Search
Close this search box.

TÂY TẠNG LINH THIÊNG: MIỀN TRỞ VỀ

TÂY TẠNG LINH THIÊNG: MIỀN TRỞ VỀ
Mãi đến ngày thứ ba của hành trình, mình – Yến Hương, mới ngồi gõ được những dòng này, để lưu lại những cảm xúc trong lần trở lại Tây Tạng sau bốn năm, cùng với những thành viên thân thương của nhà MayQ Go.
Thời tiết Tây Tạng mùa này khá nóng, mặc dù sáng sớm và buổi đêm muộn lại khá lạnh. Nhưng mỗi mùa thời tiết, Tây Tạng đều có những vẻ đẹp khác nhau. Nếu tháng Tư Tây Tạng được bao phủ bởi một màu trắng bao la hùng vĩ, thì tháng Tám Tây Tạng lại tặng chúng mình một màu xanh ngắt của mây, màu vàng của nắng và các màu sắc sặc sỡ của các loại hoa.
Lần này đi từ Trùng Khánh đến Lhasa vào buổi chiều, chuyến bay lại trễ một tiếng nên đáp đến sân bay Lhasa đã là 7 giờ đêm. Vậy mà bước chân ra khỏi sân bay thấy trời còn sáng trưng, vài vạt nắng chiều vẫn còn sót lại. Giữa những tiếng lao xao của người đến kẻ đưa, mình thấy tâm mình bình yên đến lạ. Cái cảm giác như đứa con lâu ngày mới được quay về thăm quê, được hít đầy lồng ngực mùi hương của cây cỏ, thân thương vô cùng.
Lần này cũng là lần đầu tiên mình đưa đoàn đi một mình cùng với em Tuân, mà không có chị Quỳnh đi cùng. Tuyến tour này được phân công do mình phụ trách chính, và chuyến Tây Tạng – Miền trở về này đã được lên lịch từ sớm. Trước chuyến đi, lúc biết mình cần phải có cuộc đại phẫu thuật team có hơi ‘bấn loạn’, bởi vì không ai biết kết quả cuộc phẫu thuật đó như thế nào, mình cần phải được điều trị thêm gì nữa không, nếu có thì mất bao lâu?.. Không ai biết được hết. Rồi sau khi bình tĩnh lại, mấy chị em ngồi lại với nhau bàn ra các giải pháp. Phương án A phương án B nào thì là v.v… nhưng chốt lại, vẫn giữ chuyến Tây Tạng này như cũ, mặc dù ngày khởi hành chỉ sau ngày mình phẫu thuật hơn hai tháng mà thôi. Minh vẫn tin là mình sẽ đi được chuyến này. Và sau đó, chỉ cách ngày khởi hành chỉ vài ngày, mình mới hoàn toàn hết đau, mới nằm ngủ được bình thường. Thật vi diệu và thật biết ơn vũ trụ đã giơ cao đánh khẽ!
Trở lại Tây Tạng sau bốn năm, đặc biệt là sau đại dịch, chúng mình chỉ nhận số lượng giới hạn để có thể lo chu toàn cho mọi người. Tụi mình muốn khảo sát lại coi dịch vụ bên Tây Tạng có còn ổn định không, vì như mọi người biết, nhiều thị trường lớn khác đã bị ảnh hưởng không ít rồi. Thật đúng như dự liệu, có nhiều thay đổi bên này, nhưng sau một số sắp xếp lại thì mọi việc đã ổn thoả. Biết ơn vũ trụ lần hai!
Với tâm thế tràn đầy sự biết ơn như vậy, mình và Tuân đã cùng cả đoàn đã trải qua những ngày đầu tiên của chương trình vô cùng hoan hỉ và gặp được nhiều duyên lành. Có những việc tưởng chừng không thể thực hiện được nhưng tụi mình lại làm được vô cùng nhẹ nhàng.
Chuyện đầu tiên có lẽ là việc tham dự được buổi cung phu sáng và cùng tham dự được lễ cúng dường trai tăng của quý thầy tại tu viện Ramoche. Tiểu Chiêu Tự nguyên bản đã bị phá hủy nhiều sau cuộc đại cách mạng văn hoá vào năm 1956. Chẳng bao lâu sau, chùa trở thành lễ đường của Gyuto Tratsang, hay Học viện Thượng Mật Tông của Lhasa và là nơi sinh sống của 500 sư tăng. Tại đây chúng mình được đảnh lễ tôn tượng Jowo Mikyo Dorje. Buổi sáng đầu tiên tại Lhasa, trong cái mát lạnh của buổi sớm mai, cùng với nhiều người dân địa phương đi lễ sớm, chúng mình đã có một buổi viếng ngôi chùa Tiểu Chiêu an lành như thế.
