Search
Close this search box.

TỊNH NEPAL 2024: ĐẠI BẢO THÁP BOUDHANATH…

TỊNH NEPAL 2024: ĐẠI BẢO THÁP BOUDHANATH...

…& NĂNG LƯỢNG TỪ NHỮNG DÒNG CHẢY NGƯỜI

Những người đến thăm viếng Kathmandu thường nhắc về ba trung tâm năng lượng lớn, cũng là những đại bảo tháp quan trọng trong tâm thức của các Phật tử từ muôn phương hội về: Swayambhunath, Boudhanath, và Namo Buddha. Từ tận chuyến đi khảo sát của nhà MayQ Go tụi mình thực hiện hồi cuối năm 2022, chúng mình đã cảm nhận được ở khu đại bảo tháp Boudhanath một năng lượng trong veo, thanh tịnh, cho dù lúc nào ở đó cũng luôn có những dòng người đông đúc cuộn trào theo từng vòng kora quanh bảo tháp.

‘Kora’ là một thuật ngữ trong Phật giáo Mật tông, chỉ những vòng đi kinh hành (đi nhiễu) quanh một trung tâm năng lượng thiêng liêng, nhất là với những nơi có đặt đại bảo tháp – vốn thường được xếp đặt theo lối đàn tràng – Mandala. Trong ba nơi được nhắc đến ở trên, lạ là chỉ có ở đại bảo tháp Boudhanath, việc đi kora vòng quanh tháp mới được diễn ra nhiều, đông và mạnh mẽ nhất. Có lẽ vì kích thước của đại bảo tháp Boudhanath to lớn vừa phải để một vòng kora vừa đủ cho đôi chân người hành giả, tấm 400m, chân bước đều, tay lần tràng hạt chuỗi hoặc chắp tay hình búp sen trước ngực, miệng và tâm hợp nhất trong những câu mantra mà mỗi người tự chọn lấy cho riêng mình. Bản thân đại bảo tháp – với cấu trúc là một đại đàn tràng – Mandala, đã tỏa ra vô cùng nhiều năng lượng thiêng liêng, khi khế hợp cùng dòng chảy người và người quyện nhau cuốn đi trong những vòng kora dường như bất tận: người này bắt đầu một vòng kora mới thì người kia cũng vừa kết thúc…, và cứ như thế, dòng năng lượng tại đây dường như được cuộn đi, được nhân rộng, được khuếch tán rộng ra mãi.

Với chuyến đi đầu tiên mở ra nhánh tour Tịnh này, tại đất Nepal, chúng mình đã chọn Boudhanath làm nơi mở đầu những thời cộng hưởng chính của hành trình. Lần trước đi khảo sát, đến vào buổi chiều, đã từng ngơ ngẩn với nắng vàng rơi nhẹ trên bốn mặt đỉnh tháp, ánh lóng lánh trên lớp vàng rảnh óng ánh làm nền cho đôi mắt Phật – một biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo Mật tông, cũng là một biểu tượng chính của Nepal; lần này đưa đoàn đến buổi sáng, có hơi… bất ngờ nhẹ vì nơi này buổi sáng nắng quá nha, hihi. Nắng hầu như trải khắp mọi ngóc ngách, vô hình chung tạo nên một bất lợi nho nhỏ cho đoàn, khi tìm một chỗ có đủ bóng râm để đoàn ngồi tĩnh tâm mà đọc một thời kinh, lễ Tam Bảo, phát nguyện cho hành trình, cũng không phải dễ dàng. Chúng mình đi gần được nửa vòng quanh bảo tháp, thấy nơi tạm lý tưởng nhất cho thời điểm ấy chính là… một vuông đất nhỏ cạnh đàn bồ câu đang vui vẻ rỉa cánh, sau lưng là một công trình xây dựng đang dở dang còn đang quây rào tạm chắn. Trong lòng tự nghĩ: có chuyến đi ‘thỉnh kinh’ nào mà suôn sẻ, thôi hoan hỉ chấp nhận thực tại này và bắt đầu vậy.

