Hành trình TỊNH Nepal sắp đến của nhà MayQ không thể nào bỏ qua Đại bảo tháp Boudhanath, hay còn được gọi là Jarung Khashor. Hầu hết chúng ta đều biết về Đại bảo tháp Boudhanath là một di sản văn hóa thế giới được Unesco công nhận. Nhưng lại không quá nhiều người biết về một sự tích thú vị đằng sau sự xuất hiện của bảo tháp tại thung lũng Kathmandu, một sự tích không chỉ kỳ diệu mà còn là minh chứng cho sức mạnh của những hạnh nguyện con người ta có thể phát ra.
Giai thoại về bảo tháp Boudhanath xuất hiện lần đầu tiên trong Tử Thư Tây Tạng được viết bởi Đại sư Liên Hoa Sinh (ngài Guru Rinpoche) vào thế kỷ thứ 8, nói về sự “giải thoát qua sự nghe” (Liberation on Hearing). Trước đức vua thứ 38 của Tây Tạng Trisong Detsen và 25 vị học sĩ, Đức Liên Hoa Sinh đã kể lại câu chuyện về Đại bảo tháp Boudhanath với một nhân vật trung tâm vô cùng thú vị: một người phụ nữ chăn gà bị bủa vây bởi nhiều điều tiếng.
Người phụ nữ đó tên là Jadzima, mang ý nghĩa “người con gái chăn gà”. Cô được sinh ra khi Đức Phật Ca Diếp vẫn còn tại hiện, tại thung lũng Kathmandu. Cô vốn dĩ sống một cuộc sống bình thường, tiếp nối công việc chăn nuôi đàn gà cha mẹ để lại. Và rồi cô hạ sinh bốn người con trai với bốn người đàn ông khác nhau, đều thuộc giai cấp hạ tiện. Cha của người con trai lớn là một người nuôi ngựa, của người con trai thứ hai là người nuôi heo, của người con trai thứ ba là người nuôi chó, và người con trai thứ tư là của người nuôi gà. Bất chấp xuất thân và công việc thấp hèn, cùng với điều tiếng hạ sinh con mình với những người khác nhau, Jadzima vẫn nỗ lực hết sức mình, dần trở nên giàu có chỉ với công việc chăn gà, và nuôi nấng các con ngày càng thành đạt.
Khi Đức Phật Ca Diếp nhập diệc, nghĩ đến những gì mình đã trải qua, với số tiền bà dành dụm được, Jadzima quyết định xây dựng một bảo tháp để gìn giữ xá lợi của ngài cùng những vị phật đã nhập diệc trước đó. Bà tìm đến nhà vua và xin ngài ban cho một mảnh đất để có thể xây dựng tượng đài này.
Đứng trước nhà vua, Jadzima kể cho ngài nghe về cuộc đời nhiều thăng trầm của mình và bày tỏ mong muốn mãnh liệt được xây dựng bảo tháp nơi vô số chúng sinh có thể quy tụ về tu tập, tích lũy phước đức, nơi mà sẽ trở thành một hiện thân vĩnh cữu cho trí giác ngộ – tâm từ bi của các Đức Phật.
Nhà vua không nghĩ sẽ có ngày có người phụ nữ như bà, mạnh dạn đứng trước ngài bày tỏ một mong muốn hết sức vĩ đại. Xuất thân nghèo khó và thấp kém, chỉ là một người chăn gà lại còn lại là một người mẹ đơn thân, một tay chăm sóc bốn con trai thành người. Và giờ đây bà lại muốn dùng tất cả những gì đã tích lũy được đó để xây dựng một bảo tháp vì lợi ích chung. Nhà vua nghĩ, “Thật đáng ngưỡng mộ”, rồi reo lên: “Hãy làm thế (Jarung)!”
Với sự cho phép của nhà vua và mảnh đất được ban cho, Jadzima cùng bốn người con trai bắt tay vào xây dựng bảo tháp. Khi bảo tháp được xây dựng tới tầng thứ ba, các quý tộc và những người giàu có xung quanh bắt đầu lo ngại. Nếu một người phụ nữ đơn độc, xuất thân thấp hèn như vậy có thể xây một đại bảo tháp to cao đến nhường kia, thì họ còn phải xây một bảo tháp tráng lệ đến mức nào nữa? Còn gì cho họ để tích lũy, thể hiện công đức nữa? Tức giận và xấu hổ, họ kéo đến trước nhà vua và cầu xin ngài cho dừng việc xây dựng. Nhà vua không đồng ý. Nhắc đến câu chuyện và quyết định của Jadzima ngài nói, nó đáng khen ngợi đến mức “những từ ‘Hãy làm thế’ (jarung) tuôn ra từ lưỡi của Ta (khasor)!”. Là một đức vua, ngài không thể thu lại lời nói của mình, đặc biệt là với một công cuộc đầy phước báu như vậy.
