Search
Close this search box.

AN NHẬT BẢN: NON THIÊNG KOYASAN

NON THIÊNG KOYASAN - THÁNH ĐỊA PHÁI CHÂN NGÔN TÔNG NHẬT BẢN

[Hành trình AN TRÊN XỨ PHÙ TANG 6N5Đ (31/8 – 5/9/2023)]

Bài 2: NON THIÊNG KOYASAN – THÁNH ĐỊA PHÁI CHÂN NGÔN TÔNG NHẬT BẢN

Hôm trước, dưới bài viết ngắn chia sẻ về những chuyến tour AN trên đất Nhật mà tụi mình sắp sửa mở ra, nhiều bạn mới trên trang thấy lạ nên comment hỏi thăm: ‘tour AN’ là tour làm sao? Mình đại diện nhà MayQ Go trả lời, tour AN là một dòng tour rất đặc thù của nhà MayQ, mà ở đó, bạn sẽ được đi cùng với một cộng đồng lớn nhỏ, đến với những vùng đất đặc sắc về năng lượng. Để rồi ở đó, bạn có bảy phần tham quan trải nghiệm và nhúng mình vào trong những trường năng lượng đặc biệt thanh lành đó, do chính nhà MayQ tụi mình đích thân cảm nhận và tuyển chọn; và hơn thế nữa, ba phần còn lại, bạn được cùng hòa mình với một tập thể, trải qua những thời tu tập nhẹ nhàng, kết nối ấm áp… Để rồi sau chuyến đi, mỗi thành viên trong đoàn sẽ thấy mình an lạc hơn, nhẹ nhàng hơn, yêu đời hơn…

Có thể nói, sau ba năm ra đời, dòng tour AN có một chỗ đứng đặc biệt trong lòng các hành khách ‘mối ruột’ của nhà MayQ. Khi đến với đất nước Nhật Bản để tuyển chọn những địa điểm đặc biệt nhất, thanh lành nhất để đưa vào dòng tour AN trên đất Nhật, tụi mình đã chọn những vùng đất phát triển rực rỡ nhất của Phật giáo thời kỳ đầu tiên được du nhập vào đất Nhật Bản. Và thật hữu duyên làm sao, những vùng đất ấy gắn liền với Thời kỳ Heian, cũng chính là chữ Bình An (平安) trong tiếng Hán Việt (平安時代, Heian-jidai, âm Hán Việt: Bình An thời đại). Bạn nghe đã thấy thương chưa? 

Lấy luôn tên gọi từ tên kinh đô thời bấy giờ, Heian (tên cũ của cố đô Kyoto) là thời kì phân hóa cuối cùng trong lịch sử Nhật Bản cổ đại, kéo dài từ năm 794 đến 1185. Đây là thời kỳ đạo Khổng và các ảnh hưởng của Trung Quốc phát triển tới đỉnh cao, do Thiên Hoàng Nhật Bản (Nhật Hoàng), lúc bấy giờ đang ở giai đoạn đỉnh cao của quyền lực, đã cho nhiều tăng và nhân sĩ sang Trung Hoa du học. Vì thế thời kỳ này đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật, thơ ca, văn học, và tôn giáo.

Trong các tăng sĩ được đưa sang Trung Hoa học đạo, có một đôi tăng sĩ là bạn thân của nhau: ngài Kukai (Không Hải) và ngài Sancho (Tối Trừng). Ngài Không Hải có duyên thọ giáo với đại sư Huệ Quả, học về Mật Tông, khi trở về nước đã lập nên phái Chân Ngôn Tông Nhật Bản. Ngài Tối Trừng sang Trung Hoa lại tiếp cận được với Hoa Nghiêm Tông. Sau khi về nước, ngài Tối Trừng lập nên Hoa/Huê Nghiêm Tông Nhật Bản. Điều thú vị là, do có sự giao hảo tốt đẹp giữa hai vị thánh tăng này, Mật tông của Chân Ngôn Nhật Bản có một chút ảnh hưởng của phái Huê Nghiêm, và ngược lại, phái Huê Nghiêm Tông Nhật Bản lại mang một chút ảnh hưởng của Mật tông phái Chân Ngôn Tông Nhật Bản. Những điều này tạo ra những nét rất đặc thù nơi Phật giáo Nhật Bản thời Heian.

