ quây quần bên nhau, đợi con cháu về mà xoa đầu, dạy dỗ… Lại nhớ đến một ý, mình cảm nhận sâu sắc, từ nhiều năm qua. Đó là, những nơi nào tự nhiên bạn được duyên dắt cho đi tới, hoặc thôi thúc phải tới, mà bạn cũng không biết rõ ràng tại sao, đó là bạn có duyên với vùng đất ấy. Lại thêm nữa, nếu trong hành trình về lại nơi đất ấy, mà bạn có những khoảnh khắc xúc động mãnh liệt, nghe như quen thuộc, nghe như gần gũi, chắc chắn đây không phải lần đầu tiên bạn về lại chốn này. Bạn nhớ chứ, cuộc đời kiếp này của chúng ta chỉ là một chương trong hành trình dài hàng trăm hàng ngàn đời kiếp sống trước đây. Ai biết được, ta từng đã có một đời sống nào đó trải qua nơi chốn này, biết đâu, cũng từng là một học trò bé nhỏ, từng có duyên học qua sự dạy dỗ hay chịu sự ảnh hưởng của các Thầy?
Trong những sự xúc động đó, chúng mình quay về trong một khu giảng đường đủ chỉn chu, trang nghiêm để cùng nhau có một thời cộng hưởng tại nơi này. Mình đã chia sẻ cho mọi người những nét căn bản nhất về Kinh Diệu Pháp Liên Hoa và cả đoàn đã cùng nhau đọc một thời Kinh Bổn Môn Pháp Hoa (biên soạn HT. Thích Trí Quảng) ngay tại đó. Khép lại thời cộng hưởng trong những cái ôm ấm áp, thân tình, cả đoàn đi ăn tối và có thời gian tự do trong đêm trăng 17 sáng tròn vành tại đó.
Tờ mờ sáng hôm sau, cả đoàn chúng mình lại di chuyển lên khoảng sân rộng trước gian Đại Giảng Đường và có một thời thiền tĩnh tâm trong cái tịch tĩnh và thanh khiết của buổi bình minh trên núi thiêng. Không thể gói gọn những cảm xúc của thời tĩnh tâm ấy chỉ bằng vài câu chữ trong bài viết hữu hạn này, nhưng mình tin, những ai đã có mặt cùng chúng mình trong những phút giây ấy, đều đã cảm nhận thật trọn vẹn, thật đầy!
Sau đó, cả đoàn được đi một vòng quanh quần thể chùa, đặc biệt là được vào khu Căn Bản Trung Đường, một trong những thánh địa thiêng liêng được xem là ‘Quốc Bảo’ của nước Nhật, nơi Đại sư Tối Trừng từng đích thân làm những lễ truyền đăng tối thiêng liêng cho các đại đệ tử kế thừa của mình, rồi kể từ thời điểm đó, tận thế kỷ thứ 9, cho tới tận này nay, những ngọn lửa từng được đích thân Ngài Tối Trừng thắp lên trong những ngọn đăng thánh khiết ấy vẫn được giữ cháy mãi… Đó cũng là một trong những nguồn động lực để Sư Ông Thích Nhất Hạnh, khi một lần được đến thăm viếng nơi thánh địa thiêng liêng này, đã quyết tâm mang ‘nghi thức truyền đăng’ về tiếp nối trong hệ thống Làng Mai của Thầy… Chao ơi, tụi mình lắng nghe, mà bồi hồi xúc động. Chúng mình được mời bước lên, ngồi trong những phiến nền gian thờ bằng gỗ cũ kỹ, được khuyến khích nhắm mắt, nhiếp tâm trong không gian tối linh thiêng này. Ai nấy đều vô cùng cảm kích một cơ hội quá chừng quý báu.