Cùng với các anh chị em trong đoàn trải tấm lót ngồi xuống, dàn hàng ngang mà bắt đầu nhiếp tâm đảnh lễ, đọc những thời kinh đầu tiên… Bài khảo của thời khắc đầu tiên bắt đầu ló dạng, với cùng lúc mấy yếu tố dễ gây phân tâm nha: đàng sau lưng chúng mình, tòa nhà đang xây dựng dở dang bắt đầu rục rịch với tiếng búa, tiếng đóng dầm gỗ, tiếng dụng cụ lao động xột xoẹt không ngừng. Mé bên kia, nắng bắt đầu chạy dần lên, lẹm vào nơi một số anh chị thành viên đoàn đang ngồi. Chúng mình bất chấp, càng tập trung hơn vào những câu kinh, lời kệ. Quyển 1 Lương Hoàng Sám cứ thế được mở ra, nhắc lại trong tâm mỗi thành viên trong đoàn về tầm quan trọng của pháp sám hối, của việc dứt nghi ngờ, và sự tối cần thiết của sự phát bồ đề tâm… Càng đọc, càng bị cuốn vào trong nội dung và ý nghĩa sâu mầu của bản sám pháp, lòng không ngừng biết ơn tính chất của chuyến đi này là chuyến Tịnh, vì vậy các thành viên tham gia trong chuyến đi toàn là những anh chị em ‘bồ đề quyến thuộc’ đã có sẵn công phu tu tập và những nhận thức nhất định và độ tập trung, sự quen thuộc và hoan hỉ chấp nhận sự bất ý của hoàn cảnh bên ngoài. Thấy thương gì mà thương quá!

Đang nhiếp tâm đọc hết sức chuyên chú, đột nhiên có cảm giác ai đó lầm rầm đọc thần chú gì đó bên trên đầu mình. Sau đó, thì có một tờ tiền lẻ của Nepal được thả xuống chiếc khăn mình đang trải trước mặt để làm chỗ tựa đầu gối để lạy. Phản xạ tự nhiên của mình là, chết rồi, lại có ai, kiểu những người hay giả bộ tặng mình lá bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng bên Ấn Độ, giả bộ tặng mình một món gì con con trước rồi sau đó gợi chuyện để xin tiền lại mình và đoàn hay gì đây… Tâm nhiếp niệm 100% của mình thoáng một chốc bị xao nhãng, để ngẫm coi chuyện này là thật hay giả, mình có nên phản ứng lại hay không. Sau đó, cũng theo phản xạ, đầu không ngẩng lên, tay mình lặng lẽ xua xua, ý muốn nói “Dạ, cám ơn, nhưng tôi không cần đâu.” Thêm một chút nữa, lại nghe tiếng niệm lầm rầm đó di chuyển sang mấy anh chị đang ngồi cạnh bên, cũng lại những tờ tiền mệnh giá nhỏ của Nepal được thả xuống…

Tới đây thì tâm mình bị phân tán dữ dội rồi à nhe. Trong đầu mình không còn đơn thuần chỉ là một người thực hành tu tập, ngồi ở đó và tập trung đọc kinh niệm Phật, mà còn là tâm của một người trong ban tổ chức, thấy đoàn mình có nguy cơ bị người ngoài vào làm ảnh hưởng, thì mình bắt đầu tính nên làm thế nào. Mình ngẩng đầu lên, miệng chuẩn bị sẵn một câu nói cũng tương đối nghiêm khắc, rằng “Xin vui lòng bước ra ngoài, để cho đoàn chúng tôi tập trung tu tập”. Thì hỡi ôi, câu nói cứng rắn kia đã tắt lại ngay trong cổ họng, khi trước đôi mắt của mình, là một gương mặt vô cùng hiền lành, vô cùng thuần hậu của một ông lão già nua. Mặt ông răn reo, mắt đang nhắm nghiền, miệng vô cùng chuyên tâm trì chú, một tay không ngừng lần chuỗi hạt, tay kia, tiếp tục thành kính rải từng tờ tiền Nepal mệnh giá nhỏ xuống cho những anh chị khác trong đoàn đang cùng ngồi tu tập với tụi mình. Trong một khoảnh khắc, mình tự nhiên ngộ ra: ông lão là hoàn toàn với tâm cung kính, và có lẽ, ông đang thấy một đoàn người đang ngồi đọc kinh, tu tập, ông cảm kính, muốn phát tâm cúng dường cho mỗi thành viên trong đoàn, vậy đó!

