Search
Close this search box.

AN NHẬT BẢN – TUYẾN 2 – BÀI 3: PHÚ SĨ – FUJI, CHỐN ‘QUEN MÀ LẠ’, ‘LẠ MÀ QUEN’

AN NHẬT BẢN – TUYẾN 2 – BÀI 3: PHÚ SĨ - FUJI, CHỐN ‘QUEN MÀ LẠ’, ‘LẠ MÀ QUEN’

[Ký sự hành trình chuyến khảo sát AN trên đất Nhật Bản – Tuyến 2: Tokyo – Fuji – Kamakura – Yamataka]

BÀI 3: PHÚ SĨ – FUJI, CHỐN ‘QUEN MÀ LẠ’, ‘LẠ MÀ QUEN’

Đã khá lâu mình mới có thời gian quay lại chuyện trò với các bạn về dòng ký sự hành trình khảo sát chuyến AN trên đất Nhật Bản, tuyến hành trình thứ hai này. Hình đẹp lung linh để cả rổ trong album, lâu lâu bận quá lại lôi ra ngắm, để lấy động lực mà… kể chuyện cho nhà mình nghe tiếp đây, ahihi.

Chuyến AN trên đất Nhật – tuyến thứ 2 này không thể thiếu được một trong những nơi chốn đặc biệt của nước Nhật: núi Phú Sĩ. Từ Kamakura – một trong những trung tâm Phật giáo lớn của thời kỳ Mạc Phủ (Kiếm Thương) với tượng Phật bằng đồng cao nhất nước nhật, với ngôi chùa Hasedera với pho tượng Đức Quán Thế Âm Thập Nhất Diện linh thiêng mà tụi mình đã mô tả trong bài Ký sự hành trình số 2, tụi mình ngồi tàu điện ngầm thêm một đoạn đường ngắn tầm 1-2 tiếng đồng hồ đã đến ga Phú Sĩ.

Phú Sĩ, Fuiji, một nơi chốn đọng lại trong lòng mình biết bao là ký ức đẹp. Đã từng được đến nước Nhật mấy lần, hai lần đầu tiên, mình được đến trong diện khách du lịch tham quan. Và với một du khách đến Nhật, điểm đến không thể bỏ qua chính là núi thiêng Phú Sĩ.

Phú Sĩ, Fuiji, người dân Nhật kính cẩn gọi là Ngài. Và từ trên máy bay, ở một độ thấp vừa phải, nếu trời trong và ít mây, nhiều người sẽ ngắm được Ngài Phú Sĩ. Và điều đó, với những ai được dịp ngắm Ngài, được người Nhật coi như một điềm may mắn.

Chắc cũng là hữu duyên, cả hai lần mình đến trước đây, đều có duyên ngắm được Ngài. Vì thế, lần này đi khảo sát, trong lòng có chút hồi hộp: liệu ta có được lần thứ ba ngắm và diện kiến Ngài Phú Sĩ chăng?

Và trời không phụ lòng trông của mình, lúc chúng mình tới trời trong nắng đẹp, dù thời tiết mát se se. Từ một khoảng cách xa, Ngài Phú Sĩ đã rõ mồn một ở đường chân trời, trông thật đẹp, cũng thật thương. Tụi mình tranh thủ chụp với Ngài vài tấm ảnh đẹp, để về có cái chia sẻ với bạn bè trên trang nè, hihi. Sau đó suy nghĩ: thời gian khảo sát ở đây cũng ngắn, liệu ta có cần đích thân đi theo đường núi, lên trở lại các trạm để khảo sát lại đường đi không? Trực giác bảo với mình rằng không cần, vì với sự chăm chút tỉ mỉ của người Nhật, với một trong những bảo vật thiên nhiên của đất nước họ là Núi Phú Sĩ, tin chắc rằng chuyến lên các trạm dừng chân trên Núi để trải nghiệm ‘Viếng Núi’ là điều luôn được đảm bảo chỉn chu nhất. Mình nhớ, những lần trước, xe chúng mình đi lên, đi ngang qua một đoạn đường có phát một bản dân nhạc rất nổi tiếng của Nhật, người hướng dẫn viên bảo, niềm tự hào của người dân ở đây đó ạ, nhạc chỉ phát lên mỗi khi có xe đi qua thôi, như một lời chào, vừa thân thương tự nhiên, vừa mang tính ‘kỹ thuật cao’, nha!