Dưới khu khách xá của quần thể Chùa còn có Đền thờ xá lợi Ngài Pháp Nhiên, Tổ sư thành lập pháp môn Tịnh Độ Tông Nhật Bản. Đó là một không gian nhỏ nhắn, vì khởi thủy, đó chính là một gian thất mà thời bấy giờ, Ngài Pháp Nhiên vẫn còn là một vị học tăng tại đây, từng lưu trú và đi lên đi xuống ngọn đồi dốc ấy, để làm việc Phật sự là quét dọn gian Văn Thù Điện, thờ Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ tát. Chúng mình từng đoàn nối nhau đi xuống viếng Ngài. Trong không gian tịch tĩnh, linh đường Ngài Pháp Nhiên lại càng thêm phần giản dị, mà cũng muôn phần thiêng liêng. Những dòng dữ “Nam Mô A Di Đà Phật” bằng Hán tự nổi bật trên nền trắng suốt dọc đường dẫn lối xuống viếng Ngài. Cá nhân mình thêm hai phần cảm động, vì như đã có lần chia sẻ qua, từ sau khi sự ra đi của Cha tụi mình, mình càng ngày càng cảm thấy mình có duyên với pháp môn niệm Phật, và những câu niệm Phật giản dị ấy, càng ngày đối với mình càng thân thương rồi… Nay lại có dịp đến được nơi Tổ sư pháp môn Tịnh Độ tại Nhật Bản từng sống và tu học tại đây, làm sao mà không xúc động cho được.
Trong quần thể chùa Enryaku-ji (Diên Vĩ Tự) còn có quần thể trang nghiêm và đẹp đẽ với Điện A Di Đà, Điện Pháp Hoa thờ Kinh Pháp Hoa, Điện Quán Âm… Cả đoàn cứ vừa đi đến đâu đảnh lễ đến đó, lòng chỉ ước ao cho thời gian chầm chậm lại thôi…!
Chia tay Hieizan, vừa có chút luyến lưu, nhưng cũng khởi lên thật nhiều mong ước, rằng một ngày nào đó, sẽ cùng nhau quay lại nơi chốn này, để có những thời cộng hưởng lâu hơn, sâu hơn. Biết ơn Hieizan đã chào đón đoàn chúng mình trong những sự bình an, thương gần như thế…
ĐẾN KOYASAN VIẾNG THĂM ĐỀN TƯỞNG NIỆM TỔ SƯ LẬP TÔNG KHÔNG HẢI & NHỮNG TRẢI NGHIỆM ĐẶC BIỆT TẠI ĐÀN THƯỢNG GIÀ LAM
Ngọn núi thứ hai cũng đã cho cả đoàn chúng mình những trải nghiệm vô cùng đặc biệt trong hành trình AN trên đất Nhật, đó chính là Koyasan.
Lúc sinh thời, Hoằng pháp Đại sư lừng danh nước Nhật, Ngài Không Hải đã chọn hẳn ngọn núi Koya (Koyasan – Cao Dã Sơn) để làm thành ‘đại bản doanh’ – là nơi hình thành và phát triển phái Chân Ngôn Tông, là Mật tông Nhật Bản. Koyasan là một ngọn núi linh thiêng nằm ở thế đặc biệt, được bao quanh bởi tám ngọn núi khác, tạo thành thế hoa sen, như một Mandala (đàn tràng) khổng lồ trong tự nhiên. Phái Chân Ngôn Tông được coi như Đông Mật, để phân biệt với Tây Mật là nhánh Mật tông phát triển dọc dài theo dãy núi Hymalaya hiện nay.
Ở đây, xin nhắc lại một chút về lịch sử Phật giáo thời bấy giờ tại Nhật Bản, thời kỳ Heian – tức Bình An. Cùng là hai người bằng hữu, là bạn đồng tu, Ngài Không Hải khi sang Trung Hoa cầu học đạo đã có duyên thọ giáo với đại sư Huệ Quả, học về Mật Tông, khi trở về nước đã lập nên phái Chân Ngôn Tông Nhật Bản. Còn Ngài Tối Trừng sang Trung Hoa lại tiếp cận được với Hoa Nghiêm Tông. Sau khi về nước, Ngài Tối Trừng lập nên Hoa/Huê Nghiêm Tông Nhật Bản. Điều thú vị là, do có sự giao hảo tốt đẹp giữa hai vị thánh tăng này, Mật tông của Chân Ngôn Tông Nhật Bản có một chút ảnh hưởng của phái Huê Nghiêm, và ngược lại, phái Huê Nghiêm Tông Nhật Bản lại mang một chút ảnh hưởng của Mật tông phái Chân Ngôn Tông Nhật Bản. Những điều này tạo ra những nét rất đặc thù nơi Phật giáo Nhật Bản thời kỳ Heian.
Kể từ khi Tổ sư Không Hải chính thức khai sơn Koyasan, cho đến ngày hôm nay, Cao Dã Sơn vẫn tiếp tục là một vùng đất linh thiêng mang ít nhiều yếu tố bí hiểm, đúng như hai tính chất ‘cao’ và ‘dã’ chứa đựng trong tên núi.
