Search
Close this search box.

ĐẠI CỘNG HƯỞNG ẤN ĐỘ – NEPAL: VỀ BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG

MC Quỳnh Hương cùng đoàn MayQ Go tại Bồ Đề Đạo Tràng, nơi đức Phật thành đạo

[Đại cộng hưởng Ấn Độ – Nepal, 11.02 – 16.02.2023]

BÀI 6: VỀ BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG – RƯNG RƯNG CẢM XÚC NƠI PHẬT THÀNH ĐẠO

Lần thứ 11 trở về Bồ Đề Đạo Tràng, thấy mình trong những cảm xúc thật lạ, đánh dấu thêm một sự chuyển biến mới, tích cực trong hành trình tu học của mình.

Vẫn như mọi lần, trong bốn thánh tích gắn liền với bốn sự kiện quan trọng cuộc đời Đức Phật, thì Bồ Đề Đạo Tràng – nơi Đức Phật thành Đạo có lẽ là nơi luôn đông người đến viếng nhất. Các tăng sĩ, tu sĩ, những khách hành hương về đây rất nhiều. Chính vì vậy, dù là sáng sớm hay tối muộn, chỉ cần đến trước cổng vào của khu vực này, bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác xôn xao vô số âm thanh hỗn tạp, những tiếng còi xe, tiếng bán buôn, tiếng trò chuyện, hành trì kinh từ nhiều đạo phái khác nhau,… làm cho không gian ở đây khá động, mà nếu ai để cho tâm mình chạy theo những âm thanh ấy, thì không tránh khỏi cảm giác bị lôi kéo trộn nhàu vào những tạp âm kia, không thể quay vào bên trong để tĩnh tâm cảm nhận những trong lành, tĩnh tại trong những náo nhiệt xung quanh.

Hai lần trở về Bồ Đề Đạo Tràng gần đây, với một lịch trình nội dung mới, đoàn chúng mình được viếng Bồ Đề Đạo Tràng ở hai khung giờ trong cùng một chuyến đi: một là khung giờ buổi tối, với phần sinh hoạt Cảm niệm Phật Thành Đạo; và khung buổi sáng, với thời cộng hưởng đọc Khấn nguyện trợ duyên, lạy sám hối để khép lại trọn vẹn chuyến hành trình nơi đất Phật. Được ngắm nhìn, quan sát, cảm nhận nơi đây vào hai khung giờ tối và sáng, âu cũng là một điều thú vị. Nếu chuyến đi vào tháng 10, Bồ Đề Đạo Tràng đón chúng mình trong đêm trăng 14 Â m lịch tròn vành, thì lần này, ánh trăng hạ nguơn dẫu đã bị khuyết đi gần hai phần, nhưng vẫn sáng, treo lơ lửng trên đỉnh Tháp Đại Giác giữa tiết trời lành lạnh. Mọi người xếp thành từng hàng ngăn nắp, ngồi quây quần bên nhau trong một góc vuông sân, dưới tán Cây Bồ Đề nơi Phật Thành Đạo, bên trên là vầng trăng sáng soi, cùng nhau lắng tâm trong những lời Cảm niệm Thành Đạo do Thượng tọa Thích Chân Quang biên soạn:

“Mãi mãi con xin được là hạt bụi
Nơi bước chân mà Phật đã bước qua
Mãi mãi con xin được là cỏ dại
Đứng bên đường chào đón bóng ca sa.
…Khuya sương lạnh chúng con lòng ấm áp
Cùng quây quần ôn lại chuyện ngày xưa
Phật thành đạo qua mưa sa bão táp
Để bây giờ con dệt những ước mơ…”

Khoảnh khắc ấy, thấy mình như ngược dòng thời gian quay trở về Đêm Thành Đạo huyền diệu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tại Bồ Đề Đạo Tràng, một cột mốc vô cùng thiêng liêng, vô cùng quý giá, mang tính thay đổi thế giới dài về sau… Và thật thấy thương hơn, khi mọi thứ xung quanh đang xôn xao bởi muôn vàn âm thanh, giây phút giọng mình được cất lên trong những lời cảm niệm, mọi thứ như ngưng lại, trả lại cho đoàn chúng mình trọn vẹn nhất một không gian vừa đủ lặng im, để mọi người hoàn toàn được lắng tâm, tập trung vào những lời cảm niệm, để cảm, để thấu, để cùng động tâm quay về với phút giây Phật Thành Đạo:

