Search
Close this search box.

TÂY TẠNG: MỐI DUYÊN ĐẶC BIỆT VỚI THÁNH HỒ NAMTSO

TÂY TẠNG: MỐI DUYÊN ĐẶC BIỆT VỚI THÁNH HỒ NAMTSO

“Không một ai đặt chân vào Tây Tạng mà không chịu ảnh hưởng của nó và không ai có thể chui rúc vào đời sống chật hẹp khi đã nhìn thấy sự hùng vĩ, bao la của rặng Tuyết Sơn.” – Lama Anagarika Govinda

Một địa điểm vô cùng quan trọng bên cạnh các tu viện mà chúng mình mong muốn đưa bạn hữu duyên đến thăm tại Đất Thiêng Tây Tạng, chính là Thánh hồ Namtso, một trong bốn hồ linh thiêng nhất Tây Tạng, là hồ nước mặn duy nhất trên thế giới nằm ở độ cao gần 4.800m so với mực nước biển. Đây cũng là một thánh hồ có duyên sâu đậm với nhà MayQ và các bạn hữu trên trang với những vật phẩm hữu duyên được ngậm qua nước thánh hồ Namtso do chúng mình ‘cõng’ về mang năng lượng bình an đến cho hàng ngàn bạn hữu duyên nhiều năm qua. 

Vậy, mời cả nhà mình cùng nhau nhìn lại một xíu ức về lần đầu tiên chúng mình đủ duyên được đến với Thánh hồ Namtso nhen!


Hẳn bạn sẽ thắc mắc, vì sao mình lại dành riêng hẳn một bài dành cho chiếc hồ này? Bởi vì đối với mình, hồ Namtso đại biểu cho một phức hợp cảm giác vô cùng đặc biệt. Nhiều nỗi nôn nao chờ mong, sự xúc động khi thực ‘diện kiến’ với ‘bạn ấy’, nỗi nuối tiếc không đủ thời gian để ở lại với ‘bạn ấy’ lâu như mình mong muốn, và cả… nỗi sợ hãi khi phải chịu đựng chứng ong ong nhức đầu và khó chịu trong dạ dày khi trượt đèo dốc quanh co từ 5.200m độ cao của mặt hồ xuống lại 3.650m độ cao Lhasa. Tóm lại, là cảm giác… vừa yêu vừa sợ, haha.

Hồ Namtso là một trong những biển hồ đẹp nhất trên thế giới, rộng hơn 1.900 km2, nghĩa là nếu đứng từ bờ tụi mình đã từng đứng đấy mà nhìn ra, cảnh vật mênh mông như biển. Bãi cát thoai thoải cùng sóng cũng xô bờ không khác chi biển, nhiều tài liệu cũng nói rằng đó là hồ nước mặn, mà hỡi ôi, lúc mình vốc một ngụm nước cho vào chai và uống, nó mát lành và ngọt lịm hà! Hoang mang dễ sợ luôn, vậy rốt cục nó là hồ nước ngọt hay hồ nước mặn? ^^

