Search
Close this search box.

TỊNH NEPAL – BÀI 1: WORLD PEACE STUPA POKHARA, KHÔNG GIAN THANH TĨNH GIỮA LƯNG CHỪNG TRỜI

TỊNH NEPAL - BÀI 1: WORLD PEACE STUPA POKHARA, KHÔNG GIAN THANH TĨNH GIỮA LƯNG CHỪNG TRỜI

Hành khách của hai chuyến Hành trình Tứ Động Tâm – đất Phật Ấn Độ – Nepal gần đây nhất của nhà MayQ Go (chuyến tháng 10/2023 và tháng 2/2024) có duyên hơn các đoàn trước đó khi cùng một công vượt đường xa từ Ấn Độ sang khu vực Vườn Lâm Tì Ni (Lumbini) ở gần biên giới Nepal, chúng mình đã quyết định dành thêm thời gian cho cả đoàn đến viếng một công trình đặc biệt ở trong khuôn viên rộng lớn của khu thánh tích. Đó chính là World Peace Stupa (Shanti Stupa), được biết đến như Tháp Hòa Bình Thế Giới, là một trong những công trình lớn mà phái Nhật Liên Tông của Phật giáo Nhật Bản đã dày công tâm huyết xây dựng tại nhiều nơi trên thế giới. Chỉ riêng ở Nepal, đã có ba tháp: một ở nơi vườn Lâm Tì Ni nơi Hoàng hậu Maya đản sanh Thái tử Tất Đạt Đa mà sau này trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, một ở khu vực Núi Linh Thứu, và một, ở vùng Pokhara, về phía rặng Himalaya.

Cuộc đời mọi cái đúng là vận hành theo duyên. Đến Lâm Tì Ni gần cả chục lần, nhưng cũng chỉ đến viếng đền thờ Hoàng hậu Maha Maya Devi và Hồ nước thiêng phía sau đền thờ, chứ không cảm thấy rất cần thiết phải đi viếng thăm thêm những nơi nào khác. Cho đến khi cuối năm 2022, mình và mấy chị em Headteam của nhà MayQ được cùng sang khảo sát dọc dài Nepal. Sau khi khảo sát xong ở Kathmandu, thủ đô Nepal, duyên đưa chúng mình ‘lạc trôi’ về Pokhara, thủ phủ du lịch của Nepal. Đây là một thành phố đông dân thứ hai sau thủ đô Kathmandu, cách Kathmandu 200km về phía Tây. Là thành phố nằm trên độ cao biến thiên từ 827m ở mạn Nam đến 1.740 mét ở mạn Bắc so với mặt nước biển, từng là một trong những tuyến đường quan trọng trên “Con Đường Tơ Lụa” trứ danh, đường thương mại quan trọng giữa Ấn Độ và Tây Tạng. Pokhara được biết đến nhiều nhất với khung cảnh tuyệt đẹp của dãy Annapurna, nằm cách thành phố chỉ 24–56 km.

Sau khi được đưa đến viếng thăm một số các tu viện Mật Tông và cộng đồng người Tạng di cư sang lập làng tại đây, chúng mình được đưa lên một ngọn đồi cũng cao ngang ngang núi Linh Thứu ở Ấn Độ. Chúng mình lần bước đi lên. Càng lên cao, sự tĩnh lặng dần bao phủ. Càng lên cao, không gian bao quát xung quanh càng thoáng đãng, có thể nhìn về trung tâm Pokhara, hồ Fewa, và rặng HImalaya phủ tuyết đẹp tuyệt vời phía sau. Và lên thêm chút nữa, chúng mình được chạm đến một cánh cổng giản dị, ghi ‘World Peace Stupa’, đề nghị ‘đi nhẹ nói khẽ cười duyên’. Và bước qua cánh cổng ấy, đi thêm vài chục bậc thang nữa, thì ôi…, phải nói là ngỡ ngàng.

Thời điểm ấy, chúng mình chưa có khái niệm gì về hệ thống World Peace Stupa cả. Chỉ cảm nhận, trong một khoảng không gian mênh mông khoáng đạt của trời đất bao la, của bầu khí mênh mông trong lành và tĩnh mịch, của trời xanh mây trắng, của tiết trời se lạnh, một chiếc tháp tròn tựa như một chiếc bát lớn khổng lồ màu trắng chụp úp xuống nền núi, mang theo sự tối giản lại có chút màu sắc hơi huyền bí… bởi một tấm bia có vẽ nhiều chữ Hán ngữ ngoằn ngoèo. Mình ngờ ngợ tiến đến gần, và rồi vỡ òa thêm lần nữa. Chao ơi, nơi chốn mà tụi mình đủ duyên tìm đến lần này, World Peace Stupa, hóa ra chính là thờ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa sao!

