Search
Close this search box.

AN NHẬT BẢN – TUYẾN 2 – BÀI 4: CỘI ĐÀO 2.300 NĂM VÀ SỨC SỐNG THẦN KỲ NHỜ VÀO KINH PHÁP HOA

AN NHẬT BẢN – TUYẾN 2 – BÀI 4: CỘI ĐÀO 2.300 NĂM VÀ SỨC SỐNG THẦN KỲ NHỜ VÀO KINH PHÁP HOA

[Ký sự hành trình chuyến khảo sát AN trên đất Nhật Bản – Tuyến 2: Tokyo – Fuji – Kamakura – Yamataka]

BÀI 4: CỘI ĐÀO 2.300 NĂM VÀ SỨC SỐNG THẦN KỲ NHỜ VÀO KINH PHÁP HOA

Một trong những thu hoạch ngoài mong đợi của chuyến khảo sát Nhật của tụi mình năm ngoái chính là một cội đào đặc biệt, có tuổi thọ trên 2.300 năm tuổi, tên là Yamataka Jindai Zakura. Còn nhớ, mục đích của chuyến đi khảo sát của tụi mình chính là để tìm hiểu về quê hương xứ sở và những nơi Ngài Nhật Liên Thánh Nhân – Nichiren Shonin từng có những gắn bó đặc biệt. Ngài Nhật Liên Thánh Nhân là một hành giả theo Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, và bằng thiền định, Ngài nhìn vào ánh mặt trời và trông thấy trong mặt trời hôm ấy một đoá liên hoa thanh tao nở rộ. Khoảnh khắc ấy, Ngài đắc ngộ. Hiệu của Ngài – Nhật Liên – cũng đã thể hiện điều đó. Và pháp môn mà Ngài lập ra, chuyên nhất tâm niệm đề kinh “Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” (Namu Myoho Renge Kyo) được mang tên Nhật Liên Tông.

Nhật Liên Tông phát triển vô cùng rực rỡ tại Nhật Bản, đồng phát triển rộng khắp ra nhiều nước trên thế giới. Các đệ tử theo phái Nhật Liên Tông đồng đi theo tôn chỉ mà Sư Tổ Nhật Liên Thánh Nhân đã đưa ra: Hoà bình và tình yêu thương cho toàn thể nhân loại. Vì thế, không ngạc nhiên, khi trong ngần ấy thế kỷ, Nhật Liên Tông đã làm được nhiều điều tốt đẹp cho đất nước Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung. Trong đó có một loạt những ngôi Tháp Hoà Bình thế giới (World Peace Stupa) mà nhà MayQ có dịp đưa mọi người đến viếng và đảnh lễ tại Vườn Lâm Tì Ni trong chuyến Tứ Động Tâm Ấn Độ – Nepal vừa rồi hay Pokhara trong chuyến Tịnh Nepal tháng 4 sắp tới. Hay từ trước đó hàng mấy trăm năm, là sự thành lập những trường đại học lớn, đào tạo ra nhiều anh tài cho nước Nhật và thế giới, trong đó, trường đại học Rissau từng là nơi đào tạo bậc tỉến sĩ cho Thầy Thích Trí Quảng, hiện là Đệ Tứ Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam của chúng ta.

Từ những bài pháp giảng của Thầy Thích Trí Quảng, tụi mình khởi tâm muốn được tìm đến với Ngài Nhật Liên Thánh Nhân, và duyên đưa tụi mình tìm đến được với ngôi chùa Bổn Môn của phái Nhật Liên Tông, được đặt tại nơi chôn nhau cắt rốn của Ngài, đồng thời cũng là nơi còn lưu lại phần tro cốt của Ngài sau cuộc đời đúng 60 năm bôn ba hoằng pháp nhiều nơi trên nước Nhật. Ngôi chùa nằm ở ngoại ô Tokyo, chúng mình có mô tả chi tiết trong bài viết đầu tiên của loạt ký sự hành trình lần này. Những tưởng như vậy đã là quá đẹp cho một cuộc tìm kiếm theo dấu chân một trong những vị đại sư mang tầm ảnh hưởng lớn đến Phật giáo Nhật Bản. Không ngờ dọc dài trên đường đi, một ngày, anh hướng dẫn viên đưa tụi mình đi khảo sát đã kể cho tụi mình nghe chuyện anh lên mạng tìm kiếm thêm những nơi có những cội đào độc đáo để đưa khách đến viếng mùa hoa đào, lại vừa tìm ra được một vùng đào cổ khá xa xôi khỏi Tokyo, nên không nằm trong địa điểm của những tour ngắm hoa đào trong du lịch phổ thông. Nơi này lại vô cùng được biết đến bởi người dân địa phương, bởi hàng loạt những cội đào hàng mấy trăm năm tuổi, tán xoè rộng trải dài trên một vạt đất mênh mang bên trước một ngôi cổ tự. Và tìm hiểu thêm chút nữa, anh hoan hỉ phát hiện ra, ‘ông tổ’ của những cội đào sum suê ấy chính là một ‘cụ’ lão đào, có tuổi đời cho đến nay phải hơn 2.300 tuổi!