Hơn cả cảm giác về cái đẹp và sự thanh tĩnh, hồ Namtso còn được mọi người tìm đến bởi độ ‘thiêng’ của linh khí, của đất trời giao hòa dành riêng cho khu vực hồ này. Dựa vào một bên hồ là dãy Nyenchen Tanglha sừng sững, dát một lớp tuyết bạc lóng lánh trong nắng. Với người Tây Tạng, dãy núi Nyenchen Tanglha được gọi là ‘Núi Cha’, kết hôn cùng Mẹ Hồ Namtso tràn đầy mẫu tính. Nhiều người Tây Tạng cũng hành hương về hồ này để đi kora (một kiểu đi hành hương theo chiều kim đồng hồ vòng quanh bờ hồ). Ngày chúng mình đến, hồ vừa tan lớp băng trên mặt hồ, nước tinh khiết và trong văng vắt. Người cũng không tính là quá đông, thật mừng, vì ước mong của nhiều người trong đoàn mình đến hồ là chỉ để được ngồi tĩnh tại bên bờ hồ mà nhắm mắt dưỡng thần, hít sâu nguyên khí cùng năng lượng đặc biệt nơi đây mang đến. Nước hồ dường như cũng có một số loại khoáng chất đặc biệt, những chiếc vòng đá chúng mình mang trên người, nhúng qua nước hồ đều trở màu, long lanh ánh lên, thật đẹp hơn hẳn bình thường. Chúng mình rất quý những vật được nhúng qua nước hồ, xem như nó được tích thêm năng lượng từ Mẹ Hồ. Thậm chí, những món đồ lưu niệm mình mua về biếu những người thân quý, chúng mình cặm cụi cõng ra bờ hồ, bày ra cho nó ‘hít thở’ linh khí tại đây, về cũng thấy óng ánh hơn hẳn  (Cái này thuộc về cảm quan cá nhân, có thể bạn tin hay không tin thì tùy bạn nha!)

Có điều, ở độ cao trên dưới 5.000m, mỗi một vật bình thường cõng trên lưng, xách trên tay đều dường như nặng thêm gấp 5 lần  Mình cặm cụi cõng đống đồ lưu niệm trên lưng, vừa hào hển thở (nhè nhẹ, haha, thở càng mạnh càng mệt dữ á!) vừa hát chú Om Ma Ni Pad Me Hum cho quên đi cơn mệt nhọc, bước thấp bước cao lội bờ cát xa để ra được tới bờ hồ, vừa đi vừa nghĩ, bất kỳ ai về mà cầm được một món đồ lưu niệm mình đang cõng ra bờ hồ đây, đúng nghĩa là quà ân tình sâu nặng nha. Của một đồng, công tới chục lượng luôn í chứ 

Ngoài ra, còn có một số sự ‘vi diệu’ xoay quanh hồ Namtso và nước hồ Namtso, nhưng thôi ở chốn công cộng mình không tiện kể, hihi. Giữ riêng cho giữa bạn bè và người thân, như một dạng ‘bí mật thú vị’, cũng là một sự thú vị 

Mình cũng chọn được một nơi ở mé trái bờ biển, tranh thủ bấm được một vài tấm toàn cảnh Núi Cha Nyenchen Tanglha cùng Mẹ Hồ Namtso không vương hình ảnh con người nào vào trong hình, thật thích.

Nhưng cũng thật tiếc mình không có nhiều thời gian để chụp ảnh ở hồ Namtso, vì ưu tiên một của mình khi lặn lội đến đó là để hít thở không khí ^^. Chắc hẳn nhiều bạn đồng chuyến đi cũng chia sẻ cảm giác nuối tiếc này của mình. Ròng rã ngồi xe sáu tiếng đường dốc, lên đến nơi mất thêm gần một tiếng đồng hồ cho cơm trưa nữa. Thời gian ra hồ chỉ còn vỏn vẹn có 60 phút, trước khi lại tất tả leo lên xe, chịu tiếp sáu tiếng ngồi xe đổ dốc về . Nếu ngồi thiền sẽ không kịp đi đến đền thờ ở gần đó, cũng không kịp đi đến khu vực những mảng băng tan còn vương trên mặt biển. Tùy nghi mỗi người trong đoàn phải đành đi theo ưu tiên của mình mà chọn một trong ba. Không cam lòng. Thiệt là không cam lòng mà!

Đừng nghĩ rằng Namtso xa xôi nên mất nhiều thời gian đi xe như vậy. Không phải đâu. Thật ra quãng đường từ thủ phủ Lhasa đến Namtso có hơn 100 cây số thôi, nhưng mà vì luật giao thông ở Tây Tạng rất gắt gao, chắc do lý do an ninh, chính quyền buộc các bác tài xế phải đi đủ thời gian y như quy định, hơn nữa, mỗi tiếng bác tài phải ghé vô một trạm kiểm soát, để ở đó ghi chú lại giờ chính xác ở mỗi trạm nữa chớ!