Giờ phút đó, nước mắt mình tự dưng muốn lưng tròng ngang xương. Một cảm giác phức tạp len lên trong lòng mình. Một chút của sự xấu hổ, vì đã dám nghĩ xấu cho nghĩa cử của lão ông, một chút ấm áp, vì cảm nhận được, việc cùng nhau tu tập của đoàn Tịnh chúng mình cũng đã chạm được đến với người dân địa phương rồi. Ngay trong giây phút đó, mình lại cụp mắt xuống, lặng lẽ để cụ ông tiếp tục thực hiện việc làm giản dị mà gây cảm động vô bờ cho tất cả các thành viên của đoàn. Ai nấy đều xúc động, thầm biết ơn cụ ông, lại càng có thêm động lực để nhiếp tâm hơn vào trong từng lời từng chữ của bản Lương Hoàng Sám mà cả đoàn đang đọc. Riêng mình, trong phút giây ấy, còn có lời sám hối kính gửi đến ông lão, rằng con xin lỗi Bồ tát, vì đã dùng tâm phàm phu mà nghĩ thấp cho Ngài. Xin lỗi, thật hổ thẹn, con xin sám hối!

Khép lại thời kinh mở đầu cho hành trình Tịnh ấy, nắng vừa lên cao. Nhìn xa xa, có hai người em – vốn là những bạn từng gắn bó với các cấp độ về Quản trị cuộc sống với Nhân số học của nhà MayQ, đột nhiên cũng xuất hiện bên hông của đoàn. Mấy anh chị em ôm chầm lấy nhau, mừng mừng tủi tủi. Nhân duyên gì đậm sâu đến vậy, khi không hẹn, mà đất Nepal xa xôi, trong cùng một khung giờ đó, tại một địa điểm nhỏ bé đó, lại có thể gặp được nhau? Các em đến Nepal trong hành trình mang mục tiêu khác, là chinh phục đỉnh Everest. Vỗ vai nhau động viên mỗi bên đều cố gắng, bởi chúng mình đều hiểu, cho dẫu hướng đi của hai bên là không giống nhau, nhưng đường đi sắp tới của cả hai bên đều không dễ dàng gì.

Khép lại thời kinh mở đầu tại Boudhanath, đoàn chúng mình ai nấy hoan hỉ cầm tờ tiền 5 rupee Nepal do ông lão ‘Bồ tát’ thương tặng, mỗi người tự đi nhiễu 13 vòng quanh đại bảo tháp. Hành trình coi như ‘khởi động máy’ cho một hành trình dài hơi, quan trọng và nhọc nhằn hơn nhiều lần vào ngày sắp tới, là đi nhiễu 13 vòng đại quanh khuôn viên quần thể đại bảo tháp Swayambhunath. Ai nấy đều khấp khởi mừng thầm, vì đi 13 vòng quanh tháp Boudhanath chỉ mất tầm 45 phút, mọi người đi khỏe re. Sau khi nghe em Phong – trưởng đoàn chính của chúng mình xác nhận, rằng 13 vòng ở đây mới chỉ bằng… có đúng một vòng kora đại bên quần thể đại bảo tháp bên kia, cả đoàn ai nấy đều… rén nhẹ, haha. Không sao, mọi cái có đi có tới mà!

Theo tương truyền, giai thoại về bảo tháp Boudhanath xuất hiện lần đầu tiên trong Tử Thư Tây Tạng được viết bởi Đại sư Liên Hoa Sinh (Ngài Guru Rinpoche) vào thế kỷ thứ 8, nói về sự “giải thoát qua sự nghe” (Liberation on Hearing). Câu chuyện về Đại bảo tháp Boudhanath với một nhân vật trung tâm vô cùng thú vị: một người phụ nữ chăn gà tên là Jadzima.

