Search
Close this search box.

THƯƠNG: NGUYÊN TẮC “CHẬM LẠI 2 GIÂY”

THƯƠNG: NGUYÊN TẮC “CHẬM LẠI 2 GIÂY”

Hôm rồi hữu duyên phải đứng giữa làm nhiệm vụ hòa giải cho hai người bạn. Hai bạn là người thương của nhau, nhưng không hiểu vì lý do gì, trước giờ lại là những người hay làm tổn thương nhau nhất.

Những mối quan hệ tương tự như thế này, mình ngẫm rồi lại ngẫm. Thấy hình như những cảm xúc yêu thương họ mang đến cho nhau cũng nhiều và dày như những tổn thương họ vô tình cố ý cào xước trong nhau vậy. Cứ mãi chông chênh, chênh vênh trong những nốt thắt của yêu thương sâu đậm – giận hờn sâu đậm…, mà chỉ cần một chút bất ý với nhau thôi, là cũng đủ bùng lên lửa giận…, thiêu cháy cả một ngày hay những ngày mà lẽ ra mỗi người tận hưởng được sự bình an, riêng cho bản thân, hay cho gia đình mình.

Nói theo ngôn ngữ của người trẻ thời bây giờ, đây là một thể loại quan hệ đầy ‘drama’ – kịch tính, quanh đi quẩn lại giữa yêu – giận – tức giận – cãi vã và một số hành động thiếu kiềm chế hay lời nói bén nhọn đi kèm – tổn thương/ đau đớn – gặm nhấm vết thương lòng – suy đi nghĩ lại – một bên ân hận do thiếu suy nghĩ… – cố gắng làm lành, dễ thương để chuộc lỗi… Hú hồn tới đó là hết một vòng. Nhưng cũng… hú hồn, cái vòng tròn vẹn này nó chỉ ở đó được… hai ba bữa, rồi lại không chuyện này lại chuyện kia, phát sinh một vòng tuần hoàn mới…, tiến trình… y như vậy ^^

Mình hỏi các bạn, như vậy hoài có thấy mệt không? Chứ mình là người đứng ngoài, chỉ mới nghe có mấy vòng gần đây nhất thôi, đã… thấy mệt rồi đó!

Mà mệt thay, hình như thực tế cuộc sống bây giờ, không ít những cặp đôi tương tự như vầy. Nói không thương nhau thì không phải, trái lại thì có. Họ thương nhau tha thiết, thương hơn bất kỳ ai khác đã từng đi qua cuộc đời họ. Mà hình như, chính tại vì thương quá mới hay để ý, để bụng. Mới thấy thất vọng hay tức giận bộc phát khi đối phương – chỉ trong một tích tắc thôi, có thể phát sinh ra một lời nói hay hành động nào đó…, cô phụ lại sự kỳ vọng của mình. Đây có phải là khái niệm “Thương nhau lắm – Cắn nhau đau” mà ông bà mình hay nói chăng?

Mình nhận ra, người ta sống ở đời, yêu – thương, kết bạn, gặp gỡ nửa kia của mình…, mục đích là để được hạnh phúc. Thế nhưng trong khi hạnh phúc chỉ là những khoảnh khắc hay những giai đoạn, những chặng – được/bị xen giữa bởi những hồi thống khổ cũng chính từ chữ yêu – thương này, thì, với một số mối quan hệ – đặc biệt là những mối quan hệ đặc thù giữa hai con người yêu nhau, giữ nhau được bình yên thật sự là điều rất khó.

Mình nghiêm túc nói với cả hai bạn, nếu trong một mối quan hệ mà những cãi vã, bất đồng xảy ra quá thường xuyên cũng như tần suất yêu thương nhau vậy, thì cả hai cá nhân các bạn đều không nằm trong ngưỡng ‘bình thường’ xét theo quan niệm thông thuờng. Nghĩa là, chấp nhận đi cùng nhau, cả hai cùng phải nâng cao thêm nhiều cái ý thức ráng hiểu và bao dung cho nhau. Không chơi trò “Sáng nắng chiều mưa, trưa trưa lai rai vài giọt”. Hai bữa thương nhau ba bữa gây bốn bữa ăn năn chuộc lỗi…, ‘drama’ quá, mệt nhau quá.

Hồi đó đi học mẫu giáo có bài thơ thiệt dễ thương: “Cái miệng nó xinh thế – Chỉ nói điều hay thôi!” Nghĩa Bao dung lẫn nhau được thể hiện dần dần qua mỗi hành động cụ thể như thế nào? Chịu khó nói cho nhau nghe nhu cầu khác biệt của mỗi người, xong thì ráng hiểu cá tính mỗi bên là như vậy, lúc nào chung được thì chung, còn lại tôn trọng sự riêng của mỗi người… Nào ai có thể gắn bó cùng nhau 24/24, bảy ngày một tuần đâu? Những sự tách riêng, rất riêng và rất cá nhân là điều thật sự mỗi bên ráng chấp nhận nhau. Và đặc biệt lưu ý: nên luôn hướng về cục diện Bình yên cuối cùng mà ‘xử lý’ nhau mỗi lúc cơn giận bùng phát trong lòng. Chứ, mở miệng ra thì nói thương nhau lắm, mà suy nghĩ hành động những lúc ‘muốn cắn nhau đau’, thấy cuối cùng đi dằn vặt nhau là chính, là không được rồi.

