- 028 2253 1357
- 8AM - 5PM
Địa Điểm Tour | Nhật Bản |
---|---|
Thể Loại Tour | Tour Hành hương |
Tháng | Tháng 11 |
Thời Lượng | 6 ngày 5 đêm |
Đất nước Nhật Bản hoàn toàn không xa lạ gì trong danh sách những điểm đến để du khách mong muốn quay trở lại nhiều lần. Tuy nhiên, với đặc thù của những chuyến hành trình TỊNH, nhà MayQ Go mong muốn cùng bạn trải nghiệm sáu ngày theo một cách thức thật khác biệt. Ở đó, bạn sẽ được đắm mình trong năng lượng thanh lành của những ngôi chùa cổ kính tại các ‘thánh địa Phật giáo’ lớn tại Nhật, cũng như các tín ngưỡng địa phương. Với đại đa số các điểm đến đều là những Di sản Văn hóa Thế giới, hành trình TỊNH Nhật Bản là một hành trình đầy thú vị, sâu sắc nhưng không kém phần hấp dẫn, mà bạn không nên bỏ qua.
Nhìn lại hành trình của MayQ Go, đi qua nhiều nơi chốn, nhiều địa điểm, nhận thấy tụi mình thật có duyên với những ngọn núi. Ở trong nước, các hành trình Đại cộng hưởng đã đưa mọi người tới lui rất nhiều những ngọn núi nổi tiếng như Núi Bà Đen (Tây Ninh), núi Yên Tử (Quảng Ninh); chuyến AN từng đưa mọi người lên núi Bạch Mã (Huế), nhánh Quản trị cuộc sống với Nhân số học từng đủ duyên cùng nhau ghé Núi Nưa (Thanh Hóa)… Mở rộng ra với những chuyến đi nước ngoài, các đỉnh núi để lại những niềm thương đậm sâu trong lòng các thành viên, không thể không nhắc đến đỉnh núi Linh Thứu (Ấn Độ), đỉnh núi Kailash (Tây Tạng), đỉnh Doi Suthep (Chiang Mai),…
Và gần đây nhất, trong tháng 9.2023, trong hành trình AN lần đầu tiên tại Nhật Bản, chúng mình đã đưa cả đoàn đến với hai ngọn núi thiêng tại nơi đây: Ngọn núi Hieizan thanh lành, tĩnh mặc; và Ngọn núi Koyasan đậm chất linh thiêng. Hai ngọn núi này là nơi phát tích, là trung tâm tinh hoa của hai tông phái lớn của Phật giáo Nhật Bản: phái Thiên Thai Tông trên núi Hiei (Hieizan) và phái Chân Ngôn Tông trên núi Koya (Koyasan). Hai ngọn núi này cũng là nơi gắn liền với thanh danh hai trong số những vị đại sư có tầm quan trọng vào bậc nhất tại Nhật bản: Truyền giáo Đại sư Tối Trừng, và Hoằng pháp Đại sư Không Hải.
Với nhánh tour AN phần lớn nghiêng nhiều về thưởng cảnh, khi đến hai ngọn núi tại Nhật này, tụi mình khởi lên một ước nguyện rằng một ngày nào đó đủ duyên, ước mong sẽ được cùng mọi người trong một chuyến hành trình đậm đà hơn về mặt tu tập, để cùng nhau có những thời huân tu miên mật tại nơi đây. Và thế là duyên đủ, nhánh TỊNH ra đời, để rồi, tháng 11.2024 sắp tới đây, chuyến hành trình TỊNH Nhật Bản lần đầu tiên được diễn ra, trong suốt sáu ngày từ 16 – 21.11.2024.
Vậy điều gì đặc biệt ở hai ngọn núi này, làm chúng mình khởi lên một mong ước cháy bỏng đến như thế?