Khi Đức Phật Ca Diếp nhập diệt, với số tiền bà dành dụm được, Jadzima quyết định xây dựng một bảo tháp để gìn giữ xá lợi của Ngài cùng những vị Phật đã nhập diệt trước đó. Bà tìm đến nhà vua và xin ngài ban cho một mảnh đất để có thể xây dựng tượng đài này. Đứng trước nhà vua, Jadzima kể cho ngài nghe về cuộc đời nhiều thăng trầm của mình và bày tỏ mong muốn mãnh liệt được xây dựng bảo tháp nơi vô số chúng sinh có thể quy tụ về tu tập, tích lũy phước đức, nơi mà sẽ trở thành một hiện thân vĩnh cữu cho trí giác ngộ – tâm từ bi của các Đức Phật.

Nhà vua không nghĩ sẽ có ngày có người phụ nữ như bà, mạnh dạn đứng trước ngài bày tỏ một mong muốn hết sức vĩ đại. Xuất thân nghèo khó và thấp kém, chỉ là một người chăn gà, lại còn là một người mẹ đơn thân, một tay chăm sóc bốn con trai thành người. Và giờ đây bà lại muốn dùng tất cả những gì đã tích lũy được đó để xây dựng một bảo tháp vì lợi ích chung. Nhà vua nghĩ, “Thật đáng ngưỡng mộ”, rồi cho phép bà làm điều đó.

Trải qua nhiều thử thách, cuối cùng bảo tháp cũng hoàn thành, và trải qua bao nhiêu năm tháng, ngày nay, Boudhanath đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là một Di sản Văn hóa Thế giới. Và với các tín đồ Phật giáo, nơi chốn thiêng này còn vượt xa giá trị của một di sản văn hóa. Đó còn hội tụ năng lượng thiêng liêng không thể nghĩ bàn, mà chỉ những ai có đủ niềm tin và căn lành, đủ duyên chạm được đến nơi đó, được đắm chìm trong từ trường mạnh mẽ của nơi ấy mà nhiếp tâm tu tập, hẳn sẽ cảm nhận được những giá trị này, rất rõ.

Theo kế hoạch, đoàn Tịnh Nepal của chúng mình chỉ đến viếng Boudhanath có một lần vào buổi sáng đầu tiên ấy, để sau ngày thứ hai dành trọn vẹn cho hành trình đi kora 13 vòng đại quanh khu quần thể đại bảo tháp Swayambhunath, ngày thứ ba của chuỗi tu tập, chúng mình sẽ lên máy bay, bay về vùng cận Himalaya là thành phố Pokhara. Vậy mà, như một sự dẫn dắt của định mệnh, hay còn là sự an bài của chư Ơn Trên, chuyến bay buổi sáng ấy của chúng mình đã không được thực hiện do khu vực Pokhara có quá nhiều sương mù, máy bay không thể đáp xuống được. Vì thế, với ba ngày còn lại lưu lại Kathmandu, sau một thoáng chốc không tránh khỏi sự hoang mang ngơ ngác, một ‘kế hoạch thay thế’ đã được vạch ra, và ba ngày sau đó đã hóa ra là một sự tu tập trọn vẹn và đẹp đẽ, mà chúng mình sẽ lần lượt chia sẻ trong các bài viết trong chuỗi hành trình này. Còn trong khuôn khổ bài viết về Boudhanath, tụi mình không thể không xúc động mà nhắc với các bạn rằng, rốt cục, đại bảo tháp thiêng liêng này, đoàn chúng mình đã có duyên quay lại tổng cộng được đến ba lần! Mà mỗi lần đều để lại những ấn tượng đẹp đẽ, khó quên.

Sau buổi sáng đầy nắng tại Boudhanath, trong lòng mình vẫn không thôi tha thiết gợi nhớ mãi hình ảnh buổi chiều đẹp đẽ đến nao lòng mà chúng mình đã cùng nhau được trải qua trong chuyến đi khảo sát lần trước. Thế là, mình thuyết phục em Phong, buổi chiều kế cuối cùng, hãy đưa đoàn trở lại Boudhanath nhen!