Câu chuyện làm cho tụi mình sửng sốt, bởi vì một cây đào làm sao có thể sống đến ngần ấy năm? Anh hướng dẫn viên nói, đúng rồi, vào năm ‘cụ’ được khoảng 1.300 tuổi thì cụ chết tự nhiên, kiểu ‘chết già’. Và đó là thời kỳ Ngài Nhật Liên Thánh Nhân đang hoằng pháp tại ngôi chùa ấy. Ngài ngồi dưới cội đào đã chết lão, trì Kinh Pháp Hoa trong vòng 21 ngày thì cội đào hồi sinh! Và cho đến hôm nay, Ngài Nhật Liên đã nhập diệt trên dưới một ngàn năm, còn cội lão đào vẫn còn ở đó. Tuị mình liền nói anh hướng dẫn đưa tụi mình đến đó, tụi mình muốn ngắm ‘cụ lão đào’, lại càng muốn đến được ngôi chùa xa xôi mà ngày đó, Ngài Nhật Liên đã từng có thời gian hoằng pháp tại đó, và hơn thế nữa, đã từng ngồi trì Kinh Pháp Hoa 21 ngày để vực dậy sự sống cho cội lão đào!

Đường đi đến tỉnh Yamataka không tiện để di chuyển bằng tàu điện giống như những địa điểm khảo sát khác. Điều đó cũng không làm cản trở tâm huyết muốn tìm đến một nơi thật đậm đà gắn bó với dấu ấn của Ngài Nhật Liên, và hơn thế nữa, một nơi thật khuất, không phải dấu chân quen thuộc của những khách du lịch phổ thông. Một nơi mà tụi mình tin là chúng mình sẽ có thể ở đó mà tu tập một buổi ròng, để thực sự như được ‘cắm nguồn’ về với nguồn mạch của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa từng chảy qua một thưở, trên đất Nhật. Thuê một chiếc ô tô riêng (ở Nhật, tiền thuê ô tô riêng khá đắt đỏ so với các phương tiện di chuyển công cộng vốn quá tiện và dễ dàng), chúng mình một đường thẳng tiến, đến với Takegawa-cho, thành phố Hokusha, tỉnh Yamanashi.

Thời điểm chúng mình đi khảo sát là tầm giữa tháng Sáu, chớm hè. Ra khỏi những trục đường quen thuộc, dần đến khu vực này, trong những thoáng chốc, đồng ruộng xanh mát, cây cối sum suê dọc hai bên đường làm mình thấy giống ở miền Tây chúng mình ở Việt Nam hết sức. Đi tầm mấy tiếng đồng hồ, xe rẽ vào một con đường làng. Lại giống tương tự những con đường làng nhỏ nhắn, thanh bình ở các tỉnh thành phía Bắc Việt Nam, để dẫn vào những ngôi đền hay chùa cổ kính. Quả thật, đi được thêm một đoạn thì anh hướng dẫn báo, tới rồi.

Tụi mình khá hồi hộp bước đi dọc theo con đường nhỏ rợp bóng cây. Đây hẳn là những cây ‘đào cháu, đào chắt’ của ‘Cụ Lão Đào’ trong truyền thuyết đây rồi. Những cây đào này tuổi cũng hàng mấy trăm, thân to mấy người ôm không hết, còn tán cây thì ôi…, đẹp lả lướt luôn! Mùa này đã qua mùa hoa đào, trái đã tựu chi chít trên những cành lá xanh mướt. Đây là loại đào không ăn trái được, tuy nhiên, dàn cây đào mướt xanh này vẫn tạo cho người đến thăm một cảm giác hân hoan, cảm động khó tả, kiểu được vô tình ngắm mỹ nhân, cho dù các nàng có đang ăn vận sơ sài, cũng không đang vào lúc trang điểm tô vẽ lộng lẫy nhất, vẫn làm lòng người lâng lâng. Mình biết, ống kính hữu hạn của máy ảnh của chúng mình khó thể nào bắt được trọn vẹn nét mỹ miều toả rộng của hàng chục tán đào rộ nét xuân thì như vậy, nên đành chụp vào mắt của mình, cố gắng ghi nhớ lại càng nhiều càng tốt nét đẹp vừa kiêu hãnh vừa thanh tao này. Mình nghĩ, vườn đào này mà vào vụ nở rộ thì chắc đẹp phải biết. Anh hướng dẫn bảo, thầy trụ trì ở chùa quen anh có bảo, cứ vào mùa đào rộ, sẽ có một lễ hội địa phương ở đây, và khu vực này rợp bóng người trong suốt cả tuần lễ. Và người đến thưởng hoa đào chủ yếu là người địa phương, vì vậy, nét thưởng đào của họ cũng khá nhẹ nhàng, thanh tú, không phải kiểu hơi vội vã hấp tấp đến chụp hình check in rồi đi như kiểu khách du lịch từ muôn phương.