Đường lên Namtso quanh co đèo dốc, nhưng có lẽ cảnh đẹp hút hồn với những vạt núi còn vương những hạt tuyết vụn làm mình say quá, cố gắng xoay ra ngoài cửa kính để bấm máy liên tục, quên cả chóng mặt  Càng lên cao đường càng ngoằn ngoèo, mà càng ngoằn ngoèo lại càng… đẹp ^^ Máy ảnh mình ghi lại được một số đáng kể con đường chúng mình vừa đi qua lượn như rắn cuộn, bé nhỏ giữa mênh mông hai bên dốc núi.

Những hình ảnh tuyết đọng trên núi cũng gợi lên lắm hình ảnh thiệt là biểu cảm. Mình nhìn thấy bầu sữa mẹ còn vương tia sữa, hệt như em bé nghịch ngợm nào đấy vừa bú xong còn thả lại một mớ để… tạo cảm hứng làm thơ hihi. Một dãy núi khác khắc họa eo mảnh khảnh của nàng thiếu nữ. Cô bạn đi cùng đoàn quả quyết nửa mỏm núi chỗ trạm dừng chân nhìn kiểu gì cũng ra nửa mặt người đàn ông điển trai, bạn ấy nhìn ra Lý Tiểu Long, mình thì thấy giống… Elvis Presley hơn do tóc xoăn. Còn đem về khoa mấy đứa nhỏ team Admin ở nhà, thằng nhỏ em lại thấy giống… ảnh… Đức Phật Thích Ca hồi còn trẻ. Thôi giống ai hơn thì nhà mình ngắm rồi cho ý kiến nha.

Thi thoảng bước xuống xe ở các trạm kiểm soát để tranh thủ hít chút khí trời, má ơi nó lạnh!!!! Cái mát mẻ nhẹ nhàng ở Lhasa đã biến mất triệt để, nhường chỗ cho giá buốt. Ý là lúc đó mặt trời chiếu gay gắt xuống đỉnh đầu, vậy mà bất cứ bộ phận nào trên cơ thể không được che chắn đều mang tới cảm giác buốt giá. Mình đã cẩn thận mang theo chiếc áo chống gió chần hai lớp và mang ủng che kín cổ chân, vậy mà gió vẫn lùa qua hai lớp quần legging có hỗ trợ heat-tech của mình mà làm cho hàm mình cứng lại. Giờ mới học được thêm một bài học nữa nha: đi tới mấy chỗ này, bao nhiêu lớp quần len kiểu ôm legging không ăn thua do khí lạnh xuyên thấu qua những cơn gió. Các chị chuyên gia đi ‘phượt’ ở các chỗ lạnh khô kiểu này hướng dẫn: ở trong hãy mặc một lớp mỏng quần heat-tech ôm chân để cơ thể tỏa nhiệt ra được giữ lại, xong sau đó bên ngoài hãy chọn lớp quần đông-xuân (cái này lần đầu tiên mình nghe nà heheh, đó giờ dân trong Nam có bao giờ biết cảm giác đồ Đông – Xuân là gì đâu hè!), loại quần giống quần thể thao có lớp nỉ mặt trong, không quá bó, sẽ vừa thoải mái vừa đủ ấm, nha.

Giữ đầu ấm cũng là một điều hết sức quan trọng. Đến hồ Namtso, nhất thiết không được quên mũ len (loại dầy, loại mỏng mỏng nhiều lỗ khí thoáng không ăn thua nha), găng tay dày, khẩu trang hoặc khăn choàng đủ dày và dày để quấn lên che kín mũi. Mắt thì cần phải có kính mát. Mình mừng đã mang theo được chiếc nón nỉ có vành từng theo mình ‘trên từng cây số’, giờ chụp thêm đôi ủ tai bên ngoài, là vừa ấm vừa che được nắng. Hú hồn hà!