Với chuyến Tịnh, chúng mình phát ra hạnh nguyện sẽ phải tu tập đủ các mức mà chúng mình đã quy định từ đầu chuyến. Đến với buổi chiều kế ngày cuối cùng lưu lại Nepal đó, số lượng các hạng mục tu tập khác như đọc các quyển Lương Hoàng Sám hay đi nhiễu tháp… đều đã được các thành viên chan trải đều dần. Chỉ mỗi hạng mục “lạy 500 hồng danh chư Phật trong quyển Kinh Vạn Phật” là vẫn như một chướng duyên nhẹ, mới chỉ tải được vỏn vẹn 100 vị từ ngày tu tập đầu tiên trên tu viện Namo Buddha, còn lại, cứ bị ngắt ngứ, dời lại mãi. Cho nên, đến buổi chiều hôm ấy trở lại Boudhanath, chúng mình cần phải đọc đến Quyển 8 Lương Hoàng Sám, và lạy cho được 200 vị Phật nha! Mấy anh chị em hào hứng đi vào cổng… Woa…, sao mà người, người, người, ở đâu ra mà đông dữ vậy ta ơi?! Buổi sáng hôm trước đến, vốn đã thấy đông rồi đó nha, nhưng xem ra, lượng người hôm ấy so với hôm nay mới có một phần nhỏ thôi. Người hôm nay có mặt trong Boudhanath, ta nói nó đông nghìn nghịt không thua gì bà con đi trẩy hội.

Thì cũng phải, buổi hoàng hôn luôn là thời khắc đẹp đẽ về mặt hình ảnh, và giàu năng lượng nhất nói về mặt tâm linh, tại đây. Vì vậy, dường như ai ai cũng muốn có được một chút gì đó, thu nhận được cho mình trong buổi chiều tà tại nơi này. Lần này chúng mình chọn được một vuông đất ngay trước một tu viện Mật tông, hai bên dĩ nhiên vẫn không thiếu bao nhiêu gian hàng bán vật phẩm tâm linh, đồ lưu niệm. Lại trải miếng lót ngồi và đặt để ba lô, giỏ xách… đồ xuống, bấy giờ mới bắt đầu cảm nhận một chút cái sự ‘lạ lùng’ đang dâng lên nãy giờ: chắc ở khu vực này trước giờ người ta thường chỉ đến tu tập theo từng cá nhân, ít ai tập hợp thành những nhóm nhỏ chứ đừng nói đến một nhóm lớn đến 40 người như đoàn tụi mình. Vì thế, bên cạnh việc đi kinh hành, đại đa số mọi người có mặt ở đó đều hiếu kỳ, đứng… ngắm tụi mình tu tập!