Chúng mình nghe, cũng có chút ước mong được có mặt ngay tại khoảnh khắc đào đào khai hoa rộ nhất. Tuy vậy, cũng đủ thức thời để nhận ra, một là các loại hoa đào nở rất… theo duyên, tuỳ thuộc nhiều vào thời tiết cụ thể, mà chỉ đến gần sát ngày đào nở, người ta mới có thể tạm chắc chắn đào sẽ nở ngày nào. Vì vậy, đúng là chỉ có người dân địa phương mới có thể chắc chắn đón được cảnh đào khai rộ mà đến thưởng thức kịp thời, chứ những khách du lịch phương xa như kiểu chúng mình, lịch tour lên trước tầm vài tháng, thì chỉ có nước… hên xui. Hai nữa, lý do này cũng quan trọng không kém, là chúng mình đến đây để thưởng ngoạn không gian chùa và mong được tu tập một ngày tại đây. Vì vậy, khi và mùa đào nở rộ, người người chật như nêm, không gian không đủ yên tĩnh và riêng tư để chúng mình có những thời tĩnh tâm, đọc Kinh Pháp Hoa, niệm đề kinh “Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” và đi kinh hành như chúng mình mong ước. Vì vậy, dũng cảm chọn luôn… ngày 17/4, theo lịch thường năm là mùa… vừa qua khỏi vụ hoa đào. Mùa ấy khách du lịch phổ thông cũng đã vãn bớt, thời tiết vẫn còn se se mát để chúng ta thưởng thức đuợc không khí và cảnh sắc của nước Nhật lúc giao mùa; mà nếu đủ may mắn, biết đâu sẽ còn lại một số nụ đào chậm chạp đang nở nốt đợt cuối cùng thì sao. Và quan trọng hơn, chúng mình sẽ đi tầm mười ngày trước ‘đợt cao điểm’ lễ 30/4, thì lại có thể yên tĩnh hơn đợt đi ngay lễ rồi. Chọn được thời điểm 17-21/4/2024 cho hành trình này, tụi mình nhẹ nhõm cả người. Chỉ vỏn vẹn năm ngày cho một hành trình đủ đầy đặn, đủ ấm cúng, đủ chạm và xúc động, coi như cũng mừng bước đầu rồi.

Bước thẳng vào trong, bên phải ngôi chánh điện chính là Cụ Đào già. ‘Cụ’ đương nhiên không thể quá tươi tắn sum suê như các con cháu của cụ ở bên đường ngoài vào. Tuy nhiên, so với số tuổi 2.300 năm, Cụ xem ra vẫn còn khá phong độ. Với tên gọi chính thức là Yamataka Jindai Zakura, Jindai Zakura là cây anh đào được cho là một trong những cây anh đào lâu đời nhất ở Nhật Bản. Theo dữ liệu chúng mình tìm hiểu được trên Internet, cây lão đào này cao khoảng 13,6m, với các nhánh kéo dài 27,0m theo hướng Đông Tây và 30,6m theo hướng Bắc Nam.

Truyền thuyết kể rằng một vị anh hùng trong thần thoại Nhật Bản, Ngài Yamato Takeru, đã trồng cây này. Sau đó, vào thời kỳ Kamakura (Kiếm Thương), Ngài Nichiren – Nhật Liên đã cầu nguyện cho cây phục hồi. Để rồi, trải qua hàng trăm năm sau, cùng với thăng trầm của thời gian, đã có đến vài thập kỷ, tán cây đã bị thu hẹp, người ta xác nhận rằng chiều cao và độ dày của cây đã giảm từ đầu đến giữa những năm 1900. Cũng đã có lúc cây gặp nguy cơ lớn, một phần thân cây bị khô héo trong một thời gian dài. Năm 1948, người ta nói rằng cây sẽ chết trong vòng ba năm tới, và trên thực tế, vào năm 1951, có một số cành dày của cây đã bị chết. Hơn thế nữa, cơn bão xảy ra vào năm 1959 đã đặt cây vào tình thế vô cùng nguy kịch. Sau đó, cây trở thành đối tượng được bảo vệ, và người ta xác nhận rằng nó đã bắt đầu phục hồi vào đầu những năm 2000 nhờ những nỗ lực tích cực để bảo tồn cây. Vàđiều cảm động là, cũng tương tự như những loại cây sống lâu năm thuộc hàng kỷ lục, hạt giống của Cụ Lão Đào Jindai Zakura cũng đã được gửi đến Trạm vũ trụ quốc tế “Kibo”, và sau khi trở về, đã có haivcây hoa anh đào đã mọc lên. Sự phát triển của các vị Jindai Zakura con hiện đang thu hút sự chú ý như một loại hoa anh đào ngoài không gian, đang rất được mong đợi.

