Search
Close this search box.

BHUTAN – TIGER NEST

BHUTAN - TIGER NEST

Những ngày này, khi chuyến AN Bhutan bắt đầu nhận đăng ký, lòng chúng mình cũng lại nao nao những cảm xúc, về chuyến hành trình khải sát vào năm 2019 ấy. Ngày đó, Bhutan đã mở ra cho chúng mình rất nhiều những cảm xúc khác nhau, vừa bình yên, vừa dễ chịu, và cũng có những điểm đến, vừa thử thách tinh thần, ý chí của chúng mình, trong những cuộc vượt dốc. Vậy thì ngày hôm nay, chia sẻ lại cả nhà mình những dòng Ký sự hành trình được ghi lại bởi chị QH, trong ngày mọi người đến với Tiger Nest nhen!


TIGER NEST

Trước đó, cũng biết Tiger Nest nổi tiếng thế giới. Trước đó, cũng biết Tiger Nest đẹp và linh thiêng. Trước đó, cũng biết Tiger Nest rất cheo leo nên khó đi…
Nhưng dường như, chỉ đến tuần rồi, chính thức đặt chân đến Tiger Nest, chính thức cùng những bước gian nan và vất vả vượt qua núi rồi rừng rồi vực thẳm rồi lại non cao…, mới thực sự cảm nhận Tiger Nest khó đi như thế nào. Và cũng vậy, mới thực sự trải nghiệm được cảm giác xúc động đến rưng rưng khi, lẫn trong sương mờ, Tiger Nest hiện ra mờ ảo, rồi rõ nét dần khi lớp mây mù tan đi…, rồi lại tiếp tục chìm vào sương hay mây dày đặc, như một một minh chứng rõ nét nhất cho sự vô thường của cuộc đời… Và cũng mới thực sự cảm nhận được cảm giác thiêng liêng đến trong từng hơi thở, khi chính mình được ngồi yên ở trong một trong những ngôi đền ở đó, tĩnh lặng nhắm mắt, tĩnh lặng hít từng hơi thở, chậm, nhẹ và sâu…
Đời người, có một lần vượt được mọi gian nan để đặt chân đến Tiger Nest một lần, kể ra cũng là một may mắn lớn, và một niềm hạnh phúc lớn.
Cái hôm tụi mình leo lên Tiger Nest, trời ui ui và nhiều mây mù. Em Yến Hương mình quyết định chọn đi ngựa để thử trải nghiệm cảm giác vượt đường dốc bằng phương tiện ‘taxi trong núi’ này, để sau này tư vấn cho khách yếu sức khỏe hơn. Mình và em Phong quyết định đi bộ. Hai chị em đã được dặn trước để mặc nhẹ, thoáng và mang giày bám tốt, vậy mà đường dốc lên vẫn khá nhọc nhằn. Người đi lên đông nườm nượp, đủ mọi quốc tịch. Cứ đi một chút sẽ dừng lại để thở. Vậy mà hay nha, trước đó mệt muốn đứt hơi, nhưng chỉ cần đứng yên lại, nhắm mắt khẽ điều tức hơi thở cho nhẹ nhàng, thì tầm 2-3 phút sau lại thấy khỏe lại như thường. Lại cần mẫn trèo…, trèo…, trèo.
Nhiều cô bác người bản xứ cũng tham gia trèo lên, nhiều người khá lớn tuổi. Người dân địa phương có bán hoặc cho thuê các cây gậy chuốc sơn chỉn chu, có cô còn mang theo cả túi đường phèn, gặp tụi mình và vài khách châu Âu đang miệt mài trèo tới, bèn tặng cho mỗi người một mẩu đường phèn nhỏ. Trời, một miếng quý như vàng luôn, vì đường phèn ngọt và lâu tan, ngậm trong miệng sẽ đỡ mệt hơn được chút. Mình lôi điện thoại ra, mở một album các bài Mantra (các bài chú được hát theo những giai điệu du dương) và cứ nương theo những giai điệu ấy mà bước, tâm trí được chia ra bớt nên cũng cảm thấy đỡ đỡ đi nhiều…
