Search
Close this search box.

TỪ LƯƠNG HOÀNG SÁM: ‘SÁM HỐI’ LÀ GÌ?

TỪ LƯƠNG HOÀNG SÁM: ‘SÁM HỐI’ LÀ GÌ?

[Từ #Lương_Hoàng_Sám]

Vị Sư cô đầy uyên bác mà mình hữu duyên được gặp gỡ và chỉ giáo một số điều thật sự ‘thậm thâm vi diệu’ từ pháp Phật, một ngày cô dặn mình, con về, cố gắng kiếm thời gian mà ngồi nghiền ngẫm lại thật kỹ bộ Lương Hoàng Sám nha.

Cái cách mà Sư cô trân trọng sức mạnh của Lương Hoàng Sám làm mình càng quyết tâm, phải dành thời gian cho bộ Sám pháp đã rất hữu duyên với nhà MayQ này. Và khi mở được loạt Đại cộng hưởng Online, đọc trọn bộ Lương Hoàng Sám trong 10 tháng liền, mình bèn khuyên các bạn hữu tham gia buổi đại cộng hưởng hôm ấy, sau khi cùng nhau đọc chung lần 1 này rồi, về mỗi ngày cố gắng mở ra đọc lại. Mà đọc, thì không phải kiểu đọc cho có, mà là đọc kỹ từng câu từng chữ, đọc cho tới ngấm hết những ý tứ dặn dò trong đó.

Để cùng hòa nhịp với các bạn, mình cũng mở sách ra, đọc kỹ lại từ đầu. Và vì thế, cái duyên hình thành tiểu mục mới này ra đời: KINH PHÁP PHẬT QUA HỌC – NGẪM – NGỘ CỦA QUỲNH. Đây sẽ là nơi mà bạn QH học được cái gì hay, ngộ được cái gì quý… từ Kinh Pháp Phật, mình sẽ chia sẻ tại góc nhỏ này, cho các bạn hữu duyên cùng ngấm thêm với mình, héng.

Bài viết mở đầu cho mục này, chính là bắt nguồn cảm hứng từ Lương Hoàng Sám. Bởi, ngay từ dòng đầu tiên, ở phần Lời tựa khi tái bản bộ Lương Hoàng Sám, dịch giả của bộ Sám pháp này, Hòa thượng Thích Viên Giác đã trích ngay câu này từ Kinh Hoa Nghiêm: “Trong tất cả các cách cúng dường, cúng dường Chánh Pháp là hơn hết”. Bởi, chia sẻ những điều hay lẽ phải về những điều đúng đắn để sống, con đường đúng nên đi, những gì nên làm, những gì nên tránh… theo sự hướng dẫn đúng đắn từ Chánh Pháp, đôi khi sẽ có khả năng làm thay đổi cuộc sống của nhiều con người khác.

‘SÁM HỐI’ LÀ GÌ?

Phần Thay lời tựa, HT. Thích Viên Giác đã trích ngay ý quan trọng, nhằm giúp chúng ta hiểu được ngay ý nghĩa và tầm quan trọng của pháp Sám hối. Vậy, “Sám Hối” nghĩa là gì?

Kinh dạy:
Sám là sám kỳ tiền khiên – Hối là hối kỳ hậu quá.

Nghĩa là,

  • Sám: là ăn năn về những việc ác đã làm, thề xin chừa bỏ, không dám tái phạm.
  • Hối: là hối cải. Mà quan trọng là, những điều ác chưa làm, khi đã nhận diện ra được chúng là ‘chuyện ác’, có thể gây ra các nghiệp ác cho ta dài từ đời này về sau, thì ta cũng ý thức, xin thề nguyện không bao giờ phạm. Còn ngược lại, cũng do nhận chân được những điều gì là tốt, là thiện, thì cũng nguyện xin làm hết.

‘SÁM HỐI’ khi chiết tự, thì là sự kết hợp giữa hai từ đơn: một là từ âm tiếng Phạn [chữ Sám tiếng Phạn đọc là Sám ma], một là nghĩa dịch sang tiếng Hán [Sám ma: nghĩa dịch qua tiếng Hán là Hối quá]. Ghép hay chữ này lại, đọc chung thành Sám Hối.

