Search
Close this search box.

SERIES DỌN LÒNG ĐÓN TẾT: #2 HỌC CÁCH CHẤP NHẬN

SERIES DỌN LÒNG ĐÓN TẾT: #2 HỌC CÁCH CHẤP NHẬN

[Series Dọn lòng đón Tết] #2 HỌC CÁCH CHẤP NHẬN

Chào mọi người đến với chuỗi bài mang chủ đề Dọn lòng đón Tết. Sau bài 1: Lội qua Bể Khổ, hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục đến với bài 2: Học cách chấp nhận.

Chấp nhận, hai chữ đơn giản đó, vậy mà khi đem nó thật áp dụng vào trong những hoàn cảnh thực tế, nó… không dễ dàng chút nào. Vậy làm sao chúng ta có thể học cách chấp nhận đây? Mời bạn tiếp tục theo dõi bài hôm nay nha.

Những năm tháng gần đây, từ từ ngẫm nghiệm ra, một trong những điều ta có thể chủ động làm được để buông bỏ những sầu khổ, oán thán, giận dữ… chính là chấp nhận vạn sự tùy duyên. Nghĩa là, trong cuộc đời này không có bất cứ cái gì diễn ra là do ngẫu nhiên, mà nó là hệ quả của một loạt những dây mơ rễ má từ nợ nần – ơn nghĩa nhau giữa vạn vật, muôn ngàn con người từ bao nhiêu tiền kiếp, dẫn dắt dây tới ngày hôm nay. Nghĩa là, mọi sự diễn ra là cái ắt phải diễn ra, ta có muốn nó không xảy ra như vậy cũng không được mà muốn nó lái theo hướng ta ước mong cũng không được.

Nói như bà Darshani Deane trong cuốn Minh triết trong đời sống, cuộc đời này giống như một vở kịch khổng lồ mà trong đó, ta và muôn vạn người khác chỉ là những diễn viên được phân công những vai diễn ấy. Vì là diễn viên thôi, nên ta đâu được viết kịch bản của vai diễn này, chỉ có thể tận lực diễn cho tốt cho hay phần vai diễn ấy, để rồi, ‘Ông đạo diễn’ ở đâu trên cao xanh ấy lắng nghe, ngẫm nghiệm, cân đo đong đếm các nỗ lực của ta, mà từ đó có thể viết tiếp đoạn sau tốt hơn sáng hơn hay u tối tệ hại hơn. Nhưng, hãy nhớ, nhiệm vụ viết kịch bản là Của-Ông-Đạo-Diễn, không phải chúng ta!

Nghĩa là, phần của chúng ta là tận lực làm cho tròn những gì cuộc đời giao phó, theo cách thức thiện chí hết mức có thể. Đừng sa vào một trong hai bi kịch dẫn đến cái khổ:

Bi kịch 01: Diễn nhập vai quá…, tưởng luôn mình chính là nhân vật ấy!

Chỗ này hơi khó tưởng tượng ha, vì phần lớn các bạn sẽ nói bạn sinh ra với thân xác này, trí óc này, thì bạn không chính là thân xác này chớ là ai? Thật ra bạn ngẫm kỹ lại ha, thân xác này vốn hữu hạn. Bạn thấy đó, vòng đời của con người trung bình 60 năm, ai giỏi lắm kéo dài được tới 100 năm…, rồi cũng có lúc phải trả cái xác thân này trở về với cát bụi. Nhưng phần Thức của bạn vẫn còn đó, nó sẽ theo bạn cùng những ‘combo’ nhân-duyên-quả mới, để đi vào một đời sống mới, lại bắt đầu lại từ đầu… Như thế có phải, xét theo một khía cạnh nào đó, phần đời chương đời này của bạn chỉ là một ‘lớp diễn’ của cả một hành trình dài của tâm thức?