Leo khoảng chừng một tiếng rưỡi thì tới được trạm dừng chân nghỉ mệt ven đường. Tại đây chúng mình gặp lại em Yến Hương. Hóa ra có đi ngựa thì cũng chỉ được chở tới đây mà thôi, vì chẳng đường sau đèo dốc hiểm trở, ngựa không thồ lên được. Tiger Nest hiện lên trước mắt… Trong một ngày mây mờ mù mịt, em ấy hiện ra mờ mờ ảo ảo, mà khiến cho da gà mình cứ nổi lên từng đợt, và trái tim tự nhiên cứ thắt thắt lại… Anh bạn hướng dẫn viên địa phương cười nói, chị biết sao mà chúng tôi không bắt cáp treo lên đây không? Vì hình như vất vả càng nhiều, nỗ lực càng bỏ ra, thì khi ngắm được cảnh này người ta càng cảm nhận cái thiêng liêng mà mình đang chạm đến, chị ạ…
Mình hoàn toàn đồng cảm với anh.
Tiếp tục chặng đường thứ hai thì mưa cũng bắt đầu nặng hạt. Trời mù mịt. Tụi mình cứ cắm cúi nắm tay nhau mà kéo nhau, mà bước, ít lâu lại dừng lại, thở. Những giai điệu Mantra giờ đây trở nên vô cùng thương thiết, nương theo đó mà đi… Tuy vậy, cảnh đẹp ven đường cũng làm chúng mình ngây ngất. Càng lên cao, mây vờn quanh những chỏm cây, mây quyện vào thành từng quầng xa xa gần gần, cảnh bãng lãng bàng bạc, tựa như tiên cảnh.
Đột nhiên, Tiger Nest lại một lần nữa hiển hiện trước tầm mắt, lần này thật quá gần…, gần như thể nếu ta có đôi cánh của chim, sẽ chỉ cần chắp cánh bay sang trong vòng 30 giây! Thế nhưng , thực tế là, Tiger Nest đang cách chúng mình đến hẳn một quả núi! Nghĩa là, để đến được chốn ấy, cần phải theo những bậc thang mà trèo xuống tận vực thẳm…, để rồi đến cuối vực, lại men theo những bậc thang mỏng manh mà trèo ngược lên trên sườn vách đá bên kia!
Những dòng người cứ theo nhau mà đi… Có những người đi ngược lại, người đang đi tới thì hô “Congratulations! You did it!” (Chúc mừng! Bạn đã đến được rồi!) Còn người đang đi ngược lại thì động viên: “Coming close! Keep on!” (Sắp tới rồi, cố lên!” Hoặc đơn giản, chỉ là những câu chào nhau “Hello” vui vẻ, nếu như các bạn ấy… đang không quá mệt.
… Rồi cuối cùng cũng chạm đến tu viện Taktsang – cái ‘Hang Hổ’ lừng danh trong truyền thuyết! Không hiểu sao từ xa nhìn vào trông nó cheo leo thế, vậy mà khi thực chạm chân đến đó, lại thấy cả một quần thể, tuy không tính là quá lớn, nhưng vẫn có vẻ chắc chắn và trang nghiêm đến lạ lùng.
Hình như trong khoảnh khắc đó, bao nhiêu cảm xúc khó tả, nó cứ loang loang trong từng ngóc ngách con người mình. Nước mưa cứ nhỏ tong tong xuống trán, thế nhưng mình không cảm thấy lạnh gì nữa. Cũng như với tất cả các tu viện khác ở Bhutan, việc chụp ảnh quay phim bên trong tu viện là tuyệt đối bị cấm. Ở đây còn nghiêm khắc hơn, tất cả du khách được yêu cầu phải gửi toàn bộ điện thoại, máy ảnh… ở ngoài. Thế là chúng mình đi vào với tâm thế nhẹ tênh. Toàn tâm toàn ý ngắm ngưỡng những gì đang đón chào chúng mình bên trong tu viện.
