Search
Close this search box.

ĐẠI CỘNG HƯỞNG CÔN SƠN – KIẾP BẠC – YÊN TỬ 2023: MỘT CHUYẾN ĐI TRỌN VẸN

ĐẠI CỘNG HƯỞNG CÔN SƠN - KIẾP BẠC - YÊN TỬ 2023: MỘT CHUYẾN ĐI TRỌN VẸN

[Đại cộng hưởng Về miền phúc địa 2023: Yên Tử – Côn Sơn – Kiếp Bạc]

MỘT CHUYẾN ĐI TRỌN VẸN, KHÉP LẠI HÀNH TRÌNH ĐẠI CỘNG HƯỞNG NĂM 2023 ĐẦY ĐONG ĐẦY, YÊU THƯƠNG

Hơn ba năm nay, có lẽ, cái tên Yên Tử đã trở nên thật gắn bó, thân thương trong hành trình Đại cộng hưởng của nhà MayQ vì bởi giờ đây, nơi ấy không phải chỉ là một địa danh, một vùng đất, mà với chúng mình, nơi đây còn là niềm thương, là sự biết ơn, và cả những nỗi nhớ.

Thương, là từ một vùng đất lạ, lại bỗng hóa thân thương, tựa cảm giác trở về Nhà cho biết bao nhiêu con người hữu duyên chạm chân đến, và trở lại, không phải chỉ một lần.

Biết ơn, là dù bao lần đến đây, trải qua biết bao nhiêu sự chuyển biến của đất trời: nắng nóng, mưa to, gió thổi, mây trôi lãng đãng, đến hoàng hôn rực rỡ một góc trời,… chúng mình đều cảm nhận thật trọn vẹn, mỗi một khoảnh khắc trôi qua tại nơi này cũng thật vô giá, thiêng liêng, đáng nhớ, và chúng mình nhận được thật nhiều sự gia hộ bởi Ơn Trên, đủ đầy những nhân duyên ngọt lành khi đến Yên Tử và có những trải nghiệm thật đặc biệt tại nơi này.

Nỗi nhớ, là khi ta đã đến và thương một vùng đất, để rồi khi trở về, lại nhớ thương và mong muốn được quay lại, như về thăm Nhà.

Và chuyến hành trình Đại cộng hưởng Về miền phúc địa: Yên Tử – Côn Sơn – Kiếp Bạc lần này, cũng chan chứa biết bao cảm xúc thân thương, khép lại hành trình Đại cộng hưởng năm 2023 của nhà MayQ thật đong đầy, ngập tràn cảm xúc biết ơn, hoan hỉ khắp cõi lòng.

YÊN TỬ, BAO LẦN ĐẾN, BAO LẦN THƯƠNG!

Hành trình lần này được diễn ra vào những ngày lạnh nhất của miền Bắc vào năm nay. Tất cả tụi mình đều trong tâm thế trang bị đồ ấm thật kỹ và chuẩn bị tinh thần ‘hòa mình’ vào cùng cái rét đậm, rét buốt này. Thế nhưng, rét vẫn cứ rét, nhiệt độ thấp nhất trong chuyến đi có lúc xuống còn 6 độ C, nhưng thật biết ơn, vì nắng vẫn chan hòa, vàng ươm sưởi ấm cho chúng mình trong suốt hai ngày đầu của chuyến hành trình.
Đoàn đến khu Làng Nương Yên Tử trời cũng đã tối. Cả đoàn tập trung ra Hồ Ngoạn Nguyệt để cùng nhau có một thời thiền nến ‘truyền thống’ mỗi lần đến đây. Từng hàng người ngay ngắn ngồi sát bên nhau, từng ánh nến dần dần được thắp lên. Khí trời lạnh giá dần được sưởi ấm bởi hơi ấm của lòng người và hơi ấm của những ngọn nến. Thế nhưng, khi nến chưa kịp lung linh thì đã bị những cơn gió làm cho tắt đi. Lúc này đây, chưa kịp tỏ ra tiếc nuối vì những sự chưa được trọn vẹn, thì trên nền trời đã dành tặng cả đoàn một khung cảnh thật hữu tình bởi ánh trăng sáng vằng vặc, và muôn vàn tinh tú lấp lánh. Thấy xúc động, vì được ngồi bên nhau trong những khoảnh khắc tuyệt vời như thế này. Sau thời tưởng niệm chân thành, tâm cảm ý giao, một lòng thành kính cúi đầu đảnh lễ các chư vị thần linh, liệt vị Tổ Sư, chư anh linh hồn thiêng sông núi tại vùng đất này, và trên toàn cõi đất nước Việt Nam, mình cho mọi người tĩnh tâm, tận dụng nguồn năng lượng dồi dào tại vùng đất thiêng Yên Tử, để cho thân tâm bình an, nguyện lành cho toàn thể những điều bất trắc đang hiện hữu sẽ sớm hóa lành. Mình vẫn luôn đặc biệt thương những thời cộng hưởng như thế này, bởi mình biết, sẽ có biết bao người được chạm vào trong một vài khoảnh khắc nào đó, nhìn vào lòng mình một cách chân thật nhất, để có thể bỏ buông được những gồng gánh đè nén trong lòng, để có thể tự nhiên cho nước mắt rơi, để có thể yếu mềm ở một giây phút nào đó,… và rồi, sẽ thấy lòng mình nhẹ nhõm hơn, nhẹ tênh…, hòa vào không gian bao la của đất trời.