Vì Koyasan là trung tâm của Mật tông Nhật Bản, nên chúng mình không ngạc nhiên khi ngay tại tâm điểm núi Koya sừng sững một công trình khổng lồ được sắp xếp chi tiết, tỉ mỉ theo thế trận Đàn tràng – Mandala. Và đó cũng là điểm đến đầu tiên của cả đoàn khi đến đây.
Đàn tràng lấy Căn Bản Đại Tháp (Konpon Daitō) làm tâm điểm. Bước vào đây, có một chút choáng ngợp bởi năng lượng dạt dào nơi này, kiểu năng lượng rất đặc trưng của các ngôi tự viện Mật tông, dù nơi đây là Đông Mật chứ không phải là Tây Mật như ở Tây Tạng. Uy nghi giữa Đại Tháp là tượng Ngũ Trí Như Lai. Không giống như những chùa khác tại Nhật Bản có trướng che các bản tôn tượng lại, chùa này đầy đủ tôn nhan của cả năm vị, tạo một cảm xúc rất đặc biệt.
Vì là cấu trúc Mandala từ nhân sẽ tỏa ra bốn hướng, nên quần thể Đại Mandala này có bốn đại tháp khác, gọi là Đông Tháp, Tây Tháp, Nam Tháp và Bắc Tháp. Giữa các đại tháp theo đúng các phương còn có nhiều những gian, điện, thờ chư vị Ơn Trên các cõi theo hệ thống tín ngưỡng của Đông Mật. Có cả một kinh luân cỡ đại, mà muốn đẩy được kinh luân xoay chuyển, cần có sức tổng hợp cùng đẩy của vài người.
Viếng Đàn Thượng Già Lam khoảng hai giờ chiều, không gian được bao phủ bởi những vệt nắng vàng, sáng lấp lánh nhưng dễ chịu, không oi bức. Chúng mình đã cùng nhau đọc một biến Chú Đại Bi, Bát nhã ba la mật đa tâm kinh và niệm 108 lần tâm kinh “Gate gate paragate parasamgate bodhi svaha”. Và sau đó, để kịp giờ di chuyển sang đảnh lễ Tổ Sư Không Hải tại Okuno-in (Áo Viện), chúng mình tạm chia tay Đàn Thượng Già Lam để di chuyển sang đó.
Okuno-in (Áo Viện), nơi đặt lăng Tổ Sư Không Hải, đây cũng là một điểm nhấn đặc biệt nhất tại núi Koyasan, cũng được xem như thánh địa linh thiêng nhất của người hành hương Nhật Bản. Thông thường người ta hay gọi nơi này là ‘Nghĩa trang lớn nhất Nhật Bản’, do bao vây quanh khu lăng của Không Hải Đại Sư là một quần thể khổng lồ với hơn 200.000 bia đá tưởng niệm nhiều đời tướng quân, người hoàng gia, những tao nhân mặc khách và danh gia vọng tộc tại đất Nhật, kéo dài qua hàng ngàn năm, từ thế kỷ thứ 9 cho đến hiện tại. Tiếng là ‘nghĩa trang’, nhưng nơi này không hề chứa đựng nhục thân hay thậm chí hài cốt, chỉ là những bia đá, với ước mong những vị này được tỏa bóng an lành từ năng lượng của Ngài Không Hải. Với các Phật tử phái Chân Ngôn Tông, Tổ Sư của họ không chết đi, ngài chỉ đã đi sâu vào định, ở trong lăng mộ, để đợi ngày đức Phật Di Lặc ra đời thì ra khỏi định để tiếp tục cùng Ngài ấy hoằng dương Phật pháp. Vì thế, khi đi dọc dài theo những lối đi đầy rêu phong cổ kính nhưng sạch sẽ tinh tươm đến lạ lùng, hàng trăm ngàn cây cổ tuyết tùng chục người ôm trùng trùng điệp điệp xen lẫn vào trong hàng trăm ngàn bia đá rêu phong trầm mặc với thời gian… Tất cả tạo ra những cảm giác linh thiêng khó tả. Một chút gì đó xen lẫn giữa cảm nhận rõ nét về sự vô thường, lại vừa có sự khẳng định một cái gì đó về những giá trị tâm linh vẫn tồn tại dài mãi với thời gian.