Gian sảnh chính là phần cổ xưa nhất, đã được xây dựng cách đây nhiều thế kỷ. Tất cả thật đơn sơ. Trong sự ngạc nhiên của mình: không có tượng Đức Liên Hoa Sinh hoành tráng như ở đại đa số các tu viện khác ở Bhutan, mà chỉ có tượng một con thần thú mặt mày khá dữ tợn, cùng một bức ảnh Ngài mà thôi. Ở đây, cần mở ngoặc nói thêm, là Đức Liên Hoa Sinh là một nhân vật lịch sử có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với nhánh Mật Tông của Phật giáo, trải dài khắp Tây Tạng, Bhutan, một phần Ấn Độ…, vì thế ở Bhutan, bạn sẽ được nhìn thấy tôn tượng Ngài khắp mọi đền, chùa, tự viện… Tiger Nest nổi tiếng thế giới cũng gắn liền với tên tuổi Ngài. Thế nên khi vượt đường xá xa xôi, vào đến nơi được cho là ‘gian điện chính, cổ xưa nhất’ thờ Ngài, lại không nhìn thấy tôn tượng Ngài, quả thật có chút lấy làm lạ.
Sau đó mới biết, tương truyền rằng, thuở ấy Đức Liên Hoa Sinh có đến 8 hiện thân, một trong số đó chính là bộ dạng của một con thần thú dữ tợn như vậy, để hàng phục yêu ma quỷ dữ. Chính vì thế, gian điện cổ nhất đã đặt ở vị trí trang trọng nhất, chính là hình dáng thần thú ấy.
Tương truyền rằng, sau khi đến Tây Tạng và lập công trạng lớn: hoằng dương Phật pháp tại vùng đất khắc nghiệt ấy, một ngày Đức Liên Hoa Sinh đã bay đến vùng Taktsang xa xôi hẻo lánh này trên lưng một con hổ cái. Cũng có lời truyền khẩu rằng, khu vực này sau đó người ta nhìn thấy nhiều con hổ cư trú… Cả hai giả thiết này đều giúp cho khu vực núi non Taktsang xa xôi mang tên gọi ‘Hang Hổ’ – Tiger Nest.
Tuy vậy, điều làm cho Tiger Nest lừng danh thế giới lại không phải nhờ cái biệt danh của nó, mà chính là vì Đức Liên Hoa Sinh đã chọn đúng nơi núi non cao vòi vọi ấy để ngừng chân và tĩnh tâm thiền định một thời gian không ngắn. Điều đó, trong con mắt của hậu thế, mang nghĩa trường năng lượng nơi non cao ấy hẳn cao gấp nhiều lần so với bình thường. Vì thế, bên cạnh việc vất vả đường xá hiểm trở để lên được đến tận nơi Đức Liên Hoa Sinh từng cư ngụ, để được đảnh lễ Ngài, nhiều người còn mong mỏi sẽ được ngồi tĩnh tâm thiền định một ít thời gian tại đây. Thậm chí, có lời ví von rằng, năm phút thiền tĩnh tâm ở Tiger Nest có tác dụng tương đương một vài tháng ở một nơi bình thường khác.
Điều này, mình không biết thực hư thế nào. Chỉ có điều, một may mắn lớn khi trong buổi sáng ấy, mình đã tranh thủ ngồi xếp bằng, nhắm mắt, tĩnh tâm hít thở sâu ở hai trong số các gian điện thờ. Không khí xung quanh không tính là quá yên tĩnh, khi hết đoàn khách này đến nhóm khách khác lần lượt tiến vào, bái lạy hoặc lắng nghe hướng dẫn viên địa phương giảng giải về một vấn đề gì đó… Thế nhưng thật kỳ lạ, những tiếng lao xao khe khẽ ấy, thời khắc đó vẫn lao xao đó chớ, nhưng dường như không hề bị mâu thuẫn hay cản trở sự tĩnh tâm thanh tịnh của mình. Vẫn nghe, vẫn cảm nhận vạn sự xung quanh, nhưng vẫn thấy mình tập trung vào từng hơi thở, đủ nhẹ nhàng để cảm thấy không khí ở đây sao mà nhẹ bẫng…, đủ chậm để nghe không khí như chảy từng luồng, khoan thai, đi vào cơ thể rồi lại đi ra khỏi cơ thể…
