[Series Dọn lòng đón Tết]
#1: LỘI QUA ‘BỂ KHỔ’
Đây là những gì mình từng chia sẻ với các bạn hữu duyên tham gia vào các chuyến Đại cộng hưởng Dọn lòng đón Tết, trước thềm năm mới của mấy năm qua. Rõ ràng, một khi có mặt tại các buổi Dọn lòng đón Tết, ít nhiều gì ai ai cũng ôm trong lòng mình những ngổn ngang, hoặc buồn khổ. Vậy thì, hiểu thêm một chút về ‘cơ chế của sự khổ’ cũng là điều nên làm…, để mình còn tỉnh táo mà đối mặt với nó nữa chứ.
Mình hay nói với các bạn, nếu liệt kê hết được những vấn đề mà mỗi người đang nặng mang, thì sẽ thấy cuộc đời này đúng là ‘bể khổ’. (Cái này đúng nha, hồi trước đây ai nói “Đời là bể khổ” mình sẽ không chịu đâu, giờ thì thấy đúng rồi, hihi). Vậy, chúng ta hãy tìm hiểu chút xíu, về cái gọi là Khổ nha, để sau đó còn kiếm ra được các cách mà lội qua cái ‘Bể Khổ’ này chứ! Mời bạn theo dõi bài này.
Khổ là sao?
Từ cách đây 2.600 năm, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nhận dạng: bản chất của đời sống con người là Khổ.
Bởi vì trong cõi Dục này có 6 nhóm chúng sanh, liệt kê theo thứ tự sau đây:
1/ Nhóm Trời (Chư Thiên)
2/ Người
3/ Atula
4/ Ngạ quỷ (quỷ đói)
5/ Súc sanh
6/ Các loài trong địa ngục
… thì chúng sanh trong cả 6 nhóm đều phải chịu chung những nỗi khổ rất ‘đặc trưng’, nghĩa là ai cũng phải gánh. Đó là phải còn chịu lăn trôi trong sinh tử luân hồi, không bao giờ cùng tận. Dĩ nhiên, các loài bên dưới nhóm Người còn phải chịu cái khổ ghê gớm hơn nhiều, coi như được sinh ra làm người đã là một cái phước lớn rồi. Tuy nhiên, thân làm người vẫn phải chịu 8 cái khổ lớn, trong đó 4 cái đầu là cái thuộc loại ‘hụi chết’, nghĩa là không có cách nào thoát khỏi, bao gồm:
1/ Sinh
2/ Lão
3/ Bệnh
4/ Tử
Mà đúng thiệt không? Có ai dám ‘vỗ ngực’, ta mãi mãi trẻ trung xinh đẹp, không bao giờ mắc bệnh, và… không bao giờ chết? Thế thì, bản thân sinh ra làm người, đã tự gánh 4 cái khổ này rồi.
Còn 4 cái khổ tiếp theo thuộc loại ‘hụi sống’, nghĩa là… bạn muốn hốt lúc nào thì hốt nha, không ‘hốt’ vô không khổ. Chỉ là, vì nó cũng mang ‘sức quyến rũ’ như mấy phần hụi sống vậy, ai cũng muốn… hốt vô người hết trơn, thành ra khổ:
5/ Ái biệt ly khổ: Nỗi khổ yêu thương nhau mà phải chia lìa. Nhiều lắm. Từ những người yêu nhau không lấy được nhau. Cha mẹ con cái không được sống cùng nhau. Bạn bè cách xa nhau… Nói chung là… rất khổ.
6/ Oán tắng hội khổ: Thế nhưng đâu phải chỉ có không được ở kế bên người mình yêu thì mới khổ đâu. Bị đặt ngày ngày kệ cận người… mình không ưa mới khổ không kém! Liệt kê ra thử đi: một anh chồng/cô vợ… ngày càng đổi tính, người cha/người mẹ hà khắc với con (và ngược lại, đứa con ngỗ nghịch, phá gia chi tử), rồi sếp với nhân viên/nhân viên với sếp, khách hàng với ta/ta với khách hàng, đối tác… Cái này mới là ‘nỗi khổ không nói nên lời’ đây nè.
7/ Cầu bất đắc khổ: Đừng ai tự hào mình chưa ‘cầu’ cái gì. Vượt qua những dục cầu tầm thường, như cầu vật chất, tiền tài (là hết 90% người trên thế giới này đều ‘cầu’), kể cả ước mong mình luôn khỏe mạnh, gia đạo an yên, cuộc sống bình lặng ít sóng gió… cũng là những cái ‘cầu’ rồi. Và vì thế, khi cuộc sống phần lớn là không đáp ứng được những mong cầu này của ta (dĩ nhiên rồi, đời sống vốn biến động không ngừng, kiểu gì mà ở yên một chỗ theo ý mình được?), thì ta sẽ khổ.