Má ơi, lại tiếp tục là một thử thách lòng nhiếp tâm của mỗi người nha. Thật lòng, một người quen đứng trước công chúng hàng chục ngàn người như mình, hay quay truyền hình cho hàng triệu người xem, cảm giác nó cũng không… khó tả bằng buổi chiều hôm ấy, ngồi… tu tập trước đôi mắt ngắm nhìn của chắc tầm một ngàn người thôi chớ mấy! Haha, mình lại còn ngồi hàng đầu, cảm giác ‘đầu sóng ngọn gió’ lại càng mãnh liệt hơn nữa. Được cái, mọi người đứng ngắm với một thái độ thiện chí và hoan hỉ chứ không tỏ vẻ tiêu cực gì, mà thực tế, mắt mình cũng không nâng lên để ngắm lại xem rốt cục là những ai với ai đã đến, ngắm chúng mình, và ngắm chúng mình trong bao lâu. Chỉ biết rằng, các anh đối tác của chúng mình đã làm việc rất tốt, toàn tâm bảo vệ cho chúng mình có một khoảng không gian đủ an lành để chúng mình buông mọi tâm phòng bị mà tập trung vào từng lời kinh câu kệ. Hôm ấy, chúng mình đọc đến Quyển 8 Lương Hoàng Sám, đã đến phần lễ Phật thế cho chư vị trong sáu cõi luân hồi. Mình đọc một hồi, bỗng dưng xúc động. Điều gì đã đưa chúng mình đến đây, giữa một chốn đông đúc nhưng không nhiễu tạp này, mọi người đều đang di chuyển, đều mang tâm thành kính mà dấn tới trong các vòng nhiễu tháp theo chiều kim đồng hồ. Trong một thoáng, mình cảm ngộ, phải chăng, nhân duyên này đang giúp nhân rộng, và mang những lời nguyện cầu nhiếp tâm của chúng mình đi thật xa, cuộn vào trong dòng năng lượng mãnh liệt của hàng ngàn con người đang đi kora bất tận quanh đây, mà đi mãi hòa nhập vào dòng chảy miên miễn của Vũ trụ? Cảm được đến đó rồi, lòng bỗng rưng rưng. Từng lời đọc bỗng càng trở nên hữu lực, tha thiết hơn bao giờ hết. Vũ trụ này đồng một thể, vậy, hãy nương theo lực của hàng ngàn con người ‘bồ đề quyến thuộc’ tuy chưa quen biết đang cần mẫn đi kora ngoài kia, mà khuếch rộng đi, lan xa mãi những lời nguyện cầu của chúng mình, hướng về một thế giới an hòa, vô lượng chúng sanh trong ba cõi ác được giải thoát, loài người thoát khỏi phiền não đau khổ, loài Atula thoát khỏi sân giận, còn người cõi Thiên tự biết quay về tu tập để nối dài phước báu tự thân…

Xong một thời Lương Hoàng Sám, nghỉ giải lao một chút, đến trường đoạn còn… dễ gây mắc cỡ hơn chút nữa nè: Lạy Vạn Phật. Tụi mình ‘giáp mí’ với nhau, ai ai cũng cười tủm tỉm, thú nhận có chút xíu áp lực cùng ngại ngần lúc ban đầu, nhưng sau đó cuốn vào thời kinh, đã không còn nghĩ hay cảm nhận, chia trí gì cả. Vậy thì xúc tiến thôi!

Lạy Vạn Phật luôn là một phần vô cùng yêu thích của đại đa số chúng mình. Các thầy lớn bên Phật giáo Đại thừa đều luôn khuyến khích Phật tử năng lạy Phật để tiêu nghiệp, chuyển hóa oan khiên. Vì thế, đẩy đưa làm sao, lại được lạy Vạn Phật ngay trước đại bảo tháp linh thiêng, mà mỗi lần dập đầu cúi lạy, lòng lại bồi hồi khôn tả. “Nguyện cho con tiêu được vô lượng tội nghiệp, giải được vô lượng oan khiên, tập được vô lượng công đức”. Tự đếm cho riêng mình, để giữ mình nhiếp tâm trọn vẹn trong từng lễ lạy. Mỗi lần đứng thẳng dậy, mắt lại chăm chăm nhìn lên đôi Mắt Phật đang được khắc trên đỉnh bảo tháp kia. Đôi mắt Phật như đang tỏa năng lượng mạnh mẽ, tiếp thêm cho mình và các anh chị em ‘bồ đề quyến thuộc’ cùng đoàn càng lạy càng khỏe, càng lạy càng cảm nhận một nguồn năng lượng dồi dào, mà chắc chỉ có những ai đích thân tham gia hoạt động này mới cảm nhận được trọn vẹn. Hai trăm lễ lạy, cũng hơn một giờ đồng hồ trôi. Trước mắt chúng mình, ôi, cũng chính là nó đó, nắng vàng rơi nhẹ trên bốn mặt đỉnh tháp, ánh lóng lánh trên lớp vàng dát óng ánh làm nền cho đôi mắt Phật, đẹp không thể tả! Chúng mình đã thực sự ở đó, trong từng phút giây, trong từng hơi thở, quên hết tất cả mọi muộn phiền, khổ đau hay âu lo, từ quá khứ hay cho tương lai, cũng không màng có bao nhiêu người đang dừng lại ngắm chúng mình, hay bao nhiêu người đang tất bật đi kora ngang qua chúng mình. Tất cả chỉ dồn trọn vẹn vào từng thời lễ lạy, trọn vẹn, đong đầy!