Rời Ramoche Temple, chúng mình đến viếng ngôi chùa nổi tiếng Jokhang Temple – Đại Chiêu Tự. Đây là ngôi chùa được coi là linh thiêng nhất Tây Tạng, là nơi mà bất cứ một người Tạng nào cũng muốn được đến viếng một lần trong đời.
Nằm trong khuôn viên khu mua sắm sầm uất bậc nhất Lhasa – khu Barkor, ngôi đền Đại Chiêu nằm yên bình trong nắng mai. Lúc này cuộc sống bên ngoài ngôi đền đã nhộn nhịp lắm rồi. Các cửa hàng đã mở cửa. Người dân đã bắt đầu đi kinh hành xung quanh đền. Một số người khác đã thực hành nghi thức tam bộ ngũ thể nhập địa truyền thống của họ. Một người Tây Tạng trong đời ít nhất cũng phải bái lại 100.000 lần nghi thức này, thế nên tại các điểm linh thiêng của Tây Tạng như tại các ngôi đền chùa hay tu viện, Potala hay Kaitlash,… chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều ngừoi Tạng thực hiện nghi lễ này, từ người già hay trẻ nhỏ.
Đại Chiêu Tự là ngôi tu viện được vua Tùng Tán Cán Bố xây dựng cho người vợ thứ 2 của ngài – công chúa Bhrikuti đến từ Nepal. Ngôi chùa này được xây dựng mặt quay về Nepal, hướng về quê nhà của bà. Nhiều tài liệu ghi lại, sau khi kết hôn với bà, Đại Chiêu Tự đã được xây dựng cùng với 42 ngôi chùa lớn nhỏ khác.
Trong cuộc liên hôn chính trị này, công chúa Bhrikuti (Xích Tôn Công chúa) – một người rất sùng đạo đã đưa đến Tây Tạng rất nhiều hình tượng linh thiêng của Phật giáo Nepal, bà cũng đưa nhiều thợ thủ công đi theo mình. Một trong số đó là pho tượng Phật Jowo Mikyo Dorje, đây là một tượng đồng nhỏ của Đức Phật khi ngài tám tuổi. Bức tượng này hiện tại được an vị tại Tiểu Chiêu Tự, thay cho pho tượng Jowo Rinpoche được Wenchen Princess (Văn Thành Công chúa) đưa đến từ Trung Hoa.
Đến viếng Jokhang Temple, chúng tôi được dịp cúng dường cho việc dát vàng lên tôn tượng Jowo Rinpoche nổi tiếng này. Có nhiều giai thoại về ngài, như giai thoại “pho tượng biết nói”. Giai thoại cũng là giai thoại, nhưng khu vực ngài an vị có nguồn năng lượng vô cùng an lành và linh thiêng. Những ai hữu duyên được diện kiến đảnh lễ ngài, được chạm vào ngài dù chỉ là vạt áo đều cảm nhận rõ ràng nguồn năng lượng này. Chúng mình đã được hùn phước cúng dường dát vàng lên ngài buổi sáng hôm đó. Vô cùng hoan hỉ.
Buổi chiều chúng mình sẽ đến viếng cung điện Potala. Hẹn cả nhà trong những dòng ký sự hành trình của bài viết sau, mình sẽ kể cho nhà mình nghe những trải nghiệm tại cung điện Potala, và những điểm đến khác trong chuyến đi nhen.
Gửi tặng cả nhà mình những tấm hình đầy năng lượng tại vùng đất Tây Tạng và cũng gửi niệm lành cho những ai ước mong trong đời được một lần đến vùng đất thiêng này, sẽ sớm ngày viên thành, nhen!
Thương lắm!
(18.08.2023 – Lê Đỗ Yến Hương & MayQ Team)
Chia sẻ:

Bài Viết Liên Quan