Search
Close this search box.

TỊNH NEPAL 2024: PHÁT BỒ ĐỀ TÂM Ở TU VIỆN NAMO BUDDHA

TỊNH NEPAL 2024: PHÁT BỒ ĐỀ TÂM Ở TU VIỆN NAMO BUDDHA

Ở đầu bài viết thứ ba này, mình cần phải nhắc lại lần nữa chi tiết này: Ở Kathmandu, người ta thường nhắc đến ba trung tâm năng lượng lớn: đại bảo tháp Swayambhunath, bảo tháp Boudhanath, và tu viện Namo Buddha. Trong chuyến đi khảo sát của nhà MayQ Go tụi mình thực hiện hồi cuối năm 2022, chúng mình đã đến được với hai trong ba trung tâm năng lượng này, là bảo tháp Swayambhunath và bảo tháp Boudhanath. Còn địa điểm thứ ba, tu viên Namo Buddha, chúng mình quyết định đưa luôn vào lịch trình do tính chất quan trọng của nó, mặc dù cũng như tất cả các thành viên khác trong đoàn, mãi cho đến ngày lên đường, mới đích thân được đặt chân đến.

Lý do vì sao chưa qua khảo sát mà vẫn mạnh mẽ đưa đoàn đến nơi đặc biệt này? Bởi chuyến đi này mang tính chất đặc biệt của việc chuyên tâm tu tập và lảy được năng lượng từ sự miên mật tu tập nơi các vùng đất thiêng. Trong quy luật vận hành của vũ trụ, con số 3 hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa, trong đó, bất cứ tổ hợp nào hội được ba yếu tố mới sản sinh ra những tố chất mới. Huống hồ, quần thể tu viện Namo Buddha nổi tiếng đặc biệt và linh thiêng, làm sao một chuyến đi như TỊNH Nepal có thể bỏ qua?

Buổi sáng đầu tiên của chuỗi hành trình tu tập, sau một buổi sáng mở đầu khá thành công tại bảo tháp Boudhanath (tụi mình đã có chia sẻ chi tiết trong bài ký sự trước), chúng mình hoan hỉ dùng bữa cơm chay, rồi tiếp tục lên xe, lên đường vượt dốc đèo, đến với Namo Buddha.

Ngồi lên xe rồi mới thấy, con đường dẫn từ trung tâm Kathmandu đến với khu vực quần thể tu viện Namo Buddha là một quãng hành trình khá là thử thách. Đường giồng xóc, nhiều góc cua quanh co khúc khuỷu. Nó làm cho chúng mình không khỏi liên tưởng đến quãng đường ‘giồng như đi xe ngựa’ mà chúng mình đã phải trải qua suốt tám tiếng đồng hồ từ Kathmandu đến Pokhara, đến nỗi sau đó, trong chuyến hành trình TỊNH chính thức tại Nepal, chúng mình đã cương quyết chuyển sang hình thức đi máy bay đến Pokhara để ‘né’ quãng đường gian khổ này. Thế mà “né vỏ dưa gặp vỏ dừa” nha, vừa hay, cảm giác ‘ngồi thú nhún’ này cũng không khác gì mấy, chỉ may là nó ngắn hơn, chỉ tầm khoảng hơn hai tiếng đồng hồ thì chúng mình đến nơi.

Đến nơi, anh hướng dẫn viên địa phương mỉm cười rất từ ái, chỉ đoạn đường dốc dài và xa, nói chúng ta cần phải vượt con dốc này nhé. Cả hội cùng nhau tiến lên. Đi đến được một vùng đầu con dốc, nhìn thấy một đền thờ nho nhỏ, trông rất cổ kính. Anh hướng dẫn địa phương cho biết, nơi đây chính là gian điện thờ gốc để sinh ra toàn bộ quần thể này. Gian điện thờ một tiền thân của Đức Phật Thích Ca, kiếp ấy là một vị hoàng tử. Vì cảm thương một con hổ mẹ vừa đẻ ra bầy con nhỏ đói bụng, ngài đã bố thí luôn cả thịt da của ngài để cứu sống bầy hổ. Vì thế, nơi này còn được biết tới dưới tên gọi Tagmo Lujin theo tiếng Tây Tạng, trong đó Tagmo có nghĩa là “Hổ Cái” và Lujin có nghĩa là “thí thân”.