Do Mật tông phát triển rất mạnh mẽ thời bấy giờ, được Nhật Hoàng cổ xúy, ngài đã ban cho ngài Không Hải quyền chọn một nơi chốn đủ linh thiêng để xiển dương Phật pháp. Ngài Không Hải đã lắng nghe theo duyên, chọn hẳn ngọn núi Koya (Koyasan – Cao Dã Sơn), một ngọn núi linh thiêng nằm ở thế đặc biệt, được bao quanh bởi 8 ngọn núi khác, tạo thành thế hoa sen, như một Mandala (đàn tràng) khổng lồ trong tự nhiên. Phái Chân Ngôn Tông được coi như Đông Mật, để phân biệt với Tây Mật là nhánh Mật tông phát triển dọc dài theo dãy núi Hymalaya hiện nay.

Kể từ khi Tổ sư Không Hải chính thức khai sơn Koyasan, cho đến ngày hôm nay, Cao Dã Sơn vẫn tiếp tục là một vùng đất linh thiêng mang ít nhiều yếu tố bí hiểm, đúng như hai tính chất ‘cao’ và ‘dã’ chứa đựng trong tên núi.

Ngày chúng mình lên khảo sát, trời đã chớm vào hè. Thế nhưng không khí trên núi vẫn mát lạnh, và độ thanh lành của nó thì không thể tả! Một cảm giác rất ‘exotic’ – hương xa ập vào trong mỗi giác quan, từ mắt mãn nhãn với đồi núi xanh trập trùng, đường đi dốc khúc khủy, rất nhiều ngôi tự viện san sát nhau xen lẫn với những hàng quán địa phương…; da cảm nhận từng luồng gió mát nhẹ nhàng thổi. Không gian không lẫn chút tạp chất ‘đô thị’ nào. Có lẽ núi quá cao, và đại đa số người dân bốn phương tìm đến đây đi du lịch đều bằng hình thức tàu hỏa, nên chỉ thấy người đi bộ, và một số chiếc xe bus nội khu chở khách từ điểm này sang điểm khác.

OKUNO-IN (ÁO VIỆN) – LĂNG MỘ TỔ SƯ KHÔNG HẢI & ‘NGHĨA TRANG LỚN NHẤT NƯỚC NHẬT’

Ở đó, điểm đầu tiên chúng mình được đưa vào thăm Okuno-in (Áo Viện), nơi đặt lăng Tổ Sư Không Hải. Đây cũng là một điểm nhấn đặc biệt nhất tại núi Koyasan, cũng được xem như thánh địa linh thiêng nhất của người hành hương Nhật Bản. Thông thường người ta hay gọi nơi này là ‘Nghĩa trang lớn nhất Nhật Bản’, do bao vây quanh khu lăng Không Hải Đại Sư là một quần thể khổng lồ với hơn 200.000 bia đá tưởng niệm nhiều đời tướng quân, người hoàng gia, những tao nhân mặc khách và danh gia vọng tộc tại đất Nhật, kéo dài qua hàng ngàn năm, từ thế kỷ thứ 9 cho đến hiện tại. Tiếng là ‘nghĩa trang’, nhưng nơi này không hề chứa đựng nhục thân hay thậm chí hài cốt, chỉ là những bia đá, với ước mong những vị này được tỏa bóng an lành từ năng lượng của Ngài Không Hải. Với các Phật tử phái Chân Ngôn Tông, Tổ Sư của họ không chết đi, ngài chỉ đã đi sâu vào định, ở trong lăng mộ, để đợi ngày đức Phật Di Lặc ra đời thì ra khỏi định để tiếp tục cùng Ngài ấy hoằng dương Phật pháp. Vì thế, khi đi dọc dài theo những lối đi đầy rêu phong cổ kính nhưng sạch sẽ tinh tươm đến lạ lùng, hàng trăm ngàn cây cổ tuyết tùng chục người ôm trùng trùng điệp điệp xen lẫn vào trong hàng trăm ngàn bia đá rêu phong trầm mặc với thời gian… Tất cả tạo ra những cảm giác linh thiêng khó tả. Một chút gì đó xen lẫn giữa cảm nhận rõ nét về sự vô thường, lại vừa có sự khẳng định một cái gì đó về những giá trị tâm linh vẫn tồn tại dài mãi với thời gian.

