Search
Close this search box.

NÚI THIÊNG KAILASH

NÚI THIÊNG KAILASH

“Ngọn núi thiêng – Có những ngọn núi chỉ là núi, nhưng cũng có ngọn có tính cách riêng rõ rệt.” – Lạt ma Anagorika Govinda

Tính cách đặc biệt đó chính là nhân cách chứa những năng lực thiêng liêng, có khả năng tác động lên người khác mà không hề cố ý như một bông hoa thơm và quý, tự nó toả hương mà không hề cố gắng, không hề bắt ai phải chú ý, nhưng chính cái uy lực nhân cách mạnh mẽ đó quá lớn, quá tinh tế đến nỗi con người ở gần hay xa đều bị thu hút, chấp nhận mọi nhọc nhằn hiểm nguy để được đến gần uy lực tốt lành đó, để tỏ lòng kính trọng vô hạn của mình.

Có một câu nói quen thuộc mà những ai hướng về hành trình Kora Kailash hay nghe là “Núi chọn người hay người chọn núi”. Câu nói để thấy sức khoẻ, kinh tế và thời gian chưa hẳn là yếu tố chính yếu mà niềm tin vững chắc vào bản thân mình, vào con đường mình đã chọn, vào việc mình đang làm, sự thành tâm và lòng kiên nhẫn, kiên định mới là yếu tố quan trọng và quyết định trên hết lại chính là “Nhân Duyên”.

Kailash, đối với Phật giáo được xem là núi Tudi, là trục của vũ trụ là trú xứ, là Mandala vĩ đại của các vị thiền Phật và Bồ Tát, là một ngôi đền thiêng liêng nhất mà bất cứ người con Phật nào cũng muốn được chiêm bái. Và cũng là hình ảnh của Như Lai. Mà Như Lai thì từ bi biết bao, Ngài nào phân biệt các loài hữu tình, ai cũng như con đẻ của Ngài, nên chuyện đi hay không đi là do duyên đã đến hay chưa, đi thành tựu hay không là do duyên lớn đã đủ lành hay chưa. Mình nghĩ rằng Ngài không hề lựa chọn ai đến với Ngài, tất cả là nhân duyên, là cố gắng, là ước mong, sự thành tâm của mỗi người không chỉ trong kiếp này mà trong vô lượng những kiếp trước và sau. Và kể cả những người chưa đến được với Ngài thì Ngài vẫn ở trong tim họ đấy thôi.

Kailash – hay theo tác giả Nguyễn Tường Bách đặt bằng tên Ngân Sơn (viết tắt của Bạch Ngân Sơn) chính là điểm cao nhất của “nóc nhà thế giới” – cao nguyên Tây Tạng. Từ đây, 4 con sông lớn Brahmaputra, Indus, Sutlej và Karnali chảy 7 vòng quanh hồ Manasarova dưới chân Kailash để rồi tự chúng chia thành những nhánh nhỏ nuôi sống gần hết châu Á.

Đi một vòng Kora Kailash là chúng ta đang bước vào một Mandala vĩ đại của Ngũ trí Như Lai (theo Mật tông Tây Tạng), là những báo thân Phật, tuy cùng là Như Lai nhưng mỗi vị đại diện cho một trí khác nhau để đạt đến giác ngộ như ánh nắng mặt trời đi qua lăng kính sẽ phân tách thành các sắc màu khác nhau.

Từ điểm tập kết ngày 1, ở phương Nam, chính là nơi ngự trị của vị thiền Phật Bảo Sinh, với sắc thân màu vàng, đại diện cho yếu tố đất, cho mặt trời ban mai, cho trí “Bình đẳng tính trí”, Ngài xem mọi loại hữu tình đều là con đẻ, yêu thương kg phân biệt. Đi dần về phía Tây, cũng từ đây ta thấy mặt gương lõm của Kailash, chính là trú xứ của vị thiền Phật A Di Đà với sắc thân đỏ, đại diện cho yếu tố lửa, cho mặt trời giữa trưa với trí “Diệu quan sát trí” – năng khiếu nội quán trực giác. Ngài cai quản cõi Tây phương cực lạc.