8/ Ngũ ấm xí thạnh khổ: nói nôm na là tất cả những cái khổ gì có liên quan đến ‘ngũ ấm’ của chúng ta, bao gồm các giác quan: mắt nhìn thấy điều chướng mắt thì bực mình, tai nghe phải lời tiêu cực thì buồn, lưỡi ăn trúng món hỏng ngon thì… chán, hay nghe gió đông về thì… thấy cô đơn, vậy đó. Rồi những cái suy nghĩ, mặc định của mình về người này tốt người kia xấu, chuyện này vui chuyện kia buồn…, vân vân… Tóm lại cái khổ thứ tám này bao gồm tất cả những cái khổ mênh mông bao la, có tên hay không tên, mà con người ta kiểu gì không ít thì nhiều cũng ‘dính’!
Tóm lại, kể ra một hồi, thấy… làm người khổ quá đi mà!!!
Thế nhưng, từ sự thật này, chúng ta nhìn ra điều gì?
Lỡ sinh vô kiếp người này rồi, có… nhấn nút lùi lại cũng hong được, giờ cách duy nhất là… kiếm những cách gì mà ‘lội’ qua được cái bể khổ này càng đỡ ướt càng tốt, đúng không?
Được rồi, vậy sẽ dùng một số cách ‘phép quán chiếu để thay đổi tư duy’ như sau nha:
✅ Trong cái danh sách ‘thứ tự ưu tiên’ ở Cõi Dục ở trên, ít ra loài ‘Người’ là còn thuộc hàng… ‘có số má’ nha! Đứng hàng thứ 2 thôi, chỉ sau các Chư Thiên! Chớ còn, đàng nào Người cũng đã là sung sướng, hạnh phúc hơn rất nhiều so với loài Atula – những chúng sanh có thể không khổ về vật chất, mà tánh tình nóng nảy thôi rồi, dễ sinh sự dễ gây chiến tranh, cũng vui nỗi gì. Rồi so chi với loài Ngạ quỷ – lúc nào cũng luôn chịu cảnh đói khát mà ăn không được, rồi loài Súc sinh, là muôn thú mà nhiều khi thân mạng làm miếng ăn cho con người; hay các loài bị đọa sa địa ngục…
Có nghĩa là, loài người, bên cạnh 8 cái khổ ‘mặc định’ đó, cũng không phải không có những giờ hạnh phúc những giây bình yên. Chính xác hơn, ở loài người, sướng – khổ, vui – buồn là sự đan xen, chứ không phải toàn khổ. Vậy thì, vấn đề là ta phải tìm ra những công thức nào mà có thể giúp kéo dài hơn những giờ phút hạnh phúc, an yên và giảm thiểu những lúc buồn khổ. Khó chớ…, nhưng không phải là không thể, nha!
✅ Xét về mặt khoa học, một cuộc sống buồn khổ sẽ mang lại năng lượng rất thấp cho bạn! Đưa ra chi tiết luôn cho bạn thấy ‘trực quan sinh động’ luôn nè:
Theo bác sĩ tâm thần học, tiến sĩ tâm lý David Hawkins đã khẳng định trong quyển Power vs. Forces (tạm dịch: Năng lượng và Lực, hay Sức mạnh), thông qua việc đo đạc và nghiên cứu trên hàng triệu ca bệnh nhân của ông qua nhiều năm, thì một con người nếu muốn duy trì một cuộc sống bình thường cần có chỉ số năng lượng trung bình là 200. Trong khi đó, bạn xem:
[Nhóm 1: NĂNG LƯỢNG DƯỚI MỨC TRUNG BÌNH]
Cảm giác tủi nhục (Shame) – 20
Mặc cảm tội lỗi (Guilt) – 30
Sự hờ hững, lãnh đạm (Apathy) – 50
Nỗi buồn (Grief) – 75
Nỗi sợ hãi (Fear) – 100
Dục cầu (Desire) – 125
Nỗi tức giận (Anger) – 150
Niềm tự hào (Pride) – 175
Ngay cả niềm tự hào, nghe có vẻ tích cực là vậy, thực tế năng lượng cũng chưa được mức trung bình đấy nhé!
Mà bạn biết không, khi năng lượng trong cơ thể ta bị thấp, nghĩa là nếu ta để bản thân mình chìm đắm trong nỗi buồn, cảm giác sợ hãi, tức giận, hay tủi nhục, mặc cảm tội lỗi… mà ta không chịu hóa giải, chuyển đổi, dần dần cơ thể chúng ta sẽ sinh ra các loại bệnh tật dẫn đến giảm thọ tự nhiên!