Tất cả phần kỹ thuật đều sẽ đảm bảo được chỉn chu, tuy nhiên 10% quyết định cuối cùng lại nằm ở… chữ duyên. Người ta tin rằng, Ngài Phú Sĩ cũng chỉ cho những ai có duyên với Ngài được diện kiến Ngài mà thôi. Vì thế, chỉ trong những ngày trời trong ít mây, thì ta mới có thể ngắm Ngài trọn vẹn nhất. Vì thế, lòng chỉ cầu, khi đoàn AN trên đất Nhật – tuyến 2 này mà thực sự đến, Ngài sẽ an bài cho trời trong và nắng đẹp, cho đoàn chúng con lại được chiêm ngưỡng Ngài, bái vọng Ngài, Ngài nha!

Thời gian còn lại của phần khảo sát tại Phú Sĩ, tụi mình đi lên Chùa Đỏ Chureito, một ngôi chùa không tính là cổ, vì mới chỉ được xây sau Thế Chiến thứ II để tưởng nhớ những người dân đã mất trong chiến tranh. Tuy vậy, ngôi chùa này nổi tiếng vào hàng bậc nhất nước Nhật, bởi vị thế đắc địa của chùa: có thể ngắm được Núi Phú Sĩ từ phía xa. Và vì vị trí đắc địa này, Chùa Đỏ Chureito đã được đi vào các poster quảng bá du lịch Nhật Bản, như một biểu tượng đặc trưng nhất của Nhật Bản khi đi kèm Núi Phú Sĩ. Chúng mình tâm đắc địa điểm này lắm, vì như đã nói, hai lần đến đây vào dịp trước, trong khuôn khổ của một tour du lịch phổ thông, mình đã chưa được đưa tới nơi này do hạn chế về thời gian. Đối tác đưa chúng mình đi khảo sát cho biết, ngôi chùa này chỉ đặc biệt phổ biến với những người du lịch tự do, rộng rãi thời gian để tự do thưởng ngoạn, đặc biệt là ‘khách Tây’. Và quả thật, con đường dốc đưa chúng mình đi lên núi đẹp như tranh vẽ, chỉ toàn khách tự do. Người người đi lên đi xuống, nhưng họ thật an tĩnh. Đến không gian chùa, tụi mình ngồi yên lặng bên ngoài sân chùa, cảm nhận làn không khí mát mẻ của đồi núi và rừng xanh, cái đầu ‘khảo sát’ của mình lại bật lên ý nghĩ: Nơi này thật phù hợp để đưa đoàn mình lên đây, ngồi đọc một thời kinh nhen. Vừa nghĩ đến đó, anh hướng dẫn viên hỏi, “Đã đỡ mệt chưa? Tới đây chưa hết đâu, để tôi đưa các bạn lên Đài quan sát nữa nhé.”

Tụi mình theo chân anh, đi thêm một số những bậc thang dốc quanh co nữa, là đến một không gian quan sát rộng khắp. Và chao ơi, đây mới là cái chỗ tụi mình thích nhất tại đây nè! Một khu khán đài nho nhỏ, ngồi cho khéo cũng chắc được trăm người, được xây ôm sát men vòng theo quả núi. từ đây, có thể ngồi tĩnh tại, phóng mắt ra xa, là ngắm được toàn cảnh Chùa Đỏ Chureito… như là một tiền cảnh rực rỡ, xinh đẹp của Ngài Phú Sĩ sừng sững ở phía sau! Thật phải khen ngợi những người tìm ra được một cái view quá xuất sắc để làm nên đài vọng cảnh này! Và cũng không phụ lòng người xây đài, cũng không ít khách đang ngồi thưởng ngoạn tại đây, lặng lẽ thu vào tầm mắt khung cảnh tuyệt đẹp mà ở một nơi khác khó lòng đong đầy như vậy. Một số bạn trẻ tranh thủ đứng ra lan can chụp ảnh check-in. Em Phong giục, Quỳnh cũng đứng vào Win chụp cho một ảnh, về mà còn share lại với bạn trên trang nha! Ừ héng, mải ngắm quên mất Mình cũng đứng vào lan can, cũng phải lách trái lách phải khá vất vả mới được một tấm ảnh không có… người kế bên bất đắc dĩ. Một chút tiếc nuối: tụi mình đến đây lúc giữa trưa, nắng còn đổ thẳng trên đầu xuống. Mình hỏi phía đối tác, rằng mình muốn đưa đoàn của chúng mình đến đây buổi chiều, để ngắm hoàng hôn xong tranh thủ thiền hoàng hôn tại đây luôn, có được không? Bạn đối tác cười: Được chứ, đây là tour ‘đo ni đóng giày’ theo ý các anh chị mà! Vậy là chốt luôn: chuyến đi sẽ rất ‘mạnh tay’, ‘mạnh chân’ cho lưu lại luôn hai đêm liền tại Phú Sĩ, đều mà các hành trình du lịch phổ thông chắc ít ai dám làm, vì giá cả lưu trú ở Phú Sĩ cao hơn hẳn các nơi khác á, ai ơi ^^ Nhưng thôi kệ, hihi, trót yêu Phú Sĩ và yêu luôn cái view thưởng thức hoàng hôn thật đặc biệt bên trên Chùa Đỏ Chureito, nên tụi mình quyết định đưa luôn chuyến ‘thưởng thức hoàng hôn’ thật đắt giá (nghĩa đen) này vô hành trình. Nhưng mà mình ưng lắm! Tin rằng điều này sẽ đem đến những trải nghiệm thật sự đặc biệt đến cho những ai hữu duyên cùng đi trong đoàn AN của chúng mình đến Nhật tháng 4 năm sau, nha!

