Search
Close this search box.

ĐẠI CỘNG HƯỞNG ẤN ĐỘ – NEPAL: CHỐN TỔ NI ĐOÀN TỲ XÁ LY

MC Quỳnh Hương cùng đoàn MayQ Go đến viếng nơi thành lập chốn Tổ ni đoàn đầu tiên, Tỳ Xá Ly

[Đại cộng hưởng Ấn Độ – Nepal, 11.02 – 16.02.2023]

BÀI 7: VIẾNG CHỐN TỔ NI ĐOÀN ĐẦU TIÊN TẠI TỲ XÁ LY & BỮA ĂN TRƯA ĐẬM VỊ VIỆT TẠI CHÙA KIỀU ĐÀM DI

Tạm khép lại chuỗi bài liên quan đến bốn đại thánh tích, những bài viết tiếp theo trong chuỗi ký sự này, tụi mình sẽ chia sẻ về những trải nghiệm hành trình dọc dài tại các điểm đến khác, cũng đặc biệt và thú vị không kém những bài viết trước đây. Và điểm đến mà ngày hôm nay chúng mình muốn chia sẻ đến bạn, đó chính là Tỳ Xá Ly, nơi đã từng thành lập Chốn tổ ni đoàn đầu tiên, và cũng là nơi có ngôi chùa Kiều Đàm Di – do Ni trưởng Thích Nữ Khiết Minh sáng lập nhằm tỏ lòng hiếu đạo đối với Tổ sư Ni Kiều Đàm Di.

Trước giờ, chúng ta thường biết đến dưỡng mẫu Kiều Đàm Di – tên gốc là Mahapajapati Gotami hay Gautami với vai trò là người mẹ không có công sinh mà đầy công dưỡng dục thái tử Tất Đạt Đa sau khi hoàng hậu Maya qua đời. Bên cạnh công lao to lớn ấy, bà còn có một vai trò quan trọng trong việc xin Đức Phật thành lập chốn tổ ni đoàn đầu tiên tại Tỳ Xá Ly.

Chuyện kể rằng, thời điểm bấy giờ, trong Phật giáo chỉ có người nam tử mới được đi tu, và Đức Phật không cho phép nữ giới xuất gia. Ngài cho rằng, nữ giới như một viên ngọc quý, có ngọc quý trong nhà thì huynh đệ dễ mích lòng nhau vì sanh lòng tham mong chiếm giữ ngọc, còn kẻ cướp thì rình rập muốn vào cướp…, tóm lại là sẽ khó an cho nơi tu tập. Vì thế, đã nhiều lần, nhiều người nữ đến xin Đức Phật được cho theo xuất gia, Ngài đều không đồng ý. Chính người mẹ từng có công nuôi dưỡng Ngài sau khi mẹ ruột, hoàng hậu Maya qua đời, bà Kiều Đàm Di, cũng đã từng hai lần đệ lên nguyện ước này, cũng bị Ngài từ chối.

Lần thứ ba, bà Kiều Đàm Di không thối ý. Bà thuyết phục 500 nữ quyến hoàng tộc của dòng họ Thích Ca (là dòng họ gia đình Đức Phật) xuống tóc, đắp y hệt như trang phục của các bậc tu hành rồi đi bộ hàng mấy trăm cây số từ kinh thành Ca Tỳ La Vệ về đến nơi Đức Phật đang ngụ để hoằng pháp là thành Tỳ Xá Ly (tức Vaisali ngày nay) để một lần nữa xin phép Đức Phật được tham gia hàng ngũ tu tập chính thống. Lại một lần nữa Đức Phật xin phép chối từ. Lần này, thị giả của Đức Phật là Ngài A Nan – cũng là một em họ của Đức Phật, động lòng thương cảm tấm lòng và quyết tâm của dưỡng mẫu của Ngài, biết Đức Phật là một người cực kỳ hiếu thảo nên đã khéo léo dùng mưu trí cùng sự biến báo của lý lẽ để thuyết phục Đức Phật đồng ý. Khó chối từ với tất cả tấm lòng thành này, Đức Phật đưa ra 8 điều luật khắt khe để hầu làm những người nữ thoái lòng nản chí mà lui. 8 điều đó bao gồm:

1. Một Tỳ kheo ni, dầu có trăm tuổi hạ khi gặp thầy Tỳ kheo mới thọ giới Cụ túc cũng phải chào hỏi, đảnh lễ và thực hành tất cả những bổn phận thích nghi đối với vị Tỳ kheo.