Vì thế, Sám Hối không chỉ mang nghĩa đơn giản là ‘ăn năn’ hay ‘xin lỗi’, mà nó còn hàm thêm ý nghĩa của sự ‘thề không phạm lại’ hoặc ‘thề không phạm điều xấu chưa làm’ nữa. Chữ Sám Hối vì thế mang ý nghĩa rộng lớn và bao trùm hơn nhiều.

Chính vì vậy, Sám Hối chính là một pháp thậm thâm vi diệu, không thể nghĩ bàn, để cho một con người có thể thu xếp lại quá khứ rối rắm nhiều nghiệp ác, nhiều oán thù chồng chất của mình, mà có cái ta biết được, có cái ta không biết, do nó có thể diễn ra từ vô lượng kiếp mà cho tới giờ này nó mới hội đủ nhân duyên mà kết quả, trổ trái đắng về cho ta lãnh. Và, thậm chí, với những ai đã có đủ ý thức về cái đáng sợ của Luật Nhân – Quả, thì ta cũng sẽ phải chủ động thực hành Sám Hối ngay trước khi quả đắng kịp trổ, thì mới là khôn ngoan nhất. Chứ đợi quả đã trổ rồi, khổ cũng đã khổ rồi, suy sụp, tan tác, nghèo túng, bế tắc… rồi, lúc đó mới điếng hồn lật đật đi kiếm phép Sám Hối đề làm, thì e rằng phải mất rất nhiều thời gian cùng khổ não, bạn mới ‘vớt’ bạn lên lại được từ cái bể khổ trầm luân đã nhấn chìm bạn đó. Mà lúc đó, hậu quả nhiều khi nó đã bề bề…

Vậy thì, tới đây, hẳn bạn cũng đồng ý với mình, cho dù ta đang ổn hay không ổn, ta vẫn phải nên thực hàng Sám Hối thường xuyên, phải không nào?

LÝ SÁM – SỰ SÁM:

Khi đi sâu hơn vào tìm hiểu bản chất của sự Sám Hối, ta sẽ thấy, Sám Hối bao gồm Sự sám và Lý sám.

SỰ SÁM: Là những hoạt động ta nhìn thấy được ở bên ngoài, như việc thiết lập đàn tràng, kính cẩn quỳ trước tượng Phật, rồi cúng dường hương hoa, ân cần đảnh lễ, rồi thành khẩn nguyện cầu ‘tam nghiệp như nhất’, nghĩa là tịnh hóa được tất cả những nghiệp ác từ thân – khẩu – ý của mỗi người, rồi tỏ bày tội lỗi…; và sau đó, cầu xin chư Phật, chư Đại Bồ tát dùng thần lực gia hộ cho người sám hối mau tiêu trừ nghiệp chướng, chóng thoát khỏi oan khiên, mau sạch hết tội lỗi.

LÝ SÁM: Là phần sám hối từ tận thâm thâm bản thân người thực hành sám hối. Bởi, Kinh pháp Đại Thừa Phật giáo cho rằng: Tội thành cho Tâm tạo. Cho nên, tội muốn diệt được cũng phải từ Tâm mà sám hối. Khi “Tâm đã không, thì tội cũng không. Tội diệt, thì Tâm cũng diệt”. Mà, khi đã trở thành trạng thái “Tội không, Tâm diệt” thì không còn gì nữa mà sám hối. Mà, như vậy mới chân thực là Sám Hối.

Chính vì vậy, khi thực hành pháp Sám Hối, người sám hối không chỉ ngồi bỏ thời giờ ra đọc cho hết mấy bộ Lương Hoàng Sám rồi coi như ‘đủ nghĩa vụ, đủ phận sự’. Mà, thực chất, cần phải thực hành song song cả hai mặt: Sự sám và Lý sám. Nghĩa là, việc lạy Phật, đọc những câu sám hối là cần thiết, tuy vậy, sau khi lạy xuống một lạy, đọc được một câu, thì bản thân người thực hành sám hối cần phải suy xét lại tự tâm mình, diệt sạch cái vọng tưởng điên đảo, tức là những suy nghĩ lung tung, rối ren, khen chê, thương ghét… nào giờ luôn đi cùng với mình, gây ra thêm bao nhiêu nghiệp xấu cho mình; và biết quán lý vô sinh, tức phải biết ý thức rõ, rằng tất cả tội của chúng ta đều do nhân duyên mà thành, thì tội cũng do nhân duyên mà diệt. Vậy, nhân duyên chính là những điều kiện tạo nên tội, cũng chính nhân duyên tạo nên phương pháp sám hối để chúng ta phải thực hành với tất cả lòng thành.