Còn nhớ lại, cách đây vài năm, duyên cứ nhắc nhở chúng mình phải biết tìm về Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Nhắc từ khi tụi mình mở được chuyến bay thẳng đầu tiên đến với Tứ Động Tâm – đất Phật Ấn Độ và đưa người lên đỉnh núi thiêng Linh Thứu – nơi được tương truyền rằng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng thuyết giảng bản Kinh Diệu Pháp Liên Hoa cho chúng Bồ tát và Thanh văn nghe. Rồi duyên được lặp lại khi một vị sư thầy tham gia chương trình Thay đổi cuộc sống với Nhân số học căn bản của chúng mình tại Huế, sau khi chăm chú nghe mình chia sẻ những nội dung về Nhân số học, thầy ấy đã nghiêm túc thuyết phục mình tìm đọc và nghiền ngẫm Kinh Pháp Hoa, bởi thầy ấy nói, “Thầy ngồi nghe chị nói về Nhân số học, nghiệm ra chị và nhà MayQ đang dùng Nhân số học như phương tiện thiện xảo đưa người ta biết quay về tu tập, sửa mình và mở mang tuệ giác, điều này sẽ càng hiệu quả hơn nữa nếu các anh chị biết thâm nhập và ngộ được Kinh Pháp Hoa nha!”

Cũng từ lời khuyến khích tha thiết đó, mình bắt đầu mở cho mình một ước mơ đi tìm một người nào giảng Pháp Hoa đủ đơn giản cho một người vừa sơ cơ chập chững, vừa cứng đầu cứng cổ ‘không thấy khó tin’ như mình, có thể tin được và bước vào được thế giới ‘bất khả tư nghì’ (không thể nghĩ bàn) của Kinh Pháp Hoa. Và sau đó, như một sự an bài, những bài pháp giảng của Sư Ông Thích Trí Quảng đã hiển thị trên Youtube của mình, và từ đó, mình đã theo nghe Sư Ông miệt mài, tìm thỉnh thêm những quyển sách lược giải Kinh Pháp Hoa mà Sư Ông dày công thực hiện, để đọc và ngẫm thêm. Rồi duyên đưa tới thêm, chúng mình tham dự được khóa học từ xa về “Phật học qua Kinh điển Phật giáo” của đại học Harvard, Mỹ… Kết hợp thêm kiên trì hành trì Kinh Bổn Môn Pháp Hoa hàng ngày, hai năm vỏn vẹn sau đó, chúng mình đã vỡ ra được thêm rất nhiều thứ, đi sâu được thêm một tầng nhận thức và ngẫm ngộ, cũng mở rộng được tầng giúp mình, giúp người và giúp đời… Cho nên, đối với chúng mình, bên cạnh bản Chú Lăng Nghiêm và Chú Đại Bi đầy thiêng liêng mà các Thầy chúng mình đã thiết tha truyền lại, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa thực sự trở thành một Người Mẹ tinh thần lớn lao, bồi cho chúng mình biết bao là ‘pháp hỉ thực’, là nguồn dưỡng chất dạt dào không thể nghĩ bàn, như bản thân chữ ‘Diệu’ trong năm chữ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh bất khả tư nghì ấy.

Để rồi, càng đi sâu vào thế giới Kinh Pháp Hoa, cũng qua những bài pháp giảng của Sư Ông Trí Quảng, chúng mình mới tìm hiểu được về Ngài Nhật Liên Thánh Nhân – Nichiren Shonin, người đã thiết lập Nhật Liên Tông, với tôn chỉ luôn thiết tha hướng về hòa bình và tình yêu thương cho muôn người, muôn loài trên thế giới. Ngài Nhật Liên Thánh Nhân, đoàn AN Nhật 17-21/4 tới đây chúng mình đã đưa mọi người được đến hẳn với quê hương và nơi Ngài an nghỉ cuối cùng rồi, cũng sẽ đủ duyên đưa đoàn đến với cây lão đào 2.300 năm tuổi mà khi Cụ 1.300 tuổi và chết già tự nhiên, chính Ngài Nhật Liên đã dùng sức hồi sinh diệu kỳ của Kinh Pháp Hoa mà lay ‘Cụ’ lão đào sống dậy lần nữa, mà cho đến bây giờ, ‘Cụ’ vẫn còn đang sống và đã trở thành một trong những cây đào có tuổi thọ lâu đời nhất tại Nhật Bản… Thế nhưng, quả thật là một sự bất ngờ ngoài sức tưởng tượng, tại một vùng rất xa xôi của Nepal rất cận rặng Himalaya vốn rất trọng Mật Tông – Kim Cang Thừa, chúng mình lại bắt gặp được một công trình của Huê Nghiêm Tông, trung thành và tôn trọng tuyệt đối Kinh Diệu Pháp Liên Hoa?