2. Một Tỳ kheo ni không được khiển trách hay nặng lời đối với một vị Tỳ kheo trong bất kỳ trường hợp nào.

3. Tỳ kheo ni không được ngăn Tỳ kheo xét tội, thuyết giới, tự tứ hay nói lỗi của Tỳ kheo. Trái lại, Tỳ kheo được quyền cử tội Tỳ kheo ni.

4. Muốn thọ trì Cụ túc giới phải thông qua hai bộ Tăng: Tỳ kheo ni và Tỳ kheo.

5. Nếu Tỳ kheo ni phạm tội hữu dư (Tăng tàn) thì phải đến trước hai bộ Tăng thực hành pháp Ý hỷ (Ma na đỏa) trong thời gian nửa tháng.

6. Nửa tháng phải đến bên Tỳ kheo tăng cần cầu dạy bảo.

7. Không được an cư kiết hạ ở địa phương nào không có Tỳ kheo ở.

8. Khi an cư xong, phải đến Tỳ kheo tăng cầu ba sự tự tứ: thấy, nghe và nghi.

Bà Kiều Đàm Di cùng 500 nữ quyến nhà Thích Ca vẫn đồng lòng chấp nhận. Thế là, Đức Phật đồng ý. Và cũng chính tại nơi đó, thời điểm đó, Ni Đoàn đầu tiên của Phật giáo đã ra đời.

Kể từ ngày biết câu chuyện này, mỗi lần đến vùng đất Tỳ Xá Ly, đứng ngay trên mảnh đất thiêng liêng, ngắm nhìn tháp gạch cong cong hình bầu dục mà người ta hay gọi là Tháp A Nan để ghi nhớ công lao của Ngài A Nan trong sự ra đời của ni đoàn Phật giáo, tự nhiên trong lòng cồn lên một nỗi xúc động đến rưng rưng! Những cái gì trước giờ mình nghĩ vốn rất bình thường, ví dụ như nhìn thấy một vị ni sư trong môi trường tu tập hay sinh hoạt, mình đâu nghĩ rằng để có được điều này, đó từng là cả một sự đấu tranh bền bỉ và kiên trì của bao nhiêu con người, mà công lớn hàng đầu phải kể đến bà Kiều Đàm Di. Tự dưng thấy xúc động một cảm giác rất khó tả.

Câu chuyện này được mình kể cho cả đoàn lần này nghe trong bảo tháp tại ngôi Chùa Kiều Đàm Di trước khi mọi người di chuyển sang vườn tháp Tỳ Xá Ly. Ngồi quây quần trong không gian ấm cúng vừa đủ của bảo tháp, nơi chứa đầy năng lượng của các bộ kinh lớn: Kinh Pháp Hoa, Chú Lăng Nghiêm, Chú Đại Bi… được khắc trên tường với nhiều thứ tiếng khác nhau thấy mình khi lạc vào cõi thanh tịnh trang nghiêm với trường năng lượng thanh cao. Và đặc biệt, tại nơi đây, còn có gian thờ Ni Tổ Kiều Đàm Di với nét mặt từ ái và đậm đức hy sinh. Chúng mình quỳ xuống đảnh lễ bà, tự nhiên trong lòng dâng trào một cảm giác khó tả.

Một ngôi chùa vô cùng rộng lớn, vậy mà quản lý chùa là ba vị sư cô còn rất trẻ, nét mặt trong veo. Chùa còn là nơi nuôi dạy hơn 2.000 em học sinh Ấn Độ, để cho các em được đến trường, được tiếp cận với tri thức mà sau này thay đổi được số phận mình. Các sư cô cho biết, để thuyết phục ba mẹ cho các em đến trường cũng là một vấn đề khó khăn, vì không ít người Ấn quan niệm rằng nghèo hay dốt là hậu quả từ những việc ác làm từ kiếp trước, nên không muốn thay đổi sự nghèo hay dốt ấy… để cho trọn quả, thì mới mong đời sau đổi đời được. Thế nhưng đến hôm nay thì kết quả đã rất khả quan rồi. Các em mê đến trường, mê con chữ, và các thầy cô (cũng toàn là người Ấn) được trả lương đầy đủ để đến dạy dỗ các em mỗi ngày. Đoàn chúng mình mỗi người cũng tự giác cúng dường vào để giúp các ni sư có thêm quỹ để chạy tiếp nguồn lương này. Thấy thương!