Đảnh lễ tại gian điện thờ chính xong, chúng mình theo chân anh hướng dẫn, kiên nhẫn lội thêm hàng trăm bậc thang dốc đứng nữa, mới lên được một khu tu viện được sắp xếp theo cách thức khá lạ. Đất đai thì bao la, nhưng quần thể tu viện Namo Buddha được chia thành rất nhiều gian nhỏ, lằn ngang dãy dọc chồng xếp lẫn nhau, lối bố trí cũng thật lạ lùng, cao thấp lô nhô. Chúng mình được đưa đi qua rất nhiều bậc thang và cánh cửa lớn nhỏ nữa, cuối cùng dừng lại ở một gian điện thờ nhỏ bé nhưng tỏa ra khí chất trang nghiêm thanh tịnh. Đó là gian Vạn Phật Điện, trong đó ngoài tượng chính của Đức Phật Thích Ca, còn có mô phỏng hình tướng của Vạn Phật khác.

Leo được lên đến nơi, cũng khá thấm mệt rồi. Chúng mình lặng lẽ ngồi bên nhau, nhắm mắt tĩnh tâm hít thở, đợi cho lần lượt tất cả các thành viên tựu lại đông đủ. Trong thời gian chờ đợi, mình âm thầm đứng lên, lặng lẽ đi dạo qua một vòng. Cảm giác ‘hơi lăn tăn’ với những gì đang diễn ra từ chiều đến giờ, cả những cảm giác không tính là quá thuận với những gì đang được cho nhìn thấy ở đây… càng ngày càng trở nên đậm nét hơn. Mình có thử dấn vào một số khu, hay gian khác…, tất cả đều có bảng cấm người ngoài bước vào. Mình không khỏi tự đặt ra câu hỏi cho chính mình, rằng nếu ‘chỉ như thế này’, như vậy có ‘đáng’ với công sức vất vả, vượt đường sá xa xôi, leo non trèo núi… mà cả đoàn đã vượt, để lên đến đây không? Vậy, huyền vi, nếu có, nó phải nằm ở đâu, chứ không lẽ mọi cái… cứ đơn giản là như vậy?

Nghĩ là như vậy, nhưng mình cũng hết sức tỉnh giác. Tự nhủ không được để tâm chấp của mình trỗi dậy mà mất đi sự rỗng lặng cần thiết để đón nhận tất cả một cách khách quan nhất, mình nhẹ nhàng quay trở lại với gian điện Vạn Phật nhỏ bé mà sâm nghiêm đó. Nơi ấy, tất cả các thành viên trong đoàn đã lên đến được đông đủ. Mình lại ngắm một vòng, mỉm cười thừa nhận, đây có lẽ là không gian bé gọn nhất mà quy mô một đoàn lớn nhỏ của nhà MayQ tụi mình được ướm vào. Thả lỏng, không nghĩ tới quá khứ tương lai, không nghĩ đến tâm chấp trước của mình nữa, bèn mời mọi người cùng nhau quỳ lên, có lời tác bạch đảnh lễ Chư Tam Bảo, và phát nguyện tiếp tục được đọc Quyển 2 Lương Hoàng Sám. Và rồi, cũng thật thương, có lẽ do không gian quá cô đọng và tĩnh an, tất cả đều im phăng phắc, chỉ còn giọng đọc của mọi người trỗi lên, đều đặn, có hồn, hữu lực, cứ như vậy, quyện vào nhau, đi qua hết trang này sang trang khác.

Một trong những lực tác động mãnh liệt của Lương Hoàng Sám chính là sức mạnh tác động trực diện của từng câu từng ý trong bản sám pháp lên người ngồi nghe, ngồi đọc. Kể từ lần thử nghiệm ở chuyến AN Canada, cho đại chúng im lặng ngồi nghe những phần cần cảm ngộ sâu sắc, chỉ đọc ở những đoạn cần đích thân người hành giả phát nguyện, tụi mình cảm nhận hiệu quả sâu hơn thấy rõ. Vì vậy, trong chuyến TỊNH lần này, toàn Quyển 2 Lương Hoàng Sám cũng đã được chia nhỏ ra, để từng đoạn từng đoạn, mỗi người được dịp ngẫm ngợi sâu và chạm.