Chúng mình bước vào trong gian đền chính, nơi tưởng niệm Tổ Sư lập Chân Ngôn tông Không Hải đảnh lễ viếng Ngài. Không gian rộng và được thiết kế vô cùng mỹ thuật với những ngọn đèn lồng ấm áp. Mình cúi đầu đảnh lễ ngài, thưa khẽ, rằng con vượt đường sá xa xôi đến đây, Ngài có gì muốn chỉ dạy con, xin hãy xoa đầu thọ ký. Vậy đó, mà cúi đầu xuống, bỗng dưng cảm thấy thật ấm áp, và xúc động.

Đang đi đảnh lễ vòng quanh thì được anh hướng dẫn thông báo, hôm nay Viện mở cửa mật thất sớm hơn dự kiến. Thế là chúng mình đủ duyên được đi sâu xuống lòng đất, đảnh lễ lăng mộ Ngài. Không gian bên dưới mặt đất càng có vẻ trầm mặc, có một chút gì… huyền bí khó tả. Dọc theo hai bên đường đi xuống là dãy đèn cổ, được tương truyền rằng, đã luôn được thắp sáng suốt như vậy, kéo dài mãi từ thế kỷ thứ 9, khi ngài Không Hải đi sâu vào định, cho đến bây giờ.

Tụi mình đứng trước khu lăng thờ ngài. Anh hướng dẫn bảo, hãy cúi đầu đảnh lễ Ngài đi. Hãy nhìn thật sâu vào tấm rèm thưa đen che phần chánh điện ở xa xa, nếu đủ duyên, ta có thể ‘nhìn thấy’ ngài! Và anh cũng nói luôn, anh được đến đây ba lần, nhưng chưa lần nào đủ duyên được ‘nhìn thấy’ ngài cả.

Mình lại cúi đầu với một chút hồi hộp. Lần này, cũng không thưa gì cụ thể. Chỉ lờ mờ cảm thấy, sau đây sẽ có thể là một khoảnh khắc cực kỳ quan trọng. Hoặc là có, hoặc là không. Mình gom tất cả sự tập trung, nhìn vào tấm rèm thưa nho nhỏ đó thật chăm chú. Và… trong sự ngỡ ngàng của mình, một gương mặt cận cảnh của một người hiện lên, càng ngày càng rõ dần!

Phút giây ấy, mình xúc động không nói nên lời. Càng xúc động, lại càng muốn tập trung ngắm kỹ gương mặt ấy thêm lâu hơn nữa. Nhưng cũng ý thức rằng, ta không thể cứ đứng mãi như thế được, thất lễ lắm. Bèn quỳ xuống, hai tay áp đất, đầu dập xuống theo thế ‘năm vóc sát đất’ mà người Việt mình hay đảnh lễ. Và, một nỗi xúc động thứ hai len tới, cũng dạt dào như ban nãy: khi mình chạm đầu và hai tay sát đất, mình cảm nhận, mặt đất (hay bản thân con người mình) có một chút chao đi. Mình hơi giật mình, ngẩng nhìn sang em Phong cũng đang cúi đầu đảnh lễ, tự hỏi không biết giây phút ban nãy, em có cảm nhận sự ‘chao đi’ của đất giống như mình không. Nhưng em ấy cũng đang tập trung đảnh lễ, không nhìn lại sang mình. Thế là, mình lại nhiếp tâm, cúi xuống áp đầu xuống đất, lại nghe người chao nhẹ.