Với quần thể chùa Enryaku-ji (Diên Vĩ Tự) trên Núi Hiei (Hieizan – Tỉ Duệ Sơn), nơi được xem là thánh địa phái Huê Nghiêm Tông – Thiên Thai Tông Nhật Bản, do Tổ sư Tối Trừng (Sancho) sáng lập cũng từ thế kỷ thứ 9. Vào thời kỳ này, tại Nhật Bản bắt đầu hình thành và phát triển hai trường phái đạo Phật vô cùng mạnh mẽ, từ hai ngọn núi này. Phái Huê Nghiêm tông của Tổ sư Tối Trừng thiên về Hiển tông. Trải qua bao nhiêu năm tháng, nơi này vẫn được các đệ tử của Ngài qua bao nhiêu thế hệ gìn giữ với sự nghiêm cung tôn kính hết mực, nên tất cả đều toát lên được sự chỉn chu, nề nếp và bài bản. Toàn bộ quần thể chùa Enryaku-ji (Diên Vĩ Tự) ở núi Hiei được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới.
Quần thể chùa Enryaku-ji thanh lành và tĩnh mặc, từng cành cây ngọn cỏ, từng giọt sương hay làn gió đều mang đến cho người thưởng ngoạn những cảm giác vô cùng thơ thới. Thổn thức về sự chỉn chu, tinh tế, thanh lành và tĩnh mặc, đó là cảm giác chung của đoàn chúng mình khi đặt chân đến ngọn núi Hieizan lần ấy. Thú thật, từng giây phút ở Hieizan, tụi mình như muốn chậm lại, để có thể hít thở từng luồng không khí nơi đây, để cho bản thân từ từ hòa mình vào nhịp sống, hòa mình vào nguồn năng lượng đầy thiêng liêng và dạt dào này. Chỉ cần bước đến đây, dường như mọi hỗn tạp suy nghĩ, mọi buồn lo, mọi người đều để lại phía sau, để là mình một cách trọn vẹn nhất trong từng giây phút. Ấy là cảm giác thấy lòng mình thật nhẹ nhàng, thư thái, bình an thật nhiều.
Tại đây, cả đoàn sẽ cùng nhau có những thời thiền tĩnh tâm trong khuôn viên chùa. Cùng viếng linh đường của Ngài Pháp Nhiên, Căn bản Trung đường nơi có ngọn nến hàng thập kỷ không tắt – được mệnh danh là quốc bảo của Nhật Bản, viếng Đại Giảng Đường, nơi thờ phượng linh tượng của chư Tổ các tông môn khác nhau tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, cả đoàn cũng sẽ được viếng Điện A Di Đà, Quan Âm Các, Đông Tháp hoặc Tây Tháp, tự do thưởng thức không gian rừng. Tin chắc rằng, không khí trầm mặc vô cùng sâm nghiêm, sẽ để lại trong lòng mỗi thành viên trong đoàn những sự xúc động đậm sâu.
Ngọn núi thứ hai cũng đã cho cả đoàn chúng mình những trải nghiệm vô cùng đặc biệt trong hành trình AN trên đất Nhật, đó chính là Koyasan.
Lúc sinh thời, Hoằng pháp Đại sư lừng danh nước Nhật, Ngài Không Hải đã chọn hẳn ngọn núi Koya (Koyasan – Cao Dã Sơn) để làm thành ‘đại bản doanh’ – là nơi hình thành và phát triển phái Chân Ngôn Tông, là Mật tông Nhật Bản. Koyasan là một ngọn núi linh thiêng nằm ở thế đặc biệt, được bao quanh bởi tám ngọn núi khác, tạo thành thế hoa sen, như một Mandala (đàn tràng) khổng lồ trong tự nhiên. Phái Chân Ngôn Tông được coi như Đông Mật, để phân biệt với Tây Mật là nhánh Mật tông phát triển dọc dài theo dãy núi Hymalaya hiện nay.
Ở đây, xin nhắc lại một chút về lịch sử Phật giáo thời bấy giờ tại Nhật Bản, thời kỳ Heian – thức Bình An. Cùng là hai người bằng hữu, là bạn đồng tu, Ngài Không Hải khi sang Trung Hoa cầu học đạo đã có duyên thọ giáo với đại sư Huệ Quả, học về Mật Tông, khi trở về nước đã lập nên phái Chân Ngôn Tông Nhật Bản. Còn Ngài Tối Trừng sang Trung Hoa lại tiếp cận được với Hoa Nghiêm Tông. Sau khi về nước, Ngài Tối Trừng lập nên Hoa/Huê Nghiêm Tông Nhật Bản. Điều thú vị là, do có sự giao hảo tốt đẹp giữa hai vị thánh tăng này, Mật tông của Chân Ngôn Tông Nhật Bản có một chút ảnh hưởng của phái Huê Nghiêm, và ngược lại, phái Huê Nghiêm Tông Nhật Bản lại mang một chút ảnh hưởng của Mật tông phái Chân Ngôn Tông Nhật Bản. Những điều này tạo ra những nét rất đặc thù nơi Phật giáo Nhật Bản thời kỳ Heian.