“…Kính lạy Phật vô cùng thiêng liêng, hạt mưa nào rồi cũng rơi xuống đất, dòng sông nào rồi cũng trôi về biển, ai rồi cũng phải tìm thấy nơi nương tựa cho tâm hồn mình. Phật chính là chỗ cho chúng con tìm về tựa nương tôn kính, giữa biển đời nhiều khổ đau tăm tối này. Đã quá nhiều nước mắt hay nụ cười, đã quá nhiều sự ân cần hay lạnh nhạt, đã quá nhiều sự gặp gỡ hay chia ly. Chúng con muốn vượt lên trên khỏi sự tầm thường để tìm thấy điều cao cả”.

Một thời cảm niệm ngắn chưa đầy mười phút, nhưng đọng lại trong mỗi người quá nhiều cảm xúc thiêng liêng, xúc động. Lúc này đây, mặc cho những xôn xao đâu đó ở xung quanh, có lẽ, ai cũng đã tìm về được một góc an trú an bình trong lòng mình. Dưới cội Cây Bồ Đề nơi Phật từng ngồi, thấy biết ơn quá đỗi những nguồn không khí thanh lành nơi đây, cũng biết ơn thật nhiều duyên lành cho cả đoàn cùng trở về nơi này, để cùng nhớ về một cột mốc quan trọng trong cuộc đời của Phật, để cảm nhận được tim mình rung động – những nhịp đập của sự biết ơn, hạnh phúc tròn đầy và nguyện sẽ sống thật tốt theo những giáo pháp và lời dạy mà Người đã để lại cho hậu thế.

Sáng hôm sau, ngay tại bãi cỏ quen thuộc bên cạnh Tháp Đại Giác, đoàn chúng mình cũng đã có một thời cộng hưởng cuối cùng, để khép lại chuyến đi. Ngày cuối cùng, cùng đọc lại cuốn Khấn nguyện trợ duyên. Sau sáu ngày đồng hành cùng nhau trong những thời cộng hưởng, đến bây giờ, mọi người ai cũng đã quen với những dòng chữ trong cuốn Khấn nguyện trợ duyên, nên giọng đọc cất lên vang, đều và có lực hơn hẳn, so với ngày đầu cùng nhau đọc tại Tháp Chuyển Pháp Luân. Sau đó, chúng mình cùng nhau lạy 54 lạy cuối cùng, khép lại trọn vẹn ba thời 108 lạy sám hối và khai tâm trong suốt chuyến đi. Trong thời Ho’Oponopono cuối cùng, lần này, mình cho tất cả mọi người đứng dậy. Tay trong tay, những giai điệu quen thuộc cất lên: “Tôi xin lỗi/Hãy tha thứ cho tôi/Cảm ơn bạn/Thương lắm…”. Giây phút ấy, không biết trong tâm trí bạn hiện lên những điều gì, còn với chúng mình, mọi thứ như một thước phim tua chậm về một hành trình có nhau trong suốt sáu ngày vừa qua. Từ những ánh bình minh, hoàng hôn rực rỡ; đến những thời cộng hưởng bình yên bên nhau; những bữa ăn, những lần chờ đợi xuất nhập cảnh, những nụ cười, những hỏi han… Tất cả thật đẹp, thật thương và đáng nhớ. Giờ đây, chúng mình không còn là những con người xa lạ trong phút đầu gặp mặt, mà trở nên thương gần, tựa những đứa con xa quê cùng về thăm Cha, thăm Nhà, và đến lúc… phải rời xa quê để trở về với cuộc sống thường nhật của mỗi người. Bất giác, có gì đó nghẹn ngào…

