Search
Close this search box.

AN NHẬT BẢN: NON THIÊNG HIEIZAN

AN NHẬT BẢN: NON THIÊNG HIEIZAN

[Hành trình AN TRÊN XỨ PHÙ TANG 6N5Đ (31/8 – 5/9/2023)]

Bài 3: NON THIÊNG HIEIZAN – THÁNH ĐỊA HUÊ NGHIÊM TÔNG NHẬT BẢN

Điều làm chúng mình thực sự thấy vui, là chỉ trong một hành trình AN trên xứ Phù Tang (31/8 – 5/9/2023) tới đây, tụi mình đã có thể đưa bạn đến với tận ba ngọn núi thiêng, được người dân Nhật Bản xem như những ‘thánh địa’ trong tín ngưỡng của họ. Hai trong số này là nơi phát tích và là trung tâm tinh hoa của hai tông phái lớn của Phật giáo Nhật Bản: phái Chân Ngôn Tông trên núi Koya (Koyasan) và phái Thiên Thai Tông trên núi Hiei (Hieizan).

Một trong những nơi chốn cũng để lại trong lòng chúng mình vô cùng nhiều cảm xúc rung động sâu sắc chính là quần thể chùa Enryaku-ji (Diên Vĩ Tự) trên Núi Hiei (Hieizan – Tỉ Duệ Sơn), nơi được xem là thánh địa phái Huê Nghiêm Tông – Thiên Thai Tông Nhật Bản, do Tổ sư Tối Trừng (Saicho) sáng lập cũng từ thế kỷ thứ 9, song song với phái Chân Tông của Tổ sư Không Hải tại Koyasan.

Nếu như phái Chân tông của Tổ sư Không Hải thiên về Mật tông, thì phái Huê Nghiêm tông của Tổ Tối Trừng thiên về Hiển tông. Trải qua bao nhiêu năm tháng, nơi này vẫn được các đệ tử của Ngài qua bao nhiêu thế hệ gìn giữ với sự nghiêm cung tôn kính hết mực, nên tất cả đều toát lên được sự chỉn chu, nề nếp và bài bản. Toàn bộ quần thể chùa Enryaku-ji (Diên Vĩ Tự) ở núi Hiei được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới.

Quần thể chùa Enryaku-ji thanh lành và tĩnh mặc, từng cành cây ngọn cỏ, từng giọt sương hay làn gió đều mang đến cho người thưởng ngoạn những cảm giác vô cùng thơ thới. Nói thật, trong lộ trình khảo sát ban đầu không hề có tên ‘Núi Hiei’. Một buổi sớm tinh mơ, lúc mình đang ở Nhật, hào hứng kể cho con trai nghe về những gì tụi mình cảm nhận được trên núi Koya, với những thánh tích thiêng liêng của phái Chân Ngôn Tông và tổ sư Không Hải, cậu con trai thích lắm, bèn hỏi thêm: Vậy mình có đến viếng Tổ Tối Trừng không mẹ? Nếu đã đến đảnh lễ ngài Không Hải, nhất định nên phải tìm đến đảnh lễ ngài Tối Trừng nữa, mới cân xứng nha mẹ. Vì hai ngài là hai tổ lớn nhất, gần như mở đầu Phật giáo Nhật Bản mà.

Mình ậm ừ. Bèn chuyển nguyên ‘đề bài’ này về cho anh hướng dẫn. Anh nói, à, Tổ Tối Trừng thì hiện giờ đang được thờ lớn nhất trên núi Hiei à. Núi Hiei là một ngọn núi phía đông bắc thành phố Kyōto, nằm trên ranh giới giữa hai tỉnh Kyoto và Shiga. Đây là nơi Đại sư Tối Trừng cho xây dựng Nhất Thừa Chỉ Quán viện (sau được đổi tên là chùa Diên Lịch hay Diên Vĩ – Enryaku-ji) của tông phái Thiên Thai Nhật Bản vào đầu thế kỷ 9. Chùa này trở thành một trung tâm quan trọng của Phật giáo Nhật Bản vào thời Trung cổ, từng tiếp đón nhiều cao tăng của các trường phái khác như Chân ngôn tông (Shingon) và Thiền tông (Zen-shū). Và thế là, trong một sự dắt duyên, chúng mình đã quyết định sửa lịch, cắt ra một ngày để gia đình chị học viên tình nguyện đi cùng chúng mình đợt này chở chúng mình lên núi.