Kể từ khi Tổ sư Không Hải chính thức khai sơn Koyasan, cho đến ngày hôm nay, Cao Dã Sơn vẫn tiếp tục là một vùng đất linh thiêng mang ít nhiều yếu tố bí hiểm, đúng như hai tính chất ‘cao’ và ‘dã’ chứa đựng trong tên núi.
Vì Koyasan là trung tâm của Mật tông Nhật Bản, nên chúng mình không ngạc nhiên khi ngay tại tâm điểm núi Koya sừng sững một công trình khổng lồ được sắp xếp chi tiết, tỉ mỉ theo thế trận Đàn tràng – Mandala. Vì là cấu trúc Mandala từ nhân sẽ tỏa ra bốn hướng, nên quần thể Đại Mandala này có bốn đại tháp khác, gọi là Đông Tháp, Tây Tháp, Nam Tháp và Bắc Tháp. Giữa các đại tháp theo đúng các phương còn có nhiều những gian, điện, thờ chư vị Ơn Trên các cõi theo hệ thống tín ngưỡng của Đông Mật. Có cả một kinh luân cỡ đại, mà muốn đẩy được kinh luân xoay chuyển, cần có sức tổng hợp cùng đẩy của vài người. Đây là cũng là một điểm đến vô cùng đặc biệt, trong hành trình.
Bên cạnh đó, chúng mình cũng sẽ được viếng và đảnh lễ Okuno-in (Áo Viện), nơi đặt lăng Tổ Sư Không Hải, đây cũng là một điểm nhấn đặc biệt nhất tại núi Koyasan, cũng được xem như thánh địa linh thiêng nhất của người hành hương Nhật Bản. Thông thường người ta hay gọi nơi này là ‘Nghĩa trang lớn nhất Nhật Bản’, do bao vây quanh khu lăng của Không Hải Đại Sư là một quần thể khổng lồ với hơn 200.000 bia đá tưởng niệm nhiều đời tướng quân, người hoàng gia, những tao nhân mặc khách và danh gia vọng tộc tại đất Nhật, kéo dài qua hàng ngàn năm, từ thế kỷ thứ 9 cho đến hiện tại. Tiếng là ‘nghĩa trang’, nhưng nơi này không hề chứa đựng nhục thân hay thậm chí hài cốt, chỉ là những bia đá, với ước mong những vị này được tỏa bóng an lành từ năng lượng của Ngài Không Hải. Với các Phật tử phái Chân Ngôn Tông, Tổ Sư của họ không chết đi, ngài chỉ đã đi sâu vào định, ở trong lăng mộ, để đợi ngày đức Phật Di Lặc ra đời thì ra khỏi định để tiếp tục cùng Ngài ấy hoằng dương Phật pháp. Vì thế, khi đi dọc dài theo những lối đi đầy rêu phong cổ kính nhưng sạch sẽ tinh tươm đến lạ lùng, hàng trăm ngàn cây cổ tuyết tùng chục người ôm trùng trùng điệp điệp xen lẫn vào trong hàng trăm ngàn bia đá rêu phong trầm mặc với thời gian…
Tất cả tạo ra những cảm giác linh thiêng khó tả. Một chút gì đó xen lẫn giữa cảm nhận rõ nét về sự vô thường, lại vừa có sự khẳng định một cái gì đó về những giá trị tâm linh vẫn tồn tại dài mãi với thời gian.
Không chỉ có hai quần thể thánh địa thiêng liêng Koyasan và Hieizan, ngay trong lòng cố đô Kyoto, chuyến TỊNH Nhật Bản lần này của nhà MayQ Go sẽ đưa bạn đến viếng thăm một số những ngôi chùa linh thiêng được xếp vào hạng ‘Chùa Bổn Môn’, là nơi phát tích các pháp môn quan trọng của Phật giáo Nhật Bản.