Thế là mình cảm nhận rõ nét, sự kết nối bằng thể năng lượng ngay trong phần mật thất linh thiêng ấy. Những lời tương truyền từ những người đi trước, rằng ‘Ngài Không Hải không chết đi’, mình lại hiểu theo một nghĩa rõ ràng, rằng cho dù ngài có đi vào định hay không, một bậc thánh tăng đã đắc đạo, khi tạm rời bỏ xác thân tứ đại, vẫn sẽ luôn còn mãi. Ngài vẫn sẽ luôn ở đó, ngắm nghía những tín đồ, Phật tử hay những người có tấm lòng thành từ muôn phương tụ về, để rồi ở đó, ai có đủ niềm tin và căn lành, đủ duyên nữa, ngài sẽ hộ độ, dẫn dắt cho minh mẫn mà đi tiếp trên con đường tiến hóa tâm linh ai ai cũng phải đi. Mình ngẩng đầu lên, thưa “Con biết ơn Ngài”. Chỉ ngắn gọn vài phút, mà tự nhiên cảm thấy, chuyến khảo sát này của chúng mình đến Koyasan thật là xứng đáng!

Tụi mình cùng nhau ra về. Đường đi ra bằng một nhánh đường khác, lại thêm hàng trăm ngàn cội tuyết tùng già mấy trăm năm sừng sững giữa những vầng bia đá rêu phong. Mình nói với các bạn cùng team khảo sát, không gian này thật sống động, giờ thì mình hết ngạc nhiên, vì sao hãng Ghibli làm được những bộ phim giàu màu sắc tâm linh huyền bí, kiểu như Vùng đất của những linh hồn (Spirited Away)!

Đi được một lát, vắng mất bóng em Phong Windie. Đường vắng vẻ và xa xôi lắm, chỉ có nước hú tìm xem em ở đâu. Nghe giọng em vẳng lại, nói mọi người cứ đi trước đi, em sẽ chạy ra với đoàn liền. Một chốc, thấy em ra, mặt mày xúc động. Hóa ra, nãy giờ em mải mê dừng lại, cố gắng ghi lại vào ống kính cận cảnh một số tượng Quán Thế Âm và Địa Tạng Bồ Tát cổ kính đẫm rêu phong, mà một gia đình nào đó đã đặt khắc trong khuôn viên quần thể bia tưởng niệm của gia đình họ.

Quên chưa kể các bạn nghe, ở Nhật, bên cạnh đức Quán Thế Âm, ngài Địa Tạng Bồ Tát cũng là một ‘đại nhân vật’ vô cùng thân thương với mọi nhà, mọi đường. Khi sang Nhật, tụi mình thật sự bất ngờ khi nhìn thấy mức độ phổ biến tầm ‘quốc dân’ mà ngài Địa Tạng xuất hiện mọi góc mọi nơi, với rất nhiều hình tướng và bộ dạng khác nhau. Điều này, tụi mình sẽ để vào trong một bài viết khác, sau này.

Em Phong nói với chúng mình, ban nãy trong khu mật thất, em ấy cũng ‘nhìn thấy’ được, nhưng không giống mình, em ấy nhìn thấy gần như nguyên cả dáng người Ngài, trong một bộ dáng đứng, giữa trán có tỏa một đốm lửa to. Và em hỏi, ngài Không Hải Đại Sư liệu có liên quan gì đến lửa không nhỉ. Thì anh hướng dẫn xác nhận, bảo một trong những hóa thân của Ngài Hoằng Pháp Đại Sư (tôn xưng người ta kính trọng dành dành cho ngài Không Hải) chính là Bất Động Minh Vương, một dạng phẫn nộ thân với lửa cháy rừng rực từ phía sau. Chúng mình lại một phen ngỡ ngàng về sự kết nối kỳ lạ giữa mỗi người chúng mình, với Ngài.

Đất Koyasan, Cao Dã Sơn, cứ như thế đã được trân trọng đặt vào vị trí đầu tiên trong lịch trình chính thức của chuyến AN trên đất Nhật đầu tiên của nhà MayQ. Thấy thương, và thật thương quá đỗi!

TRẢI NGHIỆM ‘NGỦ CHÙA KIỂU NHẬT BẢN’:

Trên núi Koya có khoảng hơn 50 ngôi chùa có nhận cho lữ khách nghỉ qua đêm và trải nghiệm một số hoạt động của chùa. Team khảo sát chúng mình đi làm hai tốp: tốp ‘chính’ gồm hai chị em nhà MayQ, bạn đối tác và anh hướng dẫn thì đăng ký ở một chùa; gia đình gồm ba mẹ con một chị học viên đang sang Nhật chơi ở một ngôi chùa khác. Chúng mình hẹn nhau sẽ ‘giáp mí’ trải nghiệm của hai ngôi chùa, để đảm bảo lấy chất lượng tốt nhất.