Ngày chúng mình đi, trời âm u và nhiều mây mù. Đường lên núi quanh co, vậy mà cô bé lái chở chúng mình đi vẫn hết sức vững vàng đưa chúng mình, đi theo định vị GPS, vào đúng địa điểm. Và khi chúng mình bước xuống được đến nơi rồi, chỉ có một từ thôi: thổn thức 🙂

Thổn thức về sự chỉn chu, tinh tế và đẹp đẽ, từ những chi tiết tinh xảo nhất.

Ngay từ lúc đợi mua vé vào cổng, chúng mình đã tranh thủ tạt qua gian bán hàng lưu niệm. Tại đó, cơ man nào là các vật phẩm hỗ trợ tâm linh! Tới đây thì phải mở ngoặc ra nói liền nha: tại bất kỳ đền chùa nào ở Nhật bạn có thể mua/thỉnh về cho mình rất nhiều những món trợ cho tinh thần/tâm linh, và với cá tính của người Nhật, thì bạn hãy nên biết rằng tất cả những món ấy đều vô cùng tinh xảo. Nhưng ngay cả trên mặt bằng chung là tinh xảo và tinh tế rồi, thì cá nhân mình bình chọn, tại chùa Enryaku-ji, các món được bày cho thỉnh là tinh tế nhất! Do đã tới Nhật khá nhiều lần, nên lần này mình lướt qua luôn rất nhiều miếng blessings (là những miếng vải được xếp may lại hình chữ nhật, mang theo những chữ mang ý nghĩa chúc bình an hoặc bảo vệ sức khỏe, thi tốt, may mắn…, đã được các sư trong chùa đó gia trì qua). Tuy nhiên, tại khu lưu niệm của chùa Enryaku-ji, mình vẫn đã thỉnh thêm được một bản kinh Bát Nhã Tâm Kinh được viết bằng chữ Hán rất đẹp, nhỏ gọn bằng nửa bàn tay. Người ta cho thỉnh để người tiện bỏ vào túi xách đem theo trì tụng mỗi ngày, còn mình thuộc rồi, vẫn thỉnh bản ấy về, đặt lên bàn thờ, cạnh tôn tượng ngài Trần Huyền Trang mà hôm rồi mình thỉnh được tại Đền thờ ngài Trần Huyền Trang bên bờ Nhật Nguyệt Đàm ở Đài Loan (chi tiết về cái duyên dẫn đến ngôi đền thờ này, bạn nào chưa đọc qua vui lòng tìm đọc lại trong bài viết về chuyến AN – Đài Loan nha).

Ngoài ra, còn có nhiều chuỗi hạt đá, túi đựng chuỗi hạt, những hộp nến gồm những chiếc nến bé xíu siêu cute, và những đế và dùi mõ mini… Nói chung, chắc ai đến đây cũng sẽ không nhịn được mà thỉnh cho mình vài món tinh xảo, theo sở thích mà thôi.