Khép lại 200 lễ lạy Vạn Phật, đoàn chúng mình ôm choàng lấy nhau trong hạnh phúc. Một thời công phu một quyển Lương Hoàng Sám và 200 vị Phật, cũng gần ba giờ đồng hồ, vậy mà ai nấy đều thấy luyến tiếc như sao nó qua đi nhanh quá vậy! Luyến tiếc về lại khách sạn dùng cơm, để rồi, buổi trưa đến chiều tối ngày hôm sau, ngày cuối cùng của chuyến hành trình Tịnh đầy lợi lạc này, chúng mình lại trở lại đây, lần thứ ba!

Lần này, mỗi người được có một khoảng thời gian riêng tư đủ rộng rãi để làm những gì mình mong muốn. Người tìm một quán cà phê quanh bảo tháp, ngắm kiến trúc và đời sống xung quanh, kẻ tranh thủ đi dạo các quầy bán vật phẩm tâm linh lưu niệm về để làm quà. Mình kéo cô bé đi cùng team bước qua cánh cửa thấp, đi vào bên trong khu nội bảo tháp. Bên trong này không tô vẽ trang trí gì quá chỉn chu, màu nước vôi còn loang lổ đó đây. Tuy vậy, tụi mình vẫn tìm được một bờ tường đủ râm mát để hai cô cháu dựa vào. Cô bé bị cơn buồn ngủ lấn tới, nó xếp chân nhắm mắt ‘đi’ một lèo gần một giờ đồng hồ. Còn mình dành một tiếng đồng hồ ấy tự trì 21 biến Kinh Cứu Khổ. Bên trong 108 cánh cửa sổ nhỏ bên trong bảo tháp Boudhanath có chạm khắc hình tượng của Mẹ Tara – một hiện thân của Đức Quan Thế Âm Bồ tát bên Mật tông. Mình càng đọc càng thấy tỉnh táo, không dễ rơi vào hôn trầm như những lần tự trì ở nhà. Vừa xong 21 biến thì cô nhỏ ngồi bên cạnh cũng vừa tỉnh dậy. Nó hớn hở kêu, năng lượng ở đây hay quá cô, nãy giờ ý là con chỉ chợp mắt chút xíu thôi chứ chưa phải công phu miên mật gì, thức dậy đã thấy người thật khỏe, thật dồi dào sinh lực! Mình cũng cảm thấy như cô bé ấy vậy. Năng lượng của những vùng đất thiêng, một khi ta nhiếp tâm để cho mình tĩnh tại, nó sẽ đi vào sâu trong con người ta, điều này cũng không còn lạ lùng gì nữa rồi.

Hai cô cháu rảo bước đi về vuông đất cũ, nơi ngày hôm qua chúng mình đã tựu lại cho thời cộng hưởng lần trước. Các anh chị em còn lại của đoàn cũng đã tề tựu lại đông đủ. Đúng bốn giờ chiều, thời lạy 200 hồng danh Vạn Phật cuối cùng trong hạn mục “Lạy 500 Vị Phật” của chúng mình bắt đầu được diễn ra. Có lẽ đã quen với những gì đã diễn ra ngày hôm qua, hôm nay chúng mình nhập tâm rất nhanh. Lại tiếp tục có gần hai tiếng đồng hồ trọn vẹn đắm mình trong những thời lạy, của thân – tâm – trí hợp nhất. Những chú chó hoang dễ thương sống quanh đó tiếp tục chạy đến bầu bạn với chúng mình. Các chú ngoan ngoãn nằm cạnh các thành viên trong đoàn chúng mình, như muốn được hưởng ké năng lượng từ các phần tu tập, tuy vậy, hễ vừa thấy bất cứ ai có hành tung có vẻ không thiện, các chú sẵn sàng lao ra, sủa dữ dội để đẩy các vị ấy ra xa. Trong số các khách vãng lai đi ngang qua và dừng lại ngắm chúng mình, có một em bé tầm 2-3 tuổi, cứ nằng nặc đòi mẹ cho bé vào lạy cùng. Một thành viên trong đoàn vui vẻ nhường cho bé một chiếc thảm lót lạy, và thế là bé đã vô cùng hào hứng được ở lại, lạy cùng đoàn chúng mình cũng phải gần nửa tiếng đồng hồ!