Khi những giai điệu cuối cùng của Ho’Oponopono vừa khép lại, mình cho mọi người nắm chặt tay nhau, cảm nhận những nguồn năng lượng từ bạn đang chảy sang mình và ngược lại. Sau đó, buông tay ra, nở hoa cho nhau. Khoảnh khắc đẹp đẽ những tràng hoa tay đang lắc lư trong không gian, miệng ai cũng đang hoan hỉ nói to những câu ‘thần chú’ “I thank you – I love you”, tự nhiên mình thấy mọi người phía trước mặt mình xôn xao, ánh mắt ai cũng sáng rỡ. Bất giác từ phía sau lưng, mình nghe có một giọng nói cất lên: “Chào cô Quỳnh Hương”. Quay người nhìn lại, thật không thể tin được, ngay khoảnh khắc này, cũng ngẫu nhiên đoàn của Thầy Huyền Diệu vừa hay đang đi thiền hành ngang qua chỗ chúng mình! Và thế là, chúng mình hữu duyên ‘hội ngộ’ cùng Thầy Huyền Diệu cùng các thành viên đoàn của Thầy ngay tại Bồ Đề Đạo Tràng! Với không ít thành viên trong đoàn, điều này cứ như một giấc mơ, vì họ từng ước ao trong đời được gặp Thầy một lần. Thầy nói vui: “Có nhiều đoàn đến chùa tôi mười mấy lần vẫn chưa đủ duyên để gặp, nay quý vị khỏi cần đến, tôi đã đến ngay tận Bồ Đề Đạo Tràng ‘trình diện’ quý vị rồi”. Tự nhiên nghe Thầy nói đến đây, lại thấy cuộc gặp gỡ này dẫu tình cờ nhưng như được sắp xếp một cách đầy vi tế bởi Ơn Trên, bởi cách đây vài ngày, nhà MayQ chúng mình mới bàn với nhau, từ lịch trình chuyến sau, sẽ cố gắng sắp xếp ở Nepal lâu hơn, và đi kèm với điều đó, bên cạnh viếng thăm quần thể Lâm Tỳ Ni, chúng mình sẽ xin phép được viếng thăm ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự của Thầy Huyền Diệu tại đây để cùng nhau có một thời cộng hưởng, tu học tại đó. Nguyện ý vừa khởi lên, thì gặp Thầy ngay tại khoảnh khắc này. Kể cho Thầy nghe, Thầy cũng vô cùng hoan hỉ, mong chào đón đoàn tại Lâm Tì Ni trong dịp gần nhất. Thầy cũng ngỏ ý muốn cùng tất cả Phật tử Việt Nam hồi hướng công phu tu tập chung cho hòa bình thế giới, vốn là điều cần lắm trong bối cảnh hiện giờ. Thầy cũng ngỏ nguyện ước, một thời điểm nào đó trong tương lai, nhà MayQ sẽ có thể cùng Thầy và quý Phật tử khác chung tay tổ chức được một ‘Hội nghị Hòa bình Thế giới’ ngay trên đất Lâm Tỳ Ni – nơi Đức Thích Ca Mâu Ni từng được đản sanh, để lãnh đạo nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có thể ngồi lại bên nhau, tìm được tiếng nói chung, mang lại hòa bình và bình yên dài lâu cho người dân trên toàn thế giới. Nghe xong, ai cũng nở hoa rực rỡ, gửi niệm lành cho ước nguyện một ngày nào đó sẽ thành hiện thực.

Sau khi chụp ảnh kỷ niệm cùng nhau, đoàn của Thầy Huyền Diệu di chuyển với những thời khóa sinh hoạt riêng, còn đoàn MayQ chúng mình, mọi người có được hai giờ đồng hồ được tự do tại nơi đây. Mình nói với mọi người, phải duyên lành lắm, chúng ta mới có mặt ở nơi này, được ở trong nguồn năng lượng này, nên mọi người hãy trân quý mọi phút giây được ở đây. Bằng những hình thức bạn thấy thoải mái nhất, hãy tận dụng khoảng thời gian này để ngồi thiền, hoặc đi nhiễu quanh tháp, hoặc trì những thời kinh mà bạn muốn,… Chụp ảnh cũng vui đó, đi mua sắm cũng thú vị đó,… nhưng việc tu tập, quay vào bên trong tại chính nơi này, mới là điều quý giá hơn gấp nhiều lần.