Nội dung Quyển 2 Lương Hoàng Sám hướng mọi người về việc Phát Bồ Đề Tâm, là một động thái tối cần thiết của một người Phật tử để duy trì mạng mạch Phật pháp của mình không bị đứt đoạn khi đi qua nhiều đời kiếp sống; cũng để cho tâm đạo của mình được tiến tới dũng mãnh và liên tục, mà không bị những chướng duyên của đời thường làm cho lười nhác buông lung hay thối lui. Kể từ khi được Thầy Thích Pháp Hòa gieo duyên biết đến Lương Hoàng Sám từ 2018, cho đến bây giờ, hầu như chưa bao giờ tụi mình buông Lương Hoàng Sám. Bản sám pháp này được tụi mình đưa vô các kỳ đại cộng hưởng Online hàng tháng, rồi các chuyến Offline…, nên từ đó đến nay, chắc mình đọc tới đọc lui Quyển 2 này cũng phải hơn chục lần rồi. Tuy vậy, đọc là đọc, cũng hiểu, nhưng là hiểu trên sự hiểu rất lý tính. Rồi đến khi đầu năm nay, đem được trọn vẹn 10 quyển Lương Hoàng Sám dồn vào trong một thời tập trung tu tập tại chuyến AN Canada vỏn vẹn bảy ngày, mình mới có đủ duyên mà cảm được sâu hơn.

Rồi sau khi ở Canada về, bị trái múi giờ, 2 giờ sáng mình đã thức dậy, chọn đi qua cuộc jetlag bằng cách đọc Lương Hoàng Sám. Trong bầu không khí đầy tĩnh lặng và cũng thật đậm đặc năng lượng thiêng liêng của nửa đêm về sáng, trong một sát na đó, mình ngộ ra được sự khổng lồ và vĩ đại của dự án Lương Hoàng Sám mà Vũ trụ đã gửi xuống cho chúng sanh. Trong một sát na, mình hiểu được, vì sao Lương Hoàng Sám phải có đến 10 quyển hội cùng trong một cuốn kinh dày. Mình hiểu được, sự vi diệu và tuyệt vời mà tác giả quyển này đã dày công biên soạn, để cho đúng nghĩa là, “một niệm cất lên cảm ứng được mười phương Phật, một lạy xuống đoạn được vô lượng oan khiên”. Và trong đó không thể thiếu được sự nhắc nhở phải phát Bồ đề tâm, mà ngay tại gian Điện Vạn Phật bé nhỏ và trang nghiêm đó, trong sự tĩnh lặng đến vô cùng đó, tất cả chúng mình, chẳng phải đang cùng nhau được cùng làm một nghi lễ thiêng liêng, là cùng nhau được chính thân-tâm-trí hợp nhất mà cất lên lời thệ nguyện, Phát Bồ Đề Tâm mà giúp chúng sanh muôn loài hay sao!

Những câu chữ nghiêm trang và có sức nặng không thể nghĩ bàn của sự Phát Bồ Đề Tâm trong Quyển 2 Lương Hoàng Sám, cứ thế được tiếp tục vang lên từ miệng mình và tất cả những anh chị em bồ đề quyến thuộc cùng trong chuyến đi. Và, cũng trong khoảnh khắc ấy, mình tự nhiên xâu chuỗi được tất cả những gì đang xảy ra từ sáng đến giờ. Chúng mình đang được dắt duyên có mặt trên đỉnh một trong những ngọn núi cao nhất Kathmandu, và hơn thế nữa, như một sự kỳ diệu nào đó, được tiếp tục dắt duyên để có mặt ở trong gian điện cao nhất của ngọn núi đó, chính tại tu viện Namo Buddha, để cùng nhau thực hiện nghi thức thiêng liêng: thệ nguyện Phát Bồ Đề Tâm. Mà tâm bồ đề này được phát lên này không phải là vì bản thân mình, mà vì bá tánh chúng sanh mà nguyện. Kỳ diệu hơn nữa, gian điện mà chúng mình được an bài để ngồi phát ra thệ nguyện Phát Bồ Đề Tâm thiêng liêng này lại chính là Điện Vạn Phật, nơi tất cả công đức được tạo tác được nhân lên hàng vạn, hàng triệu lần…