Đi viếng Okuno-in xong về thì cũng tạm chia tay nhau, ai về ngôi chùa trú đêm của nhóm đó. Cả hai ngôi chùa đều rất đẹp, cảnh quan thật thanh tịnh. Phòng ốc thì thật không còn gì để nói: sạch sẽ tinh tươm, đậm chất Nhật Bản với các tấm nệm trải dưới đất và cửa gỗ kéo ngang. Toilet dùng chung ở một gian dài và rộng, nhưng cũng rất sạch sẽ. Giờ chỉ có hai vấn đề cần xem xét: Một là, chùa bên gia đình kia có cung cấp bữa ăn chiều và sáng, đồ chay ngon lành. Chùa bên chúng mình trú ngụ, có lẽ do tình trạng neo người sau d.ịch nên họ không cung cấp bữa ăn. Tụi mình cũng ok, ghé cửa hàng gần đó mua một lô mì gói, rau xanh, giá sống… rất hoành tráng. Mình con đang trong kỳ nguyện ăn chay một năm cho Cha nên đã thủ sẵn mì gói chay từ nhà. Tất cả đều sẵn sàng, chỉ chờ có mỗi cái ấm nước. Nhưng… ủa ấm nước đâu? Check lại với nhà chùa, thì được chùa bảo ở đây một là không cung cấp ấm đun nước và hai là hoàn toàn cấm các thiết bị điện như ấm đun vì chất liệu phòng ốc ở chùa toàn bằng gỗ ghép, phòng cháy nổ. Ơ…? Haha cả đám nhìn nhau cười gần chết. Thế là vô tình đã có một bữa tối rất ‘tùy nghi’ bao gồm tất cả những gì có thể ăn được còn trong giỏ là lôi ra ăn tạm cho qua bữa. Cho nên sau đó chốt lại là: chuyến đi chính thức chúng ta sẽ book cho được ngôi chùa nào có cung cấp bữa ăn chiều và ăn sáng nha!

Vấn đề thứ hai là, ở tất cả các chùa trên núi đều cung cấp nhà tắm kiểu Onsen – tức dạng ngâm suối khoáng nóng. Hình thức này thật thú vị vô cùng, vừa khỏe vừa thư giãn luôn. Tuy nhiên, vấn đề là, ở đó chỉ có mỗi nhà tắm chung như vậy thôi (^^), không có nhà tắm dạng tắm riêng. Haha đây cũng là một vấn đề nha, sợ rồi các cô các chị khách đi cùng nhau có ngại hơm? Các bạn đối tác nói, theo em thấy, tắm Onsen là một hình thức đặc thù của Nhật rồi, ai đến đây đều chuẩn bị sẵn sàng để thưởng thức hình thức tắm khoáng chung này. Còn nếu như ai ngại, có thể chia giờ ra, chọn những giờ rất khuya vắng thì ta lẻn vào một mình (haha). Còn ai ngại hơn chút nữa, chắc thủ sẵn khăn giấy loại lớn, có thể nhúng nước xong đi vào trong các toilet riêng mà lau mình cho qua ngày đó vậy. Mình cười, nghĩ cũng may trên núi Koya quanh năm suốt tháng rất mát mẻ, thời gian chúng mình tới thậm chí còn se lạnh, rất phù hợp cho những ai dễ ngại ngùng có thể… giả bộ không cần tắm một ngày, chắc cũng không sao đâu, nha!

Đêm trên núi Koya thật là tĩnh lặng. Chúng mình ngắm quanh khuôn viên đẹp đến nao lòng của ngôi chùa, dự rằng trong buổi tối đoàn chính thức lên đây, chúng mình sẽ sắp một thời thiền trăng. Đêm chúng mình ở Koyasan sẽ là đêm 3/9/2023, là đêm 18, trăng vẫn còn đẹp lắm. Thiền trăng bên nhau trên núi Kyoga, ắt đó sẽ là một trải nghiệm đẹp đẽ và lợi lạc biết bao!

Đêm trôi qua tại Koyasan trong một giấc ngủ thật ngon. Có lẽ là do năng lượng thanh lành trên núi, cũng là do chùa an tĩnh và tinh tươm quá.