Đoàn chúng mình lần lượt bước vào trong gian đền chính, nơi tưởng niệm Tổ Sư lập Chân Ngôn tông Không Hải đảnh lễ viếng Ngài. Không gian rộng và được thiết kế vô cùng mỹ thuật với những ngọn đèn lồng ấm áp. Đủ duyên, cả đoàn được đi sâu xuống lòng đất, đảnh lễ lăng mộ Ngài. Không gian bên dưới mặt đất càng có vẻ trầm mặc, có một chút gì… huyền bí khó tả. Dọc theo hai bên đường đi xuống là dãy đèn cổ, được tương truyền rằng, đã luôn được thắp sáng suốt như vậy, kéo dài mãi từ thế kỷ thứ 9, khi ngài Không Hải đi sâu vào định, cho đến bây giờ. Cũng có thêm lời tương truyền, những ai hữu duyên nhìn sâu qua lớp màn trúc mỏng phủ trước điện thờ Ngài sẽ được coi như ‘có duyên’ với Ngài, bởi vì đã từng có những người đến đó đến vài lần, mà nhìn mãi ngắm mãi vẫn không được ‘nhìn thấy’ Ngài. Và bản thân mỗi người, nếu hữu duyên được ‘nhìn thấy’, cũng sẽ được nhìn thấy Ngài theo nhiều hình tướng khác nhau, tùy theo căn cơ và cảm nhận của mỗi người. Và đoàn chúng mình, mấy chục con người, cũng đã trải qua những trải nghiệm giống như vậy. Nghĩa là, có những người không đủ duyên nhìn thấy được gì, cũng có những người cảm nhận thật rõ, đến mức, bước ra khỏi khu lăng Ngài, không ít người mắt nhòa lệ!
Những lời tương truyền từ những người đi trước, rằng ‘Ngài Không Hải không chết đi’, mình lại hiểu theo một nghĩa rõ ràng, rằng cho dù ngài có đi vào định hay không, một bậc thánh tăng đã đắc đạo, khi tạm rời bỏ xác thân tứ đại, vẫn sẽ luôn còn mãi. Ngài vẫn sẽ luôn ở đó, ngắm nghía những tín đồ, Phật tử hay những người có tấm lòng thành từ muôn phương tụ về, để rồi ở đó, ai có đủ niềm tin và căn lành, đủ duyên nữa, ngài sẽ hộ độ, dẫn dắt cho minh mẫn mà đi tiếp trên con đường tiến hóa tâm linh ai ai cũng phải đi. Chỉ ngắn gọn vài phút, mà tự nhiên cảm thấy, chuyến đi này của chúng mình đến Koyasan thật là xứng đáng!
Đảnh lễ Tổ Sư Không Hải xong, trời vẫn còn sáng, nắng tắt dần dịu nhẹ. Đoàn chúng mình quay trở lại khu Đàn Thượng Già Lam, mỗi người được tự do viếng thăm, đảnh lễ các gian thờ tại đó. Cũng có những thành viên tận dụng những giây phút hiếm hoi này, đi nhiễu 13 vòng quanh Đại tháp Mandala…, khép lại một ngày thật ý nghĩa và bình yên.
Ở Koyasan, cả đoàn lại tiếp tục được trải nghiệm ‘ngủ chùa kiểu Nhật Bản’ như ở Hieizan. Những tưởng hai lần ghé Đàn Thượng Già Lam, đã đủ đầy cho những cảm xúc trong mỗi người, nhưng có lẽ, vì quá thương nguồn năng lượng dạt dào nơi đây, mà cũng chưa biết sau chuyến đi này, bao lâu nữa mới có dịp được quay trở lại, và cũng do ngôi chùa nơi chúng mình lưu trú cũng có thể đi bộ được tới khu Đàn Thượng Già Lam, nên buổi tối, có không ít các thành viên trong đoàn đã quyết định rủ nhau tự lội bộ quay trở lại khu Mandala đầy năng lượng thiêng này, để ráng ‘tích cóp’, ‘tu mót’ thêm được thêm một thời nữa. Chuyến đi lần này, có đến hơn ⅔ thành viên là học viên, hay khách hàng thân thương trong các chuyến đi của MayQ, mà chúng mình hay gọi bằng cái tên thương quen là ‘Bồ đề quyến thuộc’, nên mọi người đã quen với những hoạt động tu tập trong thời khóa mỗi ngày. Buổi tối hôm ấy, khu Đàn Thượng Già Lam vốn thường