Cả đoàn tạm chia tay nhau, mỗi người một lựa chọn. Mình chọn cho mình một không gian bên cạnh Tháp Đại Giác, để có một thời thiền, sau đó, trì niệm Chú Lăng Nghiêm cũng như đọc Kinh Địa Tạng, hồi hướng cho Cha mình đang bệnh ở nhà. Mùa này, các đoàn hành hương từ Việt Nam sang rất nhiều. Tụi mình nói vui với nhau, tưởng chừng đây là một cuộc ‘hội ngộ võ lâm’. Mỗi đoàn một thời khóa sinh hoạt, trì tụng khác nhau. Không gian sáng nay vẫn xôn xao bởi muôn vàn âm thanh, nhưng lạ thay, mình không hề cảm thấy bị phân tâm, hay khó chịu vì những âm thanh kia nữa. Lúc này đây, mình biết ơn quá đỗi phương pháp Thiền Nhĩ căn viên thông mà Thầy chúng mình đã dạy. Để rồi, sau hơn một năm miên mật thực hành, đến hôm nay, khi vào trong Bồ Đề Đạo Tràng, được đắm vào trong những trải nghiệm thực tế, mình cảm nhận được mình đã tiến bộ hơn được nhiều nhờ phương pháp thiền này. Mọi âm thanh chỉ là giả tạm, mình cho những xôn xao ở ngoài tai mà tập trung quán vào bên trong, như kiểu âm thanh đó được chặn lại ngoài cái nghe, nó cứ diễn ra, mình vẫn nghe, nhưng những âm thanh đó không chạm sâu vào vùng nhận thức của mình nữa, khiến cho mình vẫn làm được những việc mình cần làm. Và chính em Phong Windie, một cậu em trong team mình, cũng là người đồng hành cùng mình trong những ngày đầu được học phương pháp này, em có cơ hội ngồi thiền dưới cội cây bồ đề, cảm nhận thật rõ những sự dòng năng lượng chảy trong người, em bảo: “Có lẽ nhờ Thiền Nhĩ căn viên thông, em xoay được cái nghe vào bên trong, hoàn toàn định tâm được và cảm nhận năng lượng mạnh mẽ tràn từng đợt xuống đầu xuống sống lưng”. Khi trở về Việt Nam, mình có đem điều này kể lại cho Thầy tụi mình, như một sự biết ơn Thầy về phương pháp thiền tập này, đã giúp chúng mình tinh tấn hơn trong việc tu tập nhiều lắm.

Chia tay Bồ Đề Đạo Tràng, mình vẫn luôn thật trân quý và biết ơn nguồn năng lượng thanh lành được đón nhận tại nơi đây. Đằng sau những xôn xao là những tĩnh lặng, là nguồn không khí vô cùng thanh lành, mà chỉ khi ta chịu lắng tâm, xoay mình vào bên trong, thì mới có thể cảm nhận hết, cảm thấu hết mọi sự tròn đầy, tinh khiết và trong lành tại nơi đây. Vẫn ước mong một ngày nào đó có dịp được đến nơi đây, để được dành toàn thời gian tu tập hẳn một vài ngày, chắc chắn, cũng sẽ là một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời. Biết đâu được, mình cứ gửi ước nguyện, nhaa!

Chia tay Bồ Đề Đạo Tràng, khép lại điểm đến cuối cùng trong bốn thánh tích quan trọng gắn với cuộc đời Đức Phật. Ở bài viết tiếp theo, tụi mình sẽ chia sẻ cho cả nhà về chuyện ở ngôi chùa Kiều Đàm Di với những câu chuyện xúc động về dưỡng mẫu Kiều Đàm Di với công dưỡng dục, nuôi dạy Thái tử Tất Đạt Đa sau khi hoàng hậu Maya qua đời, cũng như có một vai trò quan trọng trong việc xin Đức Phật thành lập chốn tổ ni đoàn đầu tiên tại Tháp Trà Tỳ, và kể cho cả nhà nghe về một buổi trưa được đủ duyên lành thưởng thức tô bún riêu chay vị Việt Nam đầy thơm ngon trên Ấn Độ nhen.

Gửi niệm lành cho tất cả,

(20.02.2023 – QH & MayQ Team)

Chia sẻ:

Bài Viết Liên Quan