_ Đó là chùa Chion-in (Tri Ân Viện), ngôi chùa Bổn Môn phái Tịnh Độ tại Nhật Bản. Người dân Việt Nam vốn đã rất quen thuộc với câu niệm thánh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật”, giờ chúng ta được đến viếng một ngôi chùa quan trọng hình thành phái Tịnh Độ tại Nhật Bản Tông, được cùng nhau trì một thời kinh A Di Đà và niệm hồng danh Ngài tại đây, sẽ là một sự xúc động lớn lao.
_ Đó là một trong những ngôi cổ tự linh thiêng nhất Kyoto: Chùa Diệu Pháp (Myoji), một quần thể chùa cổ với 16 ngôi cổ tự theo Thiên Thai Tông. Trong đó, chúng ta đi vào đảnh lễ tại viện Liên Hoa Vương – Renge-in, ngôi cổ tự bằng gỗ dài nhất Nhật Bản với 33 gian thờ. Nơi đây đặt 1.0001 tôn tượng chư Bồ tát Quan Thế Âm bằng gỗ thếp vàng với những hình tướng và tên gọi khác nhau, cùng các vị Thiên vương hộ vệ, và Lôi thần cùng Phong thần. Năng lượng dạt dào từ những pho tượng cổ bằng đồng tại đây chắc chắn làm nhiều người rung động. Tại đây, chúng ta sẽ cùng nhau có một thời trì Kinh Pháp Hoa, chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi lạc và cảm xúc.
_ Còn có ngôi chùa Katsuo-ji (Thắng Vĩ Tự), tuy không phải là một ngôi chùa dạng Bổn Môn nhưng vẫn được chúng mình đưa vào trong hành trình bởi độ đặc sắc và thanh lành của nơi này. Đây là một ngôi chùa cổ kính trải rộng trên một ngọn núi bốn bề cỏ cây xanh ngát, ở ngoại ô Osaka. Điểm đặc biệt ở ngôi chùa này chính là những chú Daruma (Con lật đật) mô phỏng gương mặt Ngài Bồ Đề Đạt Ma, Tổ Sư đầu tiên của phái Thiền tông. Hàng trăm ngàn chú Daruma từ lớn đến nhỏ xíu được tín đồ muôn phương đến cầu nguyện và đặt lại tại mọi nơi trong khuôn viên chùa tạo nên một khung cảnh vừa dễ thương mà không kém phần thiêng liêng. Chúng ta cũng sẽ có thể thỉnh cho mình một chú Daruma, viết lời ước nguyện của mình lên sau lưng chú, và khấn nguyện tại trước Chánh điện. Sau đó chúng ta tô đen một bên mắt Daruma của mình, mang về nhà và cố gắng tận lực để biến ước nguyện thành hiện thực. Khi nào ước mơ thành, ta sẽ tô nốt con mắt còn lại của Daruma này, và mang gửi Daruma trở lại Chùa nếu bạn muốn. Tại chùa này, chúng ta cũng đến viếng linh đường có chứa xá lợi (phần nhục thân để lại) của Ngài Pháp Nhiên, một vị tổ sư quan trọng phái Tịnh Độ tại Nhật Bản.
Theo tinh thần hòa đồng tôn giáo và tín ngưỡng nói chung, trong mỗi chuyến đi của nhà MayQ, bên cạnh những điểm đến chính là những nơi thuộc về Phật giáo, chúng mình cũng luôn mong muốn đưa các bạn đến thêm một số những địa điểm đặc biệt của tôn giáo hay tín ngưỡng địa phương, để chúng ta được hòa mình vào không khí thiêng liêng cùng với các người dân sinh sống tại các vùng. Với chuyến AN trên đất Nhật lần này, chúng mình chọn một nơi chốn vô cùng đặc sắc, đó chính là quần thể đền thờ Thần đạo Fushimi trên núi Inari.
Quần thể đền thờ này chủ yếu thờ Thần Lúa, Thần Cỏ Cây, nhưng cũng đi kèm khá nhiều các vị thần khác, trong hệ thống tín ngưỡng đa thần của người dân Nhật Bản. Điểm nhận diện của Thần đạo đất Nhật chính là những chiếc cổng màu đỏ cam vuông vức. Tại quần thể đền thờ Fushimi Inari này, bạn có thể đi qua hơn 10.000 chiếc cổng trời đỏ rực như vậy, xếp san sát nhau, kéo dài từ chân lên tới đỉnh núi, trong một lộ trình leo núi khoảng trên dưới 4km, để lên đến đỉnh núi cao khoảng 233 mét.