Ngày hôm ấy trời mưa rả rích. Nương dưới những tán ô, chúng mình đi chầm chậm lên gian Đại Giảng Đường, có thể được xem như nơi thờ phượng quan trọng nhất tại quần thể Chùa Enryaku-ji. Trong sự ngạc nhiên của mình, gian thờ này… rất khác, khác lắm so với đại đa số tất cả các ngôi chùa khác ở Nhật mà mình đã được đến viếng. Vì bạn nhớ có lần mình có nhắc qua, ở Nhật không hay cho người đến viếng nhìn thấy tôn tượng các vị mà chùa đang thờ đâu, nhiều khi chỉ đủ duyên đảnh lễ tấm hoành phi che lại tôn tượng chính, do một số quan niệm về bảo tồn năng lượng nơi các tượng. Tuy vậy, trong Đại Giảng Đường có rất nhiều tôn tượng sống động các vị được khắc họa rất gần với hình tướng con người thật, và nhìn vào có thể nhìn ra nét đặc trưng nơi mỗi vị. Anh hướng dẫn đi cùng tận tình giải thích, mình mới ngỡ ngàng. Chao ơi, từ hồi bén duyên với Kinh Pháp Hoa, mình được nghe Thầy Trí Quảng nhắc bao nhiêu lần đến các vị thánh tăng được xem như chư tổ của phái Thiên Thai Tông ở Trung Hoa. Đó là ngài Trí Giả Đại Sư, người đã đi sâu vào định nhiều ngày liền và đắc ngộ, sau khi trở lại, ngài đã xuống núi và giảng ba tháng xoay quanh mỗi chữ Diệu trong Diệu Pháp Liên Hoa, mình quá ấn tượng rồi! Thì ở đây, mình đã được ngắm chân dung tôn tượng ngài, cảm giác thật sự gần gũi và thân thương quá đi!

Và hơn thế nữa, vì ngài Tối Trừng từ Nhật Bản sang học đạo với ngài Trí Giả Đại Sư, lĩnh hội được giáo nghĩa của kinh Hoa/Huê Nghiêm, nên đã về nước, lập nên phái Huê Nghiêm Tông. Rồi từ đó, mới đi xuống dần các tổ khác, trong đó có ngài Nhật Liên Thánh Nhân – Nichiren Shonin, cũng là một đại nhân vật mà mình vô cùng kính ngưỡng qua lời nhắc của Thầy Trí Quảng. Ngài Nhật Liên đã nhìn vào mặt trời mà thấy đóa hoa sen nở, rồi qua đó mà đắc ngộ. Rồi từ đó ngài đã có nhiều cống hiến cho đất nước Nhật Bản, với sự cổ xúy kinh Diệu Pháp Liên Hoa… Rồi một tổ nữa, là ngài Pháp Nhiên (Honen), Tổ sáng lập phái Tịnh Độ tông Nhật Bản…, mà từ chỗ trước khi mình sang Nhật lần này mình hầu như không có khái niệm gì, vậy mà chuyến đi này, chỉ vỏn vẹn trong mười ngày, chúng mình đã có duyên đến viếng được đến 5 trong tổng số 25 ngôi chùa có linh đường chứa xá lợi linh thiêng của ngài…

Tất cả dường như quá sống động, cũng quá sâu đậm, khiến cho mình xúc động mãnh liệt. Mình dập đầu đảnh lễ chào các vị, tự nhiên cảm thấy giống như mình được đưa về thăm một ngôi nhà tổ, nơi có rất nhiều chư tổ quây quần bên nhau, đợi con cháu về mà xoa đầu, dạy dỗ… Lạy nhớ đến một ý, mình cảm nhận sâu sắc, từ nhiều năm qua. Đó là, những nơi nào tự nhiên bạn được duyên dắt cho đi tới, hoặc thôi thúc phải tới, mà bạn cũng không biết rõ ràng tại sao, đó là bạn có duyên với vùng đất ấy. Lại thêm nữa, nếu trong hành trình về lại nơi đất ấy, mà bạn có những khoảnh khắc xúc động mãnh liệt, nghe như quen thuộc, nghe như gần gũi, chắc chắn đây không phải lần đầu tiên bạn về lại chốn này. Bạn nhớ chứ, cuộc đời kiếp này của chúng ta chỉ là một chương trong hành trình dài hàng trăm hàng ngàn đời kiếp sống trước đây. Ai biết được, ta từng đã có một đời sống nào đó trải qua nơi chốn này, biết đâu, cũng từng là một học trò bé nhỏ, từng có duyên học qua sự dạy dỗ hay chịu sự ảnh hưởng của các Thầy?