Điều này sinh ra nhiều cái lợi nè: Khi bạn tức giận, bạn đau khổ…, hãy thử tập tách ‘Bạn’ ra khỏi ‘con người tên X.’, là bạn đó. Bạn hãy tập nhìn ‘Con người tên X.’ đó từ ngoài nhìn vô như nhìn một người khác, sẽ quan sát được vì sao mình đang tức giận, đang đau khổ…, nguyên nhân vì sao ra nông nỗi…, và có cần phải tiếp tục nhúng mình vào những cơn tức giận, đau khổ đó không. Người xưa có câu “Giận mất khôn”. Rất nhiều người có trí khôn đầy đủ, nhưng một khi đã lâm vào cơn giận thì không thể nào còn khả năng kiểm soát được lý trí của mình nữa. Từ đó dẫn đến quá nhiều hệ lụy, tổn thất, đau đớn trầm kha, cũng chính từ việc đã lún quá sâu vào cái bản Ngã không thể tự thoát ra được này rồi.

Nếu có thể tập tách mình ra khỏi ‘bản thân’ và quan sát mình một cách khách quan mỗi khi gặp chuyện bất ý trong đời sống, ta còn có thể kiểm soát được mình ở nhiều điều khác nữa. Tỉ như giữ được tâm trí ta bình thường, cân bằng hơn. Minh mẫn, sáng suốt hơn khi đưa ra các hướng đi để giải quyết vấn đề một cách khôn ngoan hơn… Hiểu rằng đó cũng là một phần ‘Duyên’ đã đưa đến cho bạn những khả năng đó, những hướng đi đó, hoặc chỉ đơn giản, là Chấp nhận mọi chuyện xảy ra là một phần hệ quả tất yêu của những gì ta buộc phải trải qua, và điềm tĩnh đón nhận nó, vậy thôi.

✌️ Bi kịch 02: Không cam lòng trước phần kịch bản mà ‘Đạo diễn Cao xanh’ đã ấn vô bắt mình diễn, đòi… viết lại kịch bản theo ý mình!

Dĩ nhiên, nhiều bạn đọc tới đây phải phản ứng ngay: cuộc đời ta phải do ta làm chủ chứ! Dĩ nhiên, đó là cái mà Bạn Mong Muốn – nói nôm na là Dục cầu đó. Nhưng, mình hỏi thiệt, có ai dám chắc 100% ngày mai đến, cuộc đời bạn sẽ như thế nào không? Năm sau? Hay mười năm sau nữa? Tất cả chỉ là ước muốn của bạn, ai giỏi lắm thì đặt ra mục tiêu và vững vàng từ từ xây từng viên gạch để đạt đến mục tiêu đó. Tuy nhiên, nếu bạn nhìn kỹ lại bản chất của việc này, có phải đang quy về mục 1: nghĩa là bạn chỉ đang Cố gắng để làm thật tốt phần vai diễn ‘đổi đời’ của mình, đúng không? Và nếu việc ấy thuận duyên, bạn sẽ được ‘Đạo diễn Cao xanh’ ghi nhận và cuộc đời bạn sẽ chuyển biến một cách tích cực, tốt đẹp. Chứ, nếu bạn nói: Tôi Muốn như vầy và chắc chắn tôi phải Bằng mọi giá, bất chấp thủ đoạn để đạt cho được cái điều mà tôi muốn đó… Bạn chắc bạn sẽ đạt được chứ? Hay là chẳng một khi bạn đã cần mẫn tích cóp được 99% thứ mà bạn đã dày công thu gom được…, rồi bỗng dưng một cơn vô thường tới…, tất cả rồi cũng lại trắng tay? Mà thậm chí, đến cái mạng của chính bạn bạn còn không chắc?

Vì vậy, bài học từ Khả năng bi kịch số 2 này: là Chấp nhận, và chỉ Nỗ lực tận cùng để vun đắp, mà đừng quá đặt nặng vào kết quả nó sẽ được thế nào.

Có một câu bà Darshani Deane cũng đã từng nói trong cuốn sách mình nhắc qua ở trên. Rằng nếu bạn đã không thể kiểm soát được chặng đầu của chương đời này (nghĩa là lúc bạn sinh ra: bạn không chọn được cha mẹ bạn là ai, không chọn được môi trường sống) hay lúc cuối chương đời (là lúc nào bạn sẽ qua đời, sẽ qua đời cách nào…), thì tại sao bạn lại mơ tưởng bạn Có Thể kiểm soát được khúc giữa?

