Nhớ hôm bữa tối cuối cùng trước ngày chia tay tour An lạc Tuổi Vàng 3 ở Đà Lạt, chia sẻ với các cô chú anh chị ở đó, mình có nói về sự ‘kết nối tâm linh’ mà mình cảm nhận rất rõ, khi tự mình đặt chân lên những vùng đất thiêng trong tour Hùng Sử Việt. Là cùng một hành trình thôi, nhưng với các bạn trẻ, mục tiêu chính là hướng về sử và niềm hứng thú, yêu mến lịch sử nước nhà, để qua đó, dần dà sẽ phát triển tình yêu quê hương đất nước một cách thật tự nhiên và sâu đậm. Còn với đối tượng là người trưởng thành, chúng mình lại thật lòng muốn hướng mọi người đến thêm một khái niệm sâu sắc hơn nữa: ‘Kết nối tâm linh’.
Phải, bởi như có lần mình chia sẻ với con trai Tin Nhái của mình: hãy là một người có biết kính ngưỡng tổ tiên, ông bà, sẽ giống như một cái cây có gốc rễ sâu, sẽ không dễ dàng bị gió giông quật ngã giữa những phong ba của ‘thời mạt pháp’.
Cái duyên mình từ từ cảm nhận sự thiêng liêng và kỳ diệu của khái niệm ‘kết nối tâm linh’ cũng lạ lùng lắm. Từ một đứa khá ‘vô thần’, để rồi trải qua những thăng trầm khó tránh khỏi của một đời sống – cả về đời sống cá nhân lẫn công việc, mình mới từ từ buộc lòng nhìn nhận rằng: thế giới này, cuộc sống này không đơn giản chỉ là 1 + 1 = 2, và không phải rằng chỉ có những gì thuộc về chính mắt ta thấy, tay ta sờ được mới gọi là ‘có thực’.
Có những điều thiêng liêng lắm, thuộc về tâm thức, thuộc về những ‘làn sóng’ (frequencies) thật là vi tế, mà mắt trần nhìn không thấy, tay chạm không tới, mà nó có thật, còn hơn thế nữa, có lẽ, những ‘tầng sóng vi tế’ ấy vẫn hiển hiện đâu đó xung quanh chúng ta, lẳng lặng chở che bảo vệ ta trong cuộc sống hàng ngày, mà đâu phải ai cũng dễ dàng ‘cảm’ được!
Mình không dám lạm bàn những chuyện của người khác. Chỉ dám mạnh dạn lấy chính những câu chuyện đã từng xảy đến với bản thân mình để khẳng định điều đó. Hơn nữa, với đặc thù nghề nghiệp mà mình từng theo đuổi hơn 20 năm qua, nghề dẫn chương trình, một cái nghề mà mình tự trào một cách ví von là “y như nghệ sĩ xiếc đi trên dây mà không có thắt đai bảo hiểm”, nếu không có đức tin một lòng vào Ơn Trên che chở bên cạnh sự chuẩn bị kỹ lưỡng mọi lúc mọi nơi, có lẽ số lần chúng mình bị ‘sụp hầm’ sự cố không đơn giản chỉ dừng lại mấy vụ.
Cuộc sống riêng của mình cũng vậy. Không phải rất bị lệ thuộc vào những lời nguyện cầu, nhưng mình nghiệm thấy, mỗi khi mình thực sự bế tắc, quá xuống tinh thần, việc dốc lòng tin tưởng vào những lời nguyện cầu với những đấng Ơn Trên mà mình cảm nhận được sự thiêng liêng, sự che chở luôn mở ra cho mình những phương cách giải quyết, những hướng đi thoát hiểm. Mình mang ơn những lối thoát mở ấy, và cũng chính từ việc cảm nhận sự linh thiêng có thật đó, mình mỗi ngày ráng ‘tu dưỡng’ mình thêm một chút. Thì bạn thử nghĩ xem, nếu bạn cảm nhận được thực sự ông bà tổ tiên bạn đang vẫn bên cạnh bạn, vẫn ngày ngày dõi theo mọi hành động của bạn, bạn có dám… làm gì bậy không à?