Thì đây, tấm bia đá khắc ghi những dòng chữ Hán viết thảo, được cho là từ chính tay của Ngài Nhật Liên và các Tổ đời sau của phái Nhật Liên Tông, mang hàm nghĩa “Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”. Và cùng trên tấm bia ấy, là hàng ngang dãy dọc những chữ thảo Hán ngữ khác, chính là tên của 108 chư Phật, chư Đại Bồ Tát trong Kinh Pháp Hoa. Nói một cách khác, tấm bia ấy là một hình thức rõ nét của một đồ hình Nihonzon – đồ hình đặc trưng tạo ra năng lượng và sức mạnh không thể nghĩ bàn mà phái Nhật Liên Tông luôn trân trọng thờ cúng và viếng bái, như thờ chính bản thân chư Phật và chư Đại Bồ tát trong kinh. Bởi với phái Nhật Liên Tông, thay vì đọc trọn vẹn cả bản Kinh Pháp Hoa 60.000 chữ, họ rút cô đọng lại còn đúng sáu chữ tựa đề kinh, và nhiếp tâm trì niệm hàng ngày câu đề kinh này: “Namu Myoho Renge Kyo” – “Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”, hàng chục, hàng trăm ngàn lần, giống như kiểu các tín đồ pháp môn Tịnh Độ luôn nhiếp tâm niệm câu “Nam Mô A Di Đà Phật” vậy. Chỉ một câu niệm đề kinh giản dị như vậy, nhưng sức lực nằm trong câu niệm ấy cũng thật là không thể nghĩ bàn. Phật giáo Nhật Bản có nhắc lại, vào đầu thế kỷ 13, thời Ngài Nhật Liên sống, có hai lần đất nước Nhật Bản bị đe dọa bởi nạn xâm lăng từ người Mông Cổ. Khi đi sâu vào định, Ngài Nhật Liên cảm nhận được nguy cơ đó, và Ngài đã đệ trình lên Đức Nhật Hoàng thời bấy giờ cho lập đàn tràng hướng ra biển, trên đó, hội chư cao tăng lại, ngày đêm nhiếp niệm câu “Namu Myoho Renge Kyo”. Vậy thôi, mà cả hai lần thuyền giặc Mông Cổ vừa đến gần, sóng gió nổi lên dọa lật thuyền, khiến bọn chúng phải quay đầu rút lui, kế hoạch xâm lăng bị thất bại…

Chúng mình ngắm bia đồ hình Nihonzon “Namu Myoho Renge Kyo” với một chút bồi hồi, một chút thổn thức. Kiểu như, đã là đang vào thời điểm đúng duyên với Kinh Pháp Hoa, với Nhật Liên Tông, đi đâu, thể nào rồi cũng sẽ gặp chính đó mà thôi! Qua được phút xúc động ban đầu, chúng mình lặng bước đi lên, dập đầu đảnh lễ trước bia đồ hình, sau đó lẳng lặng đi thiền hành 13 vòng xung quanh đại tháp.

Bên trên đại tháp nắng rực rỡ, nhưng tiết trời vùng núi cao Nepal luôn tặng cho chúng mình cái se lạnh hanh hao tuyệt vời. Vừa đi, chúng mình vừa niệm câu “Namu Myoho Renge Kyo”, vừa cúi đầu đảnh lễ tôn tượng Đức Phật Thích Ca hướng ra bốn phương, ghi lại những cột mốc quan trọng trong cuộc đời của Ngài: Sinh ra, giác ngộ, giảng bài pháp đầu tiên, và nhập Niết bàn. Cảm giác thơ thới và thanh nhẹ lan tỏa khắp thân và tâm mỗi người trong chúng mình. Xong đủ 13 vòng cho sang được ‘một vòng tử sanh’, chúng mình khẽ xếp chân, nhắm mắt tĩnh tâm ngay bên trên vòng tháp. Không gian nhẹ nhàng và không khí thuần khiết khiến chúng mình rất nhanh chạm được trạng thái vô lo nghĩ, chỉ nhiếp tâm vào hơi thở. Trong một phút giây ấy, chúng mình thật sự nghĩ, cuộc đời, cũng chỉ mong được thả lỏng hoàn toàn thân tâm mà vô lo nghĩ, buông dục cầu, như thế này thôi…

Xa xa, rặng Annapurna thuộc dãy Himalaya lừng danh vẫn sừng sững, tỏa năng lượng ngàn năm của núi, làm con người ta thêm định tâm và thong dong. Tuyết vẫn phủ trên các đỉnh núi, và một phút thoáng chốc ấy, tụi mình thiết tha mong được chia sẻ trải nghiệm này với những bạn hữu duyên có thể cùng chúng mình đi đến đây. Phải, chúng mình rồi sẽ có thể có lúc mở được một chuyến đi đến đây.