Tờ mờ sáng hôm sau, trong cái lạnh 6 độ C, vậy mà 6 giờ sáng, mọi người đã tập trung khá đông đủ dưới sân cỏ tại Cung Trúc Lâm để cùng nhau có một thời dưỡng sinh buổi sáng. Vừa vặn thay, trước chuyến đi, mình cũng đã kịp thu trước chuỗi bài tập thở và Yoga dài 30 phút, áp dụng ngay vào chuyến đi lần này, thật phù hợp và đầy lợi lạc. Thở và tập Yoga dưỡng sinh một hồi, ai cũng thấy người ấm lên. Cái lạnh đã không còn là chướng ngại khó khăn cho cả đoàn. Và rồi, phần thưởng cho những người dậy sớm, ‘vượt lạnh’ chính là một thời bình minh tuyệt đẹp. Mặt trời từ từ nhô lên sau đỉnh núi, tỏa những tia nắng ấm áp đầu ngày, dịu nhẹ ôm ấp từng thành viên. Từng giai điệu của bài mantra “I’m Happy – I’m Good” vang lên, mọi người cùng nhau nhún nhảy vui tươi, đón chào một ngày mới với thật nhiều điều tốt lành đang đến.

Và đúng là, ngày hôm ấy đẹp như một giấc mơ. Đã thật lâu rồi, trong chuyến hành trình Đại cộng hưởng tại Yên Tử, chúng mình mới có một ngày thời tiết đẹp đến như vậy. Tụi mình đã từng trải qua đủ đầy mọi cung bậc thời tiết tại nơi chốn này, từ nắng vàng nhẹ, đến mưa bay lất phất, cả những khi mưa to xối xả hay chan hòa rực rỡ hoàng hôn,… Mỗi mùa, mỗi khoảnh khắc của tiết trời đều để lại trong chúng mình những hình ảnh về một Yên Tử với những vẻ đẹp rất riêng. Còn lần này, ngày cả đoàn leo núi, là ngày đẹp nhất về tiết trời mà Yên Tử đã dành tặng cho cả đoàn, để mọi người thuận lợi về tất cả mọi mặt trên hành trình khám phá đỉnh núi thiêng Yên Tử.

Nắng nhưng không oi, lạnh nhưng không buốt, đủ đầy mọi thuận duyên để cả đoàn được leo núi trong điều kiện thời tiết tốt nhất. Ở tại mỗi điểm dừng đều có những thời cộng hưởng, cũng thật đong đầy bởi biết bao cảm xúc thân thương. Đầu tiên, có lẽ là cảm giác xúc động khi chắp tay, cúi đầu đảnh lễ ngay tại Vườn Tháp Huệ Quang – nơi đang thờ xá lợi của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, và được xem như trái tim của Yên Tử. Từng bước chân chậm rãi đi nhiễu quanh tháp, mình tin chắc, mỗi người đều cảm nhận rõ tim mình dâng lên một sự kết nối vô hình nào đó, vừa thiêng liêng, vừa xúc động, và hơn hết, là thân quen, như về Nhà…

Rời khỏi Vườn Tháp Huệ Quang, chúng mình đến Chùa Hoa Yên và có một thời cộng hưởng tại khu vực nội viện phía bên cạnh. Lần nào đến cũng ghé đây, để cùng nhau đọc một thời kinh giữa lòng núi thiêng Yên Tử. Lần này, chúng mình cùng nhau đọc một thời kinh A Di Đà (bản soạn dịch của HT. Thích Trí Quảng), để cùng nhau hồi hướng cửu huyền thất tổ của mỗi thành viên trong đoàn, cũng để hồi hướng cho cho các Chư Vị hữu duyên tại cuộc đất này. Chuyến đi lần này, cũng trong dịp sắp đến ngày vía Đức Phật A Di Đà 17/11, nên chúng mình cũng đã cùng nhau niệm 108 lần hồng danh Đức Phật A Di Đà, nguyện học theo những hạnh lành của Ngài, để sống tốt đẹp hơn.