Nhưng bù lại, việc dốc lòng tận lực cố gắng, cộng với sự hết lòng tin tưởng sự che chở, phù hộ của Ơn Trên sẽ làm cho mình thêm vững tin vào những gì mình đang làm, con đường mình đang đi. Mà bạn biết đó, sự vững tin cho con người ta sức mạnh to lớn lắm. Lại một lần ngẫm lại thêm trường hợp của mình: nếu không có sự vững tin được Ơn Trên che chở vì đang đi đúng hướng, sức lực nào, năng lượng đâu mà cả team MayQ Go tụi mình đã ‘quật cường’ mà làm việc bằng 200-300% sức làm việc bình thường, để có thể đẩy MayQ Go lăn theo một tiến trình ‘chóng mặt’ như vậy trong suốt mấy tháng qua?
Cái mình thực sự muốn làm, chính là truyền cho mấy anh chị em, đồng sự, mấy đứa nhỏ trong team chúng mình hiểu sức mạnh của những giá trị tinh thần này. Và một khi tất cả toàn team đều đã đồng loạt cảm nhận được những giá trị ấy, tụi mình thật lòng muốn truyền cho toàn bộ những ai yêu mến và tin tưởng MayQ Go chính những cảm xúc ấy. Những cảm xúc về lòng tin mạnh mẽ về sự kết nối thiêng liêng về tâm thức với Ơn Trên trong cuộc sống hàng ngày. Để cùng nhau, mỗi người chúng ta đều biết trân trọng những giá trị tâm linh hơn, cùng nhau sống trong an yên và tu dưỡng mình tốt hơn.
Khi chính thức đặt tên cho nhánh Hùng Sử Việt một cái tên song song là Kết nối tâm linh Việt, tụi mình thực sự rung động trong những cảm xúc ấy. Những nhân vật Thánh Gióng, Tản Viên Sơn Thánh, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền… nào đâu chỉ vỏn vẹn nằm trên những trang sách sử hay trong những câu chuyện huyền thoại. Họ vẫn còn hiển hiện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta bây giờ, mà một ngày nào đám con cháu hậu thế là chúng ta còn nhớ đến họ, còn quan tâm đến hay có ước muốn quay về đất thiêng của họ để cúi đầu chào họ một cái, họ sẽ còn sống mãi!
Trong số các vị ‘có mặt’ trong tuyến tour Kết nối tâm linh Việt 1 này, có hai (nhóm) vị mình thực sự vô tình mà được Duyên đẩy đến cho ‘gặp’, là Đức Thánh Trần Hưng Đạo, và Hai Bà Trưng. Đức Thánh Trần Hưng Đạo, ngày ấy trong một chuyến đi ra Bắc quay hình cho thí sinh Tiếng hát mãi xanh tại Nam Định, mới được người nhà thí sinh ấy đưa đến Đền Trần ‘viếng cho biết’. Mà ai ngờ, sau đó dẫn dài về sau, Ông đã dần dần thực sự thân thương, gần gũi, là đấng chở che cho những bế tắc đau buồn của mình… Và rồi khi lần lượt đi viếng các nơi, mình mới ngỡ ngàng nhận ra, với hầu hết các đền chùa ngoài Bắc và Bắc Trung Bộ, ở cả các đảo, ở nước ngoài…, Đức Thánh Trần đều được thờ phụng một cách tự nguyện bởi người dân nơi đây với tất cả lòng thành kính, gọi là Đức Thánh Cha, như một vị cha từ ái.
Nếu Ông không thiêng, không thực sự che chở, phù hộ người dân lành trong những nguyện cầu lành và chính đáng của họ, làm sao Ông có được độ kính trọng rộng khắp và sâu sắc như vậy?
Và cũng từ đó, mình bắt đầu ấp ủ quyết tâm đưa những ai hữu duyên ra đất Bắc, ‘gặp’ Ông, giống như mình từng được gia đình cô thí sinh nọ ‘tiếp duyên’ ngày trước. Qua các năm, mình lần lượt đưa được Tin Nhái con trai mình, rồi mẹ mình và các chị em, các con cháu…, rồi đến các chị và các em tâm huyết trong cùng team… Và rồi một ngày tháng Tám này, mình đã đưa được nhóm các bạn thiếu niên trong tour Hùng Sử Việt đầu tiên ra ‘diện kiến’ Ông! Mình kể tụi nhỏ nghe câu chuyện của chính mình, cũng khuyến khích tụi nhỏ, rằng có những gì cần thưa, hãy cứ ‘thưa’ với Ông. Rồi cái lúc mình nhìn lại, thấy bọn nhỏ mười ba mười bốn tuổi, mặt mũi khôi ngô sáng láng chắp tay cúi đầu chào ông, mắt nhắm miệng lầm thầm những lời ‘tâm sự mỏng’ với Ông, mình muốn ứa nước mắt!