Vì sao vậy? Kinh pháp Đại Thừa cho rằng, TỘI VỐN KHÔNG THẬT SỰ CÓ TỒN TẠI, mà chúng chỉ được hình thành do vọng tưởng điên đảo của chúng ta qua nhiều đời kiếp sống mà thôi. Nói ví von cho nó dễ hiểu hơn một chút, do chúng ta lạc vào một ‘giấc mơ lớn’, coi như vô trúng một cái Game Mơ siêu hoành tráng, to lớn, kéo dài vô tận. Nó bao trùm lấy ta suốt cả chiều dài cuộc đời ta, từ lúc ta sinh ra cho đến khi ta mất đi, nhiều khi mất đi rồi vẫn chưa đủ duyên ‘tỉnh khỏi giấc mơ’, thì theo đúng quy luật của cái ‘Game Mơ’ to lớn dài khắp này, những gì chúng ta đã phạm dưới dạng lời nói, suy nghĩ hay hành động bất thiện, sẽ được đưa vô làm chất liệu (nhân duyên) đê đẩy chúng ta đi vô những ‘chương’ khác, phần khác của Game. Vậy thì, chỉ khi nào chúng ta làm cho mình Thức Tỉnh hoàn toàn, coi như Tỉnh giấc được, thì lúc đó mới hoàn hồn nhận ra, tất cả đều không tồn tại. Không có sinh, không có diệt, không có cái gì tăng cũng không có cái gì giảm xuống… Và trong sự thật đó, thì Tội cũng chỉ là những thứ nằm trong Game mà thôi!

Đó quả thật là một tin rất vui, phải không nào? Nhưng tin ít vui đi kèm, là: Tự chúng ta KHÔNG THỂ đẩy mình ‘Tự thức giấc’ được, mà phải trải qua một quá trình dài, miên mật tu tập, đoạn hết ba cái đen tối rối ren đi cùng mình dưới dạng ‘nhân xấu’ và tăng cường tạo tác thêm nhiều nhân thiện lành, rồi kết hợp thêm một yếu tố quan trọng then chốt thứ ba nữa, là PHẢI GIỮ ĐƯỢC TÂM HOÀN TOÀN TĨNH LẶNG như nước hồ trong suốt rồi, tới đó mới ‘Thức dậy’ được, nha!

Còn bây giờ, trong khi hành trình dài đi dần tới chỗ ‘Giữ được Tâm hoàn toàn tĩnh lặng’ kia ta vẫn cố gắng thực hiện hàng ngày, bằng nhiều hình thức khác nhau, thì tất cả chúng ta có thể tập dần hai bước trước đó:

  • Ngưng làm tất cả các việc gì ta biết là xấu, là bất thiện, là ác.
  • Nỗ lực làm tất cả những việc thiện lành có thể, trong cả ba hình thức: suy nghĩ thiện, lời nói thiện, việc làm thiện.

Tới đây thì đẹp rồi nè. Cả ba nhánh mà Đức Phật dạy ta đều ý thức vun đắp dần. Tuy nhiên, vì vẫn còn nằm trong ‘Game Mơ ‘ Siêu lớn này, nên ta vẫn coi như còn ‘mắc nợ’ bởi những nghiệp xấu mà ta đã lỡ phạm phải trước đó suốt nhiều đời sống. Vì vậy, muốn cho nó sạch dần, sáng dần, thì cần phải làm thêm một bước quan trọng nữa: Sám hối.

Tới lúc đó, ta sẽ có thể xoay chuyển được góc nhìn, thay đổi bản chất sự việc hiển hiện. Phần Thay lời tựa cuốn Lương Hoàng Sám, dịch giả HT. Thích Viên Giác nêu rõ: “Vì tội không thật có, nên chúng ta có thể chuyển tội thành phước, chuyển khổ thành vui, chuyển mê thành ngộ”. Vì vậy, khi xướng một danh hiệu Phật, khi đọc một câu sám hối, cần hiểu rõ ý nghĩa sâu xa của ý mà ta đang đọc, chứ đừng chỉ đọc suông ngoài hình thức, thì ít hiệu quả.

Cứ miệt mài như vậy mà thực hành sám hối, dần dần, những khả năng tốt đẹp trong tâm ta, do sự sám hối như nước trong rửa sạch lớp bùn che tấm kính, sẽ bắt đầu lưu lộ ra ngoài. Nào là nét đẹp từ Từ bi hỷ xả, nét đẹp của trí tuệ, của phước đức, của sự hạnh phúc sẽ “dồi dào tuôn ra như nước, mặc sức ta thọ dụng”, như lời tựa từ HT. Thích Viên Giác.

Những người hiểu được và làm được như vậy là những người có được cái nhìn đúng đắn về sám hối, chứ không sa vào mê tín.

Và hơn thế nữa, khi ta lễ một Đức Phật, tức là đã lễ hết thảy chư Phật trong mười phương, “Đem tâm từ bi bình đẳng, sự lý viên dung (tức cùng thực hiện song hành), trùng trùng vô ngại mà bái sám, thì lo gì tội không diệt, phước không sinh”.

Bởi vì, Đức Phật đã dạy: Có hai hạng người mạnh nhất: một là những người hoàn toàn không tạo nên một tội lớn nhỏ nào, hai là người đã tạo tội, mà biết ăn năn. Đức Phật cũng dạy: Nếu không có pháp sám hối, thì tất cả đệ tử Phật không thể giải thoát được.

SÁM HỐI NGHIỆP NÀO KHÓ DIỆT NHẤT?

Có điều này rất đáng lưu ý: trong Tam nghiệp: Thân nghiệp – Khẩu nghiệp – Ý nghiệp, thì Thân nghiệp và Khẩu nghiệp, là những nghiệp ác tạo ra do tội của Thân phạm, như Sát (giết hại chúng sanh), Đạo (ăn trộm, ăn cắp), Tà dâm (quan hệ bất chính với người không được luật pháp công nhật là người phối ngẫu chính thức của mình); hay tội của Khẩu, như Vọng (nói dối), Ỷ ngữ (nói thêu dệt), Ác khẩu (dùng lời nói ác độc, nguyển rủa, rủa xả người khác), Lưỡng thiệt (nói đâm thọc hai bên, gây chia rẽ), tuy chúng nặng nề vậy chứ đều là những thứ thô tháo, dễ thấy bên ngoài, miễn là khi ta ý thức được, sẽ dần trừ diệt được. Duy chỉ có Ý nghiệp, tức những tội lỗi phát sinh từ trong ý thức của mỗi người, đó mới chính là những thứ vi tế nằm thẳm sâu bên trong, vô cùng khó diệt.

Các nghiệp của Ý gồm có: Tham, Sân, Si. Mà vì sao mà Ý nghiệp mới là thứ nghiêm trọng nhất? Vì Suy nghĩ mới tạo ra Hành động, rồi từ Hành động mới tạo ra Thói quen, và Thói quen mới tạo thành Cách sống… Một con đường rất rõ ràng để chỉ Ý nghiệp nó điều khiển Thân nghiệp, và Khẩu nghiệp thế nào, héng. Bởi vậy, Ý nghiệp chính là cái khó diệt nhất, là vì nó xuất phát phần nhiều từ những ‘tập nghiệp’ của chúng ta, tức là những tánh xấu đã ăn sâu vào thâm căn cố đế của ta từ vô lượng kiếp trước, nên phải hết sức ý thức sám hối thường xuyên, thì mới mong quét cho sạch, lau cho sáng hẳn được.

NẾU TA KHÔNG BIẾT SÁM HỐI?

Nếu ta không biết sám hối, chuyện gì sẽ xảy ra?

Vì nghiệp chướng ta đã tạo vẫn còn tồn tại đó dưới dạng các ‘nhân ngầm’, chờ ngày ‘trổ quả’ trước sau gì chúng ta cũng nhận lãnh hết. Mà chúng ta thì vẫn còn trôi lăn mãi trong cái ‘Game Mơ’ to lớn vô tận này, nên tội lỗi ta đã tạo tác vẫn còn đó, oan khiên vẫn còn đó, sẽ theo ta dài mãi, qua nhiều đời kiếp, canh me sẵn, lúc nào ta thấp năng lượng một chút, sống chủ quan hay ‘hở lưng’ ra một cái, là họ sẽ nhào vô tấn công, đòi nợ ta ngay lập tức. Những ai cho là may mắn lắm đi, chưa bị những oan khiên, oan gia trái chủ hay các nhân ác chín muồi tới đòi nợ cụ thể, thì sẽ thấy mình mãi lận đận lao đao, làm gì cũng gặp trở ngại.