Mình và em Phong trầm ngâm đứng khá lâu bên ngoài hàng rào bảo vệ Cụ Lão Đào Jindai Zakura. Một cảm giác xúc động đến lạ lùng dâng ngập tràn cả hai chị em, khiến trong một lúc, chúng mình không nói nên lời. Cái cảm giác tương tự cái hồi chúng mình được đến hang động sâu ở Ajanta ở Ấn Độ, nơi mà cách đây gần 2.000 năm Ngài Trần Huyền Trang – Tam Tạng Pháp sư nổi tiếng của đời Đường Trung Hoa cổ đại đã từng đến viếng và đã có những mô tả trong quyển Đại Đường Tây Vực Ký… Còn hôm ấy, là cảm giác, phải chăng chính nơi này, vào thế kỷ thứ 12-13, Ngài Nhật Liên Thánh Nhân từng toạ dưới cội cây này, dùng những lực từ bi cùng lực độ bất khả tư nghì của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa mà làm cho cội đào sống dậy… Cội đào sống dậy là chuyện cảm động đã đành, nhưng câu chuyện lại thêm một lần nữa cho chúng mình một số cảm nhận về lực ‘không thể nghĩ bàn’ mà chữ Diệu trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa có thể mang tới cho những ai có đủ niềm tin và căn lành. Cảm tưởng này khiến chúng mình có chút rưng rưng.

Ngôi chùa thanh tĩnh và giản dị, rất gần với một ‘ngôi chùa để tập trung tu tập’ như đại đa số những ngôi chùa ở Việt Nam, không phải dạng ‘chùa thắng cảnh’ để đến viếng hay thuần chiêm bái. Tôn tượng Ngài Nhật Liên uy nghi giữa sân, cùng rải rác những câu trích về những lời dạy vàng ngọc của Ngài để lại cho chư đệ tử, và mình hiểu được, vì sao những người theo phái Nhật Liên Tông lại yêu chuộng hoà bình và tình yêu thương bác ái đến vậy. Vì, tận cách đây gần mười thế kỷ, những lời dạy của Ngài Nhật Liên, trước sau vẫn tập trung khơi dậy, và xây dựng sự hoà ái giữa con người với con người…

Tụi mình ngỏ ý muốn xin được lưu lại đây để tu tập một ngày ròng, kiểu format đại cộng hưởng đã rất quen thuộc với các chuyến đi trong nước. Phía đối tác chúng mình làm việc với các vị sư trẻ trong chùa, và kết quả thật mỹ mãn. Từ Phú Sĩ, chúng mình sẽ đi xe thẳng về đây, để trải qua một ngày tu tập dưới tán những cây đào, như ý chúng mình mong muốn. Sẽ có những thời lạy đề kinh Pháp Hoa, thời trì đọc Bổn Môn Pháp Hoa, thời kinh hành, thời tĩnh tâm quanh cội Lão Đào… Chúng mình tin, những ai đủ duyên tham gia cùng chúng mình trong chuyến hành trình AN trên đất Nhật, tuyến thứ hai này sẽ cảm nhận được những lợi lành mà ngày huân tu cùng nhau tại ngôi chùa cổ có cội Lão Đào Jindai Zakura mang đến.

Ngày khởi hành cũng đã đang đến gần hơn. Cùng với những sự háo hức nhất định cho một chuyến hành trình với nhiều thú vị, chúng mình cũng mang theo ước mong được gặp lại Cụ Lão Đào thân thương này, và hơn thế nữa, được cùng với hàng chục người tu tập, kết nối với nhau trong từ trường thân thương của Cụ Đào. Chúng mình tạm chia sẻ với nhà mình một số bức ảnh chúng mình chụp được ngày chúng mình đến khảo sát, và tin rằng, khi chuyến đi thật sự diễn ra, những hình ảnh chúng ta cùng nhau sẽ càng trở nên sống động, rực rỡ hơn nữa.

Thương lắm.

Ký sự hành trình chuyến khảo sát AN trên đất Nhật Bản – Tuyến 2: Tokyo – Fuji – Kamakura – Yamataka.

(09.03.2024 – QH & MayQ Team)

#NhatBan #Japan
#ANtrendatNhat #ANinJapan
#MayQ #MayQGo

Chia sẻ:

Bài Viết Liên Quan