Nhà chùa thông báo, vào lúc 6:30 sẽ có thời công phu sáng của chùa. Sớm mình thức dậy, lắng nghe tiếng chuông chùa nhắc nhở. Đi vào gian chánh điện, đã thấy ở đó có sẵn vài nhóm khách khác cùng có mặt ở đó. Có hai vị thầy làm nghi lễ buổi sáng, rồi tụng kinh. Chùa trên Koyasan theo Mật tông, nên nghi thức cũng như giọng tụng nghe khá giống Mật tông bên Tây Tạng, tuy rằng họ tụng bằng tiếng Nhật. Mình nghe không hiểu lắm, nhưng anh hướng dẫn nói rằng họ tụng Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, cùng một số bản chú khác. Ở Nhật, Tâm Kinh Bát Nhã được đề cao và phổ biến đến gần như ở mọi ngôi chùa. Tự nghiên nghe lòng ấm áp hết sức.

Cuối buổi tụng, các thầy kết lễ, và vị sư trẻ mang ra một mâm các món đồ blessings (các phẩm vật nhỏ thường làm bằng vải, đã qua phần gia trì công phu của các sư) và mời mỗi người chọn một món. Mình chọn lấy một mẩu màu đỏ, và mẩu blessing này sau đó đã được gắn vào chiếc túi đeo hàng ngày của mình, vào cả mấy tấm hình chụp lưu lại, như các bạn có nhìn thấy đó.

Sau buổi lễ, hương trầm vẫn còn vương thơm ngát, cửa chánh điện vẫn còn mở cho những ai muốn ngồi lại tĩnh tâm thì cứ tự nhiên. Mình và em Phong lưu lại trì thêm thời kinh chú công phu sáng theo thời hàng ngày của chúng mình, năng lượng thiệt là hiền hòa dễ chịu. Vì thế bèn quyết luôn: trong hành trình chính thức, sau khi dự lễ cùng với quý sư ở mỗi chùa, các nhóm khách ở mỗi chùa sẽ tự hội lại, cùng nhau trì qua một thời Khấn nguyện trợ duyên ngay tại chánh điện chùa ấy. Cũng là một hoạt động đầy lợi lạc và ấm áp, nhen.

Kongōbu-ji (Kim Cương Phong Tự) – ngôi chùa Bổn Môn của Chân Ngôn Tông

Buổi sáng ngày hôm sau, chúng mình dành thời gian đi viếng Kim Cương Phong Tự, ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ 16, và hiện giờ được xem như chùa Bổn Môn phái Chân Ngôn tông Nhật Bản. Chùa rất rộng với nhiều cảnh quan trang nhã. Cũng giống như đại đa số các chùa khác ở Nhật, ở đây chúng mình cần mua vé để được đi vào bên trong. Ghé qua hành lang và đi qua những phòng được trang trí bằng những chú hạc duyên dáng, những bông hoa được chạm trổ công phu cùng với căn phòng chuyên dùng rộng rãi. Nơi đây có Vườn Đá Ban Ryutei, đá tự nhiên từ các vùng đất khác nhau được đưa về đây và được các nghệ nhân đời xưa sắp xếp theo hình rồng uốn lượn, để tạo ra năng lượng linh thiêng và bảo vệ ngôi chùa. Giờ đây, khu vườn đá này vẫn đang được bảo tồn kỹ lưỡng. Trong chùa con có gian điện lớn có những bức mandala tròn và mandala vuông, biểu hiện cho Thai tạng giới.

Thật hữu duyên, thời điểm chúng mình đến, Koyasan đang chuẩn bị tổ chức một cuộc lễ trọng đại, kỷ niệm 1.250 năm ngày sinh Tổ Sư lập môn phái của họ, Đại Sư Không Hải, Kobo Daishi – Hoằng Pháp Đại Sư theo lời xưng tôn đầy kính trọng của hậu bối đời sau. Thế là dịp này, chùa mở cửa linh đường thờ Ngài cho công chúng thập phương vào viếng. Thế là chúng mình lại thêm một lần nữa được đảnh lễ Ngài, cảm thấy duyên gắn bó chúng mình với Ngài thật là sâu đậm.