Thật ra, ông ‘Đạo diễn Cao xanh’ mà mình nhắc ở trên, nhân vật ‘Trùm cuối’ đầy quyền uy đó, đã tồn tại như một phần của hiện thực cuộc sống từ nhiều ngàn năm nay với rất nhiều tên gọi và mường tượng về nhân dáng khác nhau, trong nhiều tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau. Những người không theo tôn giáo hay tín ngưỡng nào cụ thể cũng không thể phủ nhận sức bao quát và quyền năng đặc biệt này, và thừa nhận điều này với khái niệm Universal Intelligence (Trí thông minh Đại đồng). Trí thông minh Đại đồng này là một cỗ máy thông minh tuyệt đỉnh mà cho đến nay, chưa khoa học nào có thể khám phá hết độ sâu, rộng và khả năng vô tận của nó. Chỉ biết rằng, cỗ máy này âm thầm ghi nhận mọi việc bạn làm, mọi câu bạn nói, mọi suy nghĩ phát khởi từ trong tâm của bạn… Và âm thầm cộng cộng trừ trừ với n những việc làm, suy nghĩ, lời nói… của bạn từ n tiền kiếp, để cho ra cái ‘kịch bản automatic’ mà chúng ta đang diễn trong phần đời này đấy!

Như một câu khác của cổ nhân phương Đông: “Tận nhân lực – Tri thiên mệnh”. Cứ nỗ lực tối đa đi, nhưng cũng nên đủ khôn ngoan mà biết chấp nhận số phận của mình đi tới đâu thì mình theo tới đó. Câu này mình ngấm từ rất lâu rồi, (hình như từ cuốn sách đầu tiên An nhiên mà sống, phải không?), và cho đến nay, vẫn là một trong những câu nằm lòng của mình để sống. Để không quá đau khổ trước những bất ý sau bao nỗ lực của ta, không uất ức hay tuyệt vọng trước những thử thách gian nan mà cuộc đời đưa đến.

Từ đó để suy ra, cho dù hệ tư tưởng có đa dạng phong phú đến cỡ nào, thì triết lý sống cốt lõi của cả Đông – Tây đều gặp nhau ở điểm: khuyên chúng ta phải biết Chấp nhận mọi chuyện đến với mình. Và điều này được chứng thực hẳn trong cả phương diện khoa học! Còn nhớ bài viết đầu tiên trong series “Dọn lòng đón Tết” không, mình có nói, cố gắng buông bỏ những tủi nhục, thương tổn, đau khổ, giận dữ… vốn mang tần số năng lượng rất thấp, rất có hại cho sức khỏe và tuổi thọ, để cố gắng vươn đến sự Chấp nhận mọi việc như vốn nó xảy ra, ta sẽ đưa được tần số năng lượng trong con người ta lên khá cao để sống một cách khỏe mạnh và trường thọ.

Vì vậy, khi chỉ còn vài này nữa sẽ chính thức nói lời tạm biệt năm cũ đển bước sang năm mới, làm ơn ngẫm lại lần nữa nhớ bốn triết lý rất sâu sắc của người Ấn Độ cổ xưa, để ‘dọn lòng đón Tết’ cho ngon nè nha:

1️⃣ Tất cả những việc xảy ra vốn là việc phải xảy ra => Tất cả đều do Trí thông minh Đại đồng nhào nặn và sắp xếp, thành ra không có cái gì xảy ra tình cờ hết, nhen! Bạn không thể ‘né’ cũng không thể cãi, chấp nhận thôi. Đừng bao giờ cảm thấy hối hận hay ‘Giá như’ gì cả. Tại sao lúc ấy ta không chọn phương án A mà chọn B? Tại sao lúc ấy ta ngu quá vậy? Tại sao lúc ấy ta không tránh việc Y mà lao vô việc X…? Như đã nói, mọi chuyện trên đời này Không có gì là diễn ra ngẫu nhiên cả. Vì vậy, việc bạn phải lao vô phương án A hay sao lúc đó bạn không thông minh hơn…, hay lúc đó sao bạn lao vô việc X mà không tránh việc Y…, tất cả đều đã được sắp xếp sẵn bởi Trí thông minh Đại đồng, tự động nhào nặn các nhân bạn đã tạo ra từ muôn vàn tiền kiếp, để bây giờ, tạo thành muôn vàn các ‘cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi’ rồi bắt bạn trèo lên đi đó, được chưa.