Thời cộng hưởng kết thúc, trước khi mỗi người ăn cơm từ những phần ăn tiện lợi được nhận sẵn trước khi lên núi, mình sinh hoạt chung cho mọi người về lịch trình diễn ra vào buổi chiều. Sẽ có ba lựa chọn: lựa chọn thứ nhất, với những ai chân yếu không thể di chuyển được nữa, thì sẽ chọn quay trở về khu lưu trú, Làng Nương, để nghỉ ngơi, tự dạo chơi khám phá bên dưới; Lựa chọn thứ hai, cho những ai đủ sức khỏe sẽ leo thẳng lên núi, viếng thăm Chùa Đồng sau đó sẽ đi ngược lại, xuống khu tập kết ngay bên dưới chân tôn tượng Phật Hoàng; Lựa chọn thứ ba, dành cho những ai chân khỏe ‘vừa vừa’, có thể di chuyển lên khu vực tượng Phật Hoàng, để đợi đoàn từ trên đỉnh núi di chuyển xuống, và cùng nhau có một thời cộng hưởng thật đặc biệt tại nơi đây.

Sau khi giới thiệu xong ba lựa chọn, mình hỏi mọi người, ai quyết tâm leo lên đến đỉnh Chùa Đồng? Ở dưới những cánh tay giơ lên rợp cả một khoảng sân, cùng những tiếng hò reo đầy quyết tâm, khí thế. Mình thật sự thương tinh thần này của mọi người, vì hơn ai hết, chúng mình hiểu, mỗi bước chân di chuyển trên núi Yên Tử là mỗi bước năng lượng. Và việc leo lên đến đỉnh Chùa Đồng, đó không phải là một sự ‘chinh phục’ của những chuyến leo núi thông thường, mà nó thiêng liêng và ý nghĩa hơn rất rất nhiều lần. Bởi chính Yên Tử vốn là nơi tổng hòa của ba giá trị cốt lõi, nổi bật: tâm linh, thiên nhiên, văn hóa – lịch sử. Các giá trị cốt lõi càng hòa quyện vào nhau, nâng tầm cho nhau, mang lại sự thiêng liêng, sức mạnh tinh thần vô cùng lợi lạc và ý nghĩa. Và thế là, mọi người hăng hái lên đường, và đã có khoảng 95% thành viên trong chuyến đi chạm chân được đến Chùa Đồng, 4% còn lại ghép đoàn tại khu vực dưới chân tượng Phật Hoàng, chỉ có duy nhất 1% di chuyển xuống lại núi do lý do bất khả kháng. Đây cũng là con số đạt ‘kỷ lục’ về số lượng người di chuyển lên đỉnh núi nhiều nhất trong tất cả các chuyến đi từ trước đến nay của nhà MayQ tụi mình. Thật sự thấy thương và ấm áp hết sức!

Trong lúc mọi người di chuyển lên đỉnh núi, lẽ dĩ nhiên, mình cũng sẽ theo lộ trình thứ hai, di chuyển thẳng lên đỉnh Chùa Đồng và ghép đoàn tại khu vực dưới chân tượng Phật Hoàng. Nhưng rồi, bằng một sự dẫn duyên kỳ diệu, mình cùng một vài anh em trong team MayQ, đã đi theo lộ trình phát sinh: lộ trình thứ tư: chúng mình đã lội bộ trèo núi, lên viếng Chùa Bảo Sái, sang Vân Tiêu – hai ngôi chùa nằm ở vị trí khá hẻo lánh, chênh vênh ven bờ núi, giữa đường; sau đó rồi mới tiến lên khu tượng Phật Hoàng. Và đã có thật nhiều điều xúc động, vi diệu đã diễn ra trong ngay tại chặng đó, mà trong khuôn khổ giới hạn của bài viết này, mình không thể lột tả được hết. Hẹn cả nhà trong bài viết tiếp theo, mình sẽ chia sẻ đủ đầy những điều đã diễn ra tại nơi đây. Mọi thứ xúc động đến nỗi, mình quyết tâm, sẽ đưa chặng di chuyển thứ tư này vào lộ trình lựa chọn của hành trình năm sau, để những ai có đôi chân và thể lực đủ khỏe, tâm đạo đủ bền chắc và mạnh mẽ, sẽ cùng chúng mình di chuyển theo lộ trình này. Chắc chắn, sẽ là một trải nghiệm vô cùng đặc biệt và đáng nhớ, khi bạn đặt chân đến Yên Tử.