Hôm trước gặp một vị lạt ma, vị ấy có khuyên rằng khi nhắm mắt hít thở và quyết định niệm hát (chant) một câu chú (mantra) của một vị Phật/thần nào, khi nhắm mắt, trong đầu nhớ mường tượng đường nét mặt của vị ấy. Thú thật lúc đó mình nghe có hơi thấy… mơ hồ, vì toàn bộ hệ thống các tượng Mật Tông với mình thiệt là khó phân biệt rõ vị nào với vị nào. Vậy mà, buổi trưa hôm đó trên đỉnh Tiger Nest, lúc mình… tự sáng chế ra một câu để ‘kết nối’, trò chuyện bằng tâm với Ngài Liên Hoa Sinh – nhân vật chốt yêu của toàn khu đền thờ thiêng này, tự nhiên qua đôi mắt nhắm, mình mường tượng ra được gươmg mặt Ngài thật rõ nét. Đây có phải được xem là một chút ít gì tiến bộ không? Dù sao trong lòng cũng thật hoan hỉ. Kết thúc thời thiền ngắn, mấy chị em vui vẻ theo chân anh hướng dẫn địa phương, trèo trở lại xuống núi.
Đừng tưởng chỉ có đi lên mới nhọc nhằn. Đi xuống, dốc cũng không hiếm chỗ làm khó chúng mình với đường trơn trược và phải gồng đầu gối thiệt mỏi. Cậu em trong team nảy ra sáng kiến. Nó nắm chặt tay mình, hai chị em – đứa này làm cây gậy di động của đứa kia, và nắm tay nhau bước băng băng, gần như chạy xuống. Vậy mà đỡ mệt, và đỡ đau hẳn đầu gối à! Mình nhắc lại phần rút kinh nghiệm ngay trong đầu: mốt nhớ dặn khách, mỗi người phải thủ sẵn 02 cây gây chống hai bên, đi lên đi xuống đều rất đỡ nha!
Tiếng nhạc vang ra từ điện thoại của mình những giai điệu mềm mại của giọng nữ ngọt ngào, cô Imee Oii trong một bản mantra mà mình không nghe ra rõ cổ đang niệm hát gì. Hỏi cậu hướng dẫn địa phương, cậu ấy lắng tay nghe một chút rồi nói: Đây ạ: “Om A Hung Benza… Guru Padme Siddhi Hung”. Và cậu ấy mỉm cười: “Đó chính là câu mantra để cầu nguyện Đức Liên Hoa Sinh mà chúng ta vừa đảnh lễ trên núi đó ạ!”
Trời, mình nổi da gà. Cái hồi nghe thấy giai điệu hay hay rồi download về điện thoại để mở ra nghe dần, nào ai biết đó lại chính là câu cầu nguyện đúng ngay nhân vật truyền kỳ – vị được người dân Bhutan tôn lên thành “2nd Bhuddha” – vị Phật thứ hai trong lòng họ sau Đức Thích Ca Mâu Ni, và cũng chính là nhân vật chính làm nên huyền thoại cho toàn bộ vùng Tiger Nest này!
Vừa đi vừa chạy, vừa ngắm cảnh trí xung quanh, tầm độ hơn một giờ thì xuống được chân núi. Bắp chân, đùi, hai bên hông và mông… như đồng loạt biểu tình ^^ Anh hướng dẫn địa phương vẫn điềm tĩnh cõng ba lô đi bên cạnh chúng mình, vẫn nho nhã hướng dẫn chúng mình làm này làm kia…, như chưa hề trải qua cả một ngày lặn lội vất vả gian nan. Mình nhìn trở ngược lên dốc núi cao, nhìn lên đền Taktsang – Tiger Nest giờ trở nên vô cùng bé nhỏ, ngẫm trong đầu, thôi, chắc là mình đi lần này là lần duy nhất trong đời! Một lần, quá ấn tượng, có lẽ cũng đủ.
Tối đó về, lăn ra ngủ sớm. Mà ngủ mê mệt, ngon quá sức. Sáng thức dậy trong ánh bình minh…, vặn vai rồi rộn ràng soạn ba lô chuẩn bị ra về…, một chốc ngỡ ngàng nhận ra, ủa, sao toàn bộ cơn mệt, cơn mỏi cơ của mình ngày hôm qua đã biến đâu mất như chưa từng xuất hiện. Thật… vi diệu ^^
(2019 – QH)