Thời lạy 200 vị Phật cuối cùng ấy cũng đã trở thành thời cộng hưởng cuối cùng của chúng mình trên đất Nepal, khép lại 5 ngày tu tập miên mật đúng nghĩa, và đầy lợi lạc của tuyến Tịnh. Đến giây phút hoàn mãn đó, nhìn lại dòng người vẫn đang tấp nập đi kora trước mặt, tự nhiên mình ngộ ra thêm một giá trị lớn lao nữa: Ngày hôm qua và hôm nay, trong suốt các thời lạy Vạn Phật, chúng mình đúng bản chất là đang lạy Phật, nhưng cùng lúc đó, là ‘lạy ông đi qua bà đi lại’, theo đúng nghĩa đen, chứ gì nữa. Mà bản chất của việc lạy Vạn Phật chính là một phép sám hối sâu mầu. Nay lại được thực hiện giữa một chốn đông đúc, mà căn bản, là chúng mình cùng nhau lạy, lại lạy nhiếp tâm, hết lòng hết dạ, trong tâm không hề còn khởi lên một chút e ngại hay mắc cỡ nào, chính là một hình thức sám hối trọn vẹn nhất. Và như thế, chính các ‘ông đi qua bà đi lại’ này đang góp phần đẩy các nghiệp chướng sâu dày còn vương lại trong tàng thức được thoát ra khỏi chúng mình, đi càng xa, càng mất hút đi rồi… Thật ngỡ ngàng về sự cảm ngộ sâu thêm một tầng này! Biết ơn hết sức.

Lại ôm nhau trong đong đầy hạnh phúc và an lạc, trong khi những giai điệu của bài Hạnh phúc ở trong ta vang lên. Chúng mình như được hồi tưởng lại rất nhanh, từ buổi sáng đầu tiên ngồi bỡ ngỡ vượt qua ‘chướng ngại’ nắng nôi và tiếng ồn công trình xây dựng, mà tập trung tu tập. Để rồi buổi chiều đó, có lẽ đông người, cũng đâu có kém ồn, và nắng chiều cũng vẫn đang dát những tia diễm lệ bên trên bảo tháp Boudhanath, nhưng mỗi người chúng mình đều tự cảm nhận được, bản thân mình đã đi qua được rất nhiều cung bậc. Đã trưởng thành hơn thêm một chút, đã cảm nhận được tròn vẹn hơn một chút, sự an lạc trọn đầy của sự miên mật tu tập trong năm ngày này. Tự nhiên cảm nhận được sâu sắc hơn một chút, cái ý nghĩa mà dòng tour Tịnh chúng mình đã quyết tâm triển khai cho được, và cho đến giờ phút ấy, đã chứng minh, rằng nó có một sức sống riêng, hơn nữa, lại còn là một sức sống mãnh liệt.

Thương lắm!

(10.05.2024 – QH & MayQ Team)

#TỊNH
#Nepal
#Boudhanath

Chia sẻ:

Bài Viết Liên Quan

AN CANADA: CHUYẾN ĐI ĐẦY Ý NGHĨA VỚI MAYQ GO

AN CANADA: CHUYẾN ĐI ĐẦY Ý NGHĨA VỚI MAYQ GO

[Lời MayQ Team] Cứ mỗi hành trình qua đi, sẽ thêm thật nhiều những trải nghiệm và cảm xúc đọng lại, không chỉ đối với nhà MayQ mà còn với tất cả những thành viên tham gia chuyến đi đó. Tụi mình vẫn luôn trân quý và thiệt thích cảm giác được đọc những dòng

Xem thêm »
May We Go – Chúng ta cùng lên đường nào! Du lịch Truyền cảm hứng sống vui vẻ tích cực, giải tỏa muộn phiền, tích năng lượng an lành.