Quay trở lại với hành trình chung của cả đoàn, khi mọi người đã tề tựu về đủ đầy dưới chân tượng Phật Hoàng, cũng là lúc mình và em nhỏ trong team vừa lên tới. Trời cũng dần ngả về chiều, ánh nắng gom về, vàng ruộm cả vạt núi. Ngày hôm ấy thật đặc biệt, khi đúng ngay ngày 11/11 m lịch, ngày mà cách đây 765 năm, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã sinh ra, chúng mình đã hữu duyên được dắt về đây, được ngồi dưới chân tượng Phật Hoàng, và có một thời cộng hưởng lạy 108 lạy sám hối và khai tâm cũng như có một thời tưởng niệm tại đó.

Giữa không gian bao la trời đất, một cõi yên bình, chỉ có duy nhất đoàn chúng mình. Không một thanh âm tạp niệm, trong mỗi người chỉ có duy nhất một lòng thành kính tâm giao, hướng về Phật Hoàng Trần Nhân Tông, thể hiện tấm lòng và quyết tâm sống tốt đời đẹp đạo, dưới sự chứng giám đầy thiêng liêng của Đấng Giác Hoàng Điều Ngự trên cao: “Mãi mãi sáng ngời gương Phật Tổ – Ngàn sau còn chiếu rạng nét Tông phong”. Giây phút ấy, nước mắt mình sa thành từng dòng dài. Mình thật sự biết ơn cảm giác này, khi trước đó đã có biết bao nhiêu những sự ‘xáo trộn’ phải dời lịch của chuyến đi vì những lý do khác nhau, để đưa đẩy cho chúng mình đủ đầy những nhân duyên ngọt lành cùng về đây, ngay đúng ngày đặc biệt này, đúng khoảnh khắc tuyệt đẹp này, để được cúi đầu đảnh lễ và hòa mình trọn vẹn trong từng phút giây trôi.

Thời tưởng niệm trôi qua, mọi người cùng mở đôi bàn tay ra, dùng hơi ấm của lòng bàn tay để đi tìm hơi ấm lòng bàn tay của hai người bạn ở cạnh bên mình. Nhẹ nhàng nắm lấy tay của bạn, không phân biệt giới tính, tuổi tác hay vùng miền, bởi vì giờ phút này đây, tất cả chúng ta đều là một. Những giai điệu của Ho’Oponopono vang lên, hoàng hôn cũng vừa buông xuống. Mặt trời đỏ rực cả một góc trời, như một món quà tuyệt diệu dành tặng cho mọi người. Còn gì tuyệt vời hơn thế, khi được ngắm hoàng hôn cùng nhau, đặc biệt, là hoàng hôn ngay tại núi thiêng Yên Tử. Một cảnh đẹp đầy hùng vĩ của núi rừng, đầy diễm lệ rực rỡ của mặt trời, của ngàn mây hội tụ, một bên là mặt trời dần xuống, một bên trăng 11 vừa lên, cùng lúc, ngẫu nhiên trên nền trời cũng tụ lại một quầng mây dài cuộn lại hình một chút rồng, khiến ai ai cũng cảm thấy tim mình nở hoa vì cảm thấy mình quá chừng may mắn, được có mặt, được trải qua, được chìm đắm trong khoảnh khắc không thể nào tuyệt vời hơn này. Mình tin, đây sẽ là một khoảnh khắc vô cùng đẹp đẽ, để khép lại một thời cộng hưởng, khép lại một ngày, khép lại một năm, và cả khép lại những ngổn ngang lòng trong mỗi người trong suốt một năm đang đi qua. Mỗi người sẽ có những câu chuyện khác nhau, mỗi người sẽ có những tâm tư riêng khi đến đây, nhưng mình hy vọng rằng, trong giây phút tuyệt đẹp ấy, những băn khoăn, lo lắng, nỗi buồn trong mỗi người cũng hóa nhẹ tênh, gửi về với gió mây trời. Để rồi, đọng lại sau tất cả, chính là những ấm áp, rực rỡ và màu trời đẹp đẽ của một vùng hoàng hôn ngày cuối năm, cùng những sự hoan hỉ, đong đầy, biết ơn tràn ngập cõi lòng!