ngày tĩnh lặng bỗng dưng rộn rịp hẳn. Hàng mấy chục con người đoàn chúng mình, người thì tiếp tục đi kora cho đủ 13 vòng quanh Đại tháp ở trung tâm, người ngồi thiền, nhóm thì tập trung thì Chú Lăng Nghiêm, Chú Đại Bi, Bát Nhã Tâm Kinh, hay Bổn Môn Pháp Hoa…, cũng không ít người cặm cụi đẩy chiếc Kinh luân bằng gỗ cỡ đại nặng trịch… Giữa màn đêm tối được bao phủ bởi vầng sáng tự nhiên của ánh trăng, cùng với những ngọn đèn xung quanh gian tháp, đủ để cho chúng mình có thêm một góc nhìn thật đặc biệt tại nơi đây. Thật sự thấy thương lắm, ấy là một cảm giác an tâm về mọi người, vì mình tin, khi đã bén duyên và chủ động đọc kinh, tu tập như vậy, chắc chắn, mọi người sẽ được ‘bảo vệ’ trong những sự bao bọc của Ơn Trên, và cũng tin, họ sẽ luôn có một sự bình thản, an lành đón nhận mọi ‘bài thi’ đến đi trong cuộc đời mình, một lòng trên hành trình tinh tấn để trở ‘về Nhà’. Không khí vừa sôi nổi lại vừa nghiêm túc, đến độ tụi mình nói, như thế này, chuyến sau, hẳn nên đưa lịch ‘Tu tập tại Đàn Thượng Già Lam’ thành một hoạt động khuyến khích chính thức quá! Quá chừng là ấn tượng và lợi lạc mà!
Kết thúc thời tu tập riêng, định rủ nhau di chuyển về lại chùa để ngủ nhưng với những sự hữu tình và tĩnh lặng tại nơi đây, ai cũng không nỡ rời đi. Và thế là, mấy chục con người còn ở lại đến thời điểm ấy, đã ngồi lại cùng nhau đọc một thời Chú Lăng Nghiêm lần cuối cùng, và ôm ôm nhau, trong những sự xúc động thật nhiều. Cảm giác như mình đang ‘xuyên không’ để về lại một nơi chốn thương quen, với những con người thương quen. Những cảm xúc này, mình tin, sẽ thật khó phai trong lòng mỗi người!
Đã trở về gần hai tháng sau khi tuyến 1 của dòng tour AN Nhật tới với Kyoto, Koyasan và Hieizan, mãi tới hôm nay, tụi mình mới lắng xuống được những xao xuyến bồi hồi để viết lại, kể cho mọi người nghe về những trải nghiệm thật thương trong những ngày đến với hai ngọn núi thiêng ấy của đất Nhật. Và một tin vui cần ‘hé hé’ ngay hôm nay: tụi mình gõ những dòng này sau khi đã lên được một lịch trình cụ thể cho tuyến tiếp theo, tuyến thứ 2 của nhánh AN – Nhật, đi đến Núi Phú Sĩ (FUJI), thủ đô TOKYO, trung tâm Phật giáo thật nên thơ và xinh đẹp KAMAKURA, và một ngôi làng cổ đặc biệt ở tỉnh YAMAGATA. Chuyến đi dự kiến sẽ diễn ra vào dịp tháng 4 năm sau, cụ thể là các ngày 17-21/4/2024 sắp tới. Các bạn nào có nóng lòng muốn biết thông tin cụ thể về chuyến đi này không? Chứ hàng mấy chục thành viên đã từng tham gia chuyến đi trước, tức tuyến đầu tiên trong hành trình AN trên đất Nhật nhất định nhiều người đang rất nôn nao chờ đón nè! Ngày mai (02.11.2023), chúng mình sẽ thông tin cụ thể đến cả nhà nhen. Vẫn sẽ là một hành trình thật đậm đà, đặc sắc bởi những nơi chốn đầy năng lượng mà đích thân QH, em Phong Windie cùng các anh chị em đối tác đã đi khảo sát và chọn lựa. Và hơn hết, chuyến đi này, cũng sẽ đưa bạn đến thêm một ngọn núi nổi tiếng và linh thiêng ở Nhật Bản nữa, đó chính là Núi Phú Sĩ. Sẽ tiếp tục thú vị và nhiều lợi lạc lắm, bạn ơi!
Còn mọi người, không biết, bạn đã hữu duyên đi đến bao nhiêu ngọn núi cùng với MayQ rồi?
(01.11.2023, QH & MayQ Team)