Thông thường các tour du lịch phổ thông vẫn có thể cho khách đến đây, nhưng họ cho bạn đi loanh quanh dưới chân núi, có thể do thời gian có giới hạn. Còn với chuyến AN này của nhà MayQ, chúng mình dành hẳn thời gian 3-4 tiếng đồng hồ cho các bạn tự mình trèo những bậc thang thấp để đi vòng vèo dần dần lên tới đỉnh núi. Bởi năng lượng của vùng núi này thật trong lành như một bình oxy khổng lồ. Khí hậu mát mẻ, tiếng chim hót ríu ran, tiếng suối trong róc rách…, cùng với sự bầu bạn đồng hành của hơn chục ngàn cổng trời đỏ rực có ghi tên của những người tín tâm cúng dường xây tạo, tất cả tạo nên một cảm giác hừng hực khó tả hết bằng lời. Thêm nữa, cảnh người đi lên đi xuống núi cũng khá nô nức, không đến mức đông ken gây khó chịu nhưng cũng không để bạn có cảm giác bạn cô đơn một mình. Lên đến đỉnh núi, đi vài vòng xung quanh khu vực đảnh lễ trên chỏm núi rồi thong thả tản bộ đi xuống, đó là cả một trải nghiệm đẹp đẽ thư thái mà chúng mình mong bạn không nên bỏ qua.
Tuy vậy, với những người có sức khỏe giới hạn, các bạn cũng không có cơ hội để cảm thấy buồn chán vì phải đợi những người khác leo núi xuống. Xung quanh khu đền thờ này có hàng chục con phố mua sắm đồ địa phương vô cùng tấp nập với hàng trăm gian hàng sinh động hấp dẫn, đủ để bạn ‘quên ngày quên giờ’.
Một trong những đặc thù của nhánh TỊNH của nhà MayQ là bảy phần tu tập, ba phần tham quan vãng cảnh. Vì vậy, với ‘Bảy phần tu tập’ này, không thể thiếu được những thời cộng hưởng, trì kinh kệ… tại các địa điểm đặc biệt. Mỗi ngày, chúng mình đều cố gắng thu xếp cho các bạn tham gia được những thời cộng hưởng đầy lợi lạc như vậy, ngay tại những ngôi chùa linh thiêng này của Nhật Bản. Lần này, bên cạnh quyển Khấn nguyện trợ duyên đã vô cùng quen thuộc với đông đảo khách đi tour nhà MayQ Go, chúng mình chọn chuyên những bản kinh ‘có duyên’ với đất Nhật Bản, cụ thể là Kinh Pháp Hoa, Bát Nhã Tâm Kinh…, kết hợp cùng những thời tĩnh tâm và thiền Ho’Oponopono đầy thân thương. Để rồi, sau chuyến đi, về bạn sẽ cảm nhận lòng mình an yên hơn nhiều lắm, lợi lạc về tinh thần cũng nhận được nhiều lắm, đúng như tinh thần và tiêu chí của nhánh TỊNH nhà MayQ đang hướng đến.
Bên cạnh đó, cũng đừng quên đất nước Nhật Bản là một thiên đường mua sắm, với mênh mông bao la chủng loại từ hàng tiêu dùng, mỹ phẩm… cho đến đồ trợ tâm linh như các miếng charm tinh xảo được các chùa gửi qua lời nguyện lành để các bạn mang về làm quà cho người thân ở nhà. Nên chuyến TỊNH Nhật Bản lần này cũng không thiếu thời gian cho chúng ta tung tăng thưởng thức thú vui mua sắm tại các trung tâm mua sắm nội địa, tha hồ thích nha!
Lịch trình của hành trình TỊNH Nhật Bản 2024 đã sẵn sàng. Mời bạn quan tâm vui lòng sang trang MayQ Go gửi tin nhắn, để team chúng mình hướng dẫn bạn đăng ký nhé.
Mong sớm được gặp gỡ những gương mặt thân thương, quen và mới của nhà MayQ trong chuyến TỊNH tại Nhật Bản lần này.
Gửi niệm lành cho tất cả!
(13.06.2024, MayQ Team)