ĐONG ĐẦY NHỮNG TRẢI NGHIỆM MỚI

Nếu như tụi mình có những thời cộng hưởng quá quen thuộc như thiền nến, thiền dưỡng sinh mỗi sáng, thời cộng hưởng dưới chân tôn tượng Phật Hoàng, thời đọc kinh tại khu nội viện Hoa Yên, hay thời cộng hưởng tại chùa Giải Oan,… trong khu vực Yên Tử, thì chuyến hành trình này, tụi mình còn có thêm những địa điểm mới mẻ, mang đến những trải nghiệm thú vị, đong đầy không kém.

Đầu tiên, phải kể đến chính là viếng Đền Kiếp Bạc, chùa Côn Sơn và có thời cộng hưởng tại chùa Côn Sơn. Nhớ lần đi company trip hồi đầu năm, nhà MayQ tụi mình ghé Côn Sơn vào chiều tà, ai nấy đều quá yêu trường năng lượng thanh bình và khung cảnh bình yên tại nơi đây, nên đã quyết tâm bằng mọi cách, phải đưa địa điểm này vào lịch trình của chuyến đi năm nay. Và thế là, cảm giác thích càng thêm thích, thương càng thêm thương trong lần trở lại này. Đến Côn Sơn vào giờ trưa, cả đoàn cùng nhau ăn bữa cơm trưa trong chánh niệm, bởi những hộp xôi được nấu bằng tất cả tình yêu thương của các cô Phật tử từ một ngôi chùa ở Thái Bình mang vào. Giờ cơm xong, vẫn là khung cảnh nắng nhưng không oi, đủ đầy mọi điều kiện tốt lành để cả đoàn được ngồi quây quần cùng nhau trong khoảng sân của Chùa Côn Sơn, cạnh hai cây hoa sứ đại với tuổi đời trên 600 năm tuổi, cùng nhau có một thời đọc Khấn nguyện trợ duyên, lạy 100 lạy Vạn Phật và thiền ánh sáng tại đó.

Bình yên bên nhau trong từng khoảnh khắc trôi. Thời cộng hưởng xong, cũng là lúc trời dần ngả về chiều. Mọi người bắt đầu đi đảnh lễ khu quần thể Chùa Côn Sơn. Thật sự, không gian đa tầng của chùa đủ sức làm ngây ngất chúng mình, và cứ mỗi tầng lại mang nét sâm nghiêm riêng biệt. Chúng mình cứ nhẹ nhàng vừa đi vừa đảnh lễ, lại vừa không bỏ qua cơ hội chiêm bái, ngắm nhìn những kiến trúc cổ kính cứ chan hòa xung quanh… Cảm động biết bao khi đứng trước vuông đất từng là nền ngôi chùa cổ, thế kỷ thứ 8. Thiêng liêng biết bao, khi lội lên nhiều bậc thang đá chỉn chu dẫn lên không gian cao nhất của khuôn viên chùa, nơi đó đặt gian thờ tượng Đức Quán Thế m Bồ tát bằng ngọc đầy uy nghiêm. Đảnh lễ Ngài xong, bước ra bên ngoài, đứng bên ngoài gian thờ, phóng mắt nhìn ngược xuống, cả một không gian bao la bát ngát của tầng tầng lớp lớp mái ngói chùa trải rộng theo triền núi… Tất cả tạo nên một cảm giác mênh mang thật khó tả. Chúng mình cũng không quên đến nghiêng mình kính đảnh lễ trước bảo tháp thờ xá lợi ngài Huyền Quang, vị Tam Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Điểm đặc biệt thứ hai trong lịch trình lần này, chính là việc chúng mình đã thiết kế được một lịch trình hoàn chỉnh hơn, phù hợp hơn, để có thể đưa được cụm chùa gắn với cuộc đời Phật Hoàng Trần Nhân Tông vào, để cả đoàn có thời gian đủ thong dong đảnh lễ các kiểng chùa đó như Chùa Trình, Chùa Suối Tắm, Chùa Cầm Thực, Chùa Lân,… Mỗi chùa đều có những câu chuyện và những nét kiến trúc riêng, mang đến những trải nghiệm đặc biệt cho mỗi người, ai ai cũng thấy lòng nhẹ nhõm, thanh tịnh biết bao khi dần được bước vào từng vuông sân, bậc thang, không gian… của những ngôi chùa đẫm hương thời gian, có gắn liền với những cột mốc lưu dấu chân Phật Hoàng một thuở.