Và món quà tuyệt vời nhất khi cả đoàn viếng thăm Chùa Kiều Đàm Di lần này, chính là buổi ăn trưa tại chùa, được các sư cô đích thân chuẩn bị những tô bún riêu chay đậm vị Việt Nam cho cả đoàn cùng thưởng thức. Ngày thứ tư của hành trình, mọi người cũng bắt đầu thấy nhớ hương vị Việt Nam, đặc biệt là những món nước như phở, hủ tiếu, bánh canh,… Thế là, trong niềm hân hoan và vui sướng, cả đoàn đã ăn những tô bún riêu chay được làm từ yêu thương một cách ngon lành.

Tạm biệt chùa Kiều Đàm Di, chúng mình di chuyển sang Tỳ Xá Ly. Mọi lần khi qua đến đây cũng đã đứng trưa, trời nắng nóng không một bóng râm che mát, nên các đoàn trước thường chỉ kịp viếng nhanh hoặc mỗi thành viên tự đọc nhanh bài Kệ diệt trừ dịch bệnh rồi rời đi. Với đoàn lần này, thời tiết quá thuận duyên để cho chúng mình có một thời cộng hưởng tại nơi đây. Bên cạnh hồ nước ngay cạnh tháp A Nan, trước mặt là trụ đá hoàn chỉnh của Vua A Dục, chúng mình ngồi đó vào buổi chiều ruộm nắng, cùng nhau đọc những lời Kệ diệt trừ dịch bệnh và Sám cầu mưa thuận gió hòa. Khoảng thời gian này, tình hình hạn hán đang xuất hiện trên nhiều quốc gia, thời tiết thiên tai cũng phức tạp, chính vì vậy, mà hơn lúc nào hết, bản thân mỗi người đang sống trên Trái Đất này phải ý thức được mình là một phần của Trái Đất và chính bản thân mình, cách sống của mình, sẽ tác động đến những biến chuyển của nó nhiều như thế nào.

Những lời trong bài Sám cầu mưa thuận gió hòa của Thượng tọa Thích Chân Quang, như những lời cảnh tỉnh sâu sắc đến với mọi người:

“Lạy Chư Phật từ bi gia hộ
Cho chúng sinh đau khổ đọa đày
Vì trời nắng hạn lâu nay
Suối dòng khô cạn ruộng cày bỏ hoang
Bởi từ trước vương mang ác nghiệp
Tham lam, sân hận sục sôi
Kiêu căng, ích kỷ, nặng lời, hơn thua.

Nhân đã có bây giờ quả tới
Khiến đất đồng trơ trọi khô khan
Lúa chưa chín đã héo tàn
Cây chưa kịp trái đã vàng úa đi
Nhiều mạch giếng giờ thì cũng tắt
Lắm ao hồ phơi đất nứt ra
Chim rừng cá nước xót xa
Muôn loài vạn vật đều là khổ chung”

Để rồi, khi đã ý thức được những tác hại do chính cách sống, sinh hoạt của mình gây nên những tổn hại cho môi trường, cho thiên nhiên, mỗi người đồng nguyện:

“Sẽ trân trọng quý rừng xanh thẳm
Từng bóng cây thắm đậm ơn trời
Giữ gìn những chiếc lá tươi
Như là da thịt trong người mình thôi
Nguyện gắng sức cả đời còn lại
Trồng thật nhiều cây cối tươi xanh
Cho hoa nở lại đầy cành
Cho người nối lại mối tình thiên nhiên”.

Thú thật, mình rất quý những thời cộng hưởng như thế này, vì trong mỗi thời sinh hoạt, chúng mình được cùng tỉ tê nói với nhau bao điều, để rồi tự soi chiếu vào nhau, để sửa mình và nguyện sống tốt hơn. Một người thay đổi, hai người thay đổi, mười người thay đổi,… mỗi người một sự sửa mình một chút, một chút tích cực hơn, chắc chắn trường năng lượng của chúng ta sẽ tốt hơn, thế giới cũng sẽ trở nên an hòa hơn! Chúng mình luôn tin vậy!

Sau thời kinh, trời cũng ngả sang chiều. Những ánh nắng đậm dần, trả lại trên nền trời khoảng hoàng hôn rực rỡ. Cùng nhau chụp lại những tấm hình lưu niệm tại nơi đây, đánh dấu một ngày Valentine tuyệt vời, ấm áp bên nhau, tại đất Phật.

Gửi niệm lành cho tất cả,

(21.02.2023 – QH & MayQ Team)

Chia sẻ:

Bài Viết Liên Quan