Đang đứng nghỉ giải lao uống nước trà xanh tại một gian nghỉ chân bên mé chùa thì cô bé đi cùng nhóm chúng mình reo lên, A, bên kia có chiếu phim! Chúng mình đi sang nhìn, thì ra trong gian phòng đặc biệt nơi chỗ Đầu rồng, họ đang mở ra phiên chiếu phim đặc biệt, một bộ phim cũng vô cùng đặc biệt có liên quan đến hành trình sinh trưởng của con người: LIFE – Cuộc sống. Một đôi vợ chồng người Nhật thật thanh lịch chào đón chúng mình. Sau khi đăng ký thành công, anh Hashimoto Masahiko, mà sau đó tụi mình mới biết cũng là một nghệ sĩ biểu diễn piano, ca sĩ và là nhà sản xuất âm nhạc tại Nhật đã giới thiệu tác phẩm tâm huyết mà vợ chồng anh cùng một nhiếp ảnh gia người châu Âu đã bỏ nhiều tháng ròng để thực hiện. Và trong 25 phút sau đó, mình lặng người ngồi xem, nước mắt chảy ròng.

Chao ơi, một bộ phim sao mà nhân văn, lại ấm áp, gần gũi và tích cực biết bao! Nó mang lại cho chúng ta biết bao nhiêu là thông điệp gần gũi, vừa mang giá trị tâm linh sâu sắc về sự sống và sự tái sinh. Tới đó thì mình mới hiểu, vì sao một bộ phim như vậy lại được Koyasan chọn lựa cho trình chiếu chính thức tại Đại lễ kỷ niệm 1250 năm ngày sinh Tổ sư của họ, ngay trên ngôi chùa bổn môn thiêng liêng của họ!

Sau buổi trình chiếu cho một lượt khán dự khán rất giới hạn, mình tìm gặp anh Hashimoto, bày tỏ sự cảm kích vì đã được xem một bộ phim tuyệt vời như vậy, và hỏi luôn, rằng mình biết dịp 2/9 khi chúng mình tới, đã qua dịp kỷ niệm ngày sinh ngài Đại sư rồi, nhưng chúng mình thiết tha muốn đoàn khách chuyến AN của nhà MayQ tụi mình có thể nào lại được cùng nhau thưởng ngoạn bộ phim đặc biệt này không? Anh nói, anh sẽ cố gắng hết sức để thu xếp.

Và khi bài viết này được đăng tải, chúng mình đã nhận được tin tức tốt lành từ anh. Anh đã thu xếp được cho chúng mình một không gian đủ ấm áp, thanh tĩnh, để rồi ngày chúng mình đưa đoàn AN lên Koyasan, toàn bộ các thành viên trong đoàn sẽ có thể cùng ngồi lại bên nhau, từng giây từng phút cảm nhận sự rung động đến tuyệt vời mà bộ phim nghệ thuật – tâm linh đặc sắc này mang đến. Thật là hạnh phúc biết bao!

Đàn Thượng Già Lam (Danjōgaran) – Mandala khổng lồ tỏa năng lượng không chỉ cho núi Koya, mà trùm cả Nhật Bản.

Vì Koyasan là trung tâm của Mật tông Nhật Bản, nên chúng mình không ngạc nhiên khi ngay tại tâm điểm núi Koya sừng sững một công trình khổng lồ được sắp xếp chi tiết, tỉ mỉ theo thế trận Đàn tràng – Mandala.

Đàn tràng lấy Căn Bản Đại Tháp (Konpon Daitō) làm tâm điểm. Bước vào đây, có một chút choáng ngợp bởi năng lượng dạt dào nơi này, kiểu năng lượng rất đặc trưng của các ngôi tự viện Mật tông, dù nơi đây là Đông Mật chứ không phải là Tây Mật như ở Tây Tạng. Uy nghi giữa Đại Tháp là tượng Ngũ Trí Như Lai. Không giống như những chùa khác tại Nhật Bản có trướng che các bản tôn tượng lại, chùa này đầy đủ tôn nhan của cả năm vị, tạo một cảm xúc rất đặc biệt. Tụi mình ngồi lại đó, trì một thời Chú Lăng Nghiêm rồi mới vòng qua theo chiều kim đồng hồ đi ra ngoài. Được người gọi lại, kêu nên thử đặt đồng xu ở vị trí này nha, nếu đủ tĩnh tâm sẽ đặt được mặt cạnh đứng của đồng xu lên đó. Mình thử…, vậy mà không ngờ sau vài lần tập trung, đồng xu dựng đứng lên được thật!