Câu chuyện về cái duyên ‘gặp gỡ’ Hai Bà Trưng cũng là một câu chuyện kỳ ngộ, mình có chia sẻ qua rồi. Kể từ lần ngẫu nhiên vào được đền Hai Bà ở Sài Gòn, được nhắc đến một địa danh ‘lạ hoắc’ là Hát Môn, đến lần ra chơi xứ Bắc, đang ngủ gà gật bị xe giật mà ngẩng đầu dậy, đập vào mắt là ba chữ “Đền Hát Môn”, lại đúng ở cái nơi ‘lạ hoắc, xa xôi’ đó, mà lại nhờ… anh lái xe ngẫu nhiên lái sai đường mới gặp được cái đền ấy… Cảm giác nó… nổi da gà lắm chứ!
Mà ‘nổi da gà’ hơn khi từ lần ngẫu nhiên hạnh ngộ ấy, tới nay mình cũng… vòng ngược ra được chỗ ấy mấy lần rồi. Rồi từ Duyên đến duyên, mở ra được thêm một cái Đền Hai Bà Trưng ở Hạ Lôi – Mê Linh, nơi được xây trên chính ngôi nhà Hai Bà từng được sinh ra và nuôi dưỡng lớn lên…, là nơi Hai Bà từng đóng đô khi xưng Nữ Vương sau khi đánh thắng giặc… Cảm giác, nó lạ lùng, thiêng liêng, khó tả!
Nhân vật Thánh Gióng thì mang tính ‘bắc cầu’ hơn. Chúng mình tìm đến Đền Phù Đổng trong tâm thế người đi theo dấu những câu chuyện thần thoại để về ‘kể cho bọn nhỏ nghe’ về Ông Thánh Gióng. Đến nơi thì ngỡ ngàng trước độ hoành tráng và nghiêm túc của cả một quần thể đền. Càng ngỡ ngàng hơn khi biết rằng đền được xây dựng hoành tráng như vậy là nhờ… ông vua đầu tiên của triều Lý, vua Lý Thái Tổ. Mà vì sao vua Lý Thái Tổ lại có việc làm như vậy? Là vì thuở hàn vi, Lý Thái Tổ – vốn tên húy là Lý Công Uẩn, vốn là một cậu bé mồ côi được các sư ở chùa Kiến Sơ bên cạnh đền, cứ ngày ngày lại chạy sang ngôi đền Phù Đổng đơn sơ bên cạnh chùa chơi. Không biết gương Thánh Gióng có hun đúc cho cậu bé mồ côi thêm chí khí hay không, hoặc giả, có âm thầm ‘phù hộ’ cho cậu hay không, mà sau khi đoạt ngôi thành công từ nhà Tiền Lê vốn lúc này đã trở nên quá suy yếu và không giúp ích gì được cho dân chúng, một trong những việc vua Lý Thái Tổ thực hiện là quay trở về nơi ông trải qua thời hàn vi, cho trùng tu đẹp đẽ lại ngôi chùa từng cưu mang ông thuở trước, cùng ngôi đền Phù Đổng, nơi thờ vị Thánh từng hỗ trợ tâm thức cho ông không ít thuở thiếu thời.
Nếu Thánh Gióng không quả thật thiêng liêng, làm sao vua Lý Thái Tổ lại có thái độ trọng thị đến như vậy? Chưa kể, nghe kể rằng mãi về sau này, vào triều Nguyễn, một đời vua quan nào đó của triều Nguyễn cũng đã được ơn Thánh Gióng hỗ trợ mà thắng giặc, nên đã có những lần trùng tu tri ân rất lớn cho ngôi đền Phù Đổng. Bước vào trong gian chánh điện, hôm ấy chúng mình may mắn được vị thủ từ mở cửa cho vào viếng ‘Hậu cung’, nơi thờ tượng Đức Thánh Gióng cao lớn hiên ngang cùng một bên là giáp sắt một bên roi sắt, cảm giác lại tiếp tục…. nổi da gà!