Tuy vậy, việc ‘giằng co’ giữa thèm muốn được mở khăn ra để dùng mũi tự nhiên mà hít thở không khí trong lành bên bờ hồ, và nhu cầu được giữ mũi và mặt ấm thông qua khăn bịt mặt cũng làm mình phân vân không ít. Rốt cục mình chọn hít thở tự nhiên. Và sau một tiếng đồng hồ phơi mặt mũi ra hít thở tự nhiên dưới cái lạnh trên dưới 0oC, mình… nhiễm lạnh haha. Ta nói thiệt là ghét quá mà. Tới giờ vẫn chưa nghĩ ra, nếu có lần sau quay lại, mình sẽ dùng tới biện pháp gì để vẫn hít thở được không khí tự nhiên quanh hồ, mà sau đó không bị nhiễm lạnh?

Câu trên mang ý hỏi trực tiếp thì ít, mà ‘sâu xa’ uyển chuyển muốn nói gián tiếp là, trong tương lai mình ước mong được quay trở lại hồ này lần nữa. Lần đó, ắt hẳn sẽ không còn cái bỡ ngỡ lúng túng đối phó với cái gió lạnh cắt da của lần này, không có những khoảnh khắc bỏ phí ‘dô diên’ đầy tiếc nuối của lần này. Mỗi giờ mỗi phút đến với hồ Namtso, mình muốn mình trân quý dùng nó, ngồi tĩnh lặng bên bờ hồ mà nhắm mắt dưỡng thần, hít thật sâu từng làn không khí trong lành và năng lượng đặc biệt mà hồ Namtso mang lại!

(9.5.2016 – QH)


Và rồi duyên dẫn duyên, tháng 8/2023 vừa qua, chị Yến Hương và một đoàn khách của MayQ đã quay trở lại vùng đất thiêng Tây Tạng và có những trải nghiệm vô cùng đặc biệt, lợi lạc tại đó. Nối tiếp hành trình ấy, một lần nữa, nhà MayQ mời cả nhà mình cùng nhau đồng hành trên hành trình TÂY TẠNG LINH THIÊNG – MIỀN TRỞ VỀ (27/04 – 05/05/2024) cùng với chị Yến Hương. 

Là một hành trình đặc biệt ngay trước thềm 30/04 và 01/05, nếu vẫn chưa có một lịch trình nào chờ đợi mình, cả nhà mình cùng nhà MayQ đến với Đất Thiêng Tây Tạng và Thánh hồ Namtso nhen!

TÂY TẠNG LINH THIÊNG – MIỀN TRỞ VỀ (27/04 – 05/05/2024) 

Thời gian: 27/04 – 05/05/2024 

☎️ LIÊN HỆ: MayQ GO

– Website: https://mayqgo.com.vn 

– Facebook: https://www.facebook.com/MayQGo/

Hoặc liên hệ Hotline/Zalo/Viber:

– Ms Thùy Trân: 0889462181

– Mr. Nam: ‪0947538008

Chia sẻ:

Bài Viết Liên Quan

TỪ LƯƠNG HOÀNG SÁM: ‘SÁM HỐI’ LÀ GÌ?

TỪ LƯƠNG HOÀNG SÁM: ‘SÁM HỐI’ LÀ GÌ?

[Từ #Lương_Hoàng_Sám]Vị Sư cô đầy uyên bác mà mình hữu duyên được gặp gỡ và chỉ giáo một số điều thật sự ‘thậm thâm vi diệu’ từ pháp Phật, một ngày cô dặn mình, con về, cố gắng kiếm thời gian mà ngồi nghiền ngẫm lại thật kỹ bộ Lương Hoàng Sám nha.Cái cách mà Sư

Xem thêm »