2️⃣ Tất cả những ai ta gặp đều là những người phải gặp => Mỗi người trong cuộc đời này đang tự vận hành theo quỹ đạo của Duyên và Nghiệp riêng của họ. Việc ta vướng vào họ trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời là cái Duyên và Nghiệp cộng của ta với họ. Nên nếu họ có thể mang đến cho ta những điều tốt đẹp: thật vui và ấm áp. Còn không được như ý? Cũng là hệ quả của Duyên và Nghiệp rồi. Họ sẽ mang đến cho ta… những bài học, hihi. Bạn kháng cự, bạn nói, không, tôi không muốn nhận những ‘bài học’ thương đau từ họ, từ những thương tổn, tủi nhục, sầu khổ, lọc lừa đó ư? Đọc tiếp triết lý số 3:

3️⃣ Tất cả những gì cần đến, nó sẽ đến => Đã là phúc thì không phải là họa. Đã là họa, bạn tránh khỏi không? Mà, theo đúng quy luật nhân quả, Trí thông minh Đại đồng phát hiện ra bạn đang tránh né cái ‘họa’ từ con người này, sẽ thân ái tặng cho bạn một… cái họa khác, “level’s the same or even more” (Cùng cỡ hoặc tệ hơn, hihi) Cho nên, cách tốt nhất là hoan hỉ tiếp nhận ‘ca khó’ này, tùy chiêu tiếp chiêu, rồi phát tâm từ ra mà hóa giải họ dần dần. Bạn thành công: bạn cũng được một kinh nghiệm tốt đẹp. Bạn… không thành công? Rút kinh nghiệm cho… những lần sau khôn ngoan tỉnh táo hơn, chớ sao!

4️⃣ Cái gì đã qua, cho qua => Chính từ 03 triết lý trên, mới dẫn ra điều số 4 này nè. Cái đeo theo con người ta nặng nề nhất chính là những cái gì ‘đã qua’ mà chúng ta không thể ‘cho qua’ được! Một người vợ đã ly hôn chồng một năm mấy, nay chồng lấy vợ mới, vẫn thấy đau lòng đến mất ăn mất ngủ. Một người mất cái ví tiền chứa hai mươi triệu, lòng xót xa không nguôi, coi như mỗi ngày mất thêm hai chục triệu. Một người tức giận vì bị lừa gạt tình cảm, đau đớn, phẫn hận, hậu quả vừa mất luôn cả cuộc sống an yên của chính mình vừa có khả năng gây án vì không cam lòng ‘để cho kẻ lường gạt đó yên thân’…

Tóm lại, càng sống càng thấy cuộc đời này có nhiều tầng tầng lớp lớp những duyên nghiệp cài cắm đang xen, phức tạp cùng vi diệu, không hề chỉ là lớp bề nổi như lớp bọt sóng mà ta thấy trên mặt biển đời. Cho nên, bước đầu học cách chấp nhận được mọi chuyện ấy càng nhiều càng tốt, là ta đang phần nào ‘dọn dẹp’ lại cõi lòng rối rắm của ta rồi.

Thưởng thức những ngày cận Tết thật bình an, nhẹ nhàng nhé, cả nhà.

(Bài viết hoàn thành 2.2019 – Bài Audio thực hiện tháng 12.2021)

#Sống
#DọnlòngđónTết
#ChuyểnNănglượngTiêucựcthànhTíchcực

Chia sẻ:

Bài Viết Liên Quan

TỪ LƯƠNG HOÀNG SÁM: ‘SÁM HỐI’ LÀ GÌ?

TỪ LƯƠNG HOÀNG SÁM: ‘SÁM HỐI’ LÀ GÌ?

[Từ #Lương_Hoàng_Sám]Vị Sư cô đầy uyên bác mà mình hữu duyên được gặp gỡ và chỉ giáo một số điều thật sự ‘thậm thâm vi diệu’ từ pháp Phật, một ngày cô dặn mình, con về, cố gắng kiếm thời gian mà ngồi nghiền ngẫm lại thật kỹ bộ Lương Hoàng Sám nha.Cái cách mà Sư

Xem thêm »