Ngẫm vậy đó mà xúc động, lưu luyến không muốn rời gian nhà ấm áp thân thương ấy. Trời bên ngoài đang mưa càng làm tăng thêm cảm giác ấm cúng bên trong. Em Phong nhắc nhở mình phải đi tiếp một số nơi khác trong cùng quần thể chùa, để cuộc khảo sát sớm kết thúc để kịp lái xe xuống núi trước khi trời tối. Hai chị em mình thong thả bước, khắp nơi đều ngập tràn sự an lành!

An lành từ những con dốc nhỏ thoai thoải, hai hàng cây xanh rì rào hai bên, ríu rít tiếng chim hót. Em Phong rảo chân chạy tới, kịp ghi vào trong ống kính tấm ảnh một vị sư nơi đây che ô đi lên dốc, tấm ảnh khắc họa sâu sắc đời sống tĩnh tại nơi đây, cũng được chúng mình xem là tấm ảnh đẹp nhất tụi mình ghi lại được tại khu vực quần thể chùa này. Vì có một sự thật, các không gian chùa ở Nhật quá đẹp để có thể được thu tóm vào trong một tấm ảnh, nên hình ảnh tụi mình chụp ra không lột tả được mươi phần cái thần thái vượt khỏi mọi lời nói ở đây. Thêm nữa, tất cả những không gian linh thiêng nhất ở các chùa phần lớn đều cấm chụp ảnh, vì thế chỉ có thể chỉ cảm nhận tận lực bằng mọi giác quan tại chỗ. Lý do thứ ba thì khách quan nữa, là hôm đó trời mưa sụt sùi và đầy mây mù, chúng mình đứa nào cũng u sù áo khoác và ô che mịt mù… Cho nên, mình chỉ hy vọng có thể góp phần cho các bạn mường tượng một phần nào đó bằng những câu chữ hữu hạn của mình, các bạn cố gắng vượt qua sự bất tiện này mà cảm nhận những điều đẹp đẽ trên quần thể chùa Diên Vĩ Tự nha!

Rảo bước đi một vòng rộng, chúng mình được vào Điện A Di Đà, một ngôi điện sâm nghiêm với tôn tượng Đức A Di Đà thật uy nghi. Mình lặng ngồi trước Ngài, miệng nhẩm thánh hiệu Ngài, trong lòng ngập tràn cảm giác tĩnh lặng. Kể từ ngày ra đi của Cha tụi mình, tự mình đã chứng kiến và cảm nhận lực không thể nghĩ bàn của câu “Nam Mô A Di Đà Phật” xem ra quá chừng đơn giản ấy, nên giờ đây, chỉ một buổi chiều lặng lẽ, trên núi, bỏ thời gian ra niệm thánh hiệu, cảm thấy mình đã tìm thật đúng nơi để đưa đoàn mình đến về sau rồi. Em Phong đi rảo thêm, báo rằng xung quanh rộng mênh mông bao la, còn có Quan Âm Các, Đông Tháp, Tây Tháp…

Đối tác của chúng mình sau khi làm việc với ban trị sự Chùa đã đưa đến một tin vui nhất trong ngày: Chùa cũng có gian khách xá rất tinh tươm đẹp đẽ, dành cho khách lưu trú. Tụi mình mừng không còn chỗ nói. Lập tức báo bạn đối tác, xin hãy book giùm chỗ cho tụi mình, bằng mọi giá chúng mình sẽ đưa được những người hữu duyên lên đây, để cho họ có một ngày cùng trải nghiệm, cùng tu tập hiền hòa trong một không gian thanh tịnh đẹp đẽ vượt khỏi lời nói này, như chúng mình hôm nay. Và vì khách xá luôn trong tình trạng được book đầy gần hết các ngày, nên cố lách lắm tụi mình mới chốt được với Chùa một ngày trong lịch trình đã định sẵn của chúng mình. Bạn đối tác nói, các bạn định đặt bao nhiêu? Quy định hủy phạt ở đây rất chặt nhé. Tụi mình quyết tâm nói, 108 nha. 108 là con số cao nhất mà đoàn AN ở Nhật có thể nhận được, do vừa vặn ba chiếc xe bus, thêm nữa cũng không nhận được. Tụi mình tin rằng, thật sự với những gì tụi mình đang trải nghiệm, thể nào cũng có ngần ấy người hữu duyên tha thiết muốn cùng tham dự chuyến hành trình đặc biệt này cùng chúng mình.