Chuyến đi có thể không cần phải quá đông đúc như những chuyến đại cộng hưởng, vài mươi con người, mà phải cùng một dạng ‘năng lượng’, nghĩa là phải xác định tầm quan trọng nhất của chuyến đi chính là để tĩnh tâm, sạc năng lượng, thiền tập và tu tập, thì hẳn là, những phút giây đặc biệt chúng mình cùng trải qua cùng nhau trên ngọn bảo tháp World Peace Stupa ở sát rặng Himalaya này sẽ trở nên đặc biệt đến khi nào.

Đi khảo sát về tận cuối năm 2022, nhưng như một sự lắng nghe sự vận hành của duyên, chúng mình nén địa điểm đặc biệt này lại, để cho đến tận bây giờ đây, dịp 30/4 của năm 2024, khi ước mơ về một chuyến đi tập trung chuyên hơn cho sự tĩnh tâm, thiền tập và tu tập đủ chín muồi để hình thành, chúng mình chọn đất Nepal để mở đầu. Trong đó, có một thời thiền tĩnh tâm bên nhau trên ngọn World Peace Stupa thanh tĩnh tuyệt vời này ở tận vùng xa Pokhara, có 13 vòng chúng ta lặng lẽ kinh hành bên nhau, miệng nhẩm câu đề kinh “Namu Myoho Renge Kyo”. Có cả những phút giây riêng tư mà, mỗi người được tự do quay về bên trong, tu tập riêng theo lối sở nguyện của mỗi người. Ước mơ ấy của chúng mình, vậy mà đã sắp trở thành hiện thực.

Tháng 3, khi chỉ còn gần một tháng nữa thôi, chuyến TỊNH Nepal đầu tiên sẽ được khởi hành, chúng mình chia sẻ đến các bạn những hình ảnh mà chúng mình đã bắt lại được trong hành trình khảo sát cuối năm 2022 ấy. Mỗi tấm ảnh tụi mình lựa chọn, được ngắm lại, vẫn thấy như cái hồn của ngày đặc biệt ấy được quay về. Tha thiết lắm, thanh nhẹ và mênh mang lắm. Như bản chất dòng không gian mênh mang thoáng đãng mà World Peace Stupa ở rặng Annapurna đã mang đến được cho chúng mình ngày ấy. Yêu quý biết bao.

Chuyến Tứ Động Tâm Ấn Độ – Nepal gần đây nhất, sau thời tĩnh tâm cùng nhau bên dưới nền đế đại bảo tháp World Peace Stupa ở Lâm Tì Ni, khi xả ra cho mọi người tự do đi nhiễu quanh bảo tháp ở vòng trên, em Yến Hương đi bên cạnh mình, ngẫm nghĩ một chút rồi cười nói với mình: Ở đây công nhận thích thiệt, nhưng mà… cái ‘đã’, hình như vẫn còn thiếu thiếu ít nhiều so với World Peace Stupa ở Pokhara, ha Quỳnh. Mình cũng cười, thì đúng rồi, mỗi nơi mỗi khác. Ở đây có cái năng lượng từ bi của Mẹ Maya, nhưng cái gọi là ‘cảm giác mênh mông vô bờ bến, không thể tả nổi’, thì đúng là, vẫn nên một lần đến với World Peace Stupa Pokhara mà cùng nhau hành trì một lần, nhen.

Gửi niệm lành cho tất cả,

(25.3.2024 – QH & MayQ Team)

#TỊNH
#Nepal
#MayQGo

Chia sẻ:

Bài Viết Liên Quan

AN CANADA: CHUYẾN ĐI ĐẦY Ý NGHĨA VỚI MAYQ GO

AN CANADA: CHUYẾN ĐI ĐẦY Ý NGHĨA VỚI MAYQ GO

[Lời MayQ Team] Cứ mỗi hành trình qua đi, sẽ thêm thật nhiều những trải nghiệm và cảm xúc đọng lại, không chỉ đối với nhà MayQ mà còn với tất cả những thành viên tham gia chuyến đi đó. Tụi mình vẫn luôn trân quý và thiệt thích cảm giác được đọc những dòng

Xem thêm »
May We Go – Chúng ta cùng lên đường nào! Du lịch Truyền cảm hứng sống vui vẻ tích cực, giải tỏa muộn phiền, tích năng lượng an lành.