Đền Lý Thường Kiệt vốn cũng không nằm trong lịch trình khảo sát từ ban đầu của đoàn khảo sát chúng mình. Ai ngờ ra đó, chị ‘chuyên gia’cùng đoàn không ngừng nhớ về thời thơ ấu của chị, đi sơ tán về cạnh dòng sông Đáy mơ màng, nơi có Đền Trúc thờ Lý Thường Kiệt cùng sự tích ‘Cuồng phong thổi lá đại cờ cuốn lên đỉnh núi’… Và ‘tín hiệu’ được nhắc thêm lần nữa, khi không hẹn mà gặp, cùng ngày hôm đó, một chị bạn học ngày xưa thời sơ tán cũng có một status dài đầy cảm xúc nhắc về nơi ấy. Mình ‘cảm’ được ‘tín hiệu’ này liền, mình nói anh lái xe mở tuyến phát sinh, đưa chúng mình đến đó, xem thử…
Và mọi chuyện như mọi người có lẽ cũng đã nhìn thấy. Cả một câu chuyện dài và đầy hấp dẫn về ngài Thái úy Lý Thường Kiệt, khu hang động 5 ngăn rộng và kỳ bí nơi ngài từng đóng quân… Và điều này mình chưa kể qua nè: cụ bà thủ từ kể, bà vốn là một dược sĩ về hưu, đột nhiên một ngày cảm nhận được sự thôi thúc phải quay về Đền Trúc để phụng sự chăm chút cho nơi thờ tự ngài Lý Thường Kiệt. Bà về đó, cảm thấy nơi đây không được chăm chút đúng mức, bà bèn đến ngôi trường mang tên Lý Thường Kiệt trong vùng để kêu gọi các học sinh cấp phổ thông trung học tại đây mỗi cuối tuần đến phụ bà quét tước lau dọn. Vậy mà các bạn cũng chia nhau đến thật, chăm chỉ và nhiệt tình, có lẽ vì các bạn cảm nhận được sự thiêng liêng nơi cái tên mà trường cách bạn đang mang. Nào ngờ, năm đó thi đại học, khối 12 đâu có khoảng hơn 300 học sinh thì đến hơn 290 bạn thi đỗ cả vào các trường đại học! Rồi sau đó nữa, các bạn lớn lên, tin tưởng sự thiêng liêng của Ngài mà lại tiếp tục quay về…, rồi tiếng lành đồn xa, mọi người có muốn cầu xin thi cử, công ăn việc làm hay cầu hiếm muộn con cái gì… lại đến cửa Ngài. Chúng mình vừa nghe vừa cười vui vẻ, cũng không dám chắc sự thật được đến bao nhiêu phần trăm, chỉ thấy thương quá bà cụ từ ngoài tám mươi giọng vẫn sang sảng và nói chuyện đến là duyên, và cảm nhận được tình yêu sâu đậm bà dành cho ngôi đền này, mảnh đất này.
Vậy mà khi bà mở cuốn sổ ‘lưu bút tích’ lại cho mình đọc, đúng cái trang có nét chữ của mình chứ ai, câu chữ còn ghi nắn nót: “Con là Lê Đỗ Quỳnh Hương, ước mong sẽ sớm có ngày quay trở lại nơi này, đưa được thật nhiều người hữu duyên đến đây để được chiêm bái nơi này và kính ngưỡng những giá trị thiêng liêng mà Ngài đang mang đến cho người dân nơi đây…” Hôm ấy ghi là 21/6/2018. Vậy có nghĩa là, chưa đầy hai tháng sau, mình đã có thể biến lời ước nguyện ngày ấy thành sự thật! Mình lại nổi da gà!
… Thế đấy, bạn ạ, những câu chuyện về ‘Duyên’ thôi thúc mình mở ra nhánh Kết nối tâm linh Việt chắc sẽ còn kể dài dài. Trước mắt, sau thành công của Hùng Sử Việt tuyến 1, tour Kết nối tâm linh Việt cùng tuyến sẽ chính thức diễn ra từ 27-30/9/2018. Chính mình cũng sẽ đích thân đưa đoàn đi trong chuyến hành trình ‘mở hàng’ cho nhánh kết nối tâm linh này. Và mình thật lòng tin, với tất cả những gì mà MayQ Go đã dùng toàn bộ cảm xúc và nỗ lực để vun đắp trong mấy tháng qua, tour Kết nối tâm linh Việt đầu tiên này cũng sẽ không làm cho những ai quan tâm thất vọng!
Cho dù tin hay chưa tin lắm, chỉ những vùng đấng đẹp đẽ bạn sẽ đi qua, những câu chuyện truyền kỳ và lòng kính ngưỡng người dân mỗi vùng kính dâng lên các bậc thiêng liêng, cảm giác đặt chân vào những gian thờ thiêng liêng vương vị thời gian… là những điều bạn xứng đáng trải nghiệm một lần.
Đi đi, về sẽ thấy mình sống an yên, sâu sắc, cảm nhận sự bình an từ tận tâm hồn thêm, nhiều lắm!
(22.8.2018 – Quỳnh Hương)