Và sự thật cũng thiệt là dễ thương: Về mới tung tour, mà tới nay số lượng người đăng ký đã lên đến gần 70 rồi, trong đó có hơn hai phần ba là những gương mặt đã rất quen thuộc với các chuyến đi trước đây của nhà MayQ, lại còn thêm… ahihi khá nhiều người nhà của tụi mình cũng không muốn bỏ lỡ lộ trình đặc biệt này nên cũng đã ‘xí phần’ rồi. Chỉ vỏn vẹn gần 30 người nữa, tụi mình có một chút mong chờ, ai sẽ là những người tiếp theo có mặt trong hành trình AN này đây 🙂 Liệu đó sẽ là một gương mặt ‘bồ đề quyến thuộc’ rất quen rất thân thương, hay sẽ là một gương mặt mới, lần này nghe theo tiếng gọi thôi thúc từ những vùng đất đặc biệt ở Nhật mà quyết định gắn bó cùng AN trên xứ Phù Tang cùng với nhà MayQ Go?

Được nghỉ qua đêm trên núi Hieizan, nghĩa là bạn có được 24 tiếng trọn lành hít thở không khí núi, trọn vẹn trải nghiệm một ngày tĩnh tu và cộng hưởng tuyệt vời cùng 100 con người khác. Và tất cả những gì đã làm các bạn khách AN cũ của nhà MayQ yêu mến, những thời thiền bình minh trong không gian trong vắt sớm tinh mơ ở Yên Tử, ở Huế, ở Chiang Rai Thái Lan…, giờ đây sẽ được diễn ra trong không gian tinh mơ tĩnh lặng, tràn đầy năng lượng lành của núi thiêng Hieizan. Đó là trải nghiệm mà, nếu bạn không nghỉ lại qua đêm trên Hieizan, bạn sẽ không bao giờ có được trải nghiệm tuyệt vời này! Và đó cũng là lý do mà nhà MayQ chúng mình đã phải ‘cắn răng’ book cho bằng được hai đêm quý giá ‘ngủ chùa trên núi kiểu Nhật’: một đêm trên Koyasan, một đêm trên Hieizan!

Sẽ không thể nào hoàn chỉnh nếu thiếu phần cuối cùng này: Chúng mình đã xin được phép để cả đoàn được trì một thời kinh Bổn Môn Pháp Hoa tại Căn Bản Trung Đường, một không gian nằm bên trong lòng ‘thánh địa’ Huê Nghiêm Tông – Thiên Thai Tông của Nhật Bản. Còn gì hạnh phúc cho bằng, phải không bạn?

Mong sớm được gặp gỡ những gương mặt thân thương, quen và mới của nhà MayQ trong chuyến An trên xứ Phù Tang lần này.

(15.6.2023 – QH & MayQ Team)

Mời bạn quan tâm vui lòng sang trang MayQ Go gửi tin nhắn, để team chúng mình hướng dẫn bạn đăng ký nhé.

#MayQGo #AN #ANinJapan #Japan
#Hieizan #Enryaku-ji

Chia sẻ:

Bài Viết Liên Quan

AN CANADA: CHUYẾN ĐI ĐẦY Ý NGHĨA VỚI MAYQ GO

AN CANADA: CHUYẾN ĐI ĐẦY Ý NGHĨA VỚI MAYQ GO

[Lời MayQ Team] Cứ mỗi hành trình qua đi, sẽ thêm thật nhiều những trải nghiệm và cảm xúc đọng lại, không chỉ đối với nhà MayQ mà còn với tất cả những thành viên tham gia chuyến đi đó. Tụi mình vẫn luôn trân quý và thiệt thích cảm giác được đọc những dòng

Xem thêm »
May We Go – Chúng ta cùng lên đường nào! Du lịch Truyền cảm hứng sống vui vẻ tích cực, giải tỏa muộn phiền, tích năng lượng an lành.