Vài lưu ý nếu muốn tham gia leo núi lên Tu viện Tiger Nest:

– Đảm bảo đủ sức khỏe, đặc biệt là sức bền. Không thì nên luyện trước ý chí thiệt mạnh mẽ, để có mệt cũng không chùng bước.
– Quần áo phù hợp với thời tiết trong năm. Khoảng tháng Sáu nếu chúng mình mở được chuyến bay thẳng, trời đã khá ấm rồi, nên chỉ cần mặc thoáng, quần dài, áo tay dài để che nắng nhưng đừng bằng chất liệu không thấm hút mồ hôi, dễ sinh ngốt.
– Giày phù hợp là một điều ưu tiên! Cố gắng đi giày đi bộ, tốt hơn nữa tìm giày trekking với độ bám chặt hơn giày thể thao bình thường.
– Nên trang bị 2 cây gậy chắc chắn. Tốt nhất là gậy chuyên dùng leo núi. Nếu không có, hãy mua hay thuê gậy của dân địa phương bán/cho thuê dưới chân núi.
– Nên có áo khoác chống gió và nước, loại có kèm mũ chụp đầu. Đem theo hờ áo mưa, dù nhẹ cũng là một chọn lựa bổ sung tốt.
– Mang hành lý thật gọn nhẹ, và nên đeo dạng ba lô sau lưng tạo thế cân bằng, đỡ mỏi.
– Nên đem theo 01 chai nước suối, và ít kẹo hoặc đường phèn để ngậm dần.
– Nhạc mantra trong điện thoại để nghe, tác dụng nâng tinh thần không ít.
Vậy thôi đó! Bạn đã sẵn sàng cho một chuyến trải nghiệm Tiger Nest chưa? MayQ Go sẽ mở hành trình AN Bhutan vào tháng 3/2024 sắp tới. Bạn cùng đi với chúng mình nha?

AN BHUTAN – BHUTAN XINH ĐẸP & GIÀU NĂNG LƯỢNG“

Thời gian: 19 – 24/03/2024 (5 ngày 4 đêm)
LIÊN HỆ: MayQ GO
Hoặc liên hệ Hotline/Zalo/Viber:
– Ms Thùy Trân: 0889462181
– Mr. Nam: ‪0947538008
Chia sẻ:

Bài Viết Liên Quan

TỪ LƯƠNG HOÀNG SÁM: ‘SÁM HỐI’ LÀ GÌ?

TỪ LƯƠNG HOÀNG SÁM: ‘SÁM HỐI’ LÀ GÌ?

[Từ #Lương_Hoàng_Sám]Vị Sư cô đầy uyên bác mà mình hữu duyên được gặp gỡ và chỉ giáo một số điều thật sự ‘thậm thâm vi diệu’ từ pháp Phật, một ngày cô dặn mình, con về, cố gắng kiếm thời gian mà ngồi nghiền ngẫm lại thật kỹ bộ Lương Hoàng Sám nha.Cái cách mà Sư

Xem thêm »