Cảm nhận được giá trị sâu không thể nghĩ bàn của nhân duyên vi diệu này rồi, chúng mình ngồi lặng nhìn nhau. Mọi người vẫn là mỗi người trong con mắt nhau thôi, sao giờ đây bỗng như được khoác lên thêm một màu áo mới, đẹp đẽ, trang nghiêm và thiêng liêng thêm quá đỗi. Vì sao, giữa muôn vàn chuyến đi du lịch đó đây nhân một dịp lễ được nghỉ dài ngày, tất cả chúng ta đã chọn đồng hành cùng nhau trong một chuyến đi không tính là sung sướng, lại cam tâm cùng nhau ăn chay suốt chuyến, cùng nhau hoan hỉ đồng ý đi qua mỗi ngày nhiều thời kinh kệ, công phu dài nhiều giờ… Tất cả dường như lóe lên một lời giải đáp, ngay trong phút giây ấy. Chúng mình cảm được, chúng mình ngộ được, và chúng mình chạm nhau được, ở cùng điểm đồng cảm ấy. Ôm choàng lấy nhau trong tình thân và sự đồng điệu sâu sắc ấy, buổi chiều hôm ấy, bao nhiêu nỗi mệt nhọc hầu như phai đi đâu mất. Mỗi bước đi trên những bậc đá đầy dốc dẫn ra một không gian xanh, nơi nhiều người trong chúng mình được vai kề vai bên nhau, ngắm mặt trời hoàng hôn đỏ au chìm dần sau rặng núi xa. Nỗi bình yên lan tỏa, tràn ngập khắp từng tế bào, từng hơi thở. Để rồi, khi ông mặt trời chính thức khuất núi, cả đoàn đưa nhau lội ngược lên, đứng quây quần xung quanh pho tượng Phật lộ thiên giữa trời trong không gian tu viện Namo Buddha. Giờ đây, đã cảm ngộ được nhiều thêm rồi, thời lạy 100 vị Phật đầu tiên trong chuỗi “Lạy 500 Vị Phật trong Kinh Vạn Phật” của hành trình lần này đã được chúng mình thực hiện với tất cả tấm lòng. Trời dần sẩm tối, khí trời trên núi se se lạnh, mà thông qua từng thời lạy, mấy chục người chúng mình, bên nhau, sao cảm giác nó thân thương và ấm áp lạ lùng!

Tạm biệt quần thể tu viện Namo Buddha, chúng mình nắm tay dắt nhau xuống núi. Đường xuống núi cũng giồng xóc nào kém lúc đi lên, vậy mà sao chúng mình lại cảm thấy bình an đến lạ thường. Mọi người tặng cho nhau chút bánh kẹo lót lòng, để cho qua giai đoạn hai tiếng đồng hồ xuống dốc, để dừng chân bên một nhà hàng Thái ven đường. Bữa ăn tối được ngẫu nhiên thiết kế chỗ ngồi theo lối dãy bàn dài của một cuộc họp lớn. Và thế là, cả đoàn được ngồi lại bên nhau, bàn luận rôm rả, thống nhất kế hoạch cho một hoạt động lớn diễn ra ngày kế tiếp đó: chuỗi kora 13 vòng, dài trên dưới 50km, quanh quần thể Đại bảo tháp Swayambhunath vào ngày kế tiếp. Trải qua buổi chiều đặc biệt bên nhau, ai nấy đều đã thân thiết với nhau rồi. Tất cả cùng gửi niệm lành cho nhau, để ngày hôm sau, ước mong mọi thành viên trong đoàn đều sẽ chạm được mục đích viên mãn, là hoàn thành trọn vẹn 13 vòng kora ấy trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Ai nấy không giấu được chút lo lắng, nhưng cũng đầy vẻ hồ hởi và phấn khích được tiến vào thử thách quan trọng này.

Thương lắm!

(12.05.2024 – QH & MayQ Team)

#TỊNH
#Nepal

Chia sẻ:

Bài Viết Liên Quan

TỪ LƯƠNG HOÀNG SÁM: ‘SÁM HỐI’ LÀ GÌ?

TỪ LƯƠNG HOÀNG SÁM: ‘SÁM HỐI’ LÀ GÌ?

[Từ #Lương_Hoàng_Sám]Vị Sư cô đầy uyên bác mà mình hữu duyên được gặp gỡ và chỉ giáo một số điều thật sự ‘thậm thâm vi diệu’ từ pháp Phật, một ngày cô dặn mình, con về, cố gắng kiếm thời gian mà ngồi nghiền ngẫm lại thật kỹ bộ Lương Hoàng Sám nha.Cái cách mà Sư

Xem thêm »