Thời gian còn lại của hành trình khảo sát tại Fuji, tụi mình quay trở lại làng cổ Oshino Hakkai, ngôi làng nhỏ xinh đẹp như bức tranh tĩnh mặc, nằm ngay dưới chân núi Phú Sĩ. Ngôi làng là một trong những điểm còn lưu lại mạnh mẽ nhất trong ký ức của mình trong hai lần đến viếng thăm trước đây. Ngôi làng xinh xắn, hiền hòa, vẫn giữ đuuợc nét cổ kính như thể bạn lạc vào trong truyện cổ tích Nhật Bản. Trong làng có khá nhiều những khu hồ hỏ, là những gì còn sót lại từ một chiếc hồ rất lớn xung quanh khu vực này từ thời xa xưa. Nước xanh biêng biếc với những chiếc cầu tuyệt đẹp bắc ngang, cùng những guồng quay nước bằng gỗ tô điểm nhẹ nhàng trong đó. Hệ sinh thái của các hồ rất đa dạng, mà ngồi lặng ngắm mặt hồ với bao nhiêu những sinh vật sinh sống trong hồ cũng là một điểm rất thư giãn. Các ngôi nhà mái lợp bằng cỏ trông thật hiền, những mảng xanh bao la kết hợp với đủ loại hoa cỏ theo mùa…, tất cả hòa quyện vào nhau, tạo ra những phong vị vô cùng đặc sắc, và thú vị!

À, nói đến ‘tất cả hòa quyện vào nhau’, không thể không nói đến một trong những ‘giá trị cộng thêm’ vô cùng quyến rũ tại đây, chính là street food! Hàng ăn ở đây đa dạng và phong phú với đủ kiểu ăn vặt, được các bà các cô ở đây nướng tại chỗ, nóng hổi, thơm phức. Mình ấn tượng nhất là loại bánh Mochi (bánh gạo giã bằng cối cổ truyền) pha với lá cỏ cây gì mà nó xanh như lá, lại có những bánh Mochi gạo trắng vừa giã tay, vừa được nướng trên lửa than hồng, vừa thổi vừa cắn, nó ngonnn thôi rồi! Các bạn khác còn có thể có thêm rất nhiều món khác nữa, mà đi tới đi lui, đi quanh đi quất một hồi, ta nói bụng đã no căng! Mình bèn ‘kiến nghị’ với bạn đối tác: mình nghiêm túc đề xuất, nên tặng cho du khách đoàn chúng mình một cơ hội… để được ăn vặt thỏa thích một bữa trưa tại đây, được không? Chứ ‘nỗi khổ’ của không ít du khách trước giờ đến đây chính là: phải ăn một bữa cơm ‘chính thống’ no đầy ú ụ rồi, lạc bước đến đây…, chỉ có thể ‘nén lòng’ mà nhìn đám đồ ăn đường phố siêu siêu hấp dẫn này mà ‘lực bất tòng tâm’, vì dạ dày đã không đủ chỗ. Bạn đối tác lại cười thoải mái: Được chớ, được chớ! Và lại là một câu nói cũ: Đây là tour “đo ni đóng giày” của các anh chị mà! Haha, vậy là okie, chốt luôn nha! Buổi sáng dặn du khách ăn sáng no no một chút ở khách sạn nà, xong đi lên trạm trên núi ngắm viếng Ngài Phú Sĩ, cuối cuối buổi sáng thả cho mọi người tự do du ngoạn vào làng cổ này…, ta nói, phải nói là mê.ê.ê, haha chữ Mê kéo dài nha!