Vì là cấu trúc Mandala từ nhân sẽ tỏa ra bốn hướng, nên quần thể Đại Mandala này có bốn đại tháp khác, gọi là Đông Tháp, Tây Tháp, Nam Tháp và Bắc Tháp. Giữa các đại tháp theo đúng các phương còn có nhiều những gian, điện, các thờ chư vị Ơn Trên các cõi theo hệ thống tín ngưỡng của Đông Mật. Có cả một kinh luân cỡ đại, mà muốn đẩy được kinh luân xoay chuyển, cần có sức tổng hợp cùng đẩy của vài người.

Tụi mình vừa đi vừa đảnh lễ các nơi. Lại nhớ đến ý đã được nhấn mạnh trước khi chúng mình bước vào quần thể Đàn Thượng Già Lam này, rằng năng lượng từ Đại đàn tràng này đang tỏa ra không chỉ cho riêng khu vực núi thiêng Koya, mà còn bao trùm cả đất nước Nhật Bản.

Chúng mình vừa đi vừa lên kế hoạch, khi đoàn AN của nhà MayQ đến đây vào dịp 2/9 tới, chúng mình nhất định sẽ có một thời trì chú Đại Bi và Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa ở đây. Nhớ lại hồi chuyến Đại cộng hưởng tháng 5 trên đỉnh núi Bà Đen, mấy trăm con người đã đi vòng quanh trụ tháp khắc Kinh Bát Nhã mà niệm câu mantra Gate gate paragate parasamgate bodhi svaha mà cảm giác xúc động dâng tràn. Thì có lẽ, nếu hội đủ duyên, được đi rảo vòng quanh gian Căn Bản Đại Tháp kia mà trì mantra, chắc là cũng sẽ tuyệt vời khó tả.

Tới lúc đó, cũng đã thôi không còn ngạc nhiên vì sao không phải một công trình độc lập, mà cả cụm quần thể cấu trúc và thiên nhiên linh thiêng trên núi Koya đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Thế giới. Thật xứng đáng!

Nghĩ đến đó, đã thấy diện mạo của chuyến AN lần này được hình thành rõ nét. Koyasan, đất đầu tiên chúng mình đặt chân lên đến trong hành trình đi về hướng cố đô, hay còn được mang tên Heian – Bình An, đã tặng cho chúng mình một sự kết nối tuyệt vời như thế. Và cũng chính từ đó, quyết định sẽ mở chuyến AN trên dọc dài vùng hành hương đi từ Kyoto lên núi thiêng Koya, đã ra đời! Chuyến đi chính thức diễn ra từ 31/8 đến 5/9/2023. Bạn nào cảm thấy mình thích hợp với cách đi kiểu AN của nhà MayQ, các bạn có thể liên lạc trang MayQ Go để được hướng dẫn thêm chi tiết nhé.

Gửi niệm lành cho tất cả,

(9.6.2023 – QH & MayQ Team)

#MayQGo #AN #ANinJapan #Japan
#Koyasan #Heian

Chia sẻ:

Bài Viết Liên Quan

AN CANADA: CHUYẾN ĐI ĐẦY Ý NGHĨA VỚI MAYQ GO

AN CANADA: CHUYẾN ĐI ĐẦY Ý NGHĨA VỚI MAYQ GO

[Lời MayQ Team] Cứ mỗi hành trình qua đi, sẽ thêm thật nhiều những trải nghiệm và cảm xúc đọng lại, không chỉ đối với nhà MayQ mà còn với tất cả những thành viên tham gia chuyến đi đó. Tụi mình vẫn luôn trân quý và thiệt thích cảm giác được đọc những dòng

Xem thêm »
May We Go – Chúng ta cùng lên đường nào! Du lịch Truyền cảm hứng sống vui vẻ tích cực, giải tỏa muộn phiền, tích năng lượng an lành.