Và cũng từ đó, Đại bảo tháp Boudhanath có cái tên Jarung Khasor (“Hãy làm thế, Tuôn ra từ lưỡi”).
Công cuộc xây dựng Boudhanath tiếp tục diễn ra trong bốn năm tiếp theo, cho đến khi chỉ còn lại mái vòm là vẫn chưa hoàn thành. Jadzima cũng đã đến lúc sắp ra đi. Nhận thấy mình không còn sống được bao lâu, bà đã gọi bốn người con trai vào và dặn: “Các con, hãy tiếp tục xây dựng nơi này để vô lượng vô biên chúng sinh hữu tình tích lũy công đức, Bổn tôn của ta, bảo tháp vĩ đại này, thù thắng hơn tất thảy! Hãy yểm xá lợi của chư Thiện Thệ bên trong và cử hành lễ thánh hóa chi tiết. Điều này sẽ không chỉ hoàn thành nguyện ước của ta mà ý định giác ngộ của tất cả chư Phật ba đời sẽ viên mãn. Các con cũng sẽ làm được điều gì đó vô cùng ý nghĩa cho đời này và các đời tương lai”. Dặn dò các con xong, bà qua đời.
Các con trai bà đã cùng nhau thực hiện ý nguyện của mẹ. Mật tự viết lại rằng, vào thời điểm thánh hóa Đại bảo tháp, “không chỉ Phật Ca Diếp và đoàn tùy tùng của Ngài xuất hiện trên bầu trời phía trước mà tất cả chư Phật và Bồ Tát khắp mười phương” đều thị hiện để chứng kiến sự hoàn thành của Đại bảo tháp linh thiêng Boudhanath.
Câu chuyện của Jadzima và Đại bảo tháp Boudhanath vượt khỏi những gì ta có thể chứng minh bằng sử sách, bằng khoa học. Đây là một câu chuyện để minh chứng cho ta thấy lực “không thể nghĩ bàn” của những hạnh nguyện ta phát ra. Khi những hạnh nguyện đó đủ lớn, đủ thuần túy, đủ cao cả, nó có thể khiến cả những người trông có vẻ tầm thường nhất thành những con người vĩ đại, có khả năng mang lại ích lợi lớn lao cho xã hội và những người xung quanh.
Như ngài Guru Rinpoche đã kể lại câu chuyện này cho nhà vua Trisong Detsen và 25 vị học sĩ kia, người Nepal truyền lại câu chuyện này cho từng thế hệ tại nơi đây để mang lại lòng tin và sự vững vàng cho con cháu của mình. Cũng như là để minh chứng cho lực vô biên của những hạnh nguyện ta có thể phát ra, lớn đến mức có thể vượt sông vượt núi, vượt cả kiếp người để trở thành hiện thực phổ độ những người quanh ta.
Gửi niệm lành cho tất cả,
(26.03.2024, MayQ Team)
TỊNH VỚI ĐẤT THIÊNG NEPAL
Thời gian: 27/4 – 02/5/2024
Nhà mình liên lạc với MayQ Go để được tư vấn và hỗ trợ nhen.
☎️ LIÊN HỆ: MayQ GO
– Website: https://mayqgo.com.vn
– Facebook: https://www.facebook.com/MayQGo/
Hoặc liên hệ Hotline/Zalo/Viber:
– Ms Thùy Trân: 0889462181
– Mr. Nam: 0947538008
P/s: Câu chuyện về Jadzima và Đại bảo tháp Boudhanath các bạn có thể sẽ tìm thấy các dị bản khác nhau ở nhiều nguồn khác nhau, và sẽ có nhiều tên gọi khác nhau để gọi Jadzima. Nhưng chắc chắn một điều rằng, những câu chuyện xung quanh Đại bảo tháp Boudhanath không thể thiếu một người phụ với công việc chăn gà tầm thường nhưng bên trong luôn là một tấm lòng, một trái tim mạnh mẽ và cao cả.
Nguồn: sưu tầm và tổng hợp từ nhiều nguồn