Search
Close this search box.

AN NHẬT BẢN: ‘NGÀN CỔNG TRỜI’ TRÊN NÚI INARI

AN NHẬT BẢN: ‘NGÀN CỔNG TRỜI’ TRÊN NÚI INARI

[Hành trình AN TRÊN XỨ PHÙ TANG 6N5Đ (31/8 – 5/9/2023)]

Bài 5: QUẦN THỂ ‘NGÀN CỔNG TRỜI’ THẦN ĐẠO LINH THIÊNG TRÊN NÚI INARI

Theo tinh thần hòa đồng tôn giáo và tín ngưỡng nói chung, trong mỗi chuyến đi của nhà MayQ, bên cạnh những điểm đến chính là những nơi thuộc về Phật giáo, chúng mình cũng luôn mong muốn đưa các bạn đến thêm một số những địa điểm đặc biệt của tôn giáo hay tín ngưỡng địa phương, để chúng ta được hòa mình vào không khí thiêng liêng cùng với các người dân sinh sống tại các vùng. Với chuyến AN trên đất Nhật lần này, chúng mình chọn một nơi chốn vô cùng đặc sắc, đó chính là quần thể đền thờ Thần đạo Fushimi trên núi Inari.

Nói thật thì, địa điểm này không có trong kế hoạch ban đầu của chúng mình, do khi lấy ‘đơn đặt hàng’ từ phía mình, phía đối tác land tour Nhật chỉ tập trung tìm cho chúng mình những ngôi chùa Phật giáo. Thế nhưng, sang đây, em Phong như cứ bị ám ảnh bởi những chiếc cổng Thần đạo. Em nói, sang Nhật mà không đến viếng một ngôi đền Thần đạo nào thì thật là đáng tiếc lắm. Vì cũng theo tinh thần hòa đồng tôn giáo mà nhà MayQ tụi mình ủng hộ, thì tín ngưỡng địa phương cũng rất đẹp, tương tự như chúng mình cũng từng đến viếng nhiều ngôi đền Hindu giáo khi đi chuyến AN Ấn Độ vậy đó! Thế là địa điểm mà chúng mình muốn đến khảo sát chính là vùng quần thể đền thờ Fushimi trên núi Inari, bởi không biết em Phong đã được ngắm đâu đó, và vô cùng ấn tượng với chi tiết hàng ngàn chiếc cổng trời Thần đạo xếp sát vào nhau, ánh lên rực rỡ trong nắng.

Chúng mình đến được dưới chân núi Inari vào tầm 3 giờ chiều. Những con đường dẫn vào đền chao ôi là tấp nập, hàng quán bán đồ lưu niệm vô cùng nhiều và đầy màu sắc, đầy đặc sắc. Tụi mình đi sâu hơn vào trong đền. Không giống những đền thờ Thần đạo khác ở Nhật vốn cho phép du khách tới khá thoải mái trong sinh hoạt, ở đây có hướng dẫn khá chi tiết về những điều du khách không được làm, để đảm bảo sự linh thiêng cho một quần thể đền thờ trải qua hơn một ngàn năm tuổi. Tụi mình cũng ưng điều này nha. Chứ cứ để mọi người tới ăn uống, chụp ảnh cưới… lao xao, sẽ không còn giữ được nét tôn nghiêm nên có nữa.

Khu vực bên dưới chân núi thực sự rất đông, lẫn trong nhiều giọng nói của du khách thập phương, mình có nghe cả tiếng Việt, hihi. Tuy nhiên, đại đa số du khách theo đoàn đến chỉ để ngắm loanh quanh khu vực bên dưới, cùng lắm là đi thử cho biết một chặng đường ngăn ngắn con đường với hàng ngàn chiếc cổng Thần đạo đỏ cam xếp san sát nhau, để chụp ảnh check-in. Tụi mình đi theo, cũng thấy đẹp đó, nhưng người đông quá chừng, khó kiếm được không gian vắng vẻ để có được một tấm ảnh gọi là. Vậy là cứ đi tiếp.

Vậy mà cái sự ‘vậy là cứ đi tiếp’ của tụi mình…lại nên chuyện nha, hihi. Vì càng đi lên cao, người càng rơi rụng dần. Và những dặm đường càng trở nên thưa vắng hơn, thì năng lượng thanh lành của núi, của cây rừng, của nắng, của gió… nó lại càng dạt dào, với một sức lan tỏa thật sự rõ nét! Tụi mình càng đi lại càng thấm vào cái dòng năng lượng lành đó, vừa đi vừa cảm nhận thật rõ, độ thanh của núi, độ trong của nắng, độ ríu rít của tiếng chim hòa trong độ lao xao của những tán lá hát khe khẽ ven sườn núi… Còn ‘ngàn cổng trời’ càng lên tới trên cao lại càng tỏa ra sức hút mãnh liệt, bởi cùng với nắng, những chiếc cổng này càng rực lên, cho tụi mình một loại cảm giác hơi… siêu thực! Giống như một loại ánh sáng hắt ra từ trong một bộ phim đỉnh cao về nghệ thuật đặt ánh sáng, mà không có một ống kính nào của tụi mình đủ sức lảy ra được. Nhất là cứ cặm cụi đi qua một đoạn, tự nhiên ở một đoạn nào đấy, tia nắng mặt trời xuyên được qua kẽ lá, hắt xiên xiên xuống một bên thành cổng, ta nói… không nói nên lời luôn!