Ngày 2, sau khi vượt qua con đường đèo gian khó và thử thách để lên đến đỉnh đèo cao nhất Dolma La, trú xứ của Bồ Tát Tara xanh – Ngài được sinh ra từ giọt nước mắt từ bi của Bồ Tát Quán Thế Âm, chúng ta đến với thung lũng của vị thiền Phật thứ 3, Bất Không Thành Tựu Như Lai, với sắc thân xanh biển, đại diện cho yếu tố Thuỷ, cho trí “Thành sở tác trí”, là sự hoạt động bí mật của các tâm lực vô hình và ẩn kín, thoát ngoài cảm quan, các tâm lực có công dụng đưa sự thấy biết của chúng sinh đến chỗ chín mùi và giải thoát; nơi đây còn có hồ từ bi của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngày 3, chúng ta trở về với bình nguyên dịu êm của vị thiền Phật Bất Động Như Lai, đại diện cho yếu tố Không khí, với sắc thân xanh ngọc, cho trí “Đại viên kính trí”, trong đó hình tướng của mọi sự vật (sắc) được phân biệt rõ ràng, và được phản chiếu minh bạch với tính chắc chắn và vô tư của tấm gương không hề làm sai lệch các vật mà nó phản chiếu. Và Kailash ở giữa, chính là Đại Nhật Như Lai – Tỳ Lô Giá Na, với sắc thân trắng, đại diện cho “Trí siêu việt Pháp giới” – nguồn gốc của mọi tâm thức và của mọi thấy biết không phân biệt, tiềm tàng, bao quát tất cả như không gian vô tận, như màu thiên thanh trong sáng.

Bao quanh Ngài là ba ngọn núi của ba vị Bồ Tát bảo vệ ngày đêm: Quán Thế Âm Bồ Tát chủ về lòng Từ bi, Bồ Tát Văn Thù đại diện cho Trí tuệ và Bồ Tát Kim Cương Thủ – đại diện cho sức mạnh của chư Phật.

Kailash không chỉ là thánh địa thiêng liêng của Phật giáo, mà còn của đạo Hindu, đạo Bon (đạo cổ của Tây Tạng) và đạo Kỳ Na (một đạo xuất phát từ Ấn Độ)

Như vậy khi kora một vòng Kailash nghĩa là ta đã có duyên phước lớn được tham dự vào Mandala của “An lạc cao quý nhất”

📝Tham khảo 2 cuốn sách của Lama Anagarika Govinda: “Con đường mây trắng – The way of the white clouds” – dịch giả Nguyễn Tường Bách và “Cơ sở mật tông Tây Tạng” – dịch giả Như Pháp Quân Trần Ngọc Anh

📝Và cuốn “Đường xa nắng mới” của tác giả Nguyễn Tường Bách

(Nguồn: Lê Diễm Trần – Khách đi trong chuyến Kailash 2019 cùng MayQ Go)

Chia sẻ:

Bài Viết Liên Quan

TỪ LƯƠNG HOÀNG SÁM: ‘SÁM HỐI’ LÀ GÌ?

TỪ LƯƠNG HOÀNG SÁM: ‘SÁM HỐI’ LÀ GÌ?

[Từ #Lương_Hoàng_Sám]Vị Sư cô đầy uyên bác mà mình hữu duyên được gặp gỡ và chỉ giáo một số điều thật sự ‘thậm thâm vi diệu’ từ pháp Phật, một ngày cô dặn mình, con về, cố gắng kiếm thời gian mà ngồi nghiền ngẫm lại thật kỹ bộ Lương Hoàng Sám nha.Cái cách mà Sư

Xem thêm »