Bởi vì, trong làng không chỉ có cảnh đẹp, ‘vibe’ siêu chill chill, nơi đây còn có một khu bán hàng lưu niệm cho mọi người đảm bảo… không rút ví tiền ra là không xong, với hàng trăm hàng ngàn món đa dạng phong phú từ đồ ăn truyền thống, dạng làm bằng tay, đến đồ thủ công mỹ nghệ, đến cả những hộp nhỏ đựng các chú rêu tự sống tự phát triển trong nước, ta chỉ cần mỗi ngày trò chuyện với chúng một chút… Ta nói nói chung, ở đây, người Nhật thật là biết cách khiến khách du lịch ‘móc hầu bao’ ra một cách tự nguyện và vui vẻ mà!

Lưu luyến rời xa làng cổ Oshino Hakkai, tụi mình về lại khu resort. Tất cả các resort ở khu này đều giống nhau ở sự thanh tịnh, xinh đẹp một cách giản dị, hòa nhập vào thiên nhiên, và có khu nước tắm khoáng nóng siêu xịn! Có lẽ từ trường của Núi đã hòa nhập vào từng hơi thở, từng thớ tế bào của vạn vật ở đây rồi. Mình lại bâng khuâng suy nghĩ: hai đêm liền ở đây, đồng nghĩa với đoàn của chúng ta sẽ được thưởng thức hai buổi thiền bình minh trong resort, trong từ trường của khu vực gần Núi Phú Sĩ như thế này… Kết hợp với cơ hội ngâm mình trong nước suối khoáng từ Núi Phú Sĩ chảy xuống, chao ơi, đây còn gì nữa, quả sẽ là một chuyến đi AN trọn vẹn, về nhiều mặt! Muốn tu tập có tu tập, muốn nghỉ dưỡng có nghỉ dưỡng. Mà tu tập, là được đến với những nơi thực sự vô cùng đặc biệt, mà tụi mình đã chia sẻ qua một phần ở hai bài viết Ký sự hành trình 1 và 2 (và còn một phần độc đáo nữa, hẹn bạn ở Kỳ 4, tụi mình kể thêm một chút về Cụ lão đào cổ thụ 1.300 năm sống lại nhờ được ngài Nichiren Shonin trì Kinh PHáp Hoa 21 ngày, nhé). Và nghỉ dưỡng, thì chao ơi, hai đêm lưu lại núi Phú Sĩ, cùng những trải nghiệm thật trọn vẹn với Núi, với cây cỏ hoa lá, với không gian đặc biệt tại đây, cũng thật là khó thể bỏ qua rồi.

Đem tâm trạng hoan hỉ này về lại Sài Gòn, chúng mình đã cho ra đời một lịch trình đúng nghĩa “đo ni đóng giày” cho chuyến AN trên đất Nhật Bản, tuyến thứ 2 này. Chuyến đi diễn ra từ 17-21/4/2024, bạn nào nếu đọc qua những gì chúng mình chia sẻ và cảm thấy có chút gì đồng cảm, có thể liên lạc bên trang MayQ Go để được hướng dẫn chi tiết hơn nha!

Gửi niệm lành cho những ai yêu thích hành trình này có thể hội đủ duyên để cùng đồng hành với chúng mình trong hành trình đầy thú vị cũng đầy lợi lạc này. Còn bây giờ, không quên chia sẻ với nhà mình một số tấm ảnh xinh xinh mà em Phong Windie đã chụp được cho mình, những ngày chúng mình trong chuyến khảo sát tại khu vực Fuiji nhé.

Thương mến,
(19.12.2023 – QH & MayQ Team)

#NhatBan #Japan
#ANtrendatNhat #ANinJapan
#MayQ #MayQGo

Chia sẻ:

Bài Viết Liên Quan

AN CANADA: CHUYẾN ĐI ĐẦY Ý NGHĨA VỚI MAYQ GO

AN CANADA: CHUYẾN ĐI ĐẦY Ý NGHĨA VỚI MAYQ GO

[Lời MayQ Team] Cứ mỗi hành trình qua đi, sẽ thêm thật nhiều những trải nghiệm và cảm xúc đọng lại, không chỉ đối với nhà MayQ mà còn với tất cả những thành viên tham gia chuyến đi đó. Tụi mình vẫn luôn trân quý và thiệt thích cảm giác được đọc những dòng

Xem thêm »
May We Go – Chúng ta cùng lên đường nào! Du lịch Truyền cảm hứng sống vui vẻ tích cực, giải tỏa muộn phiền, tích năng lượng an lành.