Quần thể đền thờ này chủ yếu thờ Thần Lúa, Thần Cỏ Cây, nhưng cũng đi kèm khá nhiều các vị thần khác, trong hệ thống tín ngưỡng đa thần của người dân Nhật Bản. Cứ vừa đi vừa cảm thụ cảnh vật ven đường lồng trong ngàn chiếc cổng trời đẹp miên man như vậy, chẳng mấy chốc tụi mình đã chạm đến những trạm dừng chân. Tới đây lại là một bài toán: đi tiếp hay dừng lại rồi quay xuống? Em Phong nhất định: mình phải đi tiếp cho đến đỉnh nha! Thế là mấy chị em túc tắc đi. Đường đi thêm vui vì có khá đông các bạn khách khác cùng đi, nhưng phần lớn là dân châu u. Họ im lặng, dễ thương, không ồn ào, đủ cho tụi mình cảm nhận sự rộn ràng lên xuống nhưng không bị náo nhiệt đến mức cảm thấy bị làm phiền. Thật thích mà!

Cứ túc tắc mà leo, đến đỉnh núi, chỉ là một quần thể đền thờ nhỏ, nhưng nhìn nghiêm trang và đầy trân trọng. Chúng mình nghỉ mệt một lát, đi nhiễu ba vòng quanh đền trên đỉnh núi, rồi từ từ đi xuống.

Đường đi xuống lại thêm một lần thổn thức vì bữa tiệc ánh sáng diễm lệ của hoàng hôn chiếu thẫm trên từng thanh cổng trời. Nó đẹp vi diệu, đến mức cứ chốc chốc, tụi mình cứ phải dừng chân lại, chỉ để ngắm! Đường xuống cũng thoải mái hơn nhiều, vì các bậc thang ở đây cũng thấp, mà lại có thêm niềm vui động viên các bạn khách khác đang trên đường đi lên. Thời điểm tụi mình xuống núi, đã hơn 6 giờ chiều. Vậy mà lượng khách mới vẫn đang nô nức leo lên đỉnh núi. Một lộ trình lên núi khoảng trên dưới 4km, để lên đến đỉnh núi cao khoảng 233 mét, nếu tính cả đường lên lẫn xuống, cũng phải tầm ba tiếng. Tụi mình nói, nơi này quá đặc biệt, không thể không đưa vào trong hành trình AN trên xứ Phù Tang lần này! Mà phải là, chơi ngon luôn, dành hẳn buổi chiều cho mọi người túc tắc leo núi, nó mới thấm hết cái cảnh tuyệt vời và năng lượng dạt dào trên đường lên núi. Và đó chính là một quyết định hết sức ‘đặc thù MayQ’, bởi vì tụi mình khuyến khích các bạn đi cho trọn vẹn hành trình đặc biệt này, để cảm trọn vẹn năng lượng của từng nơi mà tụi mình đã đích thân cảm nghiệm rõ ràng, nha!

Mình nhìn lại lần nữa đường lên núi, nhìn dòng người vẫn nô nức đi lên và xuống, tự nhiên nghĩ thêm, ngay cả người lớn tuổi hay không thể tiện leo hết núi, họ vẫn rất có thể thưởng thức được quãng thời gian tại đây nha, bởi vì mấy tiếng đồng hồ đồng bạn leo núi, họ hoàn toàn có thể đi rảo quanh những không gian bán đồ lưu niệm đầy màu sắc và hấp dẫn mà ban trưa chúng mình đã ngắm trước khi lên núi. Thế thì, còn gì phải bàn cho một địa điểm tuyệt vời như vầy, phải không nào?

Đây cũng là nơi chúng mình có được những bức ảnh sinh động nhất, ghi lại buổi chiều đáng nhớ. Các bạn ngắm qua trước nhen, để rồi đợi chuyến AN trên xứ Phù Tang, 31/8 – 5/9/2023 thật sự tới, các bạn thành viên trong đoàn sẽ sớm được chính mình trải nghiệm cảm giác tuyệt vời này, và hơn nữa, tự mình có được trong những bức ảnh tuyệt vời như thế này.

Gửi niệm lành cho tất cả,

(26.6.2023 – QH & MayQ Team)

#MayQGo #AN #ANinJapan #Japan

Chia sẻ:

Bài Viết Liên Quan

TỪ LƯƠNG HOÀNG SÁM: ‘SÁM HỐI’ LÀ GÌ?

TỪ LƯƠNG HOÀNG SÁM: ‘SÁM HỐI’ LÀ GÌ?

[Từ #Lương_Hoàng_Sám]Vị Sư cô đầy uyên bác mà mình hữu duyên được gặp gỡ và chỉ giáo một số điều thật sự ‘thậm thâm vi diệu’ từ pháp Phật, một ngày cô dặn mình, con về, cố gắng kiếm thời gian mà ngồi nghiền ngẫm lại thật kỹ bộ Lương Hoàng Sám nha.Cái cách mà Sư

Xem thêm »