“MỌI THỨ RỒI SẼ QUA, CHỈ TÌNH THƯƠNG Ở LẠI…”

Khi gõ những dòng này, trong đầu mình bật lên những lời hát ấy: “Mọi thứ rồi sẽ qua/Chỉ tình thương ở lại…”. Rồi chuyến hành trình cũng khép lại, nhưng mình tin, bằng tất cả những sự đủ đầy, xúc động, đẹp đẽ trong chuyến đi, mọi người sẽ được chạm, được giao nhau theo những cách rất riêng, để rồi chỉ cần khi nhắc đến Yên Tử – Côn Sơn – Kiếp Bạc, lòng mỗi người sẽ dậy lên biết bao nhiêu cảm xúc thân thương, về những vùng đất lạ, bỗng hóa thương tự bao giờ.

Và tròn vẹn làm sao, đây cũng là chuyến đi cuối cùng, khép lại hành trình Đại cộng hưởng năm 2023 của MayQ Go. 11 chuyến Đại cộng hưởng, tương ứng với 11 tháng trong năm đã khép lại (vì tháng 3 kẹt lịch công tác ở nước ngoài, tụi mình không mở Đại cộng hưởng trong nước được). Tụi mình đã khởi đầu hành trình này bằng một thời bình minh đầy rực rỡ trên núi Châu Thới trong chuyến Đại cộng hưởng tại Bình Dương vào tháng 01/2023, để rồi, khép lại bằng thời hoàng hôn đầy rực rỡ trên núi thiêng Yên Tử vào tháng 12/2023. Chúng mình đã cùng biết bao nhiêu thành viên đồng hành cùng nhau trong các chuyến đi ở Long Hải, Ninh Thuận, Tây Ninh, Tp. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hà Nam, Bến Tre, Đồng Nai, Sóc Trăng,… Cùng nhau đi qua biết bao mùa mưa nắng, đi qua biết bao nhiêu thời cộng hưởng, để rồi giờ đây, khi ngồi viết những dòng này, mọi ký ức chảy về thật vẹn nguyên và rõ nét.

Những chuyến đi khép lại, năm tháng lại vẫn tiếp tục trôi. Nhưng mình tin, những kỷ niệm và tình thương trong nhau, của nhà MayQ với mỗi thành viên hữu duyên có mặt trong một chuyến đi nào đó, sẽ càng ngày dày đậm theo năm tháng.

Từng nụ cười, từng cái nắm tay, từng cái ôm, từng khoảnh khắc bên nhau trong những thời cộng hưởng… Tụi mình sẽ lưu lại tại đây, ngay trái tim này, bằng tất cả sự trân trọng và biết ơn thật nhiều.

Biết ơn, vì 2023, chúng mình vẫn có nhau…

Mong rằng, 2024 vẫn sẽ là một năm thật trọn vẹn, đáng nhớ và chúng mình, cũng sẽ đồng hành thêm thật nhiều chuyến đi ý nghĩa, lợi lạc và đong đầy.

Gửi niệm lành cho tất cả,

(27.12.2023, QH & MayQ Team)

#MayQGo
#Đạicộnghưởng
#Vềmiềnphúcđịa
#Biếtơn2023

Chia sẻ:

Bài Viết Liên Quan

AN CANADA: CHUYẾN ĐI ĐẦY Ý NGHĨA VỚI MAYQ GO

AN CANADA: CHUYẾN ĐI ĐẦY Ý NGHĨA VỚI MAYQ GO

[Lời MayQ Team] Cứ mỗi hành trình qua đi, sẽ thêm thật nhiều những trải nghiệm và cảm xúc đọng lại, không chỉ đối với nhà MayQ mà còn với tất cả những thành viên tham gia chuyến đi đó. Tụi mình vẫn luôn trân quý và thiệt thích cảm giác được đọc những dòng

Xem thêm »
May We Go – Chúng ta cùng lên đường nào! Du lịch Truyền cảm hứng sống vui vẻ tích cực, giải tỏa muộn phiền, tích năng lượng an lành.