Vậy, không tính những ‘ngã rẽ bất ngờ’ có thể do nghiệp tới đòi, bạn có muốn cuộc đời mình dài và khỏe mạnh không?
Trong rất nhiều chuyện mà mình không quyết định được (hahah, dĩ nhiên), thì đây là một phần chủ động mà ta có thể làm được cho bản thân mình nè: Hóa giải năng lượng xấu, chuyển biến các trạng thái tâm lý ta thành Năng lượng tích cực, năng lượng cao!
Nhìn nhánh này cho có động lực nha:
[Nhóm 2: NĂNG LƯỢNG TRÊN MỨC TRUNG BÌNH]
Tâm trạng trung dung (không vui không buồn) (Neutrality) – 250
Thái độ thiện chí (Willingness) – 310
Sự chấp nhận (Acceptance) – 350
Biết hiểu chuyện (Reason) – 400
Tâm trạng yêu thương (Love) – 500
Tâm trạng an lạc (Joy) – 540
Tâm trạng bình yên (Peace) – 600
Tình trạng Tỉnh thức (Enlightment) – 700-1.000
Lấy một ví dụ nhỏ thôi: thay vì bạn đang để bạn chìm đắm trong nỗi buồn vì tình yêu hay tình nghĩa vợ chồng ra đi… (năng lượng 75 thôi), hoặc nỗi khổ sở vì tại sao bạn mong cầu một cuộc sống hạnh phúc mà không được (năng lượng 125), hãy tập hiểu đó là một phần của Duyên, của Nghiệp, và bạn Chấp nhận. Lúc đó, bạn sẽ không còn thấy quá buồn nữa. Năng lượng của bạn lúc này dần hoán chuyển lên bậc Acceptance – đạt 350. Và thậm chí, khi bạn đã tìm ra được nguyên nhân dẫn đến những điều không hay đó là do những điều bạn đã có thể gây ra từ những tiền kiếp, bây giờ bạn hoan hỉ trả nợ cho xong, thì bạn thậm chí còn đạt lên tới mức Hiểu chuyện (Reason), nghĩa là bạn đạt 400 luôn!
Và từ Hiểu chuyện, thậm chí bạn còn có thể thấy Yêu thương được cuộc sống này mặc cho những ‘lên bờ xuống ruộng’ mà cuộc đời đã… quăng cho bạn. Bạn đạt ngưỡng Love – 500, hoặc hơn thế nữa…
Những nấc thang dài đi lên không ngừng, chỉ cần ta biết nhìn ra cốt lõi của vấn đề, là ta phải CHỦ ĐỘNG hoán chuyển các trạng thái tâm lý của ta, từ Buồn bã, Đau đớn, Lo sợ, Tức giận… sang Biết Chấp nhận nghịch cảnh, biết Thiện chí vượt qua nghịch cảnh, để giữ tình Yêu thương cuộc sống, sự An lạc và Bình yên từ trong nội tâm mình! Và thế là, như cổ nhân đã nói, “Tâm An vạn sự An”.
Tin vui là bạn sẽ có một chiếc cầu để nối liền hai nhịp bờ vui giữa nhóm 1 (Năng lượng dưới mức trung bình) sang Nhóm 2 (Năng lượng trên mức trung bình): đó chính là Sự Can đảm (Courage) – nằm ngay mức trung bình chuẩn: 200 luôn nha!
Như vậy rõ rồi: Chỉ cần bạn dám Can đảm Dọn dẹp những ngổn ngang trong lòng mình để hướng đến sự Chấp nhận mọi chuyện như vốn dĩ nó đã xảy ra, không cắn đắng nuối tiếc, không buồn phiền hờn giận…, bạn sẽ bước qua một năm cũ nhiều phiền muộn với tất cả sự quyết tâm, để mạnh mẽ tiến vào năm mới với cả Thiện chí cùng Hiểu chuyện, bạn nhé!
Và như vậy, cái ‘Bể khổ’ đời cũng… ok, fine, không sợ lội nữa nè, ahihi.
Chúc bạn thành công! Gửi niệm lành cho tất cả,
(Bài viết hoàn thành 1.2019)
Đại cộng hưởng tháng 01/2024: THA THỨ ĐỂ BÌNH AN – THIỀN ÔM CÂY CHO NĂNG LƯỢNG AN LÀNH
– Thời gian: CHỦ NHẬT & THỨ HAI (21-22/01/2024)
– Địa điểm: Đà Lạt – Đức Trọng – Bảo Lộc
– Hạn cuối nhận đăng ký: 15/12/2023
(Hạn cuối đăng ký có thể kết thúc sớm hơn ngay khi MayQ Go nhận đủ số lượng khách).
Hotline/Zalo/Viber:
– Mr. Nam: 0947538008
– Ms Thùy Trân: 0889462181