Đừng bao giờ chủ quan, cho rằng đó là những chuyện nhỏ. Ngay cả chuyện nhỏ nhất cũng không được cho phép mình hành xử nặng nề với nhau, một lần được sẽ có lần thứ hai…, lần thứ hai ắt có lần thứ n…, và việc hành xử nặng nề với nhau, dần dà sẽ trở thành một loại ‘tập nghiệp’ – một thói quen xấu mà mỗi khi lâm vào giận giữ người ta lại dễ sa vào, không kiểm soát được.

Cuộc sống này vốn quá mông mênh. Tìm được một người gọi là ‘người thương’, đâu có dễ. Vậy thì, một khi ta đã tìm được một người xứng đáng cho ta gọi là ‘người thương’ rồi, cả hai bên phải hiểu, hai người phải như hai cái cây, dựa lưng vào nhau mà sống.

Nói một cách nghiêm túc, chẳng có ai trên đời này hoàn hảo. Vậy thì, mỗi lần sắp để cho cơn tức giận bùng lên choáng ngập cả khoang não và dồn dập nhịp tim, chuẩn bị quăng vào nhau những lời hay hành động gây tổn thương nhau sâu đậm…, hãy làm ơn chậm lại hai giây!

Ráng moi trong đầu mình, coi cái gì làm cho con người này, Họ đã trở nên đặc biệt như vậy trong lòng mình? Họ đặc biệt chỗ nào?

Và nếu mình đã xác định là mình thương Họ nhiều như vậy, liệu điều mình sắp làm câu mình sắp nói, nó có gây tổn thương gì cho Họ không? Mà, Họ đau đớn tổn thương vậy, mình có cam lòng không?

Có thể có nhiều người, trải qua dằn vặt hay đau khổ – yêu hận đan xen triền miên, đã tự nhủ với lòng mình rằng đây là một dạng nợ, một dạng nghiệp. Cũng có thể đúng. Thế nhưng, trong lúc đời này kiếp này ta phải sống cho vui vẻ hạnh phúc, đừng mãi lấy câu ‘Mắc nợ nhau’ hay ‘Là nghiệp của nhau’ gì để cảm thấy hai bên bị mãi máng vô nhau một cách miễn cưỡng nữa. Hãy cố gắng nhìn thẳng sự thật: hai người VÌ THƯƠNG NHAU THIỆT TÌNH nên mới gắn bó. Mà hễ đã vì thương mà gắn bó, nhất định phải có trách nhiệm với nhau!

Làm cho nhau đau đớn, buồn bực, tổn thương cũng là một loại tội. Mang đến cho nhau sự vui vẻ, bình an cũng là một loại trách nhiệm. Thương nhau, bảo bọc nhau và bảo vệ nhau khỏi những thương tổn hay những tấn công từ bên ngoài là điều tối cần thiết. Và, một khi bên ngoài còn chưa kịp tấn công, mà trong nội bộ đã luôn lục đục, thì đó là một loại tra tấn nhau, làm mất năng lượng đáng quý, mất nhuệ khí của nhau rồi.

Sống ở trên đời, những loại năng lượng xấu, những giông gió bên ngoài… lâu lâu thốc vào cửa là điều buộc phải đó nhận. Thân cây đứng một mình sẽ khó qua giông bão giật, thế nhưng hai cây biết nương tựa vào nhau, nó phải vững thêm nhiều chứ! Không dễ để ta tìm được một ‘thân cây’ bầu bạn. Vậy hãy cố gắng hướng về nhau trong sự sẻ chia, sự bao dung, sự thấu hiểu và đồng cảm. Lắng nghe nhau và chấp nhận nhau, vun đắp trưởng dưỡng cho nhau sự xanh tươi trong ý thức về yêu thương và bao dung. “Lòng từ gieo cùng khắp – Trên dưới và quanh mình”.

Cứ niệm cứ nghĩ trong đầu vị trí đó, mấu chốt đó của nhau, từ từ nói cho nhau nghe, cho nhau hiểu, là cái gì cũng qua!

Vậy đó.

(4.2019 – Lê Đỗ Quỳnh Hương)

#ThươngnhaulắmCắnnhauđau
#NguyêntắcChậmlại2giây #Sống
#Đôicâydựanhaumàquagiôngbão

Chia sẻ:

Bài Viết Liên Quan