Có nhiều kinh sách dùng để sám hối, tuy vậy, ở Lương Hoàng Sám, cách soạn giả (HT. Chí Công) nêu rõ những cái nhân là tội dẫn đến quả là khổ nạn gì, đã khiến cho tất cả những ai đủ duyên đọc qua, trì tụng qua Lương Hoàng Sám đều không khỏi giật mình, tự quán chiếu lại bản thân, qua đó thành tâm sám hối và hứa không phạm. Hơn thế nữa, mỗi câu mỗi chữ trong đó đều hướng đến mục đích tối thượng là đền trả Bốn Ơn nặng, là Ơn cha, Ơn mẹ, Ơn Thầy dạy đạo, và Ơn chúng sinh; và cứu thoát Ba đường ác, bao gồm các chúng sanh sinh ra cõi Ngạ quỷ (quỷ đói), Súc sinh (thú vật) và Địa ngục. Mỗi câu trong đó đều thay thế cho Lục đạo (tức sáu cõi còn phải lăn tới lộn lui trong luân hồi sinh tử, bao gồm Trời, Người, Atula, Ngạ quỷ, Súc sinh, Địa ngục) mà sám hối, không bỏ sót một chúng sinh nào, cầu nguyện cho ba cõi ác được thoát khỏi trầm luân. Cuối cùng, lại vì tất cả chúng sanh mà phát nguyện, và hồi hướng.

Có thể nói, bộ Lương Hoàng Sám là một bộ thuốc quý, mang tính tổng hợp và đa diệu dụng, mà tất cả những ai hữu duyên đọc, trì qua đều sẽ cảm nhận được sự thậm thâm vi diệu của ‘phương thuốc’ này. HT. Thích Viên Giác thể hiện niềm tin mãnh liệt: “Lương Hoàng Sám là Pháp bảo vô giá, cứu chúng ta thoát khổ vĩnh viễn, ra khỏi luân hồi, sanh về Tịnh độ”. Những ai “tụng được hết mười quyển này thì thấy tinh thần khoan khoái, tâm hồn thánh thọ, đời sống đầy an vui hạnh phúc. Người còn kẻ mất đều được lợi lạc. Oan hồn uổng tử (những người chết oan uổng), chiến sĩ trận vong đều siêu sanh Lạc quốc”.

Sám hối lợi cho mình, lợi cho người, cho tất cả tam đồ, lục đạo pháp giới chúng sanh.

Xin khép lại bài viết này bằng phần kệ tán thán công đức của việc thực hành sám hối, mang đại ý như sau:

“Sám vừa cử lên – Tội lỗi tiêu liền.
Giải được oan trái – Trừ được tai ương
Thoát khỏi khổ nạn – Phước đức vô biên
Sinh về Đạo lợi – Hoặc về Tây phương”

Gửi niệm lành cho tất cả 🌻

(13.7.2021 – QH & MayQ Team)

ĐẠI CỘNG HƯỞNG NINH THUẬN 09/2024:
HOA NỞ TRONG TÂM – ĐỌC TRỌN VẸN CUỐN LƯƠNG HOÀNG SÁM
🌼 Thời gian: 21-22/09/2024 (02 ngày 01 đêm)
🌼 Phương tiện: Xe Ô tô

#LuongHoangSam
#ĐCH
#NinhThuan

Chia sẻ:

Bài Viết Liên Quan

TỪ LƯƠNG HOÀNG SÁM: ‘SÁM HỐI’ LÀ GÌ?

TỪ LƯƠNG HOÀNG SÁM: ‘SÁM HỐI’ LÀ GÌ?

[Từ #Lương_Hoàng_Sám]Vị Sư cô đầy uyên bác mà mình hữu duyên được gặp gỡ và chỉ giáo một số điều thật sự ‘thậm thâm vi diệu’ từ pháp Phật, một ngày cô dặn mình, con về, cố gắng kiếm thời gian mà ngồi nghiền ngẫm lại thật kỹ bộ Lương Hoàng Sám